Trung Quốc năm 2023: Nền dân chủ của Đài Loan, di sản của ông Lý Khắc Cường, và nạn cưỡng bức mất tích
Hôm 09/02, chương trình Tết Nguyên Đán đặc biệt của diễn đàn truyền hình Pinnacle View đã phân tích các sự kiện quan trọng xảy ra ở Trung Quốc vào năm 2023 có thể có những ảnh hưởng và tác động lâu dài đến tương lai của đất nước này.
Cuộc bầu cử ở Đài Loan
Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Giang Phong (Jiang Feng) nói với chương trình rằng cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan có những ảnh hưởng vượt ra ngoài Đài Loan. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người dân Trung Quốc sẽ tìm cách thoát khỏi cảnh khốn cùng và tàn sát dưới chế độ này.
“Tôi nghĩ cuộc bầu cử ở Đài Loan thực sự là một gợi ý cho tương lai của Trung Quốc,” ông nói. “Cho dù kết quả bầu cử thế nào, tôi nghĩ cuộc bầu cử ở Đài Loan là hình mẫu cho toàn bộ thế giới dân chủ.”
Ông Giang ca ngợi tiến trình bầu cử tự do và công bằng ở Đài Loan và cho rằng thậm chí đây còn có thể là một tấm gương cho Hoa Kỳ.
Mặc dù Đài Loan là một trung tâm công nghệ nhưng hệ thống bỏ phiếu hoàn toàn sử dụng phiếu bầu bằng giấy và kiểm đếm phiếu thủ công.
Không có máy bỏ phiếu nào được sử dụng để bỏ phiếu hoặc kiểm đếm phiếu. Nhân viên phòng phiếu được yêu cầu kiểm tra thẻ căn cước quốc gia hợp lệ của từng cử tri.
Quá trình đếm hoàn toàn công khai cho công chúng xem.
Người dân Đài Loan cũng nhận được những kết quả bầu cử của họ trong vòng vài giờ, là một trong những quá trình kiểm phiếu nhanh nhất trên thế giới.
Hơn nữa, ông Giang cho rằng Đài Loan đã bảo tồn nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, với những giá trị như chung sống hòa thuận và sự bao dung, đồng thời, Đài Loan là một quốc gia dân chủ tự do đang trở thành hình mẫu cho thế giới về sự kiên cường trước sự chuyên chế và độc đoán.
Chỉ riêng khía cạnh này đã hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên truyền của ĐCSTQ, vốn cho rằng chỉ có ĐCSTQ mới có thể cai trị người dân Trung Quốc và Đài Loan được cho là “một phần của Trung Quốc.”
Số phận của ông Lý Khắc Cường
Trên Pinnacle View, ông Giang gọi sự kiện cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời hồi năm 2023 là “sự kết thúc của một kỷ nguyên,” đồng thời nói thêm rằng kỷ nguyên mới sẽ được đánh dấu bằng một chế độ độc tài thậm chí còn hà khắc hơn và một xã hội đầy áp bức hơn.
Ông nói: “Tôi nghĩ đây là phần tiếp theo của Cách mạng Văn hóa vì chừng nào không có sự chỉ trích thực sự về Cách mạng Văn hóa thì toàn bộ xã hội Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thực hiện Cách mạng Văn hóa.”
Ông Giang cho biết vẫn còn nhiều bàn cãi và bí ẩn xung quanh nguyên nhân tử vong của ông Lý, đồng thời nói thêm rằng ông Lý để lại một di sản phức tạp trong lịch sử của ĐCSTQ.
Bất chấp một số nhận xét của ông Lý có thể được coi là “ủng hộ cải tổ” trong nội bộ chế độ này, nhưng ông không bao giờ đứng lên bảo vệ niềm tin của mình và luôn đóng vai trò phục tùng dưới sự cai trị độc tài của ông Tập Cận Bình.
“Danh tiếng của ông Lý Khắc Cường thực sự nằm ở những lời nói mà mọi người đều có thể nhớ, chẳng hạn như khi ông nói rằng ‘có 600 triệu người [ở Trung Quốc] kiếm được 1,000 nhân dân tệ (140 USD) mỗi tháng.’ Tuy nhiên, ông đã kìm nén sự bất bình của mình cho đến cuối đời,” ông Giang bình luận.
Các vụ cưỡng bức mất tích
Ông Lý Quân (Li Jun), một nhà sản xuất truyền hình Hoa ngữ độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trên Pinnacle View rằng vào năm 2023 tại Trung Quốc, “các vụ mất tích” đã trở thành một nhóm từ phổ biến. Trước đây, đã có một số báo cáo về việc các quan chức ĐCSTQ hoặc thường dân bị cưỡng bức mất tích, nhưng hiện tại, chỉ trong một năm, hai bộ trưởng cấp cao là cựu ngoại trưởng Tần Cương và cựu bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc đã biến mất khỏi tầm mắt công chúng.
Ông Lý nói: “Trước đây, các quan chức vẫn xuất hiện sau khi biến mất một thời gian, nhưng giờ đây các bộ trưởng ở cấp cao nhất của Ủy viên Quốc vụ viện đã biến mất hoàn toàn.”
“Hiện tượng này là điều chúng tôi chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Chúng ta vẫn không thể biết liệu hiện tượng này có phải là khuynh hướng tương lai của nền chính trị Trung Quốc hay không.”
Ông nói, “Hiện tại có thể rất khó nói ông Tần Cương còn sống hay đã qua đời. Có nhiều tin đồn cho rằng ông ấy có thể đã qua đời vì bị tra tấn hoặc có thể đã tự vẫn vì cảm thấy bản thân không còn chút hy vọng nào.”
Ông Giang cho biết những vụ mất tích bí ẩn không chỉ giới hạn ở các quan chức ĐCSTQ mà còn mở rộng ra cả thường dân ở Trung Quốc.
Một trong những ví dụ điển hình nhất là vụ của Hồ Hâm Vũ (Hu Xinyu) hồi năm ngoái. Cậu học sinh Trung Quốc 15 tuổi này đã mất tích và người ta tìm thấy thi thể của cậu bị treo trên cây sau hơn 100 ngày.
Công an tuyên bố rằng cậu đã tự sát và thi thể của cậu ấy luôn bị treo ở đó, mặc dù nhiều cuộc tìm kiếm đã được tiến hành trong rừng. Cư dân mạng Trung Quốc cũng không chấp nhận thông tin chính thức cho rằng cậu học sinh này tự tử.
Ông Lý cho biết: “Cuối năm (2023), tôi thấy rất nhiều bậc cha mẹ [Trung Quốc] ôm tấm ảnh của đứa con mất tích của họ.”
“Người ta nói rằng có 400 đến 500 bức ảnh và họ dán những bức ảnh này lên một đoàn xe hơi. Điều này phản ánh mặt tối của ngành cấy ghép nội tạng Trung Quốc, điều mà ngày càng nhiều người [Trung Quốc] chú ý đến.”
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một nhà văn kỳ cựu và là cộng tác viên của The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ, cho biết trên chương trình này rằng những người mất tích là những thanh thiếu niên từ 13 đến 20 tuổi.
“Mọi người [ở Trung Quốc] đều biết tại sao nhóm người này đặc biệt dễ gặp chuyện không may,” ông Thạch nói.
Bản tin có sự đóng góp của Michael Zhuang
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times