Nghiên cứu cho thấy 70% người Hồng Kông di cư sang Anh vì lý do chính trị
Gần đây, Bộ Nội vụ Vương quốc Anh đã thông báo rằng, trong hai năm qua, nước này đã tiếp nhận tổng cộng 144,500 người dân Hồng Kông kể từ khi chương trình thị thực Công dân Anh (ở Hải ngoại) (còn gọi là BNO) chính thức được ra mắt vào ngày 31/01/2021. Một cuộc khảo sát gần đây do cộng đồng Hương Cảng ở hải ngoại thực hiện cho thấy gần 70% người Hồng Kông chuyển đến Vương quốc Anh vì những lo ngại về tình hình chính trị, quyền tự do, và an toàn cá nhân. Các học giả mô tả họ là “những người tị nạn chính trị.”
Nền tảng Giáo dục Công dân Hiện đại (Citizens of Our Time Learning Hub), được những người Hồng Kông nhập cư vào Vương quốc Anh thành lập đã thực hiện cuộc khảo sát này cùng với sự phối hợp của công ty truyền thông của người Hồng Kông ở ngoại quốc, The Chaser News. Phiếu khảo sát này được đăng tải trên mạng từ ngày 01/11/2022 đến ngày 29/11/2022. Họ đã nhận về khoảng 822 phiếu khảo sát hợp lệ từ những cư dân từ 16 tuổi trở lên chuyển đến Vương quốc Anh theo Chương trình BNO.
Hôm 31/01, hai học giả nổi tiếng của Hồng Kông sống ở Anh là ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah) và là ông Hoàng Vỹ Quốc (Benson Wong Wai-Kwok) đã tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến. Họ đã công bố báo cáo “Khảo sát hai năm thực hiện Chương trình Thị thực BNO: Người tị nạn chính trị không ngừng cố gắng”.
Cuộc khảo sát cho thấy 69.5% số người được hỏi có bằng đại học trở lên, trong đó 37.3% có bằng cử nhân và 32.2% có bằng thạc sĩ trở lên. Khoảng 14.2% có bằng cao đẳng hoặc bằng tốt nghiệp. Gần 54% số người được hỏi là các bậc cha mẹ có con đang/sắp đi học hoặc các em học sinh đang đi học.
‘Những người tị nạn chính trị’
Cuộc khảo sát này phát hiện rằng gần 70% số người được hỏi đã di cư đến Vương quốc Anh theo Chương trình thị thực BNO vì các lý do: tình hình chính trị ở Hồng Kông (48.7%) hoặc tự do và an toàn cá nhân (21.7%); nền giáo dục và sự phát triển của trẻ em (25.2%).
Ông Chung giải thích rằng con số này cho thấy đa số người Hồng Kông lo lắng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể tẩy não con em họ ở Hồng Kông.
Ông Hoàng nói rằng những người Hồng Kông sở hữu thị thực BNO là “những người tị nạn chính trị” ở một mức độ nhất định.
Khi được hỏi sự kiện nào quan trọng nhất và đáng nhớ nhất đối với người Hồng Kông, hầu hết những người được phỏng vấn đã chọn “Cuộc tấn công Nhà ga Nguyên Lãng ngày 21/07” (68.7%), “Cuộc tấn công Nhà ga Thái tử Edward ngày 31/08” (44.2%), và “Cuộc trấn áp của cảnh sát đối với một cuộc biểu tình lớn phản đối dự luật dẫn độ ngày 12/06” (39.2%); “Cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06/1989” và “Cuộc biểu tình thường niên ngày 01/07/Xông vào Khu liên hợp Hội đồng Lập pháp để phản đối dự luật dẫn độ” (17.8%).
Ông Hoàng tin rằng phong trào chống dự luật sửa đổi luật dẫn độ năm 2019 đã trở thành một ký ức chung không thể xóa nhòa, thậm chí đã trở thành một phần trong đặc trưng nhân dạng của họ; đó cũng là lý do tại sao những người Hồng Kông tản mác đến Vương quốc Anh được gọi là “những người tị nạn chính trị”.
70% người được phỏng vấn đã thích nghi với cuộc sống ở Vương quốc Anh
Về việc làm, hơn 52.1% số người được hỏi đang chủ động về mặt kinh tế, trong đó 42.6% có việc làm và 9.5% tự làm chủ hoặc khởi nghiệp. Khoảng 21.2% số người được hỏi đang tìm kiếm việc làm.
Gần 70% người được hỏi bày tỏ rằng họ đã thích nghi với cuộc sống ở Vương quốc Anh, phần còn lại cho biết họ vẫn chưa thích nghi. Trong số đó, 28.3% nói rằng họ “rất cần” sự trợ giúp về “thông tin dịch vụ y tế”, 28.2% cần “cải thiện khả năng nói tiếng Anh”, 26.2% cần “thêm thông tin về xã hội, chính trị, và hệ thống kinh tế địa phương”, 24.9% cần “tìm kiếm cơ hội việc làm”, và 23.1% cần “làm quen với văn hóa và phong tục địa phương.”
Ông Hoàng cho biết 18.5% số người được hỏi đánh dấu việc trợ giúp về chi phí sinh hoạt là “thực sự cần thiết” hoặc “rất cần thiết”. Điều này phản ánh rằng một số người Hồng Kông sở hữu BNO đang gặp khó khăn về tài chính. Một số người trong số họ buộc phải rời Hồng Kông để tị nạn do những thay đổi trong môi trường chính trị của Hồng Kông.
Cuộc khảo sát này cũng cho thấy những người Hồng Kông sở hữu BNO có kiến thức hạn chế về chính phủ Vương quốc Anh và các hội đồng địa phương. Mặc dù 75% số người được hỏi biết về Chương trình Chào mừng Người Hồng Kông được chính phủ Vương quốc Anh khởi xướng và chương trình Hỗ trợ Anh ngữ (ESOL), nhưng chưa đến một nửa số người được hỏi biết về các hoạt động hội nhập và trợ giúp người nghèo do Hội đồng Địa phương cung cấp. Thậm chí có 10.7% số người được hỏi chưa từng nghe ai nói về bất kỳ biện pháp nào giúp đỡ cho người Hồng Kông.
Một số người được hỏi cảm thấy áy náy khi rời Hồng Kông
Bảng khảo sát này mời những người được hỏi cho biết cảm xúc của họ sau khi sống ở Vương quốc Anh. Một số người được phỏng vấn bày tỏ cảm xúc của họ là vui vì Vương quốc Anh có quyền tự do ngôn luận. Một số thì cảm thấy cô đơn vì chưa quen với cuộc sống ở Vương quốc Anh, một số lo lắng về tình hình tài chính và chi phí sinh hoạt hàng ngày, chưa quen với cái lạnh mùa đông và bất đồng ngôn ngữ.
Nie Law, Shan Lam và Nathan Amery thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times