Bản tin đặc biệt

Trung Quốc siết chặt truyền thông Phi Châu, thúc đẩy truyền bá thông điệp bài xích Mỹ

Các cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ đang hiện diện ở ít nhất 40 trong số 54 quốc gia của châu Phi, trong khi đó, một văn phòng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã rời khỏi châu lục này.

JOHANNESBURG — Theo nghiên cứu riêng được thực hiện bởi hai cơ quan có thẩm quyền về hành động của Trung Quốc trên châu lục này, chế độ cộng sản Trung Quốc đã thôn tính không gian truyền thông trên khắp lục địa này, hạn chế nghiêm ngặt quyền tiếp cận của người dân đối với tin tức không thiên vị, và chính xác, đồng thời cho phép Bắc Kinh truyền bá thông điệp bài xích Mỹ theo ý muốn.

Các báo cáo từ ông Paul Nantulya, làm việc tại Trung tâm Phi Châu Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở ở Hoa Thịnh Đốn, và ông Joshua Eisenman, thành viên cấp cao nghiên cứu về Trung Quốc tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ quốc, đã vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về sự thành công của chế độ Trung Quốc trong việc truyền bá tuyên truyền, thông tin sai lệch, và thông tin giả tại châu Phi.

Nghiên cứu của các chuyên gia này cho thấy chính phủ Hoa Kỳ đã không làm được gì mấy để chống lại sự thống trị của Trung Quốc đối với bối cảnh truyền thông Phi Châu. Ngược lại, những lần cắt ngân sách đã buộc đài truyền thanh quốc tế của chính phủ Hoa Kỳ, tức là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), phải đóng cửa các văn phòng ở châu Phi và hạn chế nghiêm ngặt việc đưa tin từ các nhân viên và cộng tác viên trên lục địa này.

Trong báo cáo của mình, ông Nantulya cho biết các hãng truyền thông do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát hiện đang “nhúng sâu” vào các hệ sinh thái tin tức và thông tin trên khắp châu Phi, “bóp méo” sự thật và hạn chế quyền truy cập vào “thông tin độc lập đang định hướng các cuộc tranh luận của người dân về một loạt vấn đề từ trị quốc, xã hội, đến kinh tế.”

Nghiên cứu của ông Nantulya và ông Eisenman tiết lộ rằng các đặc vụ của ĐCSTQ đã tuyển dụng hàng trăm nhân viên truyền thông người Phi để làm việc tại bốn hãng thông tấn lớn hoạt động trên khắp lục địa này.

Đó là Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Trung Hoa Nhật báo (China Daily), và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc. Tân Hoa Xã và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc đều là các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ thuộc sở hữu nhà nước, còn hai hãng truyền thông còn lại nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Tuyên truyền của chế độ này.

Các nghiên cứu tiết lộ rằng các tổ chức của Trung Quốc tuyển dụng các nhân vật truyền thông nổi tiếng người Phi Châu, trả lương cao cho họ để tăng “độ tin cậy” cho hoạt động tuyên truyền của mình.

Ông Eisenman kết luận “cả bốn hãng đều nhận được nguồn tài nguyên dồi dào của nhà nước cho phép họ phát hành vô số tin tức bằng nhiều loại hình truyền thông khác nhau (báo in, truyền hình, đài phát thanh, và trực tuyến) bằng tất cả sáu ngôn ngữ của Liên Hiệp Quốc” — tiếng Ả Rập, tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, và tiếng Tây Ban Nha.

Ông cho biết mỗi hãng thông tấn này đều có “nhiều tài khoản mạng xã hội đa ngôn ngữ, hướng ra ngoài [xã hội] với hàng triệu người theo dõi trên các nền tảng vốn bị chặn ở Trung Quốc, chẳng hạn như Facebook, Instagram, Twitter, và YouTube.”

Ông Eisenman cho biết, qua Tân Hoa Xã, CGTN, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, và China Daily, ĐCSTQ tài trợ cho nhiều hãng thông tấn Phi Châu đang gặp khó khăn, đổi lại, họ yêu cầu việc đưa tin “có lợi.”

“Để củng cố tiếng nói của Trung Quốc, Bộ Tuyên truyền của ĐCSTQ cung cấp nội dung miễn phí, đàm phán các thỏa thuận chia sẻ nội dung với các đài truyền hình chính phủ và tư nhân, trả tiền hậu hĩnh cho các phụ trang, cung cấp thiết bị hiện đại, mua cổ phần trong các công ty truyền thông hàng đầu” và cung cấp đào tạo,” ông viết trong báo cáo.

“Những (việc đào tạo) này đòi hỏi một dây chuyền dường như vô tận gồm các ký giả Phi Châu đến Trung Quốc trong những chuyến đi được chi trả thù lao đầy đủ, trong đó họ nhận được sự đối đãi hạng nhất và các chuyến du lịch có hướng dẫn viên để truyền tải những hình ảnh và trải nghiệm tích cực.”

Nhiều ký giả trẻ tuổi của châu Phi được đào tạo ở Trung Quốc và được các tổ chức truyền thông Trung Quốc trả thù lao. Chỉ riêng ở Kenya, có 500 ký giả và nhân viên địa phương đang làm việc cho các cơ quan truyền thông Trung Quốc, đưa tin ít nhất 1,800 bản tin Anh ngữ hàng tháng, theo một báo cáo năm 2013 của Shubi Li và Helge Ronning do viện nghiên cứu CMI ở Na Uy công bố.

Một kỹ thuật viên đang xem xét các tờ báo China Daily do Trung Quốc sở hữu tại nhà in ở Nairobi, Kenya, hồi tháng 12/2013. (Ảnh: Tony Karumba/AFP via Getty Images)
Một kỹ thuật viên đang xem xét các tờ báo China Daily do Trung Quốc sở hữu tại nhà in ở Nairobi, Kenya, hồi tháng 12/2013. (Ảnh: Tony Karumba/AFP via Getty Images)

Sự hiện diện khắp nơi

Ông Eisenman cho biết sự hiện diện của truyền thông Trung Quốc bắt đầu “mở rộng đáng kể” ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

“Trong khi những lần cắt ngân sách buộc nhiều hãng thông tấn phương Tây thu hẹp hoạt động đưa tin ở hải ngoại, thì Trung Quốc đã phát động một chiến dịch trị giá 7.25 tỷ USD trên toàn cầu, được gọi là ‘Đại Tuyên truyền Đối ngoại,’” ông viết.

Ông Nantulya cho biết chiến dịch này đã được duy trì trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Phi, vì đảng này đã thấy rõ châu lục này quan trọng như thế nào trong tương lai gần.

Nhiều quốc gia Phi Châu sở hữu các mỏ khoáng sản đất hiếm và kim loại quý cần thiết cho việc sản xuất các sản phẩm năng lượng thay thế, như tua-bin gió và pin mặt trời, máy điện toán, điện thoại di động, và hệ thống vũ khí.

Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông nhà nước hàng đầu của Trung Quốc, chịu trách nhiệm trực tiếp với Bộ Tuyên truyền của ĐCSTQ.

“Việc đưa tin của Tân Hoa Xã ở châu Phi phản ánh nhiệm vụ của cơ quan này là chỉ đưa tin tích cực về Trung Quốc, Đảng Cộng sản, và Chủ tịch Tập,” Giáo sư Herman Wasserman, trưởng khoa nghiên cứu truyền thông của Đại học Cape Town, cho biết.

“Một phần lớn công việc của Tân Hoa Xã là tạo ra hình ảnh tiêu cực về Hoa Kỳ, giống như họ đã làm với một bài viết gần đây tập trung vào việc chính quyền TT Biden tăng thuế lên các sản phẩm năng lượng của Trung Quốc, về cơ bản là nói rằng quyết định này sẽ có tác dụng ngược lại cho chính Hoa Kỳ.”

Tân Hoa Xã có mặt ở tất cả ngoại trừ 14 trong số 54 quốc gia ở châu Phi. Hãng truyền thông này có 40 văn phòng chi nhánh tại châu Phi, nhiều hơn bất kỳ cơ quan truyền thông nào khác trên lục địa này, với gần 1,000 nhân viên, chủ yếu là người Phi Châu.

Trung Quốc siết chặt truyền thông Phi Châu, thúc đẩy truyền bá thông điệp bài xích Mỹ

VOA chỉ còn một văn phòng trên lục địa này.

“Năm năm trước chúng tôi có năm văn phòng, mỗi văn phòng phụ trách một khu vực khác nhau ở châu Phi,” một nhân viên cấp cao của VOA nói với The Epoch Times.

“Chúng tôi từng có một văn phòng ở Johannesburg cho khu vực Nam Phi và một văn phòng ở Dakar [Senegal] cho khu vực Tây Phi. Ngoài ra, chúng tôi còn có các văn phòng vệ tinh ở nhiều thành phố chính của châu Phi, và chúng tôi luôn có kinh phí để trả cho các phóng viên tự do [freelancers].

“Tất cả những điều này đã biến mất; văn phòng Phi Châu duy nhất còn lại là ở Nairobi và chúng tôi có rất ít kinh phí để trả lương cho các phóng viên tự do, vì vậy chúng tôi bỏ lỡ rất nhiều sự kiện đang diễn ra ở châu Phi.”

Giáo sư Glenda Daniels, thuộc khoa nghiên cứu truyền thông của Đại học Wits ở Johannesburg, nói với The Epoch Times rằng “việc truyền bá thông điệp” từ các hãng truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát và “các tổ chức ủy nhiệm Phi Châu” của họ đang tiếp cận đến ít nhất một phần tư trong tổng số 1.5 tỷ người trên lục địa này.

Chẳng hạn như, Tân Hoa Xã có một thỏa thuận chia sẻ nội dung với Tập đoàn Truyền thông Quốc gia của Kenya. Thỏa thuận này cho phép cơ quan ngôn luận Trung Quốc sử dụng tám đài phát thanh và truyền hình ở bốn quốc gia Đông và Trung Phi; tin tức của họ tiếp cận đến 11.3 triệu người mỗi tháng.

Theo một lời khai của ông Nantulya trước Quốc hội vào năm 2020, thỏa thuận này cũng cho phép Tân Hoa Xã tiếp cận 28 triệu người theo dõi trên mạng xã hội và 90,000 lượt phát hành nhật báo.

Người dân xem truyền hình trực tiếp phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo ở Abidjan, Bờ Biển Ngà, vào ngày 28/01/2016. (Ảnh: Sia Kambou/AFP qua Getty Images)
Người dân xem truyền hình trực tiếp phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo ở Abidjan, Bờ Biển Ngà, vào ngày 28/01/2016. (Ảnh: Sia Kambou/AFP qua Getty Images)

Các dịch vụ khác nhau của VOA tại châu Phi khẳng định họ có lượng khán giả hàng tuần là 78 ​​triệu người.

Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc phát sóng bằng ít nhất chín ngôn ngữ Phi Châu từ các văn phòng chi nhánh khu vực ở Harare (Nam Phi), Lagos (Tây Phi), và Cairo (Bắc Phi). Năm 2018, Bộ Tuyên truyền của ĐCSTQ đã sáp nhập đài CRI với Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc để tạo ra Đài Tiếng nói Trung Quốc.

Ông Nantulya cho biết 14,000 nhân viên của Đài Tiếng nói Trung Quốc được giao nhiệm vụ “truyền bá các lý thuyết, đường lối, nguyên tắc, và chính sách của [ĐCSTQ]” cũng như “kể những câu chuyện tốt đẹp về Trung Quốc.”

Ông Wasserman cho biết, CGTN châu Phi có khoảng 200 nhân viên, chủ yếu là người Phi Châu, được phân bổ trên khắp lục địa này, “được hướng dẫn để chỉ nói những điều tốt đẹp về Trung Quốc.”

Ông nhấn mạnh việc CGTN đưa tin về khối Hiệp hội Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi (BRICS). Hiện tại khối này còn có thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia, và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất.

“CGTN thực sự đã thúc đẩy luận điệu rằng BRICS là một đối thủ phù hợp của G7 và đang tước đi quyền lực kinh tế từ phương Tây,” ông Wasserman cho biết.

Trung Quốc siết chặt truyền thông Phi Châu, thúc đẩy truyền bá thông điệp bài xích Mỹ

“Tuy nhiên, trước đây, các bản tin của họ nhìn chung có chất lượng kém. Ngày nay, chất lượng tài liệu của họ, xét về đồ họa và video chất lượng cao, được cung cấp bởi những người dẫn chương trình đầy lưu loát, có thể sánh ngang với tài liệu do BBC và CNN đưa ra. Điều đó làm cho CGTN có vẻ vô cùng đáng tin cậy.”

Ông cho biết, tuy vậy, “rất dễ nhận ra,” khi người ta nhìn kỹ hơn vào cách mà truyền thông Trung Quốc ở châu Phi đang đưa tin về cuộc chiến của Nga ở Ukraine, vốn “không ngần ngại” thúc đẩy quan điểm rằng cuộc xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin là hợp pháp và nhằm ngăn chặn “chủ nghĩa bành trướng của phương Tây.”

“Tôi từng xem CGTN và Tân Hoa Xã đưa tin chi tiết về cách các công ty Hoa Kỳ thu lợi từ chiến tranh, cho thấy rằng Hoa Thịnh Đốn đang tiếp tục chiến tranh vì chiến tranh tạo ra tiền,” ông Wasserman nói.

Ông cho biết thông tin giả của ĐCSTQ đang gây ra “hậu quả nghiêm trọng trên khắp châu Phi,” và nêu ra rằng ĐCSTQ đã trợ giúp cho chế độ ZANU-PF của Zimbabwe vào cuối năm 2022.

Ông Wasserman còn cho biết thông tin giả của ĐCSTQ khẳng định có một âm mưu lật đổ chính phủ ZANU-PF “đã tạo cớ để chế độ này bỏ tù các ký giả và nhà hoạt động.”

Nhiều khoản tiền lớn

Ông nói rằng Hoa Kỳ “hầu như không đáp trả trong cơn giận dữ” trước những tuyên truyền, thông tin sai lệch, và thông tin giả của Trung Quốc ở Zimbabwe và ở toàn bộ châu Phi.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ–Châu Phi vào tháng 12/2022, lần đầu tiên kể từ năm 2014, Tổng thống Joe Biden đã cam kết đầu tư 55 tỷ USD vào lục địa này trong các năm 2023, 2024, và 2025.

Tổng thống Joe Biden trong một bức ảnh với các nhà lãnh đạo của Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Châu Phi ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 15/12/2022. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)
Tổng thống Joe Biden trong một bức ảnh với các nhà lãnh đạo của Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Châu Phi ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 15/12/2022. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)

Ông cho biết, một phần của số tiền sẽ được sử dụng để giúp đỡ các hãng truyền thông “dân chủ” ở châu Phi để chống lại “thông tin sai lệch.”

Cả bà Daniels và ông Wasserman cho biết họ không thấy có bất kỳ dự án truyền thông lớn nào do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ ở châu Phi.

“Tỷ phú Bill Gates đã tài trợ cho một số tổ chức truyền thông ở châu Phi, cũng như các nhà tài trợ của Hoa Kỳ như Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundations),” bà Daniels nói. “Nhưng tôi không biết có bất kỳ hãng truyền thông nào chuyên giải quyết cụ thể việc tuyên truyền của Trung Quốc ở châu Phi.”

Vào tháng 03/2023, trong một tuyên bố với Tiểu ban Phân bổ ngân sách của Hạ viện về Ngoại giao, Hoạt động Đối ngoại và các Chương trình Liên quan, Giám đốc điều hành Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ (USAGM), bà Amanda Bennett cho biết mạng lưới của họ đã “đạt được những thành tựu đáng kể trong việc … củng cố các đối tác truyền thông ở nhiều khu vực bị Trung Quốc nhắm đến mặc dù các hãng truyền thông độc lập toàn cầu chỉ hoạt động với một phần ngân sách của truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát.”

USAGM giám sát hoạt động của bảy mạng phát thanh quốc tế: VOA, Văn phòng Phát thanh Truyền hình Cuba, Đài Phát thanh Tự do, Đài Âu Châu Tự do, Đài Á Châu Tự do, Mạng lưới Phát thanh Trung Đông, và Quỹ Công nghệ Mở.

Bà Bennett đã nhấn mạnh dự án kiểm chứng dữ kiện bằng Anh ngữ của VOA, Polygraph, nơi sản xuất “các video và bài viết bằng tiếng Quan Thoại (Mandarin) để đối phó với những nỗ lực tung thông tin giả của Trung Quốc cũng như đưa ra bằng chứng để phơi bày những lời nói dối.”

Vào tháng 03/2023, USAGM đã đưa ra yêu cầu ngân sách năm 2024 là 944 triệu USD để tài trợ cho tất cả bảy tổ chức của mình.

Bà Bennett cho biết trong một tuyên bố rằng ngân sách này được thiết lập để chống lại “các chiến thuật thao túng thông tin và đàn áp truyền thông từ các chính phủ độc tài ở Trung Quốc, Nga, Iran, và các quốc gia khác đang cố gắng làm suy yếu các giá trị của Hoa Kỳ cũng như kích động các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, và nhân đạo trên toàn thế giới.”

Trung Quốc siết chặt truyền thông Phi Châu, thúc đẩy truyền bá thông điệp bài xích Mỹ

Bà cam kết rằng VOA và các tổ chức khác của đài này sẽ tiếp tục cung cấp “thông tin dựa trên sự thật và xây dựng lòng tin ở các thị trường đang ngày càng bị nhắm mục tiêu bởi ảnh hưởng thâm độc của chính quyền Trung Quốc và Nga, bao gồm châu Phi cận Sahara, Châu Mỹ Latinh, và phần lớn khu vực Thái Bình Dương.”

Bà cho biết yêu cầu ngân sách này đã cho phép tăng cường hoạt động báo chí điều tra và “các phòng thí nghiệm kiểm chứng dữ kiện.”

Một số nhân viên của VOA nói với The Epoch Times rằng điều này rất ít xảy ra đối với châu Phi.

Một nhân viên nói: “Tôi không biết có bất kỳ khoản tiền nào được phân bổ cho hoạt động báo chí điều tra ở châu Phi.

Các ký giả của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) Phi Châu tham dự một cuộc họp biên tập tại trụ sở của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) Phi Châu ở Nairobi, Kenya, vào ngày 12/06/2012. (Ảnh: Simon Maina/AFP/GettyImages)
Các ký giả của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) Phi Châu tham dự một cuộc họp biên tập tại trụ sở của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) Phi Châu ở Nairobi, Kenya, vào ngày 12/06/2012. (Ảnh: Simon Maina/AFP/GettyImages)

“Polygraph thỉnh thoảng đề cập đến lục địa này, nhưng đội ngũ của họ lại ở Hoa Thịnh Đốn, chứ không phải ở châu Phi. Chúng tôi chỉ còn lại rất ít nhân viên ở châu Phi, chỉ có lẻ tẻ vài người.”

Một nhân viên khác nhận xét: “Chúng tôi thậm chí còn chưa vượt qua được bước khởi đầu, mặc dù chính phủ ông Biden hứa sẽ chống lại Trung Quốc ở châu Phi. Chúng tôi cần chính phủ Hoa Kỳ tài trợ để chúng tôi khai triển nhiều chương trình hơn ở châu Phi cũng như tăng ngân sách để tuyển dụng các phóng viên hiện trường đáng tin cậy.”

“Thật bi thảm khi chứng kiến ​​ngân sách dành cho châu Phi của chúng tôi bị cắt giảm đến mức chúng tôi thậm chí không thể trả thù lao cho các cộng tác viên tự do nữa, và nghe các ký giả người Phi Châu nói rằng họ đang được người Trung Quốc đề nghị mức lương cao … Chúng ta không thể trách họ khi họ chấp nhận [đề nghị đó]; họ còn phải lo cho gia đình nữa.”

Trong yêu cầu ngân sách năm 2025 của USAGM gửi tới Quốc hội hôm 11/03/2024, cơ quan này đã yêu cầu 950 triệu USD.

Bà Bennett một lần nữa khẳng định “những nỗ lực ưu tiên” của USAGM nhằm “chống lại ảnh hưởng thâm độc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), Nga, Iran, và các nước khác.”

Trung Quốc siết chặt truyền thông Phi Châu, thúc đẩy truyền bá thông điệp bài xích Mỹ

6 TỶ USD

Năm 2014, ĐCSTQ đã chi 6 tỷ USD mỗi năm chỉ riêng cho Đài Tiếng nói Trung Quốc, theo Trung tâm Úc về Trung Quốc trên Thế giới.

Báo cáo của ông Eisenman cho biết, vào năm 2021, VOA đã chi 32 triệu USD — chưa đến 13% trong tổng ngân sách 253 triệu USD — để phát triển nội dung cho châu Phi.

Năm 2023, ngân sách của VOA là 267.5 triệu USD, trong đó đài phát thanh này chỉ chi 10% ngân sách ở châu Phi, chưa đến 27 triệu USD.

Năm 2014, theo Trung tâm Úc về Trung Quốc trên Thế giới, ĐCSTQ đã chi 6 tỷ USD mỗi năm chỉ riêng cho Đài Tiếng nói Trung Quốc.

Đến năm 2020, tổ chức tư vấn Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ ước tính rằng ĐCSTQ đang “chi hàng tỷ dollar mỗi năm cho các nỗ lực tuyên truyền và kiểm duyệt ở ngoại quốc.”

Trong báo cáo của mình, ông Eisenman kết luận: “Chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa công khai phản đối tuyên truyền truyền thông của Trung Quốc bài xích Hoa Kỳ ở châu Phi. Lý do chủ yếu có vẻ như là do cả lưỡng đảng ở Hoa Thịnh Đốn từ đâu đã thờ ơ đối với châu Phi.”

Cố văn sĩ và phát thanh viên gốc Nga Victor Franzusoff (1911–1996) phát thanh tới Liên Xô từ trường quay của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ở thành phố New York, vào ngày 12/03/1948. (Ảnh: FPG/Hulton Archive/Getty Images)
Cố văn sĩ và phát thanh viên gốc Nga Victor Franzusoff (1911–1996) phát thanh tới Liên Xô từ trường quay của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ở thành phố New York, vào ngày 12/03/1948. (Ảnh: FPG/Hulton Archive/Getty Images)

Nước Mỹ ‘thua xa về mọi mặt’

Trong một cuộc phỏng vấn với Associated Press hôm 29/05, Tướng Michael Langley, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phi Châu của Hoa Kỳ, đổ lỗi cho làn sóng thông tin giả của Nga đã gây ra tâm lý bài xích Hoa Kỳ ở một số vùng.

Một số chính phủ, chẳng hạn như Chad và Niger, đã ủng hộ quân đội và lực lượng bán quân sự của Nga cũng như đang thúc ép quân đội Hoa Kỳ rời khỏi vùng Sahel.

“Trong vài năm qua, đã xuất hiện tâm lý tiêu cực chống lại một trong những đồng minh quý giá nhất của chúng tôi — nước Pháp — khi quý vị nhìn vào tất cả mạng xã hội cũng như khắp các hãng truyền thông,” Tướng Langley nói với hãng thông tấn này. “Phần lớn tâm lý tiêu cực đó được thúc đẩy bởi thông tin sai lệch và thông tin giả của Liên bang Nga.”

Ông nói: “Chúng ta cần truyền tải đường hướng đưa tin của mình ra ngoài.”

Nhà phân tích thông tin và công nghệ có trụ sở tại Johannesburg, ông George Bota, cũng đồng ý [với nhận định trên].

Trung Quốc siết chặt truyền thông Phi Châu, thúc đẩy truyền bá thông điệp bài xích Mỹ

“Hoa Kỳ thua xa Trung Quốc, và thậm chí cả Nga về mọi mặt ở châu Phi. Hoa Kỳ phải thức dậy. Hoa Kỳ đang ngủ gục trước tay lái. Hoa Kỳ còn không phải đang tài trợ cho các hãng truyền thông của chính mình trên lục địa này, chứ đừng nói đến các hãng truyền thông khác. “Có vẻ như ở giai đoạn này, Hoa Kỳ vẫn chưa nắm bắt được tầm quan trọng của thông tin trong thời đại ngày nay. Tôi thực sự ngạc nhiên,” ông nói.

“Nếu quý vị không có phương tiện để truyền tải đúng thông điệp đến mọi người, thì quý vị không thể kể câu chuyện của mình. Nếu quý vị không giành được tình cảm và tâm trí, thì dù quý vị có làm bao nhiêu điều tốt đẹp, cũng không ai biết về điều đó.”

Ông Bota nêu bật Dự án Hành lang Lobito của chính phủ TT Biden, được công bố vào tháng 05/2023, với cam kết ban đầu là 360 triệu USD.

Một binh sỹ Pháp tuần tra trên đường phố Gao, Mali, vào ngày 4/12/2021. (Ảnh: Thomas Coex/AFP qua Getty Images)
Một binh sỹ Pháp tuần tra trên đường phố Gao, Mali, vào ngày 4/12/2021. (Ảnh: Thomas Coex/AFP qua Getty Images)

Hoa Kỳ đang xây dựng một tuyến đường sắt dài 340 dặm (khoảng 547 km) và 260 dặm (khoảng 257 km) đường bộ ở Zambia để cung cấp tuyến đường vận chuyển kim loại và khoáng sản được sản xuất tại Cộng hòa Dân chủ Congo được vận chuyển đến Hoa Kỳ và châu Âu thông qua bến cảng Lobito trên Đại Tây Dương ở Angola.

Tập đoàn Trafigura, một bên tham gia dự án, cho biết: “Việc di chuyển những nguồn tài nguyên quý giá đó từ vành đai đồng Trung Phi sang các thị trường phương Tây là yếu tố then chốt đối với Hoa Kỳ và châu Âu, đặc biệt khi quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra.”

“Dự án này sẽ mang lại sinh kế cho nhiều người ở châu Phi. Nhưng người dân Phi Châu không biết gì về dự án này. Đối với họ, dự án này không tồn tại,” ông Bota nói.

“Trung Quốc tài trợ cho các ký giả để đưa tin về các dự án cơ sở hạ tầng của họ. Hoa Kỳ cũng phải làm như vậy. Hoa Kỳ phải bắt đầu đối diện với thực trạng trong ngành thông tin của châu Phi, nếu không thì Hoa Kỳ sẽ chấm dứt ở đây.”

Tuệ Minh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times