Tương lai chính trị của Nam Phi đang ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc
Các đảng gặp nhau trong tuần này để cố gắng thành lập chính phủ mang tính quyết định, nhưng quan điểm chính sách khác nhau về mọi mặt và sự thù địch đe dọa sẽ làm chệch hướng các cuộc đàm phán.
JOHANNESBURG—Tương lai của Nam Phi sẽ được xác định trong tuần này khi các đảng chính trị gặp nhau để đưa ra được một thỏa thuận về việc chia sẻ quyền lực sau cuộc bầu cử lịch sử của quốc gia này hôm 29/05.
Cuộc bầu cử này đã phá vỡ nhóm đa số mà Đảng Đại hội Dân tộc Phi Châu (ANC) có được kể từ năm 1994. Hồi năm đó, ANC chỉ nhận được 40% phiếu bầu trong cuộc thăm dò đa chủng tộc đầu tiên của Nam Phi.
Cử tri đã trừng phạt đảng này vì họ đã tham nhũng trong nhiều thập niên, quản lý kinh tế yếu kém, tội phạm bạo lực gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao, nghèo đói, và thất bại trong việc cung cấp dịch vụ khiến người dân không có điện và nước trong nhiều ngày, đôi khi nhiều tuần.
Với 159 trên 400 ghế trong Quốc hội, ANC không thể một mình thành lập một chính phủ như họ đã làm trong 30 năm qua mà phải dựa vào sự ủng hộ từ các đảng đối lập.
Đảng lớn thứ hai là Đảng Liên minh Dân chủ (DA) do người da trắng lãnh đạo vốn trung lập, ủng hộ doanh nghiệp, ủng hộ Tây phương, hiện chiếm 87 ghế.
Tiếp theo là hai đảng dân túy theo chủ nghĩa Marx, chống Tây phương do các cựu thành viên có uy tín của ANC lãnh đạo: Đảng Umkhonto we Sizwe (MK) của cựu tổng thống Jacob Zuma với 58 ghế; và Đảng Tranh đấu vì Tự do Kinh tế (EFF) của ông Julius Malema với 39 ghế.
Phần còn lại của Quốc hội là một nhóm đa dạng, trong đó có các tổ chức đại diện cho lợi ích của người Zulus, người Afrikaners, và người hợp chủng Nam Phi.
ANC phải ký một thỏa thuận với tất cả hoặc một số đảng đại diện khác trước cuối tuần, vì Hiến Pháp yêu cầu Quốc hội phải họp để bầu ra một tổng thống sau khi kết quả bầu cử được công bố hai tuần.
Các bài báo gần đây trên giới truyền thông thế giới phản ánh tình trạng căng thẳng hiện nay của nền kinh tế công nghiệp hóa nhất châu Phi này.
Tờ Financial Times của London viết: “Nam Phi đang lâm nguy.”
Tờ The Economist viết: “Nam Phi đang ở giữa ranh giới của phục hồi hoặc suy vong.”
Cả hai bài báo này đều đề cập đến một lựa chọn mà ANC phải đối mặt: đi theo hướng thiên hữu bằng cách hợp tác với DA… hoặc theo hướng thiên tả bằng cách thành lập chính phủ liên minh với MK và có thể với cả EFF.
Tuy nhiên, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã bất ngờ gây khó khăn khi mời tất cả các đảng này tham gia Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) do ANC lãnh đạo—bất chấp các chính sách và lập trường của họ đối lập nhau.
“Phản ứng ngay lập tức của tôi là tôi không hiểu làm thế nào họ có thể làm việc cùng nhau, ngay cả trong những vấn đề đơn giản nhất, bởi vì họ thực sự ghét nhau và họ đều ghét những gì mà đối phương ủng hộ,” một trong những nhà phân tích chính trị được trọng vọng nhất Nam Phi, giáo sư Susan Booysen, cho biết.
Bà nói với The Epoch Times: “Sẽ phải có một phép màu để một GNU như vậy có thể hoạt động dù chỉ hiệu quả một nửa.”
Ông Ray Hartley, người thuộc tổ chức tư vấn có uy tín ở Nam Phi, Quỹ Brenthurst, nói về đề nghị của ông Ramaphosa: “Cách hoạt động của GNU là đặt ANC và người lãnh đạo của đảng đó lên hàng đầu chứ không phải đất nước này.”
“Cách hoạt động đó cho phép ông Ramaphosa một lần nữa từ bỏ vai trò lãnh đạo và tránh đưa ra một lựa chọn chính trị nghiêm túc – đi theo cánh tả dân túy hoặc đứng ở vị trí trung lập.
“Ông ấy sẽ đóng vai là một [Nelson] Mandela, tự cho mình là một người đàn ông vĩ đại hòa giải một cuộc khủng hoảng lớn, mà bỏ qua thực tế tất nhiên rằng đây là một cuộc khủng hoảng hoàn toàn do ANC gây ra chứ không phải do chế độ phân biệt chủng tộc nào.
“Rốt cuộc, ông Ramaphosa đang cố gắng thành lập một chính phủ gồm các thành viên sẽ thường xuyên gây chiến với nhau, nhằm củng cố vị thế của ANC.”
Ông Hartley nói rằng tổng thống nên lãnh đạo đảng của mình thành một liên minh mà ông tin rằng liên minh đó sẽ đưa đất nước tiến lên, thay vì giải quyết một điều gì đó để “giúp cho ANC bớt xấu hổ.”
Ông nói: “Đưa đất nước tiến lên có nghĩa là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện để tạo việc làm trên quy mô lớn, sắp xếp lại các doanh nghiệp quốc doanh và các thành phố để cung cấp đủ điện và nước, đồng thời làm cho đất nước trở nên an ninh hơn và không có tham nhũng.”
“Không có con đường tắt nào cả. Việc giả vờ như thời điểm này mọi sự việc chỉ xoay quanh ANC là sai lầm.”
Đảng DA ủng hộ nền kinh tế theo hướng bảo tồn truyền thống và một thị trường tự do mà họ cho rằng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư, tạo việc làm, và cuối cùng giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Ngược lại, các đảng ANC, EFF, và MK ủng hộ các chính sách xã hội chủ nghĩa và sự kiểm soát tập trung của chính phủ đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Bản tuyên ngôn của DA cho biết các chính sách của ANC, trong đó có hành động khẳng định và trao quyền kinh tế cho người da đen đã làm giàu cho tầng lớp tinh hoa có mối quan hệ với đảng cầm quyền này, và nên được thay thế bằng việc tuyển dụng mà “không phân biệt chủng tộc và dựa trên thành tích.”
Đảng này muốn các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan được bổ nhiệm làm bộ trưởng nội các và quản lý doanh nghiệp chính phủ, bất kể đảng phái chính trị.
Điều đó sẽ chấm dứt chính sách “khai triển nhân viên” của ANC bằng cách thưởng cho những người trung thành với đảng này những công việc cấp cao, lương cao ngay cả khi họ không đủ tiêu chuẩn cho các chức vụ đó.
Đảng DA cho biết họ muốn tư nhân hóa việc cung cấp các dịch vụ mà chính phủ không cung cấp đầy đủ.
MK, EFF, và ANC cho biết các chính sách của DA có mục đích là để duy trì “đặc quyền của người da trắng.”
Cả MK và EFF đều nói rằng DA được kiểm soát bởi “tư bản độc quyền của người da trắng,” với mục đích kìm kẹp người da đen trong tình trạng “nô lệ và nghèo đói.”
Cả hai đảng này đều cáo buộc Tổng thống Ramaphosa, người đã kiếm được khối tài sản kếch xù trong ngành kinh doanh trước khi quay trở lại chính trường, là “đầy tớ của tư bản da trắng.”
MK và EFF muốn hủy bỏ Hiến Pháp Nam Phi để cho phép chính phủ kiểm soát mọi tài sản, trong đó có đất đai, ngân hàng, các mỏ vàng, và bạch kim.
Họ nói rằng lợi nhuận từ những tài sản nói trên phải được chia sẻ với người nghèo.
Cả hai đảng này đều từ chối thỏa hiệp về những yêu cầu nói trên.
Các nhà kinh tế cho rằng việc thực hiện những chính sách như vậy sẽ hủy hoại Nam Phi, khiến các nhà đầu tư và người đóng thuế phải rời bỏ đất nước, dẫn đến tình trạng thất nghiệp và nghèo đói gia tăng.
MK cho biết họ sẽ chỉ xem xét hợp tác với ANC chỉ khi Tổng thống Ramaphosa từ chức.
ANC công khai thông báo rằng ông ấy sẽ ở lại.
Giáo sư Ann Bernstein, giám đốc Trung tâm Phát triển và Doanh nghiệp Nam Phi, nói với The Epoch Times rằng đề nghị của TT Ramaphosa về GNU là “khôn ngoan.”
“Ông ấy đang nói với những người Nam Phi: ‘Chà, quý vị đã bỏ phiếu cho tất cả các đảng khác nhau nên bây giờ chúng tôi sẽ mang lại cho quý vị những gì quý vị muốn và tất cả họ đều có thể cầm quyền,” bà nói.
“Nhưng đề nghị của ông ấy cũng nhằm mục đích cứu ông ấy và ANC khỏi cuộc nổi dậy nội bộ mang tính hủy diệt sẽ xảy ra nếu ông ấy tham gia vào một chính phủ liên minh hẹp với DA.”
Một quan chức cấp cao của ANC nói với The Epoch Times rằng mong muốn của Tổng thống Ramaphosa là hợp tác với DA.
“Ông ấy nghĩ rằng ông ấy có thể đối thoại với họ và họ sẽ ít gây rối trong chính phủ hơn nhiều so với EFF và MK.
Vị quan chức này cho biết: “Việc cầm quyền sẽ hiệu quả hơn vì ANC và DA sẽ cùng nhau nắm giữ đa số khá lớn.”
“Nhưng nếu ông ấy thành lập một liên minh với DA, thì đó là sự kết thúc đối với ông ấy. Kẻ thù của ông trong ANC sẽ lật đổ ông ấy hoặc rời khỏi khỏi đảng này.
“Ông ấy không muốn bị coi là người đã gây ra sự sụp đổ của ANC.”
Bà Bernstein cho biết chính phủ liên minh ANC-DA sẽ làm hài lòng các thị trường địa phương và quốc tế, đầu tư sẽ đổ vào Nam Phi, đồng thời sẽ có tăng trưởng kinh tế và nhiều việc làm hơn.
“Tuy nhiên, việc đưa DA vào là điều không thể chấp nhận được đối với bộ phận RET (Chuyển đổi Kinh tế Cực cấp tiến) của ANC, bộ phận vốn có nhiều điểm chung hơn với EFF và MK ở chỗ họ coi DA là một đảng của những người da trắng phân biệt chủng tộc và những con rối người da đen,” bà ấy nói.
Lãnh đạo DA, ông John Steenhuisen, và một số quan chức của ông là người da trắng, và một phần đáng kể cơ sở cử tri của họ nằm ở các vùng ngoại ô của người da trắng, nhưng kết quả bầu cử mang lại cho DA 22% phiếu bầu phản ánh sự ủng hộ từ công dân thuộc mọi chủng tộc.
Nhiều chính sách của DA tập trung vào việc xóa đói giảm nghèo và cải thiện cơ sở vật chất giáo dục và y tế ở các thị trấn và khu vực nông thôn của người da đen.
Giáo sư Adam Habib, một học giả người Nam Phi vốn đang giảng dạy chính trị tại Đại học London, cho biết: “Những chính sách này không quan trọng đối với nhiều người trong ANC và nhiều người Nam Phi da đen vì sự phân biệt chủng tộc trong quá khứ.”
“DA có thể giúp đỡ bao nhiêu người da đen tùy thích, và đảng này vẫn sẽ bị coi là một đảng phân biệt chủng tộc vốn muốn sai bảo người da đen và nói với người da đen rằng họ vô dụng như thế nào so với [ông chủ] da trắng,” ông Habib nói với The Epoch Times.
Ông Habib cho biết ông “không nghi ngờ gì” rằng các chính sách của DA sẽ là “đáng khích lệ” ở Nam Phi.
“Chú ý mà xem, có những thách thức lớn đối với DA. Tôi không nghĩ đảng này đã đáp ứng được các vấn đề của tầng lớp trung lưu da đen và không có sự khác biệt mấy với nền chính trị phân biệt chủng tộc trong lịch sử của chúng ta.
Ông Habib cho biết: “Phải nói rằng, đây là đối tác thích hợp nhất cho tăng trưởng, ổn định, xóa đói giảm nghèo, và tạo việc làm.”
Ông nói thêm rằng MK và EFF sẽ mang lại “sự hỗn loạn” cho chính phủ.
“Liên minh ANC với EFF và MK là một liên minh nguy hiểm. EFF là một đảng phát xít; họ có những ý tưởng cứng nhắc; dễ có xu hướng bạo lực, và sẽ làm suy yếu sự ổn định kinh tế về lâu dài.
“Cả EFF và MK đều tham nhũng trầm trọng. Ông Zuma là một trong những tổng thống tham nhũng nhất trong lịch sử.”
Vào năm 2021, một ủy ban điều tra đã phát hiện ra rằng ông Zuma đã chỉ định cho thân tín của mình đánh cắp khoảng 30 tỷ USD từ các doanh nghiệp quốc doanh khi ông còn là tổng thống từ năm 2009 đến năm 2018.
Ông Zuma phủ nhận hành vi sai trái và đã không bị buộc tội nào liên quan đến thời gian ông tại vị.
Ông Malema đã nhiều lần bị kết tội vì những tuyên bố thù địch đối với công dân da trắng nhưng ông phủ nhận mình là người phân biệt chủng tộc. Ông cũng phủ nhận các cáo buộc tham nhũng chống lại mình.
DA cho biết họ sẽ chỉ xem xét việc gia nhập GNU nếu ANC bảo đảm việc bảo vệ Hiến Pháp như hình thức hiện tại.
Điều đó có nghĩa là chính phủ sẽ không được phép “quốc hữu hóa” tài sản tư nhân, bao gồm cả đất đai, và sẽ bảo đảm sự độc lập của các ngân hàng và hầm mỏ.
Đảng này đồng ý xem xét lại các cam kết của mình nhằm loại bỏ việc trao quyền kinh tế cho người da đen và hành động khẳng định.
“Đây là những nhượng bộ đáng kể và rất khôn khéo của DA,” bà Booysen cho biết. “Những hành động này có nghĩa là các bên khác không thể cáo buộc DA phân biệt chủng tộc trong các cuộc đàm phán và những nhượng bộ này cho thấy DA sẵn sàng hy sinh vì lợi ích ổn định và đàm phán một cách thiện chí.”
Ông Habib cho biết sự tham gia của DA vào GNU là việc “sống còn” của đảng này.
Ông nói: “DA phải có mặt ở đó để GNU trở nên đáng tin cậy.
“Đó là đảng lớn thứ hai ở Nam Phi, cho dù những người cực cấp tiến của ANC có thích hay không.
“Phe của ông Ramaphosa trong ANC biết rằng nếu DA không tham gia — và GNU bị EFF và MK thống trị — thì ông ấy sẽ đặt dấu chấm hết cho nền kinh tế của ông ấy và của đất nước này.”