Lãnh sự quán Hoa Kỳ phản ứng trước cảnh báo của nhà ngoại giao Trung Quốc về việc vượt qua ‘lằn ranh đỏ’ chính trị
Hôm 23/02, ông Lưu Quang Nguyên (Liu Guangyuan), ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông, đã gặp Tổng lãnh sự Hoa Kỳ Gregory May để phàn nàn về việc ông May đã có “những phát ngôn và hành động không phù hợp can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông,” theo một phát ngôn viên của văn phòng ủy viên.
Trong cuộc gặp trên, Ủy viên Lưu tuyên bố “ba lằn ranh đỏ” mà lãnh sự quán Hoa Kỳ không nên vượt qua, đó là gây nguy hiểm cho “an ninh quốc gia của Trung Quốc, không can thiệp chính trị vào Hồng Kông, và không vu khống hoặc làm tổn hại đến triển vọng phát triển của Hồng Kông,” theo một tuyên bố được đưa ra.
Một phát ngôn viên của Lãnh sự quán Hoa Kỳ cho biết mặc dù không bình luận chung về các cuộc gặp ngoại giao mang tính riêng tư, nhưng họ không “ngại bày tỏ công khai và riêng tư mối lo ngại sâu sắc của Hoa Kỳ về sự xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông,” theo một tuyên bố cung cấp cho các hãng truyền thông.
Mối bang giao của Hoa Kỳ và Hồng Kông vẫn căng thẳng sau khi [chính quyền Hồng Kông] ban hành luật an ninh quốc gia, vốn được sử dụng để hạn chế quyền tự do báo chí và quyền biểu đạt của người dân. Để đối phó với luật này, Hoa Kỳ đã rút lại một số đặc quyền được cấp cho Hồng Kông, khiến việc xuất cảng công nghệ nhạy cảm của Mỹ sang Hồng Kông trở nên khó khăn hơn. Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức cao cấp quản lý lãnh thổ này, bao gồm cả ông Lý Gia Siêu (John Lee), lãnh đạo hiện tại của thành phố này.
Trưởng Đặc khu Lý nằm trong số 11 quan chức Bắc Kinh và Hồng Kông bị Hoa Thịnh Đốn trừng phạt vào năm 2020 trong bối cảnh họ bị cáo buộc “làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông và hạn chế quyền tự do biểu đạt hoặc hội họp của công dân Hồng Kông” sau khi áp đặt luật an ninh quốc gia.
Kể từ khi Luật An ninh Quốc gia (NSL) ra đời, nhiều người Hồng Kông cảm thấy bị đe dọa vì lằn ranh đỏ chính trị này không thực sự rõ ràng. Ngoài ra, kể từ khi ĐCSTQ khai triển NSL tại Hồng Kông vào năm 2020, các vụ kiện liên quan đến HKNSL đều được các thẩm phán luật an ninh quốc gia do Trưởng đặc khu bổ nhiệm giải quyết, và tòa án giữ nguyên quyết định vì không có bồi thẩm đoàn tại các phiên tòa xét xử an ninh quốc gia.
Hôm 25/01, ông Gregory May, người nhậm chức tại Hồng Kông hồi tháng 09/2022, đã bày tỏ lo ngại về pháp quyền của thành phố này sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia vào năm 2020. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ đã buộc tội ông May phỉ báng hệ thống pháp luật của thành phố này và tìm cách phá rối thành phố.
Tham dự một hội thảo trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn hồi tháng trước, ông May cho biết cách giải thích gần đây của Bắc Kinh về luật an ninh quốc gia “có thể làm suy yếu thêm tính độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông”.
Ông cho biết hơn 15,000 công dân Mỹ đã rời Hong Kong và chuyển đến các thành phố khác trong hai năm qua.
Ông nói với các đại diện rằng hệ thống pháp luật của Hồng Kông bị đe dọa bởi đại lục. Ông cho biết cách giải thích gần đây của Bắc Kinh về luật an ninh quốc gia “có thể làm suy yếu hơn nữa tính độc lập của hệ thống tư pháp của Hồng Kông.”
Ông cũng cáo buộc chính phủ Hồng Kông cắt giảm quyền tự do báo chí kể từ khi áp đặt ban hành NSL để đáp trả các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2019. Ông bày tỏ lo ngại về các quyền tự do bị giảm sút ở Hồng Kông và cho biết danh tiếng là một trung tâm thương mại của thành phố này phụ thuộc vào việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và pháp quyền.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times