Đảng cầm quyền ‘bị xóa sổ’ trong cuộc bầu cử ở Nam Phi
Kỷ nguyên mới của nền chính trị liên minh hỗn loạn bắt đầu.
Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) nắm quyền tại Nam Phi kể từ khi ông Nelson Mandela lãnh đạo đảng này giành được một thắng lợi quyết định trong một cuộc bầu cử đa chủng tộc, đa đảng đầu tiên vào năm 1994, chấm dứt sự cai trị mang tính phân biệt chủng tộc của nhóm thiểu số người da trắng. Đảng này đã giành được khoảng 40% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử hôm 29/05 của quốc gia này, với gần như toàn bộ phiếu bầu đã được kiểm đếm.
Hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ dành cho ANC chiếm khoảng 45% đến 48%.
Kết quả đáng kinh ngạc này đang gây tiếng vang trên khắp thế giới và đã được dự đoán bởi chỉ duy nhất một cuộc khảo sát trước cuộc bầu cử.
Kết quả được mong đợi này đáng lẽ sẽ thúc đẩy ANC trở thành một chính phủ liên minh, mà chính phủ liên minh đó sẽ cho phép đảng này tiếp tục thống trị về mặt định hướng chính sách cùng với sự trợ giúp của một số đảng nhỏ, những đảng mà ANC có thể thi hành quyền lực của mình.
Giờ đây, để ra vẻ là nắm giữ quyền lực, ANC sẽ phải thành lập một liên minh với một đảng đối lập lớn hơn hoặc nhiều đảng đối lập. Đây là điều mà ANC sẽ không thể làm được.
“Nam Phi nay đã trở thành một quốc gia mới, nhưng tôi thực sự lo lắng điều này. Chúng tôi không biết đất nước này sẽ có diện mạo ra sao,” ông Pieter Fourie, một người đàn ông trung niên thuộc tầng lớp trung lưu cho biết khi đang tản bộ cùng chú chó giống bergie lông xù của mình trên một con đường vương đầy lá thu tại Melville, Johannesburg.
Người bạn trẻ tuổi hơn đi cùng với ông, bà Sally Kruger, thở dài.
“Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã cầu nguyện để loại bỏ ANC. Chúng tôi đã quan sát khi đảng này phá hủy đất nước xinh đẹp của chúng tôi,” bà cho biết, và chỉ về phía một ổ gà đầy bùn lầy.
“Nhưng giờ đây khi ANC sụp đổ thật nặng nề, thật nhanh, một cách đáng kinh ngạc như vậy, tôi thấy thật là khó để tìm ra lý do để ăn mừng.”
Giọng của bà Kruger nhỏ dần, gần như bị át đi bởi tiếng kêu chói tai của một đàn cò quăm Phi châu.
“Ý tôi là hãy xem thứ gì đang trỗi dậy để thay thế đảng này đây!” bà nói. “Thứ gì đó thậm chí còn tệ hơn nữa. Chúng tôi đã gặp rối ren với ANC rồi. Giờ đây chúng tôi thậm chí còn rối ren nghiêm trọng hơn.”
Những suy tư sâu sắc của hai cư dây này cho thấy mối lo ngại của nhiều cư dân ở nền kinh tế lớn nhất châu Phi và cũng là nền dân chủ phát triển nhất của châu lục này khi ảnh hưởng của cuộc tổng tuyển cử hôm 29/05 lan rộng đến các vùng ngoại ô, thị trấn, và làng mạc của “Quốc gia Cầu vồng” với 62 triệu dân này.
Theo luật, chính phủ mới cần phải được loan báo trong vòng 14 ngày, vì vậy đảng này không có nhiều thời gian để đàm phán con đường quay trở lại Chính phủ Liên bang.
Các đối tác tiềm năng của ANC cũng không khác gì mấy.
Một bên là Liên minh Dân chủ (DA) với đường lối trung dung, đã giành được 22% phiếu bầu và cho đến nay vẫn là phe đối lập chính thức.
DA được lãnh đạo bởi ông John Steenhuisen, một người trung niên da trắng. Ông thường bị ANC cáo buộc là mong muốn bảo vệ “đặc quyền của người da trắng.”
DA thân phương Tây và ủng hộ doanh nghiệp, đồng thời mong muốn chấm dứt hành động khẳng định, và thay thế bằng cách tuyển dụng “dựa trên thực chất,” tư nhân hóa các công ty quốc doanh, và làm suy yếu quyền lực “không hạn chế” của các nghiệp đoàn lao động có liên kết với ANC.
Ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử, Tổng Thư ký đảng ANC Fikile Mbalula nói với The Epoch Times rằng những chính sách này là “độc hại” đối với ANC.
Ở phía đối lập là hai đảng cánh tả cực cấp tiến được lãnh đạo bởi những người da đen có sức ảnh hưởng từng bị cáo buộc là tham nhũng, những người từng tuyên bố “hy sinh vì ANC” gồm Đảng uMKhonto we Sizwe (MKP) được lãnh đạo bởi cựu Tổng thống (TT) Jacob Zuma, 82 tuổi, và Đảng Những Chiến binh Tự do Kinh tế (EFF) được lãnh đạo bởi ông Julius Malema, 43 tuổi.
MKP đạt 15% phiếu bầu, và EFF đạt được chưa đến 10% phiếu bầu, cộng lại hai đảng này chiếm hầu như 1/4 tổng số phiếu bầu.
Nếu hai đảng này thành lập một liên minh, thì họ có thể thay thế DA và trở thành phe đối lập chính thức.
Theo giáo sư Dirk Kotze, chuyên gia về quản trị tại Đại học Nam Phi, MKP và EFF là “người bạn cùng phe tất yếu [của nhau].”
Cả hai đảng đều “tự hào theo chủ nghĩa Marx”, và cũng như ANC, họ đều là những người ủng hộ nhiệt thành của chính quyền Trung Quốc, Nga, Iran, và Zimbabwe.
Cả hai đảng đều cáo buộc ANC đã “bán đứng” [đất nước] cho giới tư bản da trắng.
Cả hai đảng đều ủng hộ việc nắm giữ đất đai thuộc sở hữu của người da trắng, gồm có các trang trại, đồng thời “quốc hữu hóa” các mỏ tài nguyên và ngân hàng.
MKP và EFF cho rằng tất cả các hình thức của cải tư nhân phải được “phân bố bình quân đầu người” cho khoảng 27 triệu người nghèo ở Nam Phi, chủ yếu là người da đen.
Cả hai đảng đều muốn cắt đứt mối quan hệ thương mại với các quốc gia phương Tây để hợp tác chặt chẽ hơn với “Trật tự Thế giới Đa cực” do Bắc Kinh lãnh đạo.
Cả hai cũng đều đưa ra những tuyên bố phỉ báng công dân da trắng; trong đó ông Malema đã hai lần bị kết tội buông lời lẽ thù ghét mang tính phân biệt chủng tộc đối với người da trắng.
Nếu ANC chọn hợp tác với một hoặc liên minh hai đảng cánh tả cực đoan này để thành lập một chính phủ liên minh, các chuyên gia tài chính cho rằng điều đó sẽ khiến người đóng thuế và nhà đầu tư tháo chạy, đồng thời dự báo trước sự sụp đổ của nền kinh tế của Nam Phi vốn được xây dựng dựa trên vàng, bạch kim, một hệ thống ngân hàng tân tiến, và nông nghiệp.
Ông Melanie Verwoerd, nhà phân tích chính trị độc lập và là cựu thành viên Nghị viện ANC cho biết: “Vẫn còn một một phe phái trong nội bộ ANC ủng hộ cựu Tổng thống Zuma và ca tụng ông Malema cũng như đồng ý với các chính sách của EFF và MKP.”
“Và còn có một bộ phận ôn hòa hơn trong ANC, dưới sự lãnh đạo của [đương kim Tổng thống] Cyril Ramaphosa, nhận ra những tác động khủng khiếp của việc bắt tay với MKP hoặc EFF,” bà nói với The Epoch Times. “Nhóm người này sẽ thích làm liên minh với DA hơn, nhưng có lẽ họ không chiếm thế thượng phong vào lúc này vì ANC do TT Ramaphosa lãnh đạo đã có thành tích quá kém trong cuộc bầu cử.”
Ông Steenhuisen nói với The Epoch Times rằng DA “vẫn sẵn sàng lắng nghe những người biết lẽ phải còn sót lại” trong ANC.
“Chúng tôi sẽ làm những điều tốt đẹp cho tất cả người dân Nam Phi,” ông cho biết. “Chúng tôi cần phải bảo vệ đất nước khỏi bàn tay của những kẻ cực đoan. Chúng tôi phải tin vào họ khi họ cho chúng tôi biết chính xác họ sẽ làm gì bằng quyền lực. Họ sẽ gieo rắc thù ghét mang tính phân biệt chủng tộc. Họ sẽ đánh cắp tài sản tư nhân. Họ sẽ phát động một cuộc tàn sát chống lại người da trắng và những người nhập cư Phi Châu hợp pháp cũng như bất hợp pháp. Họ sẽ bán đứng đất nước cho người Trung Quốc và người Nga. Họ sẽ đẩy thêm hàng triệu người vào tình cảnh đói nghèo bằng cách bài xích các nhà đầu tư và đối tác thương mại phương Tây. Họ sẽ khiến tình trạng tham nhũng của ANC trông có vẻ như một sự thay đổi nhỏ.”
Sự sụp đổ của ANC
Giáo sư Kotze nói với The Epoch Times rằng ANC đã là “nạn nhân của sự điên rồ và mù quáng của chính mình.”
“ANC vẫn là một thế lực chính trị ở Nam Phi, nhưng không còn là một thế lực quan trọng nữa,” ông nói. “Cuộc bầu cử này đã xóa sổ đảng này.”
Ông Kotze cho biết các cử tri đã “chỉ trích” ANC vì 20 năm “thất bại liên tục” trong hầu hết tất cả các lĩnh vực, trong đó có quản trị, kinh tế, và chấp pháp.
“Mọi chuyện khởi đầu một cách tốt đẹp dưới thời ông Mandela, và mọi chuyện [diễn ra] khá tốt đẹp trong một giai đoạn dưới thời [TT Thabo] Mbeki,” ông nói. “Nhưng vào khoảng giữa những năm 2000 khi ông Mbeki bắt đầu để mất quyền kiểm soát ANC vào tay những người chỉ muốn đánh cắp và không biết cách cai trị, thì đó là lúc quỹ đạo suy thoái của Nam Phi bắt đầu.”
Trong những tháng trước thềm cuộc bỏ phiếu hôm 29/05, các tổ chức tư vấn, các nhà phân tích, và chuyên gia chính trị đã xem đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất ở Nam Phi trong vòng 30 năm qua.
Họ cho biết rằng ANC đã bị tổn hại nặng nề bởi một tầng lớp tội phạm trong hàng ngũ của họ, những người đã đánh cắp hàng tỷ rand Nam Phi, nạn tham nhũng và tình trạng quản lý yếu kém đã khiến các doanh nghiệp quốc doanh phá sản đến mức các cảng và đường sắt không còn hoạt động và tình trạng mất điện tràn lan đã đẩy Nam Phi vào tình trạng tối tăm cũng như sự tê liệt của nền kinh tế diễn ra hàng ngày.
Ông Prince Mashele, thuộc Trung tâm Chính trị và Nghiên cứu Nam Phi, cho biết: “Toàn bộ thị trấn đã bị xóa sổ khỏi trái đất do sự quản lý yếu kém của các thành phố tự trị của ANC.”
Ông cho biết việc không kiềm chế được tội phạm bạo lực, trong đó gồm có cả tỷ lệ sát nhân hiện đang ở mức 84 vụ mỗi ngày, cũng đã giáng cho ANC một “đòn chí mạng.”
Giáo sư Kotze cho rằng các chính sách Trao quyền Kinh tế cho Người da đen và “điều động cán bộ” của ANC đã khiến những người thân cận với đảng cầm quyền trở nên vô cùng giàu có nhưng lại không làm cho hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực, được thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp “thực tế” cao nhất thế giới với 41%.
Tuy nhiên, khi tham gia bầu cử, ông Ramaphosa chỉ thừa nhận rằng đảng mà ông lãnh đạo đã mắc “một vài sai lầm,” và không bao giờ giải thích một cách chính xác những sai lầm đó là gì và không bao giờ xin lỗi.
“Đó là một tính toán sai lầm nghiêm trọng từ phía ông,” ông Mashele nói.
Khi cuộc bầu cử cận kề, ANC vẫn tự tin, ít nhất là trước công chúng, rằng cử tri sẽ bầu cử cho họ trở lại cầm quyền với “phần lớn đa số,” theo lời của ông Ramaphosa.
“Người dân Nam Phi biết rằng chúng tôi là những người duy nhất có thể cải thiện cuộc sống của họ,” tổng thống nói tại một cuộc vận động ở Soweto, Nam Phi.
Ông Kotze cho rằng “sự kiêu ngạo của ANC đã gây tổn hại vô cùng lớn cho chính họ” trong cuộc bầu cử này.
Ngay cả khi quy mô thiệt hại mà đảng này phải gánh chịu trở nên rõ ràng hôm 31/05, quan chức cấp cao của ANC Gwede Mantashe, một trong những phụ tá thân cận nhất của ông Ramaphosa, đã nói với các ký giả: “Hãy gạt những dự đoán và thăm dò ý kiến sang một bên. Phiếu bầu vẫn đang đổ về. Tôi lạc quan rằng chúng tôi sẽ dễ dàng đạt được hơn 50%.”
Giữa cuộc hỗn chiến tại trung tâm thông tin kết quả của Ủy ban Bầu cử Độc lập Nam Phi gần Johannesburg, nhà phân tích Wayne Sussman nói với The Epoch Times: “[Hôm 30/05] khi việc kiểm đếm phiếu bắt đầu một cách nhanh chóng, tôi tự tin dự đoán rằng ANC rồi cũng sẽ đạt được 45% phiếu bầu. Tỷ lệ phiếu bầu của ANC hiện đang ở mức khoảng 40% trong hầu hết các kết quả kiểm đếm phiếu được công bố, số liệu này nói lên câu chuyện về thiệt hại mà phong trào giải phóng lâu đời nhất ở châu Phi trước đây đã phải gánh chịu. Đây là một đảng đã nhận được 70% phiếu bầu toàn quốc vào năm 2004! Sự sụp đổ của đảng này là thật đáng kinh ngạc. Một kỷ nguyên mới mang tính lịch sử của sự cai trị bằng liên minh đã bắt đầu, và có lẽ là sẽ hết sức biến động và hỗn loạn.”
Sự biến động và hỗn loạn đó đã bắt đầu: Tin tức về việc ANC sẽ phải thành lập một chính phủ liên minh — mà chưa chắc họ đã làm được — đã khiến giá cổ phiếu của các công ty lớn ở Nam Phi và giá trị của đồng rand sụt giảm mạnh.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times