Cơ quan giáo dục cảnh báo các trường đại học Anh về sự phụ thuộc tài chính vào sinh viên Trung Quốc và Viện Khổng Tử
Hôm thứ Năm (18/05), một cơ quan quản lý giáo dục đại học đã cảnh báo rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào sinh viên Trung Quốc và các sinh viên quốc tế khác đã khiến các trường đại học của Anh Quốc gặp rủi ro về tài chính.
Văn phòng Sinh viên (OfS) cho biết họ đã viết thư cho các trường đại học có rủi ro cao, yêu cầu họ đưa ra các kế hoạch dự phòng để bảo vệ sự bền vững tài chính của họ.
Cảnh báo đó được đưa ra khi một tổ chức tư vấn về vấn đề Trung Quốc cho biết họ đã viết thư cho các cơ quan quản lý và các trường đại học đang tiếp nhận các Viện Khổng Tử do nhà nước Trung Quốc tài trợ để bảo đảm một luật mới sẽ được thi hành nếu các viện này không bảo vệ được quyền tự do ngôn luận và tự do học thuật.
Việc quá phụ thuộc vào sinh viên ngoại quốc là một ‘rủi ro chính’
Trong một báo cáo (pdf) về tính bền vững tài chính của các nhà cung cấp giáo dục đại học ở Anh, OfS cho biết một trong những rủi ro chính mà các nhà cung cấp này phải đối mặt là sự phụ thuộc vào việc tuyển dụng sinh viên quốc tế, “đặc biệt là từ một quốc gia duy nhất như Trung Quốc.”
Số lượng tân sinh viên từ Ấn Độ đã bắt đầu vượt xa sinh viên Trung Quốc trong năm vừa qua, cả ở Vương quốc Anh và các nước nói tiếng Anh khác, khi các trường đại học tìm cách đa dạng hóa thu nhập của họ, nhưng OfS cho biết phân tích mới nhất của họ cho thấy lĩnh vực này và một số nhà cung cấp đặc biệt, tiếp tục dựa vào học phí từ sinh viên Trung Quốc.
Báo cáo này cho biết so với các nhà cung cấp chuyên sâu về giảng dạy hoặc chuyên môn, các nhà cung cấp nghiên cứu chuyên sâu lớn đang tuyển sinh “số lượng đáng kể sinh viên ngoại quốc, đặc biệt là từ Trung Quốc, và thường là các khóa học thạc sĩ về giảng dạy sau đại học kéo dài một năm.”
Theo bài phân tích dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Giáo dục Đại học của tờ báo The Times tại London, 144 trường đại học của Anh có sinh viên đến từ Trung Quốc trong năm học 2020/2021, từ mức 0.03% tổng số sinh viên đến gần một nửa (45.64%) tổng số sinh viên, và các thành viên của Tập đoàn Russel danh tiếng đã đại diện cho 11 trong số 15 trường đại học có tỷ lệ sinh viên đến từ Trung Quốc cao nhất.
OfS cũng cho biết một số nhà cung cấp đã “dự báo sự tăng trưởng đáng kể về số lượng sinh viên ngoại quốc.”
Cơ quan này cảnh báo về “tác động đáng kể” có thể xảy ra của “bất kỳ sự kiện nào làm giảm lưu lượng sinh viên như vậy,” chẳng hạn như một môi trường địa chính trị thay đổi, và yêu cầu các nhà cung cấp có rủi ro cao đưa ra các kế hoạch dự phòng.
Học phí sinh viên chỉ là một phần trong nguồn thu nhập đến từ Trung Quốc của các trường đại học. Thông tin được thu thập thông qua các yêu cầu về Đạo luật Tự do Thông tin của The Epoch Times trước đây đã phát hiện ra rằng “một số lượng đáng kinh ngạc các trường đại học ở Vương quốc Anh” đã “nhận hàng triệu bảng Anh” từ các nhà tài trợ Trung Quốc từ năm 2018 đến năm 2022, trong đó có các công ty bị các quốc gia khác đưa vào danh sách đen vì lo ngại về an ninh quốc gia, chẳng hạn như đại công ty viễn thông Huawei.
Viện Khổng Tử
Báo cáo của OfS được đưa ra một tuần sau khi một luật mới được thông qua, điều mà tổ chức tư vấn Minh bạch Trung–Anh (UK–China Transparency) cho rằng có khả năng đã trao cho các cơ quan quản lý đủ thẩm quyền để đóng cửa các Viện Khổng Tử ở Anh.
Hôm thứ Năm (18/05), tổ chức Minh bạch Trung-Anh cho biết rằng tổ chức này sẽ viết thư cho các cơ quan quản lý trường đại học, OfS, các trường Đại học tại Vương quốc Anh, và Ủy ban Nhân quyền và Bình đẳng, để chia sẻ những phát hiện của họ và “bảo đảm luật này được thi hành.”
Một bài đăng trên Twitter từ tổ chức tư vấn này cho biết họ cũng sẽ cung cấp dữ liệu và thông tin cho “các học giả và sinh viên nào muốn thấy hành động về việc này.”
Viện Khổng Tử là các tổ chức do nhà nước Trung Quốc tài trợ tổ chức các khóa học tiếng Quan thoại và tạo điều kiện cho các sự kiện văn hóa trên khắp thế giới, nhưng họ cũng bị cáo buộc kiểm duyệt ngôn luận, phân biệt đối xử với các dân tộc thiểu số Trung Quốc, tuyên truyền tư tưởng cộng sản, và gây ảnh hưởng quá mức đối với các tổ chức chủ quản của họ.
Có 30 Viện Khổng Tử ở Vương quốc Anh, số liệu cao nhất trên thế giới sau khi hầu hết các chi nhánh của Hoa Kỳ bị đóng cửa sau quyết định của chính phủ cựu Tổng thống Trump về việc chỉ định Trung tâm của Viện Khổng Tử Hoa Kỳ là Cơ quan đại diện ngoại quốc.
Hôm thứ Ba (16/05), Downing Street xác nhận Thủ tướng Rishi Sunak đã từ bỏ một cam kết mà ông đã đưa ra trong chiến dịch lãnh đạo của mình là đóng cửa các Viện Khổng Tử ở Anh. Tuy nhiên, ông Sam Dunning, giám đốc Tổ chức Minh bạch Trung-Anh, nói với The Epoch Times rằng Đạo luật (Tự do Ngôn luận) Giáo dục Đại học mới có đủ khả năng để đóng cửa các viện nào không bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Anh.
Ông Dunning cho hay trước đây, tổ chức tư vấn này đã tìm thấy bằng chứng cho thấy nhân viên của các viện từ Trung Quốc đã được “tuyển dụng dựa trên khả năng ‘thi hành kỷ luật của ĐCSTQ’ ở hải ngoại, buộc họ phải can thiệp vào cuộc sống tại trường đại học và gây ra một mối đe dọa cho bất kỳ ai có quyền công dân hoặc gia đình ở Trung Quốc,” vốn là “một mối đe dọa nghiêm trọng mang tính hệ thống đối với tự do học thuật và sự an toàn của các thành viên đại học ở Anh.”
Trong một bài báo mới (pdf) được xuất bản hôm thứ Năm, Tổ chức Minh bạch Trung-Anh cho biết các biện pháp trong luật mới về quyền tự do ngôn luận “có một tác động mạnh mẽ đến chương trình của Viện Khổng Tử.”
Bài báo kể trên cho hay theo luật mới này, các trường đại học phải thực hiện các bước để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do học thuật của tất cả các thành viên, sinh viên, và nhân viên.
Bài báo này còn cho biết thêm OfS cũng được yêu cầu giám sát nguồn tài trợ ngoại quốc của các trường đại học và “đánh giá mối đe dọa do các thỏa thuận liên quan đến nguồn tài trợ ngoại quốc đối với tự do học thuật và tự do ngôn luận.”
Bản tin có sự đóng góp của Patricia Devlin
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times