Chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm duyệt trực tuyến, trấn áp những người có ảnh hưởng
Cơ quan Quản lý Không gian mạng (CAC) của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu một cuộc “thanh trừng” kéo dài hai tháng để kiểm soát chặt chẽ việc phổ biến thông tin trên mạng Internet của Trung Quốc và tăng cường kiểm duyệt các ký giả công dân ở trên mạng. Hành động này đã làm dấy lên những cuộc bàn luận sôi nổi trong cộng đồng mạng.
Một người có ảnh hưởng và nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của các quy tắc kiểm duyệt mới được thắt chặt hôm 15/03 này.
Trong “Thông báo về việc Thực hiện Hành động Đặc biệt nhằm ‘Thanh trừng và Chỉnh đốn nghiêm tình trạng Hỗn loạn của Báo chí Công dân’” của mình, CAC đã tuyên bố hôm 12/03 rằng họ sẽ tăng cường kiểm soát và quản lý “toàn bộ quy trình và toàn bộ chuỗi” thông tin trên mạng.
Thông báo trên cho biết cơ quan quản lý không gian mạng này sẽ dành kinh phí để tăng cường giám sát trực tuyến cái gọi là báo chí công dân. Họ cũng sẽ tập trung vào việc kiểm soát “mạng xã hội, video ngắn, webcasting (phát sóng trực tiếp), và các loại nền tảng trực tuyến khác”, đồng thời “kiên quyết trấn áp và trừng phạt nghiêm khắc những người vi phạm.”
Chính quyền Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với công an và tăng cường kiểm duyệt trực tuyến trong các lĩnh vực như ghi danh tài khoản, hoạt động, và chặn tài khoản của các ký giá công dân.
Thông báo này đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trong cộng đồng cư dân mạng. Người dùng Twitter @wu_inoue đã viết: “ĐCSTQ bắt đầu đàn áp những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội rồi đây!”
Một người dùng khác lấy tên là “Cô Đông Bảo Bối” viết, “Ở đâu ra phương tiện truyền thông cho phép dân thường lên tiếng cơ chứ?”
Người có ảnh hưởng bị cấm trên tất cả các nền tảng của Trung Quốc
Hôm 15/03, tài khoản của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc Chu Lập Ba (Zhou Libo) đã bị đình chỉ trên tất cả các nền tảng lớn của Trung Quốc, trong đó có cả tài khoản Sina Weibo của ông, với 34,65 triệu người theo dõi và tài khoản Toutiao của ông, với 2,93 triệu người theo dõi.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng lý do trực tiếp của lệnh cấm này là do ông đã đăng một bài viết chống Nga hôm 12/03:
“‘Putin Đại đế!’ ‘Dân tộc Quật cường!’ Thật không hiểu nổi tại sao có một số người Trung Quốc cứ hay sử dụng những mỹ từ này để ca tụng nước Nga? Phải chăng là vì Nga (tức Liên Xô) khi xưa đã bắt nạt chúng ta?! Hay là vì họ đã chiếm 5 triệu kilômét vuông (1.93 triệu dặm vuông) đại giang sơn của Trung Quốc đến nay còn chưa trả lại?! Họ đã suy yếu rồi! Vậy mà các vị vẫn tôn thờ họ sao? Hữu nghị thì được, còn nịnh hót thì thôi đi.”
Bài đăng này cũng đính kèm một bản đồ trước năm 1949 của Trung Hoa Dân Quốc, vốn có diện tích lớn hơn đáng kể so với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay. Ông viết bên cạnh tấm bản đồ: “Hãy ghi nhớ tấm bản đồ này! Một ngày nào đó lãnh thổ của Trung Quốc sẽ trở lại hình dáng ban đầu! Đó mới là sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa!”
Nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tần Bằng (Qin Peng) nói với NTD, dù có tinh thần ái quốc trong bài đăng của mình, nhưng ông Chu Lập Ba vẫn bị kiểm duyệt vì ngôn từ đó không phù hợp với luận điệu của chế độ cộng sản Trung Quốc.
“Trong tuyên truyền bấy lâu nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chưa bao giờ có sự phân biệt giữa đảng và quốc gia,” ông Tần nói. “Yêu Đảng và yêu nước cần phải vô điều kiện. Quý vị chỉ có thể yêu một mình đảng [ĐCSTQ], và tình yêu dành cho đảng cũng có nghĩa là quý vị phải thù ghét những người hoặc đất nước mà đảng muốn quý vị thù ghét.”
Ông Tần cho biết sự im lặng của ông Chu trên tất cả các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc cho thấy lệnh cấm này hẳn là phải là do một quan chức cao cấp của Cơ quan Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc chỉ thị xuống, chứ không phải là quyết định của một quản trị viên nội bộ của một trang web cụ thể nào.
Mặc dù ĐCSTQ đã thành công trong việc biến Internet của Trung Quốc thành mạng nội bộ lớn nhất thế giới thông qua kiểm duyệt và kiểm soát, nhưng cũng không thể nào bịt miệng hoàn toàn dân chúng, nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Hoa Kỳ và cộng tác viên của Epoch Times, ông Vương Hách (Wang He), cho biết hôm 15/03.
“Giờ đây sự bất mãn bao trùm công chúng, bao gồm cả những người trong hệ thống của ĐCSTQ, và tất cả các loại thông tin nội bộ đang lần lượt được tiết lộ cho người dân,” ông Vương nói. Thông tin đó phần lớn là về “các chính sách, tình hình kinh tế, các thảm họa lớn, các sự kiện xã hội quan trọng, v.v.” ảnh hưởng đến lợi ích chung của nhân dân.
“Những điều này đã trở thành chủ đề nóng với hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ lượt truy cập trên Internet, tạo ra rất nhiều áp lực dư luận đối với chính quyền này.
“Lần này, ĐCSTQ tập trung vào việc trấn áp các ký giả công dân vì họ cảm thấy sợ hãi, vì vậy họ đã tăng cường đàn áp theo bản năng,” ông Vương nói. “Toàn bộ lối tư duy và chính sách của đảng này là hung hãn và cứng nhắc. Vậy thì đâu sẽ là kết cục cuối cùng?
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times