Chuyên gia: Hoa Kỳ cần đưa ra giải pháp thay thế toàn cầu cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng chính phủ Hoa Kỳ cần cung cấp cho thế giới một giải pháp thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc ngoài cách tiếp cận “đừng hợp tác với Trung Quốc.”
Đã khoảng một thập niên trôi qua kể từ khi chính quyền ở Bắc Kinh công bố BRI, trước đây được gọi là Một Vành đai, Một Con đường. Sáng kiến này xây dựng và cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghệ, và năng lượng trên khắp châu Phi, châu Á, châu Âu, và Nam Mỹ.
Các quan chức Trung Quốc khẳng định rằng BRI là một nỗ lực quốc tế lành mạnh nhằm thúc đẩy thương mại, mặc dù các nhà phê bình đã mô tả việc Trung Quốc mở rộng vai trò của họ đối với các nền kinh tế trên khắp toàn cầu là “ngoại giao bẫy nợ.” Chính sách này có thể khiến những bên đi vay dễ bị lợi ích của Trung Quốc làm cho tổn hại và làm giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên vũ đài thế giới.
Kế hoạch này, đôi khi được gọi là Con đường Tơ lụa Mới, đã đưa Trung Quốc trở thành chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới, đầu tư ước tính 1 ngàn tỷ USD vào hàng chục quốc gia trong 10 năm qua. Một khoản tài chính đáng kể bao gồm các khoản vay kèm theo các điều khoản và điều kiện cụ thể có lợi cho Bắc Kinh.
Người ta ước tính rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc áp dụng mức lãi suất 5% đối với các khoản cho vay, cao hơn nhiều so với mức 2% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
BRI tiếp tục cam kết đầu tư hàng ngàn tỷ dollar trong những năm tới, thu hút các quốc gia đang gặp khó khăn. Vào thời điểm mà nhiều quốc gia đang vật lộn với những mức nợ lớn, lạm phát cao, và tăng trưởng kinh tế chậm lại, thì các gói tài chính này có thể có vẻ hấp dẫn.
Các nhà nghiên cứu từ Ngân hàng Thế giới, Trường Harvard Kennedy, Viện Kinh tế Thế giới Kiel, và AidData cho biết Trung Quốc cũng đã trở thành một bên cho vay cứu trợ khẩn cấp, chi 240 tỷ USD để cứu trợ gần hai chục quốc gia mắc nợ, chẳng hạn như Pakistan và Kenya. Các chuyên gia đã so sánh việc này với những gì xảy ra sau Đệ nhị Thế chiến, khi đó Hoa Kỳ trở thành một cường quốc tài chính toàn cầu và quản lý khủng hoảng quốc tế.
Vì Trung Quốc và Nga cố gắng thay đổi lại trật tự thế giới sau cuộc xâm lược Ukraine của Moscow, nên lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã thúc giục các nước Á-Âu tại một diễn đàn Liên minh Kinh tế Á-Âu phải tăng cường tham gia vào BRI “để mở ra một con đường hạnh phúc mang lại lợi ích cho toàn thế giới.”
Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á lần đầu tiên hồi đầu tháng này, ông Tập đã cam kết tài trợ gần 4 tỷ USD để phát triển kinh tế, năng lượng, và an ninh cho Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan.
Các quốc gia đang sụp đổ rất cần có tiền mặt cũng đang tìm đến Trung Quốc vì tuyệt vọng, từ Afghanistan do Taliban cai trị đến Argentina bị lạm phát tàn phá cho đến các quốc gia châu Phi bất ổn.
Các nhà quan sát chính trị cho biết những quyết định đó dẫn đến tổn thất cho Hoa Kỳ vì BRI có thể làm giảm khả năng gây ảnh hưởng trên thế giới của Hoa Kỳ.
“Thật không may cho phương Tây, BRI là một dự án tham vọng và đầy hứa hẹn khẳng định khát vọng của các bằng hữu và những người bạn tiềm năng của Trung Quốc,” ông Daniel Runde, phó chủ tịch cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói trong một phiên điều trần của Tiểu ban Dịch vụ Tài chính.
“Để chống lại BRI, Hoa Kỳ cần một câu chuyện tích cực thay thế nói lên nhiều điều hơn là ‘đừng hợp tác với Trung Quốc’. Hy vọng rằng BRI thất bại không phải là một chiến lược. Chúng ta cần một phương án thay thế về cơ sở hạ tầng và năng lượng chất lượng cao hơn BRI trong 20 năm tới.”
Trong phiên điều trần của tiểu ban này, có nhan đề “Các tổ chức Tài chính Quốc tế trong một Kỷ nguyên Cạnh tranh giữa các Cường quốc”, Dân biểu Joyce Beatty (Dân Chủ-Ohio) đã cáo buộc Trung Quốc đẩy các quốc gia vào tình trạng nợ không bền vững “thông qua các hoạt động cho vay mập mờ và không sẵn sàng cơ cấu lại các khoản vay theo các tiêu chuẩn toàn cầu.”
Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đã từ bỏ nhu cầu xác định khả năng thanh toán nợ của bên đi vay. Thay vào đó, chế độ này đã trở thành một bên cho vay hào phóng vì gánh nặng nợ nần càng lớn thì Bắc Kinh càng sở hữu nhiều đòn bẩy.
Một số người đã ám chỉ đến Lào như một ví dụ.
Tháng 03/2021, Lào đã công bố một thỏa thuận nhượng quyền trong 25 năm mở rộng quyền kiểm soát đa số cho một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc — Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc — đối với lưới điện của quốc gia này. Các quan chức nói rằng quyết định đó được đưa ra vì nợ nần chồng chất.
“Với tình hình kinh tế suy thoái và khoản nợ lớn hiện nay, chính phủ Lào không có khả năng quản lý và vận hành mạng lưới đường dây điện, vì vậy họ quyết định để cho phía Trung Quốc, bên có tài chính, năng lực công nghệ, và nhân lực tiếp quản,” một quan chức nói với Đài Á Châu Tự Do.
Một giải pháp thay thế cho BRI
Gần đây, chính phủ Hoa Kỳ đã đề nghị kết nối các quốc gia Ả Rập và vùng Vịnh với Ấn Độ thông qua một mạng lưới các cảng và đường rầy xe lửa. Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu là lôi kéo các quốc gia Trung Đông rời xa Bắc Kinh và quay trở lại vòng tay của Hoa Thịnh Đốn.
Theo ông Jesse Schreger, một giáo sư cộng tác về kinh doanh tại Trường Kinh doanh Columbia, Hoa Kỳ và các quan chức G-7 khác có thể mô phỏng loại hình chiến lược này bằng cách mở rộng khả năng cho vay từ các ngân hàng phát triển đa phương khác nhau, chẳng hạn như IMF, đối với cơ sở hạ tầng và các dự án công trình công cộng khác.
Để giải quyết vô số cuộc khủng hoảng nợ và cán cân thanh toán ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang phát triển trên toàn thế giới, thì cần phải có “một nỗ lực phối hợp quốc tế,” ông nói tại phiên điều trần quốc hội trên.
Theo ông Daouda Sembene, một thành viên liên kết xuất sắc tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một số cải cách liên quan đến tài chính cũng có thể phục vụ tốt hơn cho mục tiêu rộng lớn hơn về việc giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ông nói tại phiên điều trần của tiểu ban: “Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, theo tôi thì có vẻ việc thực hiện thành công cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu có thể tạo ra nhiều lợi ích địa chiến lược quan trọng cho Hoa Kỳ hơn sự cạnh tranh giữa các cường quốc ở thế giới đang phát triển, đặc biệt là châu Phi.”
“Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho những cải cách quá chậm trễ này, Hoa Kỳ có thể tiến một chặng đường dài hướng tới việc giúp các IFI (các tổ chức tài chính độc lập) mở khóa nguồn tài chính bổ sung cho các nước đang phát triển và thực hiện nghị trình về lợi ích công cộng toàn cầu.”
Ông Mark Rosen, cựu giám đốc điều hành lâm thời của IMF ở Hoa Kỳ, cho biết IMF và các quốc gia thành viên, dẫn đầu là Hoa Kỳ, cũng có thể yêu cầu Trung Quốc giảm nợ cho các quốc gia nghèo khó và nợ nần chống chất vốn là nạn nhân của việc cho vay vô trách nhiệm.
Một nghiên cứu gần đây của AidData, hợp tác với Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và Trung tâm Phát triển Toàn cầu, đã đánh giá 100 hợp đồng cho vay. Các tác giả của báo cáo phát hiện ra rằng các thỏa thuận này mang lại cho Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đối với những bên đi vay bằng cách đưa vào các điều khoản khác với các hợp đồng cho vay tiêu biểu.
“Các điều khoản như vậy cấp cơ hội cho bên cho vay đưa ra ảnh hưởng chính sách đối với bên vay nợ công, và hạn chế hiệu quả không gian chính sách của bên vay trong việc hủy một khoản vay của Trung Quốc hoặc ban hành các quy định mới về môi trường,” bản báo cáo viết.
“Một số hợp đồng nợ trong nhóm mẫu của chúng tôi có thể đặt ra thách thức đối với việc hợp tác đa phương trong các cuộc khủng hoảng nợ hoặc tài chính, vì rất nhiều điều khoản của họ trực tiếp đi ngược lại với các cam kết đa phương gần đây, các thông lệ lâu đời, và các chính sách thể chế.”
Dữ liệu khác cho thấy danh mục cho vay ngoại quốc của Trung Quốc để hỗ trợ các quốc gia đang đối mặt với cảnh nợ nần đã tăng vọt lên 60% trong năm 2022, tăng từ mức 5% trong năm 2010.
Sau đại dịch COVID-19, các quan chức Trung Quốc cam kết với cộng đồng quốc tế rằng họ đã thay đổi các khoản vay để đối phó với các điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi của bên đi vay. Nhưng các chuyên gia đã bác bỏ những thay đổi này, lập luận rằng phía Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa.
Năng lượng hạt nhân có thể đóng vai trò không thể thiếu trong chiến lược này nhằm làm giảm sức mạnh của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.
Ông Rich Powell, Giám đốc điều hành của ClearPath và ClearPath Action, nói với các nhà lập pháp rằng xuất cảng hạt nhân chiếm một phần đáng kể trong BRI, với việc Trung Quốc xây dựng nhiều lò phản ứng hạt nhân trong nước hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này hiện có 55 lò phản ứng có thể hoạt động, 23 lò đang được xây dựng, và thêm hàng chục lò khác đang được xem xét.
“Điều này cũng mang lại cho Trung Quốc sự ảnh hưởng đáng kể đối với chuỗi cung ứng hạt nhân trong tương lai cho tất cả các lò phản ứng trên toàn cầu,” ông Powell nói.
Các quan chức Trung Quốc nói rằng họ có thể xây dựng lên tới 30 lò phản ứng ở ngoại quốc vào năm 2030, với các thỏa thuận đã được ký kết ở Argentina và các cuộc đàm phán đang được tiến hành với Saudi Arabia, Kazakhstan, và các quốc gia khác.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times