Romania kết thêm mối bang giao ở châu Phi sau ‘sai lầm chiến lược’ bỏ bê các mối quan hệ
Tổng thống Klaus Iohannis cho biết ông đã tận dụng chuyến thăm 10 ngày tới châu Phi — chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Romania sau 30 năm — để đưa quốc gia hậu cộng sản này “trở lại khu vực Phi Châu.”
Chuyến công du tới bốn nước châu Phi — Kenya, Tanzania, Cape Verde, và Senegal — từ ngày 14/11 đến ngày 23/11 của ông Iohannis đã gây ra nhiều tranh cãi ở trong nước khi các nhà phê bình đặt câu hỏi rằng chuyến công du có chi phí đi lại rất tốn kém này mang lại lợi ích kinh tế gì cho Romania.
Nhưng ông phản bác lại, khẳng định đó là một “sai lầm chiến lược” khi bỏ bê mối quan hệ với châu Phi trong nhiều năm qua.
Nhà lãnh đạo Romania này thừa nhận đã mất nhiều thập niên để đất nước của ông lần đầu tiên hiểu được “giá trị đặc biệt” của mối quan hệ kinh tế với các quốc gia Phi Châu.
“Thật không may, trong những thập niên sau Cách mạng 1989, mối quan hệ này gần như bị lãng quên,” ông Iohannis nói.
“Chúng tôi nhận ra rằng đây là một sai lầm chiến lược trong chính sách đối ngoại của Romania và chúng tôi đã đưa ra các biện pháp khắc phục. Chúng tôi đã đưa ra một chiến lược mới đối với châu Phi, trong đó đặc biệt nhắm vào các đối tác truyền thống của Romania trên lục địa này,” ông nói về chiến lược tìm cách tận dụng các cơ hội, tăng cường tăng cường quan hệ đối tác, và mở ra các lĩnh vực hợp tác kinh tế mới.
“Tôi nghĩ người Romania đánh giá cao điều đó vì nhiều người biết mối quan hệ mà chúng tôi đã có và tôi tin rằng nhiều người nhận ra tiềm năng to lớn được thể hiện qua mối quan hệ tốt đẹp giữa Romania và các quốc gia Phi Châu, giữa Liên minh Âu Châu và châu Phi.”
Ông Ondo Ze, giảng viên kiêm nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Omar Bongo ở Gabon, đồng thời là thành viên của Trung tâm Học tập và Nghiên cứu Khoa học Trái Đất, Chính trị và Triển vọng, xem các nước Phi Châu và Romania là những bằng hữu không thể tách rời với một lịch sử và thách thức chung: họ đều chuyển từ chủ nghĩa toàn trị sang nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản vào những năm 1990.
Ông Ondo nói với The Epoch Times: “Ngày nay, có vẻ như mô hình này đang lặp lại.”
“Romania, quốc gia đã gia nhập Liên minh Âu Châu và NATO, hiện đang tìm cách khẳng định mình bằng cách tận dụng sự rạn nứt ngày càng tăng giữa các quốc gia Phi Châu và phương Tây.”
“Tương tự như vậy, Romania muốn trở thành một [đồng minh] thân thiện khi đối mặt với Nga, quốc gia được xem là con sói lớn xấu xa,” ông Ondo nói, đồng thời lưu ý rằng quốc gia Đông Âu này không có tham vọng cạnh tranh với bất kỳ cường quốc ngoại quốc nào.
Ông khẳng định: “Romania chỉ đơn giản là lợi dụng sự căng thẳng ngày càng tăng giữa phương Tây và Nga.”
“Họ đang lợi dụng [sự rạn nứt] này để [khởi động] chính sách ngoại giao của riêng họ đồng thời khôi phục lại sự hợp tác trong quá khứ với châu Phi. Romania muốn khẳng định mình là đối tác lịch sử của các quốc gia Phi Châu, có khả năng hiểu biết và giúp đỡ họ.”
Tuy nhiên, ông Hildebrand Shayo, chuyên gia kinh tế kiêm nhà phân tích ngân hàng đầu tư ở Dar es Salam, Tanzania, lưu ý chuyến thăm của nhà lãnh đạo Romania không có gì khác thường.
“Những người duy nhất có thể quan tâm đến chuyến thăm như vậy là những người làm kinh doanh hoặc những người trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ, họ có thể nắm bắt cơ hội kinh doanh từ các công ty Romania.”
Ông Shayo nói với The Epoch Times: “Trên đường phố, hầu như không ai nói về lợi ích từ chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia như vậy.”
“Hiện tại, nhiều quốc gia không có quan hệ thuộc địa khi đó đang cố gắng thắt chặt quan hệ đối tác nhằm tạo thuận tiện cho doanh nghiệp của họ ở quê nhà thâm nhập các thị trường mới.”
“Việc này có thể thành công đến mức nào sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả chi phí liên quan đến những gì đang được thảo luận. Các doanh nghiệp Tanzania sẽ luôn phải so sánh xem họ có được thỏa thuận tốt ở đâu khi tìm nguồn cung ứng hàng hóa và dịch vụ.”
Ông Ondo đồng tình và cho rằng Romania “có nhiều thứ để nhận hơn là cho.”
Ông Ondo nói với The Epoch Times: “Lục địa [Phi Châu] vẫn là nơi sản xuất nguyên liệu thô và là thị trường đang phát triển toàn diện với sự gia tăng dân số mà lục địa này đã trải qua kể từ thế kỷ trước.”
“Điều đó phụ thuộc vào việc các quốc gia châu Phi tự khẳng định mình là [đối tác đáng tin cậy] chứ không phải là những tác nhân yếu kém hay nạn nhân.”
Theo chính phủ của ông Iohannis, chuyến công du tới bốn quốc gia Phi Châu nhằm “khởi động lại cuộc đối thoại chính trị cao cấp” với các quốc gia được đề cập nhưng cũng nhằm “vực dậy các mối quan hệ kinh tế và ngành nghề” nhằm mở ra và tận dụng những cơ hội hợp tác mới.
Tuy nhiên, ông Shayo nói rằng Romania sẽ gặp “thách thức” khi xâm nhập vào các vùng lãnh thổ châu Phi.
Ông nói: “Ba thập niên là một thách thức [bởi vì] điều mà các nhà lãnh đạo có thể nghĩ đến không phải là điều mà thế hệ trẻ sinh ra trong ba thập niên này [mong muốn].”
“Tôi chỉ thấy những khu vực cụ thể [nơi Romania có thể thành công] không giống như việc Trung Quốc [kiểm soát] mọi thứ ở châu Phi.”
Ông Msoka, giảng viên cao cấp về Nghiên cứu Phát triển tại Đại học Dar es Salaam ở Tanzania, nói với The Epoch Times: “Đây là điều đã trở nên không còn xa lạ hiện nay đối với các quốc gia trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác — hãy nghĩ đến các nước MIKTA, BRICS, TICAD, diễn đàn Nam Hàn-Châu Phi, diễn đàn Trung Quốc-Châu Phi, diễn đàn cao cấp Ấn Độ-Châu Phi, diễn đàn Nga-Châu Phi.”
Theo ông, không thể phủ nhận rằng khoảng cách thế hệ giữa các nhà lãnh đạo cũ và mới — cả ở châu Phi và Romania — đòi hỏi phải đổi mới các mối quan hệ này để mang lại nhiều cơ hội hơn.
Ông Msoka nói: “Nếu không được thực hiện, chủ nghĩa tự do mới có thể có nghĩa là quên đi những mối quan hệ trong quá khứ. Nhiều thanh niên [ở châu Phi] nghĩ về phương Đông là nơi mà chủ nghĩa cộng sản đã thất bại và không có gì để học hỏi. Điều này là sai lầm. Vẫn còn nhiều lĩnh vực có thể hợp tác.”
Riêng đối với Tanzania, chuyến thăm diễn ra đúng lúc quốc gia đang nỗ lực khôi phục quan hệ song phương với các đối tác quốc tế.
Thanh Nguyên lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times