Hồng Kông: Con đường phức tạp phía trước dành cho những người ủng hộ phe kiến chế
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Sarah Liang của Epoch Times, Giáo sư Joseph Lian, một nhà kinh tế học từng là cố vấn cao cấp tại Cơ quan Chính sách Trung ương của Hồng Kông nhận xét rằng làn sóng di cư thực sự của Hồng Kông sẽ đến trong năm nay và năm sau, trong đó 70% người di cư sẽ đến từ những người ủng hộ “màu vàng” (ủng hộ dân chủ) và 30% đến từ những người ủng hộ “màu xanh” (phe kiến chế: những tổ chức, cá nhân có lập trường giống với chính quyền Hồng Kông và Trung Quốc).
Việc những người ủng hộ “màu vàng” rời bỏ thành phố là điều dễ hiểu vì tự do và dân chủ đã suy biến thành những từ cấm kỵ trong lãnh thổ này, nhưng đối với những người ủng hộ “màu xanh,” những người được cho là yêu nước Trung Quốc mãnh liệt, đào thoát khỏi thành phố này đến “các quốc gia đế quốc” cùng với tất cả tiền bạc và gia đình của họ – họ có nên bị lên án về mặt đạo đức không?
Câu hỏi này cần được xem xét trong bối cảnh mối quan hệ 180 năm giữa Hồng Kông và Trung Quốc.
Nhiều người Hồng Kông coi Trung Quốc là quê hương của họ, nhưng mối quan hệ của quốc gia này với Hồng Kông ngay từ đầu đã phức tạp, và “lòng yêu nước” không bao giờ là một đáp án đơn giản. Ở giai đoạn sơ khai, Hồng Kông, một thành phố của dân nhập cư, đã trải qua hai diễn biến tiên lượng được.
Lần thứ nhất, sự mở cửa của Hồng Kông hồi năm 1841 đã thu hút nhiều người Trung Quốc đại lục bị gạt ra ngoài lề và phải vật lộn vì cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ Nhất giữa Anh Quốc và Trung Quốc (1839-1842). Tuy nhiên, Anh Quốc đã chiến thắng trong cuộc chiến vẫn được coi là “man rợ” đó và những người giúp xây dựng thuộc địa mới bị coi là “những kẻ phản bội.” Tài sản của họ ở Hồng Kông đã bị những kẻ chủ mưu từ Quảng Đông trong Chiến tranh Nha phiến lần thứ Hai (1856-1860) đốt sạch.
Lần thứ hai, Hồng Kông đã phát triển thành thiên đường cho những người Trung Quốc di cư sau Cuộc nổi dậy Thái Bình, vào giữa thế kỷ 19 (1850-1864), khi dòng người Trung Quốc tị nạn khổng lồ di chuyển qua Hồng Kông đến các quốc gia như Mỹ, nơi có các mỏ vàng được phát hiện ở California. Các ngành kinh doanh như đóng tàu, giao nhận cảng, tài chính và chuyển tiền, và khách sạn, nở rộ ở Hồng Kông. Điều này được thực hiện hoàn chỉnh bởi mạng lưới Trung Quốc quốc tế rộng lớn mà trong đó Bệnh viện Tung Wah, một bệnh viện từ thiện Trung Quốc ở Hồng Kông, đóng một vai trò không thể thiếu được.
Sự đối kháng được đề cập ở điểm đầu tiên được tiếp tục thông qua cuộc Tổng đình công và Tẩy chay Quảng Châu-Hồng Kông (1925-1926), trong đó những người cộng sản Trung Quốc gắn cho Hồng Kông là “bến cảng hôi thối” thay vì dịch theo nghĩa đen của nó là “hương cảng.” Sự đối kháng cũng đã xuất hiện trong cuộc Bạo loạn năm 1967, và tiếp tục cho đến ngày nay khi truyền thông Trung Quốc đại lục ma quỷ hóa Hồng Kông.
Xu hướng di cư liên tục như đã đề cập ở điểm thứ hai cung cấp một con đường rút lui cho người Hồng Kông trong trường hợp thành phố biên giới này phải đối mặt với những khó khăn bất ngờ, như đại dịch COVID 19, ngay lúc này. Tác động tổng hợp của chúng là làm cho bản sắc Trung Quốc có thể thương lượng.
Người ta đương nhiên phải nhắc đến khái niệm “lòng trung thành kép” khi nhắc đến Tung Wah. Đọc lịch sử của bệnh viện này, người ta có thể dễ dàng nhận ra những giám đốc đó vốn đều là giới tinh hoa của Trung Quốc ở Thuộc địa, mặc sắc phục chính thức của triều đại nhà Thanh trước khi triều đại này bị lật đổ năm 1912—một dấu hiệu không thể nhầm lẫn về lòng trung thành của họ đối với Trung Quốc. Một dấu hiệu khác là nhiều thẻ gỗ khắc tên họ là quà tặng của các nhà cai trị Trung Quốc kế tiếp trước năm 1949, mà hiện là một bộ sưu tập có giá trị trong bảo tàng của bệnh viện. Với tư cách là đại diện của Trung Quốc tại Thuộc địa, họ tìm kiếm sự công nhận từ các nhà lãnh đạo Hồng Kông của Anh Quốc và bất kỳ ai đang nắm quyền ở Trung Quốc, để bảo đảm địa vị xã hội và lợi ích của họ.
Sau năm 1949, sự trung thành kép này trở nên phức tạp do sự chia cắt Trung Quốc thành hai chế độ thù địch lẫn nhau—Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nghịch lý thay, điều này lại gieo mầm cho sự sụp đổ của lòng trung thành. Vì ĐCSTQ đã không công nhận “các hiệp ước bất bình đẳng” và yêu cầu những người ủng hộ mình gạt bỏ sự cai trị thuộc địa của Anh Quốc. Kể từ đó cho đến ngày nay, người dân Hồng Kông đã được khuyến khích mạnh mẽ chỉ giữ lại bản sắc Trung Quốc/ĐCSTQ, và điều này càng được nhấn mạnh hơn nữa kể từ khi bàn giao năm 1997.
Người Hồng Kông được cho là sẽ không nói một cách tích cực (thậm chí là trung lập) về cựu chủ nhân thuộc địa của họ, về tất cả các vấn đề. Điều này bao gồm cả về phương diện lịch sử (như đã thấy trong việc xóa đề cập Hồng Kông là thuộc địa của Anh Quốc trên trang web chính thức của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông gần đây). Tất cả những điều này định hình nên các giá trị của những người ủng hộ phe kiến chế và bản sắc duy nhất của họ đối với Trung Quốc (với ĐCSTQ ở trung tâm) và chống chủ nghĩa đế quốc (nếu không thì là chống ngoại bang trong một số trường hợp).
Bên cạnh tính hạn chế cao, thì vị trí của tập đoàn thống trị có thể tạo ra trở ngại nếu đặt dưới sự thử thách của chủ nghĩa Marx cổ điển về nhà nước. Lý thuyết này cho rằng nhà nước là sản phẩm của sự đối kháng giai cấp, và với tư cách là một hiện tượng lịch sử thì nó sẽ biến mất sau khi “giai cấp” biến mất. Theo đó, việc yêu đất nước của một người cũng là một hiện tượng lịch sử về bản chất và do đó có điều kiện. Quan trọng hơn, có thể là nghịch lý khi tình yêu đất nước của một người có thể có nghĩa là tình yêu đối với bộ máy bóc lột do giai cấp bóc lột độc chiếm, đặc biệt là khi nhà nước nằm dưới quyền, hoặc nhân danh chủ nghĩa xã hội.
Ngoài ra, những người ủng hộ phe kiến chế ít sẵn sàng thừa nhận hơn rằng chủ nghĩa Marx cổ điển mang đặc trưng của chủ nghĩa quốc tế hơn là chủ nghĩa dân tộc, điều này được minh họa rõ nhất bằng câu trích dẫn nổi tiếng của Tuyên ngôn Cộng sản năm 1848 luôn được in ở trang trước trang tiêu đề của tất cả các tác phẩm của chủ nghĩa Marx: “Công nhân của thế giới, đoàn kết!”
Những người ủng hộ phe kiến chế sẽ giải quyết những vấn đề ý thức hệ rắc rối này như thế nào là điều đáng suy nghĩ nghiêm túc đối với các ký giả, các nhà khoa học xã hội, và các sử gia tương lai.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Hans Yeung là một cựu quản lý tại Cơ quan Kiểm tra và Đánh giá Hồng Kông, chuyên về đánh giá lịch sử. Ông cũng là một nhà sử học chuyên về lịch sử Hồng Kông và Trung Quốc hiện đại. Ông là nhà sản xuất và người dẫn các chương trình về lịch sử Hồng Kông và là người phụ trách chuyên mục cho các hãng truyền thông độc lập. Ông hiện đang sống cùng với gia đình ở Vương Quốc Anh. Email: [email protected]