Trung Quốc cầu thân với các nhà lãnh đạo Phi Châu trong khi lặng lẽ ‘báo động’ về khoản nợ với Bắc Kinh
Một chuyến thăm mới đây tới Phi Châu của Ngoại trưởng vừa được bổ nhiệm của Trung Quốc, ông Tần Cương (Qin Gang), đã làm tăng thêm các mối lo ngại về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ thay thế Hoa Kỳ trở thành đối tác ngoại quốc chủ yếu trên lục địa này.
Chuyến công du đến năm quốc gia Phi Châu (Ethiopia, Angola, Benin, Gabon, và Ai Cập) của ông Tần từ ngày 09/01 đến ngày 16/01 diễn ra chưa tới hai tuần kể từ khi ông nhậm chức.
Được biết đến với “phát ngôn cứng rắn” chống lại phương Tây, người phụ tá thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình này khẳng định Phi Châu phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các cơ quan quốc tế khác.
Ông Tần trình bày tại lễ khánh thành trụ sở do Trung Quốc tài trợ cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Phi Châu tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, “Phi Châu nên là một nền tảng cho hợp tác quốc tế, chứ không phải là một đấu trường cho cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.”
Ông nói: “Trong nhiều thập niên đến nay, chúng tôi đã đấu tranh để cải tổ toàn bộ hệ thống quốc tế và đặc biệt là thay mặt cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.”
Phi Châu là thành phần khu vực lớn nhất trong sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) gây tranh cãi trị giá 1 ngàn tỷ USD của Trung Quốc nhằm thiết lập lại thương mại toàn cầu. Nhưng kế hoạch này đã nhận được một phản ứng mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo Phi Châu vốn cho rằng sáng kiến này đang tạo ra một vấn đề nợ không bền vững, đồng thời biến người dân Phi Châu thành nô lệ.
Tệ hơn nữa, nhiều dự án cơ sở hạ tầng thuộc Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã được chứng minh là có nhiều sai sót trong xây dựng.
Mới đây công ty phát điện của Uganda cho biết họ đã xác định được 584 lỗi thi công trong Nhà máy thủy điện Isimba công suất 183 megawatt do Trung Quốc xây dựng. Họ chỉ ra rằng Tập đoàn Điện và Thủy lợi Quốc tế Trung Quốc đã không xây dựng một thanh chắn nổi để bảo vệ con đập đó khỏi rong tảo và các mảnh vụn khác, dẫn đến các tua-bin bị tắc nghẽn và gây ra các vụ cúp điện.
Ở Angola, người sử dụng dự án nhà ở xã hội Kilamba Kiaxi rộng lớn phàn nàn về những bức tường bị nứt, trần nhà bị mốc, và cơ sở hạ tầng được xây dựng xuống cấp chỉ sau 10 năm kể từ khi chuyển vào ở.
Ông Frank Gaffney, phó chủ tịch Ủy ban của nhóm vận động chống Bắc Kinh có tên Ủy ban về Mối nguy hiểm Đương thời: Trung Quốc (Committee on the Present Danger: China, CPDC) cho biết, những vết nứt lộ thiên này hiện đã trở thành những dấu hiệu nhận biết của các siêu dự án toàn cầu Trung Quốc ở Phi Châu và các nơi khác trên thế giới.
Ông Gaffney là Giám đốc điều hành của tổ chức Cứu trợ Tín hữu Cơ Đốc Bị bức hại kiêm chủ tịch điều hành của Trung tâm Chính sách An ninh. Ông nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua nền tảng Zoom rằng Trung Quốc “có ý định hoàn thành quá trình thuộc địa hóa Phi Châu của họ.”
Ông nói: “Trung Quốc thực sự không có gì ngoài sự khinh miệt đối với người dân Phi Châu.”
Ông nói: “Trung Quốc hơn hết là một ví dụ điển hình về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đến mức họ có thể xây dựng tất cả những công trình này [BRI] mà hóa ra chúng đã được xây dựng kém [chất lượng], thiết kế không đúng cách, không thể chống chọi với khí hậu.”
“Điều đó sẽ chỉ làm tăng thêm sự xúc phạm đối với tổn hại do chiến dịch Vành đai và Con đường này gây ra.”
“Nhưng một lần nữa, mối lo ngại chủ yếu của tôi là rất lâu sau khi mạng lưới đường sắt, cầu, cảng hoặc phi trường, cho thấy rằng chúng không được thi công tốt, hoặc được lên ý tưởng tốt cho vấn đề đó, thì dù sao người Trung Quốc vẫn sẽ tự khẳng định bản thân họ như là người có quyền thống trị trên thực tế ở những quốc gia này và sẽ có rất ít khả năng thoát khỏi sự thống trị chung đó.”
Theo ông Gaffney, việc kìm hãm sự thống trị toàn cầu của Trung Quốc sẽ đòi hỏi hai điều.
Điều thứ nhất sẽ phụ thuộc vào việc liệu những quốc gia liên quan đến lục địa Phi Châu này có tiếp tục chịu đựng sự thống trị của thực dân Trung Quốc hay không.
Còn điều thứ hai phụ thuộc vào việc liệu người Trung Quốc có tiếp tục được tiếp cận thị trường vốn của Hoa Kỳ hay không, mà theo ông Gaffney, là đang thả nổi cho nước này tài trợ cho các chương trình sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ông Gaffney nói: “Và nếu khoản tiền đó ngừng chảy vào Trung Quốc, tôi nghĩ họ sẽ gặp khó khăn hơn nhiều khi đưa ra ‘những lời đề nghị Cho vay Ngắn hạn’ có vẻ hấp dẫn này với các quốc gia chưa khuất phục trước lời mời tham gia xây dựng thuộc địa này.”
Ông cũng bày tỏ mối lo ngại về cách mà kế hoạch Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc được trù hoạch cho cả “các mục đích thương mại và quân sự.”
Ông nói với The Epoch Times: “Người Trung Quốc đang tập trung vào việc thu thập các tài sản chiến lược để đoạt được tài nguyên chiến lược hoặc lãnh thổ chiến lược mà từ đó phô trương sức mạnh.”
“Tất cả điều này là vì lợi ích của Trung Quốc chứ không phải vì lợi ích của các quốc gia liên quan hay Phi Châu.”
Tuy nhiên ông Gaffney cho rằng đến một lúc nào đó, Sáng kiến Vành đai và Con đường chắc chắn sẽ “tan thành mây khói,” nếu Hoa Kỳ ngừng trợ giúp trong việc bảo trợ cho sáng kiến này.
“Và hy vọng là Hoa Kỳ — cùng với các quốc gia phương Tây khác — sẽ cung cấp cho người dân Phi Châu một giải pháp khác mà không có những ràng buộc vô cùng nặng nề vốn đi kèm với kế hoạch vành đai và con đường của Trung Quốc.”
Trong chuyến thăm Ethiopia của mình, ông Tần đã ký một thỏa thuận nhằm xóa một phần nợ cho nước này, nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ và ủng hộ người dân Ethiopia sau cuộc xung đột ở Tigray, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường quy mô trợ giúp nhân đạo cho quốc gia này.
Ông cũng đã đến thăm Trụ sở Liên minh Phi Châu tại Addis Ababa, Ethiopia, nơi ông trả lời các cáo buộc rằng Trung Quốc đang tạo ra một “bẫy nợ” ở châu Phi, nói rằng đó là một cách nói sai lầm, cố ý áp đặt lên sự hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc gia Phi Châu.
Các cuộc họp ở Benin và Gabon cho thấy các triển vọng mở rộng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc, chủ yếu tập trung ở phía đông Phi Châu, sang phía tây Phi Châu.
Khi đến Ai Cập, ông Tần đã thảo luận về mối bang giao song phương trong nhiều lĩnh vực cùng được quan tâm với Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi, Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Ahmed Aboul-Gheit, cũng như với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry.
Ông Tần chúc mừng sự hòa giải tích cực của Angola về các vấn đề bất ổn trong khu vực khi ông đến thăm quốc gia phía nam Phi Châu này.
Châu Phi đang phải đối mặt với sự cạnh tranh kinh tế từ Châu Âu, Trung Quốc, và Hoa Kỳ.
Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh ảnh hưởng với Hoa Kỳ — quốc gia đã đón tiếp các nhà lãnh đạo từ 49 quốc gia Phi Châu hồi tháng trước — cũng như với các cường quốc thuộc địa cũ như Anh và Pháp.
Năm ngoái, Liên minh Âu Châu đã ký một gói phát triển trị giá 170 tỷ USD với Liên minh Phi Châu trong điều được xem là một nỗ lực lớn nhằm đương đầu với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Phi Châu. Nhưng Trung Quốc đã và đang là đối tác thương mại lớn nhất của Phi Châu trong hơn một thập niên.
Theo Ông Joshua Meservey, Hội viên Nghiên cứu về Phi Châu thuộc tổ chức nghiên cứu bảo tồn truyền thống của Mỹ, The Heritage Foundation, ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ vẫn mạnh mẽ ở Phi Châu trong tương lai trước mắt bởi vì họ đã đầu tư rất nhiều thời gian, sự chú ý, và tiền bạc vào đó, và bởi vì họ đã thu hút được nhiều giới tinh hoa Phi Châu bằng nhiều cách khác nhau.
Nhưng một số quốc gia Phi Châu đã trở nên “hoảng hốt” về mức độ phụ thuộc của họ vào Bắc Kinh, và hiện đang cố gắng đa dạng hóa các đối tác, ông Meservey nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.
Ông nói: “Cũng có thể sẽ có một làn sóng vỡ nợ đối với các khoản vay từ Trung Quốc hoặc các yêu cầu xóa nợ và tái cơ cấu nợ do Phi Châu đưa ra.”
“Không giống như Hoa Kỳ và các nước khác, Bắc Kinh không muốn xóa nợ trên quy mô lớn vì họ muốn được đền bù. Nếu nước này thúc đẩy một cuộc mặc cả cứng rắn với các quốc gia Phi Châu vốn đã quen với việc cứu trợ nợ vay, thì điều đó có thể làm tổn hại đến ảnh hưởng của Trung Quốc tại lục địa này.”
Ông Meservey cho biết chính quyền Trung Quốc hiện nay “ít quan tâm” đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên Phi Châu so với trước đây.
Ông nói: “Giờ thì họ tập trung vào một số khoáng sản quan trọng như coban nhưng được cho là mong muốn hơn cả về việc bảo đảm các nước Phi Châu tiếp tục ủng hộ vững vàng cho các mục tiêu chính sách ngoại giao của Trung Quốc, vốn hết sức có giá trị để Bắc Kinh đạt được lợi ích chiến lược của mình ở những nơi như Liên Hiệp Quốc.”
Ông Gaffney thuộc nhóm vận động chống Trung Quốc nói rằng “siêu hạn chiến” của quốc gia cộng sản này chống lại Hoa Kỳ đã diễn ra bởi lẽ từ lâu Hoa Kỳ đã bảo trợ cho Bắc Kinh.
Ông Gaffney nói với The Epoch Times, “Chúng ta đang biến điều đó thành hiện thực với khoản tài trợ rất lớn này [từ 3 ngàn tỷ USD đến 6 ngàn tỷ USD] đã được chuyển từ các nhà đầu tư Mỹ và thị trường vốn Hoa Kỳ sang các công ty Trung Quốc, bao gồm một số công ty trực tiếp tham gia đe dọa chúng ta, giúp ĐCSTQ biến người dân của chính họ thành nô lệ và cũng hành động nhằm biến phần còn lại của thể giới thành nô lệ.”
Ông đã chỉ trích chính phủ đương nhiệm đã quá “thỏa hiệp sâu sắc” đến mức chỉ khiến Tổng thống Joe Biden trở thành “một món tài sản bị kiểm soát của ĐCSTQ.”
Ông đặt ra câu hỏi: “Vì vậy, điều đó có thể giúp giải thích lý do tại sao chúng ta lại tham gia vào những sự kiềm hãm này. Tại sao chúng ta không làm tốt lắm đối với Trung Quốc; tại sao chúng ta lại cho phép họ thắng chúng ta trong hầu hết mọi cuộc cạnh tranh, kể cả những cuộc cạnh tranh kinh tế?”
“Nhưng tôi vẫn rất tin tưởng mạnh mẽ rằng trong sự kiện này, chúng ta có thể hành động cùng nhau.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times