Thỏa thuận cảng gây tranh cãi của Ethiopia khiến vùng Sừng châu Phi rơi vào tình trạng bất ổn
YAOUNDE, Cameroon—Ethiopia, Somalia, và Somaliland đang chìm trong các cuộc biểu tình và phản đối biểu tình sau khi [thủ đô Ethiopia] Addis Ababa và Somaliland ký kết một biên bản ghi nhớ (MOU), cho phép Ethiopia tiếp cận Hồng Hải hôm 01/01.
Thỏa thuận này nhằm đổi lấy sự công nhận quốc tế cho Somaliland.
Mặc dù các chi tiết của thỏa thuận sơ bộ này vẫn còn gây tranh cãi và chưa được công bố, nhưng các quan chức cho biết Somaliland sẽ cấp cho Ethiopia quyền tiếp cận Vịnh Aden với một căn cứ hải quân để đổi lấy cổ phần của hãng hàng không Ethiopian Airlines và sự công nhận của Ethiopia đối với nền độc lập của Somaliland khỏi Somalia.
Thỏa thuận này đã phải đối mặt với sự lên án quốc tế đáng kể và khiến Somalia tức giận. Somalia đã mô tả hành động này là hành vi “gây hấn.”
Hồi năm 1991, Somaliland tuyên bố độc lập khỏi Somalia trong bối cảnh miền nam đất nước xảy ra nội chiến và khu vực này đã vận hành theo hướng tự trị kể từ đó.
Hôm 06/01, Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud đã chính thức bãi bỏ bản ghi nhớ nói trên, mô tả thỏa thuận này là “bất hợp pháp.” Trước đó, Somalia đã triệu hồi đại sứ của mình ở Ethiopia và kêu gọi sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.
Ethiopia mất quyền tiếp cận đối với hai cảng biển chiến lược Assab và Massawa sau khi Eritrea tách khỏi Ethiopia hồi năm 1993, buộc Ethiopia phải phụ thuộc vào Cảng Djibouti như một giải pháp thay thế quan trọng.
Các nhà quan sát gọi bước đi này là “không có gì đáng ngạc nhiên” vì thỏa thuận này mang lại cho Ethiopia một cơ hội tuyệt vời để tiếp cận thêm một cảng — Cảng Berbera — mà không một quốc gia nào khác có thể tiếp cận được.
“Thỏa thuận này, mang lại cho Ethiopia 20 km ranh giới ven biển trong thời hạn 50 năm, thể hiện một sự thu xếp đặc biệt, một ‘thỏa thuận hấp dẫn’ mà Ethiopia sẽ không có được từ các nước lân bang như Eritrea, Djibouti, hoặc Kenya — mặc dù những nước này có quyền tiếp cận lãnh thổ hàng hải,” ông Thomas Joel Kibwana, nhà phân tích quan hệ quốc tế tại The Chanzo Initiative (nền tảng truyền thông hàng đầu của Tanzania), nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.
Ông viết, “Đối với Somaliland, đây là một thắng lợi ngoại giao đáng kể. Đối với Somalia, diễn biến này đánh dấu một bước thụt lùi đáng chú ý trên phương diện ngoại giao. Điều đó nhấn mạnh tầm ảnh hưởng hạn chế mà [thủ đô Somalia] Mogadishu nắm giữ đối với [thủ đô Somaliland] Hargeisa, nhấn mạnh quyền tự trị đáng kể của Somaliland.”
Somalia tuyên bố rằng thỏa thuận hồi tuần trước là một sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của nước này. Trong khi đó, Somaliland nói rằng họ có quyền độc lập được Liên Hiệp Quốc công nhận với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, còn Ethiopia cho biết thỏa thuận này không gây tổn hại đến lợi ích khách quan của bất kỳ bên thứ ba nào vì thỏa thuận hoàn toàn tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.
Ông Andrew Korybko, nhà phân tích chính trị người Mỹ ở Moscow chuyên về quá trình chuyển đổi hệ thống toàn cầu sang đa cực, cho biết thỏa thuận này tốt hơn nhiều cho Ethiopia và Somaliland, mặc dù có nguy cơ là một liên minh ngăn chặn trong khu vực có thể tập hợp lại để phản đối thỏa thuận này.
Ông Korybko nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “Ethiopia có được khả năng tiếp cận đáng tin cậy đối với vùng biển này và cũng sẽ có thể tái thiết lực lượng hải quân của mình, do đó ngăn chặn trước những hậu quả sắp xảy ra do vị trí không giáp biển của quốc gia này đối với sự ổn định trong nước và của khu vực, mặc dù cái giá phải trả là làm mối bang giao với Somalia đi xuống.”
Somaliland đã nhận được sự công nhận chính thức đầu tiên từ một quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đặt trụ sở chính của Liên minh Phi Châu, cùng với các cổ phần có lợi nhuận trong ít nhất một công ty quốc gia Ethiopia cùng với có thể là các bảo đảm an ninh chống lại Somalia.
“Đối với Somalia, cuối cùng họ buộc phải đối mặt với thực trạng quân sự-ngoại giao trên thực tế trong 33 năm qua mà cho đến nay họ vẫn chưa sẵn lòng thừa nhận, nhưng điều may mắn mà Mogadishu nhận thấy là đây là cơ hội để tổ chức một liên minh các nước nhằm kiềm chế Ethiopia,” ông Korybko viết.
Một khía cạnh quan trọng của thỏa thuận này đòi hỏi Ethiopia phải chính thức công nhận Cộng hòa Somaliland là một quốc gia có chủ quyền và độc lập.
Somaliland hiện duy trì nhiều mối quan hệ ngoại giao không chính thức, bằng chứng là các văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, và Đài Loan.
Nếu thỏa thuận với Ethiopia tiến triển tích cực, thì thỏa thuận này có thể mở đường cho các quốc gia khác công nhận Somaliland.
Ông Korybko cho biết sự kết hợp giữa các vấn đề nợ nần của Ethiopia — do đại dịch, Chiến tranh phương Bắc kéo dài hai năm từ 2020 đến 2022, hạn hán nghiêm trọng và bùng nổ dân số — đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị mà có thể gây ra “những hậu quả an ninh rất nghiêm trọng” đối với vùng Sừng châu Phi.
Đoán trước được điều này, Ethiopia muốn đạt được một thỏa thuận về khả năng tiếp cận biển đáng tin cậy và chi phí thấp với những điều kiện tốt hơn so với thỏa thuận khó khăn hiện nay với Djibouti và sau đó tái thiết Hải quân Ethiopia.
Ông viết, “Do đó, Somaliland là đối tác khả thi duy nhất giúp [Ethiopia] đạt được mục tiêu này. Họ yêu cầu chính thức công nhận nền độc lập của mình như một điều khoản bổ sung để cung cấp cho Ethiopia quyền tiếp cận mà họ mong muốn, do đó mới dẫn đến biên bản ghi nhớ này.”
Ông còn gợi ý thêm rằng Ethiopia có thể đã đánh giá tỉ mỉ tất cả các khía cạnh để chắc chắn rằng bất kỳ hậu quả ngoại giao tiềm ẩn nào đều không lớn bằng những lợi ích an ninh quốc gia được nhận thấy.
“Về tình trạng phân cực, tôi dự đoán cường độ của tiến trình phân cực sẽ tăng vọt. Một sự phân định ranh giới dứt khoát đã xuất hiện, buộc cộng đồng quốc tế phải đưa ra lựa chọn mang tính quyết định: Hoặc thừa nhận chủ quyền của Somaliland hoặc ủng hộ tuyên bố lãnh thổ của Somalia.”
Tuy nhiên, ông Kjetil Tronvoll, giáo sư nghiên cứu hòa bình và xung đột tại trường Cao đẳng Đại học Mới Olso của Na Uy, nói với The Epoch Times rằng thỏa thuận này “chưa có ý nghĩa pháp lý” vì đây chỉ là một biên bản ghi nhớ chứ không phải là một hiệp ước chính thức được công nhận theo luật pháp quốc tế.
Ông Tronvoll tin rằng thỏa thuận này sẽ giúp Ethiopia thực hiện tham vọng bấy lâu nay là trở thành một cường quốc thực sự trong khu vực, có khả năng khai triển lực lượng ở Ấn Độ Dương và Hồng Hải.
“Ethiopia là quốc gia lớn thứ hai về dân số trên lục địa Phi Châu [khoảng 126 triệu người], có tốc độ tăng trưởng dân số cao, có một nền kinh tế đang phát triển, và không giáp biển,” ông Tronvoll nói. “Vì vậy, từ góc độ nhân khẩu học và kinh tế, cũng như an ninh xét về các tuyến xuất nhập cảng đáng tin cậy, có thể hiểu rằng Ethiopia sẽ kiểm soát quyền tiếp cận cảng và vùng biển của mình.”
Thỏa thuận Ethiopia–Somaliland được đưa ra đúng một tháng sau khi Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài ba thập niên đối với Somalia để tăng cường khả năng chống khủng bố của nước này.
Thỏa thuận cũng diễn ra đúng một tuần sau khi Somalia và Somaliland đồng ý nối lại đối thoại về nhiều khác biệt giữa hai nước.
Ông Korybko tin rằng việc Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Somalia là một quá trình diễn ra độc lập với các kế hoạch cảng hòa bình của Ethiopia và rằng các cuộc đàm phán gần đây ở Djibouti có thể đã được Somaliland đồng ý để đánh giá các lựa chọn của nước này.
Ông còn ám chỉ thêm rằng khả năng không thể sớm đưa ra bất kỳ giải pháp ngoại giao nào — cùng với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc — cho thấy căng thẳng quân sự sẽ gia tăng, đặc biệt kể từ khi Ai Cập và Eritrea nhận thấy lợi ích trong việc sử dụng Somalia như là bên ủy nhiệm để kiềm chế Ethiopia.
Thanh Nguyên lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times