Cuộc trấn áp của Trung Quốc ở Hồng Kông thúc đẩy di cư, hủy hoại tự do báo chí (Phần 2/2)
Mời quý vị đón đọc Phần 1 của loạt bài viết hai phần này tại đây.
Hôm 01/03, ông Paul Harris, một chuyên gia nhân quyền quốc tế nổi tiếng đồng thời là cựu Chủ tịch Công hội Đại Luật sư Hồng Kông, đã rời Hồng Kông cùng gia đình một ngày sau khi được Cục An ninh Quốc gia của Cảnh sát Hồng Kông thẩm vấn vì một “tuyên bố mang tính cảnh báo.”
Lúc 11 giờ sáng hôm 01/03, ông Harris được hai người đàn ông mặc bộ suit hộ tống đến trụ sở Cảnh sát Quận Toan Tể để thẩm vấn. Ông rời đi sau khoảng hai giờ. Theo các nguồn tin, cuộc gặp này có liên quan đến Cơ quan Giám sát Nhân quyền Hồng Kông, một tổ chức phi chính phủ do ông Harris thành lập. Có thông tin cho rằng ông đã bị Cục An ninh Quốc gia của cảnh sát “cảnh báo gặp mặt” vì nghi ngờ vi phạm Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông. Trong cuộc thẩm vấn, họ đề nghị ông lý giải về hành vi được cho là vi phạm an ninh quốc gia của mình.
Hôm 02/03, một số tờ báo ở Hồng Kông đưa tin rằng sau khi bị cảnh sát thẩm vấn một ngày trước đó, ông Harris đã lên một chuyến bay của Hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh lúc 11 giờ tối hôm đó, đầu tiên sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó quá cảnh đến Vương quốc Anh.
Ông Harris đã luôn quan tâm đến các hoạt động nhân quyền ở Hồng Kông và đã nhiều lần công khai chỉ trích chính phủ Hồng Kông. Ông là Chủ tịch đầu tiên của tổ chức Giám sát Nhân quyền Hồng Kông (HKHRM), được thành lập năm 1995 bởi ông Harris, ông Philip John Dykes, nguyên Chủ tịch Hội đồng Công hội Đại Luật sư Hồng Kông; và ông Trần Văn Mẫn (Chan Man-mun), nguyên Giáo sư Luật tại Đại học Hồng Kông. Mục đích của tổ chức này là quan sát luật pháp, chính sách và hành động của chính quyền Hồng Kông, đồng thời bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
Trong các phong trào xã hội chẳng hạn như Phong trào Dù vàng năm 2014 và Phong trào Chống Dự luật Dẫn độ năm 2019, tổ chức Giám sát Nhân quyền Hồng Kông thường cho các thành viên đi ghi lại và quan sát cách cảnh sát Hồng Kông đối xử với những người tham gia biểu tình.
Ông Harris, nổi tiếng là một “người đấu tranh cho nhân quyền”, không chỉ là một chuyên gia về các vấn đề nhân quyền quốc tế, mà còn là một luật sư hiện có chứng chỉ hành nghề ở Anh và là một luật sư cao cấp ở Hồng Kông. Ông đã được bầu làm Chủ tịch Công hội Đại Luật sư Hồng Kông hồi tháng 01/2021.
Sau khi nhậm chức, ông Harris đã đưa ra nhiều lời nhận xét mạnh mẽ thu hút sự chú ý của xã hội và các hãng thông tấn chính thức của ĐCSTQ. Ông từng chỉ trích Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông không phù hợp với tinh thần của Nhà nước Pháp quyền, và thẳng thắn đồng tình với việc mô tả Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông là một sự “ô nhục” và “đáng hổ thẹn”.
Ông Trần Kiện Miên (Chan Kin-man), người sáng lập phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn (Occupy Central), đã được ra tù hôm 14/03/2020 sau khi hoàn thành bản án 16 tháng tại nhà tù Pik Uk ở Hồng Kông. Hiện ông chọn sống ở Đài Loan.
Hồi tháng Bảy năm ngoái, ông Trần Kiện Miên, cựu phó giáo sư Đại học Trung Quốc, đã đăng trên mạng xã hội rằng ông đã nhận lời mời từ Đại học Quốc lập Chính trị ở Đài Bắc để làm giáo sư thỉnh giảng trong một năm.
Ông Trần Kiện Miên nói trên Facebook hôm 20/07 năm ngoái rằng trong những ngày sắp tới, ngoài việc dạy học, ông sẽ lui về hậu trường để viết sách và suy nghĩ về dấu ấn của mỗi con đường đã đi qua. Chương trình trực tuyến “Phòng học Kiện Miên” và “Giảng đường Kiện Miên” sẽ vẫn được duy trì. Ông nói, “Tôi hy vọng sẽ gặp lại quý vị ở Hồng Kông một năm nữa.”
Mặc dù ông Trần Kiện Miên đã bị bỏ tù vì vụ “Chiếm lĩnh Trung Hoàn”, sau khi được thả, ông thừa nhận rằng ông rất vui khi được lấy lại tự do. Quãng thời gian trong tù khổ cực nhưng ông không hề hối hận. Ông tin rằng đây là cái giá phải trả khi đấu tranh cho dân chủ.
Hồi tháng 04/2019, ông Kiện Miên và hai người sáng lập phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn khác, ông Đới Diệu Đình và ông Chu Diệu Minh, đã bị buộc tội ba tội danh âm mưu gây rối công cộng và xúi giục người khác gây rối công cộng. Ông Kiện Miên bị kết án 16 tháng tù.
Sau khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông chính thức được thực thi hôm 01/07/2020, ông Kiện Miên nói trong một cuộc phỏng vấn với Initial Media, “từ một nhà tù nhỏ đến một nhà tù lớn”, mối đe dọa đối với quyền tự do của cuộc đời còn tồi tệ hơn cả nhà tù. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến ông Kiện Miên chọn rời khỏi Hồng Kông.
Năm 1993, ông Trần Kiện Miên từ Hoa Kỳ trở về Hồng Kông. Ông đã giảng dạy tại Khoa Xã hội học của Đại học Trung văn Hồng Kông cho đến khi bị cầm tù. Trong một phần tư thế kỷ qua, ông đã thúc đẩy sự phát triển của xã hội dân sự ở Trung Quốc và Hồng Kông với tư cách là một nhà trí thức đại chúng.
Cô Julia Ye là một phóng viên đang sống ở Úc. Cô gia nhập The Epoch Times vào năm 2021. Cô chủ yếu đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và đã là phóng viên từ năm 2003.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: