Trung Quốc công bố kế hoạch sản xuất hàng loạt robot hình người, gọi đó là ‘động lực mới’ cho tăng trưởng
Một chỉ thị mới tiết lộ tham vọng thống trị ngành công nghiệp robot của Trung Quốc thông qua một “hệ thống toàn quốc.”
Trung Quốc đang dự định sản xuất hàng loạt robot hình người trong hai năm tới, một kế hoạch đầy tham vọng mà nhà cầm quyền hy vọng sẽ đưa Bắc Kinh trở thành quốc gia dẫn đầu ngành công nghiệp này.
Trong bản kế hoạch chi tiết được gửi đến chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin đã công bố mục tiêu để thiết lập khuôn khổ đổi mới cho robot hình người và bảo đảm rằng nước này có thể tự sản xuất các bộ phận quan trọng của robot.
Theo kế hoạch này, các sản phẩm sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế tân tiến về chất lượng. Theo chỉ thị, họ sẽ thấy các ứng dụng trong những môi trường khắc nghiệt, trong lĩnh vực sản xuất, cũng như lĩnh vực dịch vụ. Tài liệu này cho biết, giống như điện thoại thông minh, máy điện toán, và các loại xe sử dụng năng lượng mới, robot hình người có khả năng “đột phá” để “cách mạng hóa” cuộc sống của con người.
Bộ này yêu cầu các quan chức tận dụng quy mô thị trường của Trung Quốc và “hệ thống toàn quốc” của nước này để đẩy nhanh quá trình phát triển robot hình người như một ngành công nghiệp trụ cột nhằm thúc đẩy sự thống trị về sản xuất và kỹ thuật số của Trung Quốc.
Đến năm 2025, Bắc Kinh hy vọng sẽ có từ hai đến ba công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu và giúp đỡ thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn hoạt động và phát triển trong lĩnh vực này. Trong hai năm nữa, mục tiêu là tạo ra một “chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy” cho công nghệ và giúp nước này có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Bộ này nói rằng vào thời điểm đó, những sản phẩm như vậy sẽ được tích hợp sâu rộng vào nền kinh tế và trở thành “động lực mới” cho tăng trưởng kinh tế.
Hướng dẫn cho biết “bộ não,” “tiểu não,” và “chân tay” của robot nên là trọng tâm, và ngành công nghiệp này cần hướng tới việc tạo ra những robot “có độ tin cậy cao” cho các điều kiện khắc nghiệt hoặc nguy hiểm. Hướng dẫn nói rằng khi giám sát và bảo vệ “các vị trí chiến lược,” robot cần có khả năng di chuyển ở “những địa hình rất phức tạp,” đánh giá tình hình, và đưa ra những quyết định thông minh, đồng thời nói thêm rằng robot sẽ cần khả năng tự bảo vệ cao hơn và làm việc với độ chính xác cao hơn trong các tình huống như công tác cứu hộ hoặc khi có liên quan đến chất nổ.
Theo tài liệu này, các cơ quan liên quan cần tăng cường hợp tác quốc tế, khuyến khích các công ty ngoại quốc thành lập các trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc và đưa sản phẩm Trung Quốc ra thị trường quốc tế.
Với mong muốn tham gia thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho công nghệ mới nổi, Bắc Kinh cho biết họ muốn “tham gia sâu vào việc thiết lập các quy định và quy chuẩn quốc tế” đồng thời “đóng góp trí tuệ của Trung Quốc” cho sự phát triển của ngành này, tài liệu cho biết.
Chỉ thị này đánh dấu nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng tự chủ về công nghệ trong bối cảnh Hoa Kỳ thắt chặt lệnh cấm Trung Quốc tiếp cận các vi mạch tân tiến của Hoa Kỳ. Mở rộng các biện pháp kiểm soát vi mạch ở Trung Quốc từ tháng Mười năm ngoái, cụ thể là giữa tháng Mười, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại đã yêu cầu thêm nhiều công ty Hoa Kỳ phải có giấy phép trước khi họ có thể xuất cảng vi mạch bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc, một biện pháp mà họ cho là cần thiết để ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng những vi mạch này cho mục đích quân sự của mình. Hôm 23/10, chính phủ Hoa Kỳ đã yêu cầu Nvidia ngừng vận chuyển hầu hết các vi mạch trí tuệ nhân tạo quan trọng của họ sang Trung Quốc.
Không trích dẫn các biện pháp hạn chế của Hoa Kỳ, tài liệu yêu cầu ngành này thiết kế vi mạch AI cho robot hình người cho phép [robot có khả năng] tự học và các năng lực khác.
Nửa tá công ty tình báo Trung Quốc chứng kiến cổ phiếu của họ tăng tới 10 đến 20% vào ngày sau khi ra thông báo, trong khi giá trị cổ phiếu của các thiết bị điện tử robot khác cũng tăng vọt.
Lộ trình của Bắc Kinh có nghĩa là họ sẽ cạnh tranh với các công ty quốc tế như Samsung, Microsoft, và Tesla đang đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Elon Musk của Tesla đang cố gắng chế tạo một robot hình người có tên là Optimus hay Tesla Bot. Tuy nhiên, sau rất nhiều chiến dịch quảng cáo rùm beng hồi năm ngoái, màn trình diễn cho thấy robot này bước đi chậm rãi trên sân khấu và vẫy tay chào đám đông đã không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người.
Trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, dường như có một cảm giác lạc quan về triển vọng của công nghệ này.
Ông Lư Hãn Thần (Lu Hanchen), giám đốc Viện nghiên cứu Công nghiệp Cao Công, nói với tờ Thời báo Chứng khoán thuộc sở hữu nhà nước rằng mặc dù Trung Quốc còn rất xa mới có thể sản xuất robot hình người trên quy mô lớn, nhưng mục tiêu đó cũng không quá xa vời.
Ông lưu ý rằng trong năm nay, hơn 10 công ty Trung Quốc đã tiết lộ những cải tiến liên quan đến robot hình người, đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc đã có một số cơ sở phụ trợ từ việc phát triển robot công nghiệp.
Bắc Kinh đã dành khoảng 10 tỷ Nhân dân tệ để tài trợ cho việc phát triển robot. Hôm 06/11, Trung Quốc đã khai trương trung tâm cải tiến và đổi mới cấp tỉnh đầu tiên về robot hình người ở thủ đô của nước này để giải quyết “các vấn đề chung quan trọng” cấp bách, bao gồm hệ thống kiểm soát vận hành, phần mềm nguồn mở, và nguyên mẫu robot.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times