Cuộc trấn áp của Trung Quốc ở Hồng Kông thúc đẩy di cư, hủy hoại tự do báo chí (Phần 1/2)
Mời quý vị đón đọc Phần 2 của loạt bài viết hai phần này tại đây.
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) thực hiện Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông hồi tháng 06/2020, tình hình ở Hồng Kông ngày càng bị khắc chế. Đối mặt với sự đè nén, giới tinh anh ở mọi giai tầng xã hội đã quyết định rời khỏi Hồng Kông. Các tổ chức nhân quyền cho thấy quyền tự do báo chí ở Hồng Kông gần như đã bị phá hủy, và vai trò của các ký giả Hồng Kông đang được xác định lại.
Ông Lý Gia Siêu (Lee Ka-chiu), một cảnh sát sau trở thành chính trị gia và là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí Đặc khu trưởng tiếp theo của Hồng Kông, đã tổ chức một cuộc họp báo về cương lĩnh chính trị của mình tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Hồng Kông hôm 29/04. Ít nhất năm hãng truyền thông độc lập, bao gồm cả The Epoch Times, Hong Kong In-media, Sound of Hope, GettyImages và The Reporter đã bị nhân viên chiến dịch tranh cử từ chối ghi danh hoặc tiếp cận phỏng vấn.
Các nhân viên của chiến dịch tranh cử nói rằng chỉ những hãng thông tấn được mời mới được phép vào địa điểm họp. Khi một phóng viên hỏi về tiêu chí xác định danh sách truyền thông, họ giải thích rằng danh sách của họ khác với danh sách mà các hãng truyền thông ghi danh trên Cổng Thông tin Báo chí Chính phủ.
Chỉ năm ngày trước, khi ông Lý được các phóng viên hỏi liệu ông có cam kết bảo vệ quyền tự do báo chí hay không, ông đáp “tự do báo chí luôn hiện hữu, và không cần thiết phải dùng từ ‘bảo vệ.’”
Hôm 25/04, Câu lạc bộ Thông tín viên Ngoại quốc ở Hồng Kông (FCC) bất ngờ thông báo rằng họ sẽ “tạm ngừng” Giải thưởng Nhân quyền trong Báo chí năm nay để không “vô tình vi phạm pháp luật.” Tính đến thời điểm đó, giải thưởng đã được trao 26 lần cho các ký giả vì những bài báo xuất sắc và chuyên nghiệp về nhân quyền của họ.
Hôm 26/04, tổ chức nhân quyền Hong Kong Watch có trụ sở tại London đã công bố một báo cáo nói rằng sự đàn áp của chính quyền đã khiến cho quyền tự do báo chí ở Hồng Kông bị hủy hoại gần như toàn bộ, và quyền tự do đó đang được thay thế bởi các hãng truyền thông thân Bắc Kinh và bộ máy tuyên truyền chính thức của Trung Quốc.
Các tác giả tin rằng vai trò của các ký giả Hồng Kông đang thay đổi, và bộ luật sắp tới nhắm vào “tin giả” có khả năng trở thành một công cụ để các nhà chức trách đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Giới tinh anh kéo nhau rời khỏi Hồng Kông
Sau khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông được ban hành, các hãng thông tấn trực thuộc chính phủ đã bị tác động, nhiều hãng thông tấn độc lập buộc phải đình chỉ hoạt động, thậm chí một số bị đưa ra tòa. Một số lượng lớn các ký giả và các chuyên gia truyền thông kỳ cựu đã phải rời Hồng Kông.
Trong danh sách ngày càng tăng này có ông Luyện Ất Tranh (Joseph Lian), cựu Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Hồng Kông; ông Trịnh Kinh Hàn (Cheng Jing-han), người sáng lập Công ty TNHH Truyền hình Kỹ thuật số; ông Lưu Tế Lương (Lou Sai-leung), người sáng lập House News và Singjai; bà Thái Vịnh Mai (Cai Yongmei), cựu Tổng biên tập của Tạp chí Khai Phóng; ông Du Thanh Nguyên (Yau Ching-yuen), người sáng lập Post 852; ông Ngô Chí Sâm (Ng Chi-sum) và ông Tăng Chí Hào (Tsang Chi-ho), người dẫn chương trình RTHK; ông Đào Kiệt (Chip Tsao), “Nhân tài số 1 ở Hồng Kông”; ông Thẩm Húc Huy (Simon Shen), học giả về quan hệ quốc tế; các diễn viên Hồng Kông Huỳnh Thu Sinh (Wong Chau-sang) và Đỗ Vấn Trạch (To Man-chak); và ông Tiêu Nhược Nguyên (Shiu Yeuk-yuen), nhà sản xuất phim kiêm người dẫn chương trình. Những nghệ sĩ tài năng nhất và các chuyên gia truyền thông lần lượt rời khỏi Hồng Kông.
Hồi tháng Mười năm ngoái (2021), một hội kiều bào Hồng Kông có tên là Hội Kiều bào Hồng Kông tại Anh quốc (Hongkongers in Britain, HKB) đã phát hành “Báo cáo Việc làm và Tuyển dụng cho những người Hồng Kông Mới đến Gần đây”. Theo báo cáo, gần 70% người Hồng Kông mới đặt chân đến Vương quốc Anh theo thị thực Công dân Anh (ở ngoại quốc) (gọi tắt là BNO) có bằng đại học hoặc giáo dục bậc cao, 66.8% có hơn 11 năm kinh nghiệm làm việc, 54.8% có mức lương hàng tháng hơn 30,000 HKD (khoảng 3,823 USD) ở Hồng Kông, và 69.4% tự nhận mình là có tài chính ổn định.
A Đồ (Ah To), một họa sĩ truyện tranh kiêm người vẽ tranh minh họa các vấn đề thời sự; ông Vi Trí Đạt (Michael Vidler), luật sư nhân quyền, người đại diện cho vụ án Hoàng Chi Phong (Wong Chi-Mush); và ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), Phó Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông (HKPORI) cũng đã rời Hồng Kông.
Họa sĩ vẽ tranh biếm họa và minh họa: ‘Ra đi là một quyết định bắt buộc’
Anh A Đồ, người nổi tiếng với những chỉ trích về các vấn đề thời sự của mình, đã để lại một lời nhắn trên trang Facebook của anh hôm 26/04 nói rằng anh rời Hồng Kông vì anh muốn “tiếp tục sáng tạo cho Hồng Kông, nhưng áp lực tinh thần khi sáng tác truyện tranh thời sự ở Hồng Kông là quá lớn, vậy nên bất đắc dĩ phải lựa chọn ra đi.”
Anh A Đồ đã gửi lời xin lỗi đến cư dân mạng, và bày tỏ những cảm giác mâu thuẫn khó tả của mình khi anh rời đi. “Giờ đây linh hồn di lưu nơi cố hương, nhưng nhục thân này đã lưu vong nơi viễn xứ,” anh viết.
Anh A Đồ không tiết lộ nơi anh đến, nhưng trong nền bức ảnh “Chú gà con tiểu học” đã tải lên của anh, quý vị có thể nhìn thấy đồng hồ Big Ben và Cung điện Westminster nằm trên bờ sông Thames.
Anh A Đồ đã tham gia vẽ minh họa cho các vấn đề thời sự trong 11 năm, và khi anh có ý định từ bỏ hay chuyển nghề khi phong trào xã hội ở Hồng Kông bắt đầu, anh lại nghĩ: “Nhưng bây giờ là lúc Hồng Kông cần truyện tranh về các vấn đề thời sự nhất, mà có khi cũng là không cần nhất, vậy nên tôi muốn gắn bó với nghề này. Tôi sẽ tiếp tục tiến bước cùng Hồng Kông thông qua sự sáng tạo từ xa, để sử sách của Hồng Kông trong thời đại này không phải là một trang tĩnh mặc.” Anh viết ở cuối thông điệp của mình, “Mong rằng những người lương thiện hãy quý trọng và giữ gìn sự thiện lương của mình dưới mọi hình thức.”
Anh A Đồ tên thật là Ngô Giáp Xuyên (Ng Kap-chuen). Những bức tranh hoạt họa của anh chủ yếu châm biếm những gì đang diễn ra trong xã hội về mặt chính trị. Anh đã giành được nhiều giải thưởng khác nhau như Giải Sáng tạo Xuất xắc trên Internet và Tranh hoạt họa Xuất sắc nhất về Vấn đề Thời sự. Tác phẩm “Trận chiến Thần Thú” của anh rất được yêu thích và nhân vật “Chú gà con tiểu học” đã trở thành một biểu tượng in dấu trong trái tim của mọi người.
Vi Trí Đạt, vị luật sư nhân quyền rời Hồng Kông đến Anh
Hôm 25/04, luật sư nhân quyền Vi Trí Đạt đã có mặt tại phi trường Hồng Kông và đáp chuyến bay đến Vương quốc Anh. Vị luật sư nhân quyền này đã rời đi tiếp nối bước chân của ông Paul Harris.
Vào khoảng 9 giờ 30 tối hôm đó, một phóng viên của tờ Văn Hối (báo Hồng Kông), cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã chụp ảnh ông Vi tại sảnh khởi hành của Phi trường Hồng Kông. Trong ảnh, một phụ nữ Trung Quốc, được cho là vợ của ông Vi, đã đi cùng ông.
Phóng viên hỏi ông Vi liệu ông đã liên lạc với ông Paul Harris, cựu chủ tịch của Công hội Đại Luật sư đã rời Hồng Kông sau khi bị Bộ An ninh Quốc gia “cảnh báo gặp mặt” hay chưa. Vị này chất vấn tại sao công ty luật này lại đột ngột đóng cửa. Liệu ông có lo lắng về việc bị Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông trừng phạt hay không? Ông Vi đã không hồi đáp bất kỳ câu hỏi nào trong số đó.
Ông Vi, một người mang quốc tịch Anh, là một luật sư nhân quyền nổi tiếng chuyên về tố tụng hình sự. Ông đại diện cho Hoàng Chi Phong (Wong Chi-fung), Tăng Kiện Siêu (Tsang Kin-chiu), Chu Khải Địch (Chu Hoi-dick), và những người tham gia phong trào xã hội khác, cũng như nữ ký giả người Indonesia Veby Indah, người bị mù một mắt vì viên đạn của cảnh sát trong một cuộc biểu tình. Được biết, công ty luật Vi Trí Đạt (Vidler & Co. Solicitors) đã gửi thông báo tới Hội Luật sư Hồng Kông về ý định đóng cửa vào ngày 03/06 năm nay.
Ông Vi đã được bầu vào ủy ban bầu cử khu vực chức năng hợp pháp trong hai nhiệm kỳ liên tiếp vào năm 2011 và 2017, và tham gia vào một cuộc tuần hành im lặng của các luật sư trong bộ y phục màu đen. Ông phản đối việc sửa đổi Sắc lệnh về Tội phạm Đào tẩu và việc truy tố chính trị của Bộ Tư pháp. Ông đã từng tuyên bố yêu cầu cựu chủ tịch của Hội Luật sư Hồng Kông, ông Lâm Tân Cường (Lam San-keung), rút lại nhận xét của mình rằng “lòng yêu nước của một thẩm phán sẽ không làm tổn hại đến nền độc lập tư pháp.”
Ông Chung Kiếm Hoa (Chung Kim-wah), Phó Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông (HKPORI) đã buộc phải rời khỏi Hồng Kông. Ông đã bị Cục An ninh Quốc gia phỏng vấn ba lần.
Hôm 24/04, ông Chung đã đăng trên mạng xã hội: “Tôi không muốn trở thành một kẻ đào ngũ, nhưng tôi phải né tránh chế độ chuyên chế.” Ông viết rằng ông chưa bao giờ có kế hoạch nhập cư, “Tất cả mọi tham vọng và trách nhiệm cả đời của tôi đều ở Hồng Kông.” “Nhưng hiện tại, không có chỗ cho những lời chân thật, chỉ có xảo ngôn và lừa dối. Đối với chúng tôi, những người còn đang gặp chút sóng gió, Hồng Kông có thể không phải là nơi chúng tôi có thể sống bình thường mà không bị đe dọa.”
Sau khi đến Anh, ông Chung đã nhận lời phỏng vấn với chương trình “Precious Dialogues” (Những cuộc đối thoại đáng quý) của The Epoch Times hôm 25/04. Ông nói rằng ông quyết định rời Hồng Kông vào tháng Hai năm nay vì ông không còn có thể an chí mà phát ngôn và cảm thấy phải rời đi trước khi ông bị chế độ này buộc tội (vi phạm pháp luật).
Trước khi rời Hồng Kông, ông Chung và Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông đã nhiều lần bị Chính phủ Hồng Kông và cơ quan truyền thông của ĐCSTQ gây sức ép. Ông cho biết ông đã bị cảnh sát phỏng vấn theo Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông và bị những phương tiện không xác định theo dõi.
Hồi tháng Mười Một năm ngoái, trước cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp đầu tiên sau khi ĐCSTQ thay đổi hệ thống bầu cử của Hồng Kông, Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu của công dân. Các tùy chọn thăm dò bao gồm phiếu trắng và không bỏ phiếu. Các nhà chức trách cho rằng cuộc thăm dò này đã kích động những người khác để trống hoặc không bỏ phiếu, vi phạm Quy chế Bầu cử mới được sửa đổi. Cùng lúc đó, tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đăng một bài báo vu khống Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông là “những phần tử gây rối chống Trung Quốc ở Hồng Kông” và “đội lốt học giả gây kích động.”
Hồi tháng Tư, Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông đã điều tra quan điểm của người dân Hồng Kông về cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã trích dẫn một bảng câu hỏi giả mạo để làm mất uy tín của bản gốc, cho rằng Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông đã vi phạm Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông. Viện này buộc phải hủy công bố kết quả điều tra của mình.
Viện Nghiên cứu Dư luận Hồng Kông là một viện nghiên cứu nổi tiếng về dư luận, và tiền thân là Dự án Nghiên cứu Dư luận của Đại học Hồng Kông. Trong những năm gần đây, cơ sở này đã liên tục bị phe thân Cộng sản tấn công. Vào năm 2020, viện đã tiến hành các cuộc thăm dò cho các cuộc bầu cử sơ bộ ủng hộ dân chủ, và văn phòng của họ đã bị cảnh sát đột kích. 47 người tổ chức và tham gia cuộc bầu cử sơ bộ sau đó đã bị buộc tội “âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước” theo Luật An ninh Quốc gia. Đây là vụ truy tố lớn nhất kể từ khi Luật An ninh Quốc gia này được áp dụng.
Cô Julia Ye là một phóng viên đang sống ở Úc. Cô gia nhập The Epoch Times vào năm 2021. Cô chủ yếu đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và đã là phóng viên từ năm 2003.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: