Trung Quốc cố gắng tăng thêm số lượng phòng khám để đối phó với sự gia tăng bệnh đường hô hấp ở trẻ em
Cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc kêu gọi các bệnh viện trên toàn quốc tăng thời gian làm việc và thành lập thêm các phòng khám trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh gia tăng gần đây.
Cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc đã kêu gọi các bệnh viện trên toàn quốc tăng thời gian làm việc và thành lập thêm phòng khám, do sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp gần đây khiến toàn cầu lo ngại.
Thông điệp được đưa ra tại một cuộc họp báo hôm 26/11 do Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) tổ chức này xuất hiện trong bối cảnh truyền thông trong nước đưa tin về những hàng dài người xếp hàng tại các bệnh viện nhi, trong đó một số bậc cha mẹ cho biết họ đã đợi tới tám tiếng đồng hồ để được bác sĩ khám bệnh cho con mình.
Hôm 26/11, các quan chức y tế đã thừa nhận rằng các bệnh viện đang bị quá tải, và để xoa dịu những lo ngại của người dân, họ kêu gọi các phòng khám địa phương nâng cao năng lực để đáp ứng số lượng bệnh nhân ngày càng tăng.
Phát ngôn viên Mễ Phong (Mi Feng) của NHC nói với các phóng viên hôm 26/11: “Cần nỗ lực tăng số lượng phòng khám và khu điều trị liên quan, kéo dài thời gian làm việc một cách thích hợp, và tăng cường bảo đảm nguồn cung cấp thuốc.”
“Cần làm tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh ở những nơi tập trung đông người như trường học, cơ sở chăm sóc trẻ em, viện dưỡng lão, và giảm thiểu dòng người cũng như số lượt đến thăm.”
Bộ Y tế Trung Quốc nhắc lại phản hồi trước đó với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng sự gia tăng đột biến gần đây về số ca nhiễm bệnh đường hô hấp cấp tính là do sự kết hợp của các mầm bệnh, nổi bật nhất là bệnh cúm.
Ông Vương Hoa Khánh (Wang Huaqing), chuyên gia trưởng tại chương trình chủng ngừa của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, đã liệt kê các mầm bệnh khác đằng sau sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh ở nhóm tuổi từ 5 đến 14, trong đó có cả rhinovirus, nguyên nhân điển hình của bệnh cảm lạnh thông thường, và bệnh viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.
Trong khi đó, virus SARS-CoV-2, vốn gây ra dịch bệnh COVID-19, đang được phát hiện ở những bệnh nhân trên 60 tuổi, theo ông Vương.
Hệ thống y tế quá tải
Trong cuộc họp báo hôm 26/11, các quan chức y tế đã không cung cấp dữ liệu. Những ca bệnh ở trẻ em đặc biệt phổ biến ở các khu vực phía bắc như Bắc Kinh và tỉnh Liêu Ninh, nơi các bệnh viện đang cảnh báo người dân về thời gian chờ đợi kéo dài.
Sự gia tăng số ca nhiễm bệnh đang gây quá tải cho hệ thống y tế của nước này. Tại Thiên Tân, nhân viên y tế tại khoa cấp cứu và ngoại trú của Bệnh viện Nhi Thiên Tân được cho là đã tiếp nhận 10,000 đến 12,000 lượt khám mỗi ngày. Đồng thời, Bệnh viện Hồng Kiều Thiên Tân đã mời cả một số bác sĩ nhi khoa đã về hưu trở lại làm việc để giải quyết số ca bệnh gia tăng, theo báo cáo hôm 18/11 của Enorth, một hãng truyền thông địa phương được chính quyền thành phố hậu thuẫn.
Tuyên bố của Bắc Kinh rằng bệnh viêm phổi do vi khuẩn mycoplasma là nguyên nhân phía sau đợt tăng đột biến gần đây đã vấp phải sự hoài nghi, khi người dân nói rằng họ xét nghiệm âm tính với mycoplasma.
“Tôi nghi ngờ đây không phải là bệnh viêm phổi do mycoplasma vì tôi đã thử tất cả các loại thuốc dùng để điều trị bệnh viêm phổi do mycoplasma, nhưng không có loại nào có tác dụng,” một bác sĩ nhi khoa ở Bắc Kinh, người cũng bị nhiễm bệnh và yêu cầu được gọi là Vương Hoa (Wang Hua), nói với The Epoch Times hồi đầu tháng này.
Một số người nghi ngờ rằng nước này đang vật lộn với sự bùng phát trở lại của số ca nhiễm COVID-19, vì những người nhiễm bệnh có các triệu chứng tương tự, chẳng hạn như ho, mệt mỏi, và “phổi trắng.” Họ cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ thị các quan chức và phương tiện truyền thông của mình quy đợt bùng phát là do các mầm bệnh khác, chẳng hạn như bệnh viêm phổi do mycoplasma, thay vì do virus corona vì lãnh đạo Đảng này đã tuyên bố chiến thắng trong việc chống dịch.
ĐCSTQ che giấu dữ liệu
Cốt lõi của những lo ngại là liệu các mầm bệnh mới có xuất hiện trong những căn bệnh gần đây hay không. Hôm 22/11, WHO đã yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thông tin chi tiết, lưu ý rằng các phương tiện truyền thông và ProMed, một hệ thống giám sát sức khỏe cộng đồng do Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Quốc tế điều hành, đã báo cáo về các cụm bệnh viêm phổi chưa được chẩn đoán ở trẻ em tại Trung Quốc.
WHO cho biết trong tuyên bố đó rằng: “Mục đích chính là xác định xem liệu có ‘các cụm bệnh viêm phổi chưa được chẩn đoán’ ở Bắc Kinh và Liêu Ninh như được đề cập trong các báo cáo tin tức truyền thông hay không.”
Hôm 23/11, WHO cho biết họ đã nhận được thông tin lâm sàng, kết quả xét nghiệm, và các dữ liệu khác mà họ yêu cầu. Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc này cho biết dữ liệu được các cơ quan y tế Trung Quốc chia sẻ cho thấy đợt gia tăng các bệnh về đường hô hấp này có liên quan đến việc Bắc Kinh thu hồi chính sách zero COVID trong gần ba năm nay.
Tuyên bố hôm 23/11 nói rằng: “Chính quyền Trung Quốc khuyến cáo rằng không phát hiện ra bất kỳ mầm bệnh bất thường hoặc mới nào hoặc các biểu hiện lâm sàng bất thường nào.”
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phải chịu sự giám sát toàn cầu về việc báo cáo các đợt bùng phát dịch bệnh kể từ năm 2003, khi các chuyên gia y tế cáo buộc Bắc Kinh che đậy dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), gây ra bởi một loại virus trước đây chưa từng biết đến được cho là xuất hiện từ phía nam tỉnh Quảng Đông trước khi lan sang các thành phố lớn của Trung Quốc và gần 30 quốc gia.
Kể từ khi một bệnh đường hô hấp cấp tính khác xuất hiện ở trung tâm thành phố Vũ Hán hồi cuối năm 2019, các chuyên gia và quan chức y tế trên toàn thế giới đã nhiều lần đặt nghi vấn về tính chính xác của dữ liệu nước này.