Các nhà phân tích: Kim loại và khoáng sản của châu Phi rất quan trọng đối với quốc phòng và tiến bộ của Hoa Kỳ
Hoa Thịnh Đốn bị mắc kẹt trong ‘trò chơi đuổi bắt tuyệt vọng’ khi cố gắng bảo đảm quyền tiếp cận các nguyên tố chiến lược thiết yếu cho máy điện toán, pin xe điện.
JOHANNESBURG — Năm 2016, một số công ty Mỹ đã mắc phải điều mà các chuyên gia công nghệ nhận định là một trong những sai lầm chiến lược nghiêm trọng nhất mà Hoa Kỳ từng mắc phải ở châu Phi.
Lo ngại về xung đột liên miên và đàn áp nhân quyền, cùng với việc không thể duy trì được các mỏ cobalt ở Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo), họ đã bán các mỏ này … cho Trung Quốc.
Mọi thứ bắt đầu khi công ty Freeport-McMoRan của Hoa Kỳ nhận 2.65 tỷ USD từ Tập đoàn Molybdenum của Trung Quốc khi tập đoàn này mua một lượng lớn cổ phần tại Tenke Fungurume, một mỏ đồng và cobalt dồi dào gần Kolwezi, miền nam CHDC Congo.
Đến 2019, Tập đoàn Molybdenum của Trung Quốc đã mua thêm một lượng cổ phần khác trị giá 1.14 tỷ USD.
Ông Arthur Goldstuck, giám đốc tổ chức nghiên cứu công nghệ World Wide Worx ở Johannesburg, cho biết: “Việc làm này đã giúp đối thủ lớn nhất của Hoa Kỳ trên trường quốc tế gần như có toàn quyền kiểm soát một trong những khoáng sản chiến lược quan trọng nhất thế giới.”
Theo thông tin từ Benchmark Mineral Intelligence, CHDC Congo sản xuất lên đến 3/4 lượng cobalt của thế giới.
Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), một cơ quan khoa học thuộc Bộ Nội vụ Hoa Kỳ, cho biết cobalt là kim loại được sử dụng trong “rất nhiều ứng dụng thương mại, công nghiệp, và quân sự đa dạng, nhiều ứng dụng trong số đó mang tính chiến lược và quan trọng.”
Công dụng hàng đầu của cobalt là trong các điện cực của pin sạc, và kim loại này không thể thiếu trong việc sản xuất pin cho xe điện, sản phẩm được dự kiến sẽ là nguồn cung cấp năng lượng cho phương tiện di chuyển trên đường trong tương lai.
Liên minh Pin Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán rằng nhu cầu cobalt để sử dụng trong pin sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 do nhu cầu về xe điện tăng lên.
Cobalt đã trở nên thiết yếu trong việc sản xuất máy điện toán và điện thoại di động.
USGS cho biết kim loại này cũng được sử dụng trong các “siêu hợp kim” và “thép tốc độ cao,” những hợp kim này thường được sử dụng trong các bộ phận xe cộ, hệ thống vũ khí hiện đại, và động cơ tua-bin khí.
Trong nhiều chức năng, cobalt được sử dụng làm chất xúc tác cho ngành công nghiệp dầu mỏ và hóa chất cũng như lốp hướng tâm thép.
Theo một số nhà vật lý, trong tương lai, cobalt có thể được sử dụng để chế tạo “bom nguyên tử bẩn,” bởi khoáng chất này là nguồn phát tia gamma tuyệt vời.
Ông Goldstuck nói với The Epoch Times: “Người ta chắc chắn có thể hiểu được mối lo ngại của người Mỹ về tất cả tình trạng bạo lực ở CHDC Congo, và những vi phạm nhân quyền trong lĩnh vực khai thác mỏ địa phương, đặc biệt vì nhiều thợ mỏ cobalt là trẻ em.”
“Nhưng làm thế nào mà Hoa Kỳ từ bỏ một biện pháp kiểm soát cobalt, cũng như việc thiếu tầm nhìn xa dẫn đến để xảy ra tổn thất này, cũng như việc đặt gần như hoàn toàn cobalt vào tay Bắc Kinh, thật khó hiểu.”
Năm 2020, ông Andrew Gulley, thuộc Đơn vị Nghiên cứu Tình báo Khoáng sản của USGS ở Reston, Virginia, đã công bố một nghiên cứu trong đó phát hiện ra rằng hầu hết việc sản xuất cobalt khai thác thủ công đều được các công ty Trung Quốc tiến hành tại CHDC Congo hoặc xuất cảng sang Trung Quốc.
Một phần trong bản tóm tắt của ông Gulley viết: “Từ năm 2000 đến năm 2020, nhu cầu cobalt để sản xuất pin đã tăng gấp 26 lần. 82% mức tăng trưởng này diễn ra ở Trung Quốc và sản lượng tinh chế cobalt của Trung Quốc đã tăng gấp 78 lần.”
“Sản lượng cobalt khai thác công nghiệp giảm dần vào đầu đến giữa những năm 2000 đã khiến nhiều công ty Trung Quốc phải mua quặng từ các thợ cobalt khai thác thủ công ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nhiều người trong số họ được phát hiện vẫn còn là trẻ em.”
Trong một hội thảo trực tuyến mới đây của Hội đồng Đại Tây Dương, bà Shirley Hargis, một thành viên không thường trực tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Pháp y Kỹ thuật số của Hội đồng này, cho biết việc Hoa Kỳ không nắm giữ lợi ích của mình trong lĩnh vực cobalt đã khiến nước này mất đi “nhiều thập niên đầu tư tài chính và ngoại giao ở CHDC Congo.”
Trung Quốc hiện sở hữu hầu hết các mỏ cobalt khai thác công nghiệp lớn của CHDC Congo.
“Nhu cầu về kim loại và khoáng sản giống như cobalt đang tăng vọt và rõ ràng là Trung Quốc và Nga đang hài lòng. Họ đã có thể tự do tiếp cận với khoáng sản và nhân công giá rẻ.”
Bà Hargis cho biết: “Họ nắm giữ đòn bẩy chính trị đối với nhiều chính phủ Phi Châu. Châu Phi đang gặp phải những vấn đề hệ trọng về quản trị. Họ lợi dụng tất cả những hoàn cảnh này để thu lợi cho mình.”
Moscow đã chiêu mộ hàng ngàn lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner trên khắp lục địa để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, kể cả các hoạt động khai thác mỏ trái phép.
Ông Toby Shapshak, một chuyên gia công nghệ Nam Phi khác, cho biết trường hợp của CHDC Congo đã nêu bật “hàng thập niên mà Hoa Kỳ sẽ bỏ bê tầm quan trọng của châu Phi cũng như các khoáng sản và vật liệu của châu lục này” trong tương lai.
“Chính phủ Tổng thống Biden đã nhận ra đây là một sai lầm chiến lược to lớn, và đang cố gắng khắc phục mọi thứ cũng như đưa ra những lời đề nghị mạnh mẽ với châu Phi. Nhưng có lẽ đã quá muộn vì phần lớn châu Phi dường như đã dành riêng cho Bắc Kinh và Moscow,” ông nói. “Hoa Kỳ đang chơi một trò chơi đuổi bắt đầy tuyệt vọng.”
Chiến lược của Hoa Kỳ hướng tới vùng châu Phi cận Sahara do Tổng thống Joe Biden công bố vào tháng 08/2022 thừa nhận rằng châu lục này có các loại khoáng sản sẽ cung cấp năng lượng cho thế giới hiện đại.
Trình bày trong hội thảo trực tuyến, ông Nii Simmonds, thành viên cao cấp tại trung tâm GeoTech Center ở Hoa Thịnh Đốn, cho biết: “Cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo sẽ dựa trên các khoáng chất đất hiếm và khoáng sản quan trọng.”
“Nhiều loại khoáng sản trong số này, như coltan, là vật liệu chiến lược, vì hầu hết các công nghệ hiện đại đều liên quan đến quốc phòng.”
“Các công nghệ hiện tại như vệ tinh, chất bán dẫn, cáp quang, thiết bị chụp cắt lớp vi tính (CAT scan), pin xe điện, và điện thoại thông minh sẽ không tồn tại nếu không có những khoáng chất này.”
“Và những công nghệ này sẽ không tồn tại với số lượng như ngày nay nếu không có các quốc gia như CHDC Congo, Nam Phi, Zimbabwe, Ghana, Nigeria, và Namibia.”
Trung tâm [GeoTech Center] sử dụng các chuyên gia để kiểm tra những tác động xã hội, kinh tế, và địa chính trị rộng hơn của các công nghệ mới và mới nổi. Trung tâm này hoạt động nhằm tận dụng công nghệ để giải quyết các thách thức toàn cầu cũng như phát triển chính sách công nghệ, quan hệ đối tác, và các chương trình công nghệ tốt.
Ông Simmonds, cũng là một chuyên gia về các thị trường mới nổi và dẫn đầu, chia sẻ với The Epoch Times: “Lục địa Phi Châu vốn rất cần thiết đối với các khoáng chất đất hiếm và khoáng sản quan trọng cho các lĩnh vực công nghiệp, tiêu dùng, và quốc phòng.”
“Hoa Kỳ phải hành động ngay bây giờ để hình thành các mối quan hệ đối tác hợp tác với các nước Phi Châu, nhằm bảo đảm Hoa Kỳ có đủ khả năng tiếp cận các khoáng sản này và các công nghệ mà họ cho phép.”
Bà Hargis cho biết các sản phẩm chất bán dẫn và bộ nhớ flash đã trở nên “thiết yếu đối với công nghệ dân dụng và quốc phòng hiện đại,” giúp cho “mọi thứ từ điện thoại thông minh đến xe hơi tự lái” có thể hoạt động, “và tầm quan trọng của các sản phẩm này đang tăng lên hàng ngày.”
Bà cũng là một chuyên gia về an ninh quốc gia và đã dành hơn một thập niên nghiên cứu về chính trị đối nội và đối ngoại của Trung Quốc và Đài Loan.
Trong hội thảo trực tuyến, bà đã sử dụng ví dụ về chiến đấu cơ tàng hình F-35 Lightning mới của Hoa Kỳ, vốn được gắn chất bán dẫn và các vi mạch bán dẫn bộ nhớ flash.
Bà Hargis cho biết: “Loại chiến đấu cơ này thực sự cần một lượng lớn khoáng chất chiến lược. Một khi điện toán lượng tử hoạt động, kỹ thuật cũng sẽ cần một lượng đáng kể vàng và các khoáng sản quan trọng khác.”
Ông Shapshak cho biết chất bán dẫn và máy điện toán lượng tử chỉ có thể được sản xuất bằng các tinh khoáng hỗn hợp và khoáng sản quan trọng, được tìm thấy với số lượng lớn ở châu Phi.
Ông giải thích: “Ở đây chúng ta đang nói về các khoáng chất như ceri, scandium, và lanthanum. Chưa ai nghe nói về chúng nhưng chúng đã trở nên thiết yếu trong thế giới hiện đại. Tất cả những khoáng chất này đều được sử dụng trong máy tính, TV thông minh, vũ khí chiến tranh cao cấp, xe điện, hệ thống năng lượng sạch, hệ thống thông tin liên lạc; tùy quý vị đặt tên là gì.”
“Nếu lấy đi những khoáng sản này thì quý vị sẽ làm sụp đổ hầu hết các chuỗi cung ứng điện tử tiêu dùng.”
Tuy nhiên, ông Shapshak cho biết, hiện nay, Trung Quốc và kế đến là Nga nắm “quyền kiểm soát gần như độc quyền” đối với những vật liệu quan trọng này.
“Trung Quốc chiếm 90% thị trường toàn cầu về khoáng sản quan trọng, phần lớn trong số đó nhập cảng từ châu Phi. Từ rất lâu rồi, Hoa Kỳ đã để mắt đến châu Phi, và điều này cho phép nhiều quốc gia khác tiếp cận với kim loại quý, tinh khoáng hỗn hợp, và một danh sách dài các tài nguyên quan trọng khác của lục địa này.”
“Trung Quốc, và ở mức độ thấp hơn là Nga, gom lấy những khoáng sản thô này từ châu Phi để xử lý, nghĩa là trong một số trường hợp, thế giới phải tiếp cận các khoáng sản thô này thông qua Trung Quốc và Nga.”
Ông Simmonds cảnh báo rằng sự độc chiếm này tạo ra “rủi ro đáng kể có thể phá vỡ chuỗi cung ứng xe điện và chất bán dẫn toàn cầu nếu không được giải quyết ngay bây giờ.”
Thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình, Trung Quốc cung cấp các khoản vay cho châu Phi để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn, có nghĩa là Trung Quốc đã có sự hiện diện mạnh mẽ ở lục địa này.
Bắc Kinh cũng đã đầu tư hàng tỷ dollar vào chiến lược Kỹ thuật số Trung Quốc của mình, mang lại cho nước này lợi thế công nghệ ở châu Phi thậm chí còn lớn hơn.
Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Hoa Thịnh Đốn đã tập trung vào triển vọng Hoa Kỳ tham gia vào lĩnh vực khoáng sản ở châu Phi nhiều hơn.
Nghiên cứu kết luận: “Tương lai của chất bán dẫn, bộ nhớ flash, và xe điện đòi hỏi phải có khả năng tiếp cận an toàn và phù hợp đối với các khoáng sản này. Việc thiết lập các nguồn [khoáng sản] thay thế có hiệu quả kinh tế, giống như ở châu Phi, sẽ đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu đồng thời giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia hoặc khu vực.
“Lục địa này nắm giữ khoảng 85% mangan của thế giới, 80% bạch kim và chromi, 47% cobalt, 21% than chì, và 6% đồng.”
Bà Hargis cho biết để đảm bảo các nguồn [khoáng sản] quan trọng cho chuỗi cung ứng phương Tây và các nỗ lực an ninh quốc gia, Hoa Kỳ nên “khuyến khích và tăng cường các mối quan hệ đối tác hợp tác giữa khu vực tư nhân với các nước Phi Châu có chung các giá trị dân chủ và pháp quyền.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Sizwe Mpofu-Walsh, một giảng viên về mối quan hệ quốc tế tại trường Đại học Wits ở Johannesburg, cho biết, nếu Hoa Kỳ nhất định chỉ hợp tác kinh doanh với những quốc gia Phi Châu nào có chung những giá trị này, “sẽ có rất nhiều cánh cửa bị đóng lại.
“Ví dụ, Cộng hòa Dân chủ Congo chắc chắn sẽ không còn là Cộng hòa Dân chủ Congo. Zimbabwe, một quốc gia giàu khoáng sản mà thế giới cần, đang chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vì chế độ cầm quyền [Tổng thống Emmerson] Mnangagwa phạm tội tham nhũng và đàn áp nhân quyền quá nhiều.
“Danh sách các quốc gia Phi Châu giàu khoáng sản đồng thời có nền dân chủ và pháp quyền kiểu Mỹ là một danh sách ngắn.”
Tuy nhiên, ông Mpofu-Walsh cho biết, Hoa Kỳ đang đạt được tiến bộ trong việc có được khả năng tiếp cận nguồn dự trữ tinh khoáng hỗn hợp của Phi Châu.
“Những tiến bộ này sẽ trợ giúp cho việc sản xuất chất bán dẫn và điện tử tiêu dùng do Hoa Kỳ kiểm soát.
Ông nói với The Epoch Times: “Các chính phủ Tây phương và các tổ chức thuộc khu vực tư nhân ở Tây phương đã nhận ra rằng họ phải hợp tác để xác định các nguồn [khoáng sản] đa dạng cho chuỗi cung ứng của mình để giảm thiểu sự phụ thuộc vào một quốc gia đơn lẻ.”
Ông Mpofu-Walsh nêu bật Đạo luật Vi mạch Bán dẫn Âu Châu của Liên minh Âu Châu và Đạo luật CHIPS và Khoa học của Hoa Kỳ là những sáng kiến mang lại sự hợp tác của Tây phương với các quốc gia trên toàn thế giới để trợ giúp cho việc sản xuất chất bán dẫn vốn có thể đối trọng với sự kiểm soát thị trường của Trung Quốc.
Ông Simmonds cho biết, thay vì xuất cảng các vật liệu quan trọng sang Trung Quốc, các nước Phi Châu có thể sử dụng các luật này để giúp phát triển luật pháp, khuôn khổ, và mạng lưới hệ sinh thái nhà cung cấp cần thiết để xử lý khoáng sản và kim loại của riêng họ.
Ông cho biết chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã thực hiện một số bước quan trọng để tái hợp tác với các nước Phi Châu, và viện dẫn ví dụ về việc chính phủ Hoa Kỳ trợ giúp tài chính cho một nhà máy chế biến khoáng sản quan trọng ở Tanzania.
Tuy nhiên, bà Hargis cho biết, cần có hành động mạnh mẽ và khẩn cấp hơn để chống lại sự thống trị của Trung Quốc đối với các khoáng sản quan trọng của châu Phi.
Bà kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ hãy “khuyến khích các công ty đa quốc gia của họ” áp dụng một chiến lược tương tự như “Mô hình ASEAN” những năm 1970 và 1980 ở châu Phi.
Vào thời kỳ đó, việc phát triển và sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng tại các quốc gia thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được trợ giúp nhờ các công ty đa quốc gia (bao gồm Philips, JVC, Sony, Texas Instruments, Hewlett Packard, và Sharp) từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, và các quốc gia Âu Châu.
Họ đã giúp khối ASEAN thành lập các trung tâm sản xuất cũng như các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D).
Do chi phí nhân công ở Hoa Kỳ ngày càng tăng, các công ty bán dẫn của Hoa Kỳ như Texas Instruments và Hewlett Packard đã di dời một số cơ sở hoạt động của họ sang Đông Nam Á, đặc biệt là đến Singapore, vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970.
Tuy nhiên, ông Tawanda Makondo, nhà phân tích kinh doanh tại Trung tâm Phân tích Rủi ro Nam Phi, cho biết, tại thời điểm này, việc cố gắng thực hiện Mô hình ASEAN ở châu Phi là không khả thi.
Ông nói với The Epoch Times: “Vào cuối những năm 1960 và trong suốt những năm 1970, Đông Nam Á đã thu hút một lượng lớn đầu tư trực tiếp ngoại quốc vì chính phủ các nước này đã phát triển kinh tế hết mình thông qua các chính sách kinh tế chủ động, các chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Ở châu Phi, chúng tôi phần lớn có các chính sách xã hội chủ nghĩa thân thiện với người đi làm.”
“Ngoài ra, Đông Nam Á có lực lượng nhân công có trình độ học vấn cao, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng tôi có ở châu Phi. Một điều nữa gây bất lợi cho châu Phi là chi phí kinh doanh ở đây cao, chẳng hạn như do cơ sở hạ tầng kém và mạng lưới thông tin liên lạc nhìn chung vẫn còn kém.”
Tuy nhiên, bà Hargis vẫn tin rằng việc khai triển một hệ thống tương tự như Mô hình ASEAN ở châu Phi là khả thi.
“Các nhà hoạch định chính sách phương Tây nên trợ giúp các công ty đa quốc gia của họ thúc đẩy tăng trưởng ở châu Phi bằng cách tập trung vào sản xuất, thiết kế vi mạch, kiểm soát chất lượng và R&D.”
“Họ có thể tạo ra động lực để các công ty Hoa Kỳ và công ty phương Tây khác mở rộng chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bộ nhớ flash hoặc xe điện sang các nước châu Phi.”
Bà cho biết, tiến bộ đã đạt được trên phương diện này: Google có phòng thí nghiệm R&D ở Ghana; Microsoft có hai cơ sở ở Kenya và Nigeria còn IBM có hai cơ sở ở Kenya và Nam Phi.
Ông Simmonds cũng nêu lên rằng Trung Quốc không khuyến khích các công ty đa quốc gia đầu tư vào những lĩnh vực mà có thể có giá trị gia tăng hoặc mở các trung tâm nghiên cứu hoặc sản xuất ở châu Phi.
Ông nhấn mạnh: “Thay vào đó, Bắc Kinh chủ yếu tập trung vào khai thác khoáng sản. Các quốc gia phương Tây có thể chiếm thế thượng phong trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc bằng cách tận dụng những thiếu sót trong đầu tư của Trung Quốc và đề nghị một mô hình hợp tác hấp dẫn hơn.”
Ông Makondo cho biết các công ty phương Tây cũng có thể tận dụng sự “phẫn uất” ngày càng tăng ở châu Phi về gánh nặng nợ nần do các khoản vay nợ từ Trung Quốc.
Trong vài năm qua, các quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đã nói rằng Hoa Kỳ muốn chấm dứt sự phụ thuộc của mình vào khoáng sản, pin quang năng, và các hàng hóa hiện đại khác hiện đang được gia công và sản xuất tại Trung Quốc.
Ví dụ, vào tháng 07/2022, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen của Hoa Kỳ nói với Reuters rằng bà đang “đẩy mạnh tăng cường mối quan hệ thương mại với Nam Hàn và các đồng minh đáng tin cậy khác để cải thiện khả năng chịu khó khăn của chuỗi cung ứng cũng như ngăn chặn khả năng thao túng của các đối thủ địa chính trị.”
Tuy nhiên, ông Makondo cho biết, Hoa Kỳ đang hành động chưa đủ nhanh nhẹn.
“Chính phủ Hoa Kỳ và khu vực tư nhân phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn một tình huống trong tương lai khi Bắc Kinh cắt đứt các nguồn cung ứng quan trọng khỏi Hoa Kỳ. Phải hành động nhanh nhẹn hơn để bắt đầu tìm nguồn khoáng sản và kim loại đất hiếm trực tiếp từ các quốc gia Phi Châu,” ông nói.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times