Trung Quốc bắt giữ nhà xuất bản cư trú tại Đài Loan phát hành sách chỉ trích ĐCSTQ
Hôm thứ Tư (26/04), các quan chức Trung Quốc xác nhận rằng một nhà xuất bản sách cư trú tại Đài Loan đã bị bắt giữ khi đến thăm Thượng Hải. Các quan chức Đài Loan cho biết diễn biến này thể hiện mối đe dọa của chế độ cộng sản đối với hòn đảo tự trị.
Ông Lý Diên Hạ (Li Yanhe), được biết đến với bút danh Phú Sát (Fu Cha), sinh ra ở Trung Quốc nhưng sinh sống ở Đài Loan từ năm 2009. Ông từng là tổng biên tập của Nhà xuất bản Văn hóa Bát Kỳ (Gusa Publishing), một công ty đã phát hành những cuốn sách chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hồi tháng Ba, ông Lý tới Thượng Hải để thăm người thân, nhưng bạn của ông sau đó đã mất liên lạc với ông. Những lo ngại về sự an nguy và tung tích của ông Lý gia tăng sau khi có tin tức trong tuần qua (24-30/04) rằng công an Trung Quốc đã bí mật giam giữ ông.
Hôm thứ Tư (26/04), các quan chức Trung Quốc đã xác nhận việc giam giữ ông Lý. Bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), một phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Bắc Kinh, nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng ông Lý đang bị điều tra “vì bị tình nghi tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.”
“Việc giam giữ nhà xuất bản kiêm người chủ trì chương trình phát thanh Lý Diên Hạ là một ví dụ khác về sự thiếu khoan dung đến nghẹt thở của Trung Quốc đối với tự do báo chí,” cô Từ Nhược (Iris Hsu), đại diện Trung Quốc tại Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), cho biết. “Chính quyền Trung Quốc phải ngừng buộc tội an ninh quốc gia đối với cả các ký giả ngoại quốc lẫn địa phương.”
Thông báo của Bắc Kinh được đưa ra cùng ngày cơ quan lập pháp trên danh nghĩa của Trung Quốc thông qua một luật chống gián điệp được sửa đổi, mở rộng định nghĩa về gián điệp đối với “tất cả các tài liệu, dữ liệu, tài liệu vật lý hoặc vật phẩm liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia,” Tân Hoa Xã đưa tin. Nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng luật này không chỉ rõ những gì thuộc an ninh quốc gia, cho thấy luật này có thể mang lại nhiều rủi ro hơn cho các doanh nghiệp và ký giả ngoại quốc ở Trung Quốc.
Ông Lý không phải là người đầu tiên bị giam giữ sau khi phát hành những cuốn sách bị cấm ở Trung Quốc. Năm 2015, năm nhà xuất bản và nhân viên của Nhà sách Vịnh Đồng La (Causeway Bay Books), một hiệu sách ở Hồng Kông nổi tiếng với việc bán các sách báo chỉ trích lãnh đạo ĐCSTQ, đã bị đưa qua biên giới và bị giam giữ ở đại lục. Người nổi tiếng nhất trong số họ, công dân Thụy Điển Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), bị buộc tội “cung cấp thông tin tình báo” ở hải ngoại và hiện đang thụ án 10 năm tù.
Ông Lý, 52 tuổi, sinh ra ở tỉnh Liêu Ninh thuộc phía bắc Trung Quốc. Ông kết hôn với một phụ nữ Đài Loan và chuyển đến hòn đảo này vào năm 2009.
Trên hòn đảo được quản lý theo quy trình dân chủ này, ông Lý thành lập Nhà xuất bản Văn hóa Bát Kỳ, nơi đã in nhiều bản dịch tiếng Trung Quốc, bao gồm cả sách lịch sử hoặc chính trị không có cơ hội được phát hành ở Trung Quốc.
Các bản dịch do Bát Kỳ phát hành bao gồm “Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương: 70 năm dưới sự cai trị của cộng sản Trung Quốc,” một phân tích tiết lộ những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ của ông Jun Kumakura, giáo sư phụ tá tại Đại học Hosei của Nhật Bản. Bát Kỳ cũng đã phát hành ấn bản tiếng Trung của cuốn sách “Cộng hòa Nhân dân mất trí nhớ: Tái hiện Thiên An Môn”, một cuốn sách nói về cuộc đàn áp tước đi sinh mạng của các sinh viên tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 1989 của ký giả từng đạt giải thưởng Louisa Lim.
Việc giam giữ ông Lý cho thấy “ĐCSTQ đã trực tiếp nhúng tay vào ngành xuất bản ở Đài Loan bằng cách đàn áp quyền tự do ngôn luận và tự do xuất bản,” ông Lý Minh Triết (Lee Ming-che), một nhà hoạt động nhân quyền từ Đài Loan, người trước đó đã bị bỏ tù năm năm ở Trung Quốc, cho biết trên Facebook.
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã bắt giữ một số người Đài Loan trong bối cảnh tăng cường áp lực chính trị, ngoại giao, và quân sự đối với Đài Bắc. Đơn cử, hôm 24/04, công an Trung Quốc đã chính thức bắt giữ ông Dương Trí Uyên (Yang Chih-yuan), một nhà hoạt động chính trị người Đài Loan, với tội danh “ly khai”. Ông Dương bị bắt hồi tháng 08/2022, vài giờ sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ đương thời Nancy Pelosi kết thúc chuyến thăm Đài Loan.
ĐCSTQ tuyên bố hòn đảo tự trị này là lãnh thổ của riêng mình và sẽ chiếm giữ Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết.
Chủ nhiệm Hội đồng Các vấn đề Đại lục (MAC) của Đài Loan Khâu Thái Tam (Chiu Tai-san) cho biết việc giam giữ ông Lý và ông Dương cho thấy ĐCSTQ đang “mở rộng quyền tài phán” của họ sang Đài Loan.
“Có hơi hướng răn đe trong việc này, và đó là một màn đàn áp của [ĐCSTQ],” ông Khâu nói tại Đài Bắc hôm 26/04.
Các nhà văn, dịch giả, và các nhóm vận động nhân quyền ở ngoại quốc đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Lý.
“Ở Đài Loan, tự do ngôn luận, tự do xuất bản, và tự do học thuật giống như không khí chúng ta hít thở. Các quyền này là một phần trong cuộc sống hàng ngày của mọi độc giả, mọi tác giả, mọi dịch giả, và mọi biên tập viên,” một nhóm gồm 40 nhà văn và nhân viên của Nhà xuất bản Văn hóa Bát Kỳ cho biết trong một tuyên bố chung.
“Chúng tôi tin rằng ông Phú Sát không phạm tội gì khi hưởng dụng các quyền tự do ngôn luận và xuất bản,” bức thư ngỏ viết. “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc lập tức trả tự do cho ông Phú Sát để ông ấy có thể trở về với gia đình thân yêu và công việc xuất bản của mình.”
Bà Angeli Datt, trưởng nhóm vận động và nghiên cứu về Trung Quốc của PEN America, đã mô tả việc giam giữ ông Lý là “một nỗ lực thái quá nhằm bịt miệng công việc của Nhà xuất bản Văn hóa Bát Kỳ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục cố gắng dập tắt quyền tự do ngôn luận bên ngoài biên giới của mình.”
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times