Khủng hoảng Hồng Hải lan tới các cảng của châu Phi, bóp nghẹt chuỗi cung ứng toàn cầu
Hàng trăm tàu thương mại chuyển hướng khỏi tuyến đường thủy quan trọng này để tránh các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái và phi đạn của Houthi, nhưng phải đối mặt với sự chậm trễ kéo dài tại các bến cảng hoạt động kém hiệu quả của châu Phi.
Các cuộc tấn công vào tàu thương mại đi qua Hồng Hải đang buộc các tàu phải đi vòng quanh châu Phi để vận chuyển hàng hóa đến các thị trường Âu Châu và Bắc Mỹ.
Nhưng các cảng lớn của châu Phi trên bờ biển phía đông của lục địa này, bao gồm Mombasa và Dar es Salaam, lại quá nhỏ để có thể tiếp nhận nhiều tàu lớn như vậy trong một thời gian ngắn.
Điều này có nghĩa là hầu hết áp lực đều đổ lên các cảng Nam Phi, nơi đang phải hứng chịu nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm quản trị kém, tham nhũng, và mất điện kéo dài.
Hơn 20,000 tàu đi qua kênh đào Suez mỗi năm, khiến nơi này trở thành một trong những tuyến hàng hải chủ chốt của thế giới, đặc biệt là vận chuyển nhiên liệu hóa thạch từ Trung Đông và vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu.
Để đến được kênh đào này, tàu thuyền phải đi qua Hồng Hải. Tuy nhiên, phiến quân Houthi liên minh với Iran vẫn tiếp tục tấn công tàu thuyền qua lại trên tuyến đường này, bất chấp lực lượng hải quân quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu đã bắt đầu bắn hạ phi đạn và phi cơ không người lái do tổ chức khủng bố này phóng.
Lực lượng Houthi cho biết họ đang nhắm mục tiêu vào các tàu có liên kết với Israel để trả đũa cuộc chiến của nước này ở Gaza.
Chính phủ Tổng thống Joe Biden cho biết thông tin tình báo tiết lộ Iran “có liên quan sâu sắc” đến việc lập kế hoạch tấn công các tàu thuyền nhằm gây ra một cuộc khủng hoảng đe dọa nền kinh tế thế giới.
Các công ty vận tải quốc tế hiện đang chuyển hướng tàu quanh Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, một chặng đường dài hơn nhiều.
Sự gián đoạn này đã khiến giá dầu tăng cao và bóp nghẹt chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nhà phân tích cũng dự đoán việc chuyển hướng này cũng sẽ khiến chi phí vận chuyển tăng lên đáng kể.
Bà Noam Raydan, chuyên gia phân tích về hoạt động vận chuyển tại Viện nghiên cứu Washington về Chính sách Cận Đông, nói với The Epoch Times: “Cho đến nay, 364 tàu đã phải định tuyến lại. Bây giờ họ cần thực hiện một hành trình chuyển hướng dài 6,000 hải lý quanh Nam Phi.
“Nếu cuộc khủng hoảng ở Hồng Hải tiếp tục kéo dài, người tiêu dùng chắc chắn sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng nhập cảng.
Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Nam Phi, ông Gavin Kelly, nói với The Epoch Times rằng hai cảng “hợp lý” cho các tàu chuyển hướng đến bổ sung hàng hóa và tiếp nhiên liệu là Durban và Cape Town, hai bến cảng phát triển nhất châu Phi.
Nhưng hai cảng này và những cảng khác ở Nam Phi đều bị tắc nghẽn, chủ yếu là do hệ thống đường sắt của nước này vô cùng xập xệ, ông nói.
Ông Kelly cho biết hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt của Nam Phi đã bị “phá hủy” do rất nhiều thập niên nước này phải chống chọi với tham nhũng, không được phát triển đầy đủ, và không được bảo trì.
Ông Kelly cho biết “hàng chục ngàn” container đang nằm tồn đọng chờ nhân viên giải quyết.
“Tôi thấy các tàu đến từ khu vực Hồng Hải đang phải chờ đợi bên ngoài các bến cảng Nam Phi ít nhất từ 10 đến 14 ngày và chúng tôi đã thấy rất nhiều tàu xếp hàng dài trên biển xung quanh các cảng của chúng tôi.”
Nghiên cứu gần đây về cuộc khủng hoảng vận tải hàng hóa ở Nam Phi do công ty tư vấn độc lập Gain Group thực hiện cho thấy sự kém hiệu quả trong lĩnh vực cảng và hàng hóa đường sắt đang khiến quốc gia này bị thiệt hại trực tiếp ít nhất 19 tỷ USD hàng năm.
Ông Andrew Whitfield, phát ngôn viên của đảng đối lập chính ở Nam Phi, Đảng Liên minh Dân chủ, cho biết chính phủ phải cho phép các công ty thuộc khu vực tư nhân [tiếp cận hệ thống cảng] để giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng tại các bến cảng, vì nhà nước đã không thể “thực hiện được nghĩa vụ của mình.”
Ông nói với The Epoch Times: “Cuộc khủng hoảng Hồng Hải đã cho thấy ngành vận tải hàng hóa và cảng do nhà nước quản lý của chúng ta đã trở nên thảm hại như thế nào.”
Bà Raydan cho biết ngay cả sự chậm trễ nhỏ trong vận chuyển cũng sẽ gây ra tắc nghẽn tại các cảng container trên khắp châu Âu.
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times