Tân đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ kêu gọi ‘kiều bào’ và du học sinh ‘phục vụ tổ quốc’
Trong những bức thư ngỏ của ông được công bố trên trang web chính thức của đại sứ quán, tân đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã kêu gọi kiều bào người Hoa và du học sinh Trung Quốc tại Hoa Kỳ hợp tác với Đại sứ quán Trung Quốc để phục vụ Trung Quốc cộng sản.
Khi đến nơi hôm 24/05, tân đại sứ Tạ Phong (Xie Feng) đã công bố những bức thư bằng cả Anh ngữ và Hoa ngữ. Trong một bức thư có nhan đề “Gửi Kiều bào tại Hoa Kỳ,” ông Tạ đã nhân danh Tổ quốc để trực tiếp nói chuyện với cả những người Mỹ gốc Hoa lẫn Hoa kiều xa xứ ở Hoa Kỳ, bằng cách viết thư kích khởi tinh thần yêu tổ quốc/dân tộc ở người đọc, như ông đã viết “một giọt máu đào hơn ao nước lã.”
Ông đã kêu gọi cộng đồng người Hoa ở Mỹ quốc giúp chế độ này cải thiện mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc theo định nghĩa của ông Tập Cận Bình, lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền tại Trung Quốc (ĐCSTQ), và đóng vai trò là “một chiếc cầu nối giữa hai nước,” bởi vì “tất cả mọi người đều có lợi ích trong mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ.”
Ông Tạ viết, “Sự ủng hộ, tham gia, và đóng góp của quý vị sẽ có giá trị nhiều nhất.”
Ông cũng mời những người này đến thăm Trung Quốc.
“Một Trung Quốc không ngừng hướng tới hiện đại hóa không chỉ là một điều đáng mừng cho dân tộc Trung Hoa mà còn cho các nước trên thế giới,” ông Tạ viết trong thư. “Chúng tôi vô cùng hoan nghênh quý vị đến thăm Trung Quốc thường xuyên để cảm nhận được sự phát triển và tiến bộ của đất nước đồng thời tìm kiếm các cơ hội để phát triển và hoàn thiện bản thân ở đó.”
Đến đoạn kết thúc bức thư, ông Tạ đã bày tỏ mong muốn được mở rộng các mối quan hệ của mình trong cộng đồng người Hoa ở Mỹ.
Ông nói, “Tôi rất mong chờ được sớm gặp lại những người bằng hữu cũ và kết bạn với nhiều bằng hữu mới ở đây,” sau đó ông còn mời cộng đồng Hoa kiều đến thăm đại sứ quán Trung Quốc.
Ông Tạ nói với các sinh viên Trung Quốc ở Hoa Kỳ rằng hãy “đoàn kết yêu thương nhau” và “cùng nhau phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống du học để phục vụ quê hương,” và hãy hợp tác với đại sứ quán Trung Quốc. Ông đã khuyến khích các sinh viên Trung Quốc “Kể tốt câu chuyện về Trung Quốc cho những người bạn Mỹ của quý vị” để giúp chế độ này cải thiện mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. “Kể tốt câu chuyện về Trung Quốc” là khẩu hiệu tuyên truyền ở ngoại quốc của chế độ cộng sản Trung Quốc nhằm thúc đẩy luận điệu của ĐCSTQ về quyền cai trị của đảng này ở Trung Quốc ra thế giới.
Những bức thư ngỏ của ông Tạ đã được công bố ngay sau một loạt vụ bắt giữ người Mỹ gốc Hoa, những người đã phục vụ cho lợi ích và nghị trình của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc tại Hoa Kỳ, vì vi phạm pháp luật Hoa Kỳ.
Thâm nhập vào Hoa Kỳ
Ông Lương Lợi Đường (Litang Liang), một nhà lãnh đạo cộng đồng người Hoa và là công dân Hoa Kỳ sống ở Boston, đã bị bắt hồi đầu tháng này vì bí mật cung cấp cho chế độ cộng sản Trung Quốc một “danh sách đen” gồm những người bất đồng chính kiến ủng hộ dân chủ sinh sống tại Hoa Kỳ trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2022.
Tuần này, hai người đàn ông ở California đã bị các công tố viên liên bang truy tố vì tiếp tay cho ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công — một môn tu luyện giảng dạy các giá trị chân, thiện, và nhẫn đã bị bức hại phi pháp ở Trung Quốc đại lục kể từ năm 1999 — tại Hoa Kỳ.
Theo hồ sơ tòa án, ông Trần Quân (John Chen), một công dân Hoa Kỳ 70 tuổi sinh ra ở Trung Quốc, và ông Phùng Lâm (Lin Feng), một công dân Trung Quốc 43 tuổi, đã cố gắng “thao túng Chương trình Tố giác của IRS, bằng cách hối lộ và lừa dối,” nhằm âm mưu tước quyền miễn thuế của một tổ chức do học viên Pháp Luân Công điều hành.
Trong mười năm qua, một số học giả người Mỹ gốc Hoa tham gia chương trình Ngàn Nhân tài của ĐCSTQ đã bị chính phủ Hoa Kỳ điều tra. Trong đó, một số người đã bị kết án tù vì vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, chẳng hạn như hoạt động gián điệp và cung cấp trái phép dữ liệu nghiên cứu, các phát hiện, công nghệ của Hoa Kỳ cho Trung Quốc.
Ngàn Nhân tài là một chương trình tuyển dụng toàn cầu do ĐCSTQ tạo ra với mục đích thu hút nhân tài đến Trung Quốc, chủ yếu nhắm vào các học giả xuất thân từ Trung Quốc đang học tập hoặc làm việc tại các tổ chức và cơ quan phương Tây có khả năng tiếp cận với các công nghệ tân tiến nhất ở phương Tây.
Có nhiều thông tin thường xuyên xuất hiện cho thấy các sinh viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ được đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc gài vào để phản đối các nhóm bất đồng chính kiến và nói lên quan điểm của ĐCSTQ để “bảo vệ tổ quốc.”
Bảo vệ các lợi ích của ĐCSTQ
Dù ông Tạ Phong được nhiều người trong giới ngoại giao xem là một nhân vật tương đối kín tiếng so với người tiền nhiệm Tần Cương (Qin Gang) và các nhà ngoại giao “chiến lang” khác của ĐCSTQ, nhưng ông đã thể hiện rất rõ ràng vào ngày ông đến Hoa Kỳ trong bài đăng mới của mình rằng “Tôi đến đây để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc,” điều mà ông đã nói với các hãng truyền thông tại phi trường JFK ở New York.
Ông Tạ được biết đến với công việc hậu trường trong các thỏa thuận nổi bật với các chính trị gia ở Hoa Kỳ. Hồi tháng 11/2022, ông Tạ đã giúp sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh cao cấp giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Ông cũng đã đóng một vai trò quan trọng bên phía Trung Quốc trong quá trình đàm phán thỏa thuận trao đổi tù nhân hồi năm 2021. Theo thỏa thuận đó, Bắc Kinh đã thả hai công dân Canada để đổi lấy việc Hoa Kỳ từ bỏ yêu cầu dẫn độ đối với bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei, người từng bị giam giữ tại Canada.
Ông Tạ có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ngoại giao, đặc biệt là với Hoa Kỳ.
Ông có nhiều mối quan hệ trong giới chiến lược và kinh doanh ở Hoa Kỳ, đây dường như là trọng tâm chính của ông để thúc đẩy chính sách Hoa Kỳ-Trung Quốc của ĐCSTQ. Hồi tháng 10/2022, ông nói tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ rằng ông hy vọng các chuyên gia tại các tổ chức nghiên cứu ở cả hai quốc gia có thể đóng một vai trò tích cực trong việc đưa mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc trở lại đúng hướng.
Vào ngày 16/01, ông Tạ đã có bài diễn văn quan trọng tại lễ khai mạc Diễn đàn Ảnh hưởng Quốc tế của Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Bắc Kinh. Hãng truyền thông The Paper có trụ sở tại Trung Quốc đưa tin, ông đã nhắc lại rằng những người trong giới chiến lược và kinh doanh của Trung Quốc và Mỹ đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với sự hợp tác và đối thoại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Phản ứng trước việc ông Tạ Phong được bổ nhiệm làm tân đại sứ, Giáo sư Khấu Kiện Văn (Kou Jianwen), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc lập Chính trị ở Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 24/05 rằng dù có những thay đổi nhân sự nhưng mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không có sự khác biệt to lớn nào.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times