ĐỘC QUYỀN: ĐCSTQ ra lệnh cho giới quan chức không được thổi phồng thông tin bùng phát virus
Các báo cáo cho thấy Bắc Kinh đang mở lại một bệnh viện dã chiến được xây dựng trong thời gian đầu của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca viêm phổi gia tăng.
Theo một người tố cáo, mặc dù nhiều người Trung Quốc cho biết họ cảm thấy không khỏe và đang tìm kiếm sự trợ giúp y tế — đủ để thúc đẩy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu dữ liệu từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền của Trung Quốc — nhưng ĐCSTQ vẫn khăng khăng kiểm soát việc đưa tin về COVID-19 ở Trung Quốc với thế giới bên ngoài.
Người tố cáo này là một người trong cuộc biết rõ các cuộc thảo luận trong các cấp cao nhất của ĐCSTQ ở Trung Nam Hải, khu phức hợp lãnh đạo của đảng. Người này đã tiết lộ riêng với The Epoch Times rằng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã ra lệnh cho các quan chức không được thổi phồng thông tin về đợt bùng phát bệnh hô hấp hiện nay ở Trung Quốc và tránh đề cập đến thuật ngữ “COVID-19.”
Theo nhiều bản tin của Trung Quốc, các ca nhiễm trùng này đang lây lan nhanh chóng ở trẻ em và hiện đã lây lan sang người lớn, khiến nhiều bệnh viện bị quá tải. Theo các bản tin, nhu cầu chăm sóc y tế hiện cao đến mức Bắc Kinh đã mở lại một bệnh viện dã chiến để đối phó với số ca bệnh tăng vọt.
Một người tên Dương Thanh (Yang Qing), sử dụng bút danh vì lo ngại về an toàn, đang sinh sống tại Bắc Kinh và có quen biết với Văn phòng Tổng hợp thuộc Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và quân đội. Hôm 26/11, người tố cáo này nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng các nhà chức trách đã nhận được mệnh lệnh của ông Tập, trong đó ông đề nghị gọi bệnh hô hấp nghiêm trọng lần này là “nhiễm trùng viêm phổi do mycoplasma” vốn phổ biến ở trẻ em, hoặc gọi là các bệnh nhiễm trùng khác không phải COVID-19, như “cúm” chẳng hạn.
Ông Dương cho biết, các chuyên gia của ĐCSTQ cũng được chỉ thị phải nhấn mạnh với công chúng những luận điểm trong đường hướng của đảng, trong đó quy định rằng làn sóng lây nhiễm hiện nay là do nhiều loại virus đã biết gây ra chứ không phải do biến thể COVID-19 của virus SARS-CoV-2.
Theo người tố cáo, các phương tiện truyền thông trong nước của Trung Quốc cũng được thông báo rằng họ không được phép tập trung đưa tin về dịch bệnh.
Ông Dương nói: “Tất nhiên, giới truyền thông có thể đưa ra một số kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh như cách phòng bệnh cúm, nhưng đối tượng mà họ có thể bàn đến trong kiến thức phòng bệnh đó chỉ có thể là trẻ em — chứ không được phép đề cập đến tình trạng lây nhiễm ở người lớn, và vấn đề ở đây là họ cần chú ý đến ‘cách dùng từ.’”
Giới chức trách của ĐCSTQ cũng sẽ thực hiện ngăn chặn truyền thông ngoại quốc phỏng vấn và đưa tin về đợt bùng phát, ông Dương nói về ông Tập và các chỉ thị của đảng.
Ông Dương giải thích rằng ban lãnh đạo ĐCSTQ đặc biệt lo lắng về đợt lây nhiễm này vì đợt này trùng với ngày kỷ niệm đầu tiên của Phong trào Giấy Trắng, nổ ra vào ngày 24/11/2022, xuất phát từ một vụ hỏa hoạn gây khiến nhiều người thiệt mạng tại một cộng đồng dân cư ở Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương. ít nhất 10 người và nhiều người khác bị thương đã mắc kẹt bên trong tòa nhà vì chính sách phong tỏa hà khắc do dịch bệnh COVID-19 của ĐCSTQ.
Vào những ngày sau vụ hỏa hoạn, các cuộc biểu tình rầm rộ đã nổ ra, trong đó cộng đồng quốc tế rất tập trung chú ý vào cuộc biểu tình Trung lộ Ô Lỗ Mộc Tề ở Thượng Hải, nơi người dân Trung Quốc hô khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Trung Quốc hãy hạ đài” và “Ông Tập Cận Bình hãy hạ đài!” Không lâu sau đó, ĐCSTQ thông báo rằng họ sẽ dỡ bỏ chính sách zero-COVID hà khắc.
Ông Dương cho biết chỉ thị này có thể được đưa ra để bảo đảm thành công trong lĩnh vực quan hệ công chúng cho chuyến thăm gần đây của ông Tập Cận Bình tới San Francisco dự hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc–Hoa Kỳ.
Ông Dương nói: “Ông Tập không muốn vấn đề này [bùng phát bệnh] bị nổi bật trên trường thế giới và muốn ngăn chặn vấn đề này bị lợi dụng để nói rằng chuyến thăm ngoại quốc của ông ấy đã thất bại.”
COVID-19
Trong một cuộc họp báo hôm 26/11, Ủy ban Y tế Quốc gia của ĐCSTQ cho biết, theo sự giám sát của họ, đợt nhiễm trùng đường hô hấp gần đây chủ yếu là do cúm và ở một mức độ nào đó là do virus rhino, nhiễm vi khuẩn mycoplasma, virus hợp bào hô hấp, adenovirus, v.v. Họ không đề cập đến SARS-CoV-2, loại virus gây ra dịch bệnh COVID-19 và vẫn đang lưu hành ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, SARS-CoV-2 đã được liệt kê trong thông báo trước đó của các sở y tế ĐCSTQ. Hôm 24/11, Cơ chế Liên hiệp về Kiểm soát và Phòng ngừa của ĐCSTQ và Quốc Vụ viện cũng đưa ra thông báo, liệt kê “một ca nhiễm virus corona chủng mới” trong tiêu đề của thông báo về các bệnh hô hấp.
“Gần đây, Trung Quốc đã mở cửa miễn thị thực nhập cảnh cho một số quốc gia,” ông Dương nói. “Hiện giờ, trong nước đang có một dịch bệnh. Đợt dịch này phải được gọi là ‘cúm thông thường’ hay từ ngữ tương tự. Nếu nói đây là đợt bùng phát COVID-19 quy mô lớn thì người từ các quốc gia khác sẽ không đến Trung Quốc.”Trong bối cảnh bệnh bùng phát nhanh chóng, hôm 24/11, Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ bất ngờ tuyên bố sẽ đơn phương miễn thị thực cho các nước Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, và Malaysia bắt đầu từ ngày 01/12.
Lúc đầu COVID-19 được gọi là “viêm phổi Vũ Hán” ở Trung Quốc vì nguồn gốc và triệu chứng của căn bệnh này. Khi COVID-19 lần đầu tiên bùng phát vào cuối năm 2019, ĐCSTQ đã che giấu sự thật về cách thức virus có thể lây truyền từ người sang người. Hồi tháng 01/2020, họ đã cho ngừng các hoạt động đi lại nội địa ra vào Vũ Hán do dịch bệnh, nhưng chế độ này vẫn tiếp tục cho phép người dân rời khỏi Trung Quốc, từ đó đẩy nhanh tốc độ lây lan của COVID-19 và căn bệnh này nhanh chóng trở thành một đại dịch toàn cầu.
Đầu năm 2020, các quan chức Vũ Hán thừa nhận rằng trong thời gian đó, hơn 5 triệu người đã rời Vũ Hán để đi tới các nước khác trên thế giới.
Thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế
Kể từ giữa tháng Mười, nhiều trẻ em ở Trung Quốc đã bị viêm phổi, sốt, và thậm chí xuất hiện các triệu chứng phổi trắng như đã thấy trước đây do nhiễm COVID-19 nặng ở nhiều vùng khác nhau ở Trung Quốc. Các ca nhiễm tăng vọt hơn nữa trong tháng Mười Một, lây nhiễm cho người lớn và khiến các bệnh viện ở Trung Quốc quá tải.
Hôm 21/11, một thông báo của ProMED, một hệ thống giám sát sức khỏe cộng đồng toàn cầu theo dõi sự bùng phát bệnh ở người và động vật trên toàn thế giới, đã báo cáo về dịch bệnh “viêm phổi chưa được chẩn đoán” ở trẻ em Trung Quốc, khiến WHO đưa ra cảnh báo và phải gửi gửi yêu cầu chính thức tới Trung Quốc đề nghị nước này cung cấp thông tin về đợt bùng phát.
Các quan chức của ĐCSTQ đã đáp lại yêu cầu bằng cách nói rằng không tìm thấy “mầm bệnh bất thường hoặc mới” nào và đợt bùng phát là do nhiều mầm bệnh đã biết gây ra, đồng thời phủ nhận rằng các ca bệnh đã vượt quá công suất tổng thể của bệnh viện Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc và những người khác trong cộng đồng quốc tế vẫn chưa tin theo những khẳng định quả quyết từ phía Trung Quốc, căn cứ vào lịch sử che đậy [thông tin] của ĐCSTQ, bao gồm cả thời điểm bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 và đợt bùng phát SARS-CoV-1 năm 2002.
Các hãng truyền thông quốc tế đã mô tả làn sóng viêm phổi bí ẩn mới và phản ứng cưỡng bức của ĐCSTQ là “rất quen thuộc” (deja vu).
Bất chấp việc Trung Quốc phủ nhận mọi nguy cơ mới, các quốc gia lân bang như Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan vẫn lo ngại và đang chuẩn bị cho đợt lây lan tiềm ẩn nếu có biến thể mới.
Tuy nhiên, hôm 24/11, bà Maria Van Kerkhove, giám đốc lâm thời của Cơ quan Phòng chống và Chuẩn bị Ứng phó với Dịch bệnh và Đại dịch của WHO, nói với hãng thông tấn y tế STAT rằng sau các cuộc thảo luận với Trung Quốc, bà tin rằng làn sóng lây nhiễm của nước này không phải do một mầm bệnh mới gây ra mà là do COVID-19 hiện đang lan rộng ở Trung Quốc sau khi nhiều người ở nước này có thể đã tránh được sự lây nhiễm trong hai năm Bắc Kinh thực thi lệnh phong tỏa.
“Chúng tôi đã hỏi về những dữ liệu so sánh trước đại dịch. Và những làn sóng mà họ đang chứng kiến hiện nay, đỉnh điểm không cao như những gì họ thấy vào năm 2018–2019,” bà Van Kerkhove nói về dữ liệu chính thức của ĐCSTQ, vốn đã được chứng minh là không đáng tin cậy.
Bà nói, người dân Trung Quốc hiện chỉ đang phải đối mặt với “mùa thu đông đầu tiên” không bị phong tỏa.
Bà Van Kerkhove cho biết: “Đây không phải là dấu hiệu của một mầm bệnh mới. Đây là điều được dự đoán. Đây là điều mà hầu hết các quốc gia phải đối mặt cách đây một hoặc hai năm.”
Hệ thống ghi danh sách bệnh nhân bị sập, bệnh viện dã chiến mở cửa trở lại
Bên cạnh tình trạng nhiều trẻ em bị nhiễm bệnh trên khắp đất nước — với ngày càng nhiều em cần điều trị bằng phương pháp rửa phổi — thì cha mẹ, giáo viên, và nhân viên y tế cũng được cho là bị nhiễm bệnh.
Rất nhiều bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc đưa tin có 4,000 đến 5,000 người chen chúc trong không gian chật hẹp của phòng khám buổi tối tại Khoa Nội của Bệnh viện Nhi Bắc Kinh. Đến sáng sớm, hơn 2,000 trẻ em vẫn đang chờ được điều trị. Các bậc cha mẹ tỏ ra lo lắng về tình trạng lây nhiễm chéo ở trẻ em.
Trên mạng xã hội cũng đưa tin rằng chiều 26/11, hệ thống ghi danh sách bệnh nhân chờ khám của Bệnh viện Nhi Bắc Kinh đã bị sập, có thể là do hệ thống này đã phải giải quyết số lượng bệnh nhân quá tải trong nhiều tuần.
Hôm 18/11, Bệnh viện Nhi Thiên Tân đã điều trị cho hơn 13,000 trẻ em trong tình trạng chăm sóc ngoại trú và cấp cứu — một mức cao kỷ lục.
Hôm 23/11, bệnh viện nhi thuộc Viện Nhi khoa Thủ đô bắt đầu tăng số lượng dịch vụ nội khoa toàn diện bên cạnh dịch vụ ngoại trú và cấp cứu để giảm bớt áp lực cho khoa cấp cứu.
Trong khi nhiều bệnh nhân cần chăm sóc tại bệnh viện là trẻ em, thì một lượng lớn nhân viên y tế cũng được thông báo nhiễm bệnh. Do thiếu nhân lực trầm trọng, một số bệnh viện cho biết các bác sĩ ở khoa chỉnh hình, khoa phụ sản cũng đã được chuyển sang khoa nhi để giúp đỡ điều trị cho trẻ em bị bệnh.
Các quan chức Trung Quốc cho biết họ đã yêu cầu các cơ sở y tế kéo dài thời gian phục vụ để tận dụng tối đa năng lực điều trị. Tuy nhiên, các bệnh viện nhi ở khắp nơi, kể cả ở Bắc Kinh và Thượng Hải, đều đã hoạt động quá công suất.
Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Đại học Bắc Kinh đã mở lại bệnh viện dã chiến được xây dựng từ đầu thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 và đang sử dụng bệnh viện này để điều trị qua đường tĩnh mạch.
Ông Vương Hoa Khánh (Wang Huaqing), chuyên gia trưởng chương trình chích ngừa tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, nói với truyền thông Trung Quốc rằng các mầm bệnh khác nhau hiện đang phổ biến ở các nhóm tuổi khác nhau, từ 1 đến 60 tuổi, ở Hoa lục. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tuyên bố rằng số ca mắc bệnh tăng vọt là do có nhiều loại mầm bệnh đường hô hấp.
Các chuyên gia y tế ở Bắc Kinh cho biết dịch bệnh đang lây lan qua các giọt bắn và tiếp xúc gần, cũng như qua tay và các bề mặt bị ô nhiễm, ngoài ra, cả trẻ em và người lớn đều có thể bị nhiễm bệnh. Họ thừa nhận rằng không có loại thuốc nào đặc biệt hiệu quả để điều trị căn bệnh này.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung, Lạc Á, và Phương Hiểu
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times