Các chuyên gia: Lệnh cấm của Trung Quốc đối với công ty Micron là nhằm chia rẽ liên minh Hoa Kỳ-Nam Hàn
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Hiroshima, Nhật Bản, nhà cầm quyền Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ cấm các sản phẩm của nhà sản xuất vi mạch nhớ Micron của Hoa Kỳ, vì lý do rủi ro an ninh quốc gia. Các chuyên gia cho rằng, hành động này đã đặt liên minh chống lại Bắc Kinh do Hoa Kỳ dẫn đầu vào thử thách.
Theo các chuyên gia, hành động cấm công ty Micron của Bắc Kinh nhằm mục đích sử dụng thị trường mà Micron bỏ trống để chia rẽ Hoa Kỳ với các đồng minh của mình, và Nam Hàn có thể là mục tiêu chính của họ.
Hôm 21/05, chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi các nhà khai thác “cấu trúc thông tin quan trọng” trong nước ngừng mua hàng từ nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Micron Technology Inc. có trụ sở tại Hoa Kỳ, với lý do rủi ro an ninh “lớn” trong khi không nói rõ thêm bất kỳ chi tiết nào.
Đáp lại, Tòa Bạch Ốc đã lên án chính quyền Trung Quốc về lệnh cấm mua vi mạch nhớ từ Micron, gọi đó là hành động trả đũa đối với tuyên bố gần đây của Nhóm Bảy Cường quốc (G-7), nhưng cho biết lệnh trừng phạt của Bắc Kinh sẽ không ảnh hưởng đến nỗ lực cải thiện liên lạc của Hoa Thịnh Đốn với Trung Quốc.
Ông John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm 24/05 rằng lệnh cấm mua vi mạch bán dẫn của Micron do lo ngại về an ninh của chính quyền Trung Quốc là “vô căn cứ.”
Micron là nhà sản xuất vi mạch nhớ lớn thứ ba thế giới sau Samsung và SK Hynix của Nam Hàn. Các sản phẩm chính của công ty là DRAM (Bộ nhớ Truy cập Ngẫu nhiên Động) và NAND Flash (Bộ nhớ flash), được sử dụng rộng rãi trong điện thoại di động, máy điện toán cá nhân, máy chủ, xe hơi, và nhiều công nghệ thiết yếu.
G-7 cam kết giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh G-7, trong đó các nhà lãnh đạo G-7 đã vạch ra kế hoạch chống lại “sự ép buộc kinh tế” và các thông lệ phi thị trường của Bắc Kinh.
Nhóm G-7 bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý, và Canada. Ngoài ra, Liên minh Âu Châu là một thành viên không được liệt kê.
Mặc dù không phải là quốc gia thành viên của G-7, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol cũng được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh nói trên, điều này thể hiện mối quan hệ thắt chặt của Seoul với Hoa Kỳ, Nhật Bản, và các quốc gia G-7 khác.
Việc Nam Hàn tham gia hội nghị thượng đỉnh G-7 đã cho thấy mong muốn tham gia nỗ lực chống lại sự ép buộc kinh tế của Bắc Kinh.
Trong cuộc họp báo hôm 22/05, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh kêu gọi Hoa Kỳ rút lại các biện pháp trừng phạt đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.
Bà nói: “Mỹ nên hủy bỏ các biện pháp trừng phạt ngay lập tức, khắc phục các trở ngại, và tạo thuận tiện cho đối thoại”, đồng thời cho biết thêm rằng Hoa Thịnh Đốn nên điều chỉnh nhận thức về Trung Quốc và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này cũng như làm suy yếu chủ quyền, an ninh, và lợi ích phát triển của quốc gia này.
Hôm 24/05, bà Mao tuyên bố thêm rằng việc đánh giá an ninh mạng đối với các sản phẩm của Micron được bán ở Trung Quốc được thực hiện theo luật, và quyết định cấm mới nhất đó là căn cứ trên thực tế. Và rằng quyết định này không nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia hoặc khu vực cụ thể nào, và chính phủ cũng không tìm cách loại trừ các công nghệ hoặc sản phẩm từ bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Trong khi đó, bà Mao cáo buộc Hoa Thịnh Đốn sử dụng an ninh quốc gia như một cái cớ để đưa hơn 1,200 công ty và cá nhân Trung Quốc vào nhiều danh sách khác nhau và áp đặt các hạn chế đối với họ mặc dù thiếu bằng chứng rõ ràng về hành vi sai trái, tạo thành sự ép buộc kinh tế.
Chuyên gia: Bắc Kinh thử thách liên minh Hoa Kỳ-Nam Hàn
Theo ông Phương Vĩ (Fang Wei), một chuyên gia về Trung Quốc và là cộng tác viên thường xuyên của NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, hành động cấm công ty Micron của ĐCSTQ là nhằm sử dụng thị trường mà Micron bỏ trống để chia rẽ Hoa Kỳ với các đồng minh của họ, và Nam Hàn có khả năng là mục tiêu chính của Trung Cộng để đem đến sự chia rẽ.
Ông cho biết lệnh cấm của Bắc Kinh đối với các sản phẩm của Micron không phải là một quyết định kinh tế mà là một quyết định chính trị.
Hôm 23/05, ông Phương cho biết trên kênh Fang Wei Time của mình: “Mục đích trước hết là để cô lập và tấn công Hoa Kỳ. Bước tiếp theo là tách Hoa Thịnh Đốn khỏi các đồng minh của mình, chẳng hạn như trao thị trường vi mạch nhớ mà Micron bỏ trống cho Samsung hoặc SK Hynix để lôi kéo Nam Hàn.”
Tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc, trong một bài xã luận hôm 10/03, cho biết hồi tháng Hai năm nay chính phủ ông Biden đã khởi động một cuộc đối thoại an ninh và kinh tế ba bên với Nhật Bản và Nam Hàn. Đồng thời, chính phủ của ông cũng bắt tay với Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, và Hà Lan để cố gắng xây dựng chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong đó loại trừ Trung Quốc, kế hoạch này đã bước vào giai đoạn hoạt động thực chất rồi.
Bài báo nói thêm, “Một khi xu hướng này trở thành hiện thực, điều đó sẽ giáng một đòn nặng vào chuỗi công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.”
Bài báo cho biết thêm rằng ĐCSTQ có thể sẽ phản ứng kiểu như “làm mọi cách để thu hút các công ty từ các nước Đông Á. Các công ty Nam Hàn là những mục tiêu tiềm năng vì họ phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc”, vì Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Hàn.
Chiến thuật nghi binh
Sau khi Bắc Kinh công bố các biện pháp trừng phạt đối với công ty Micron, một số thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ đáp trả và thúc giục các công ty Nam Hàn chống lại các chiến thuật nghi binh của ĐCSTQ.
Hôm 23/05, Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện Hoa Kỳ, đã kêu gọi chính phủ ông Biden có lập trường cứng rắn với Trung Quốc về lệnh cấm công ty Micron và yêu cầu Bộ Thương mại áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đáp trả lên công ty Changxin Memory của Trung Quốc.
Changxin Memory, nhà sản xuất vi mạch nhớ DRAM hàng đầu của Trung Quốc, được coi là đối thủ cạnh tranh Trung Quốc trên thị trường vi mạch nhớ có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ lệnh cấm Micron tại Trung Quốc. Một nhà cung cấp vi mạch nhớ flash lớn khác của Trung Quốc, Yangtze Memory Technologies, đã được thêm vào danh sách đen các tổ chức của Bộ Thương mại Hoa Kỳ hồi tháng Mười Hai năm ngoái (2022).
Reuters đưa tin, ông Gallagher cũng cho biết Bộ Thương mại phải bảo đảm “không có giấy phép xuất cảng nào của Hoa Kỳ cấp cho các công ty bộ nhớ bán dẫn ngoại quốc đang hoạt động tại [Trung Quốc] được sử dụng để lấp đầy chỗ trống của Micron, và các đồng minh Nam Hàn của chúng ta, những người đã trực tiếp trải qua chính xác loại áp bức kinh tế này của ĐCSTQ trong thời gian gần đây, nên hành động tương tự để ngăn chặn việc lấp đầy chỗ trống của Micron.”
Vẫn tồn tại sự thiếu quyết đoán
Tháng Mười năm ngoái (2022), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất cảng sâu rộng mới nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận với các thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn tối tân và một số vi mạch bán dẫn cao cấp nhất định được sản xuất bằng công nghệ của Hoa Kỳ, cho dù các vi mạch bán dẫn này có được sản xuất tại Hoa Kỳ hay không.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, Samsung và SK Hynix đã được miễn trừ kiểm soát trong một năm. Việc miễn trừ này cho phép các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn này mang thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn và các linh kiện khác đến Trung Quốc để duy trì hoạt động sản xuất vi mạch bán dẫn của họ tại quốc gia này. Nhưng họ sẽ phải xin giấy phép xuất cảng của Hoa Kỳ sau thời gian ân hạn này.
Tuy nhiên, các quan chức Nam Hàn vẫn chưa đưa ra lập trường dứt khoát về quy định mới này và vẫn còn chia rẽ về vấn đề này.
Theo Financial Times, thứ trưởng Thương mại Nam Hàn Jang Young-jin nói với các phóng viên hôm 22/05, “Về những gì Hoa Kỳ bảo chúng tôi làm hay không làm, thực ra là tùy thuộc vào các công ty của chúng tôi. Cả Samsung và SK Hynix, với hoạt động toàn cầu, sẽ đưa ra phán quyết về việc này”. Samsung và SK Hynix đã từ chối bình luận về vấn đề này.
Ông Cho Tae-yong, người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia Nam Hàn, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với YonhapNews TV hôm 23/05 rằng, sự phụ thuộc vào ngoại quốc của Nam Hàn cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác, vì vậy việc duy trì trật tự thương mại tự do được điều tiết trên phạm vi quốc tế là lợi ích cốt lõi của Nam Hàn.
Ông nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh đối với nhà sản xuất vi mạch bán dẫn Micron của Hoa Kỳ là mơ hồ và không rõ ràng và cần được đánh giá lại.
Ông Cho cũng cho biết Nam Hàn và Hoa Kỳ có mối quan hệ kinh tế và an ninh rất chặt chẽ. “Vì vậy, nếu Hoa Kỳ giúp đỡ chúng tôi, thì chúng tôi phải quan tâm đến vị thế của Hoa Kỳ.”
Không có khả năng lấp đầy các thị phần bị bỏ trống của Micron
Theo Nikkei Asia, ông Mark Li, nhà phân tích của công ty đầu tư Sanford C. Bernstein của Hoa Kỳ, cho rằng trong một tình huống xấu nhất, Micron sẽ mất khoảng 11% doanh thu của mình do lệnh cấm nói trên. Tuy nhiên, ông đã nói thêm rằng khả năng này rất khó xảy ra, và doanh thu bị ảnh hưởng ở “tỷ lệ phần trăm một chữ số thấp” là một kết quả khả thi hơn.
Mặc dù ông Li đồng ý rằng Trung Quốc có khả năng tiếp cận các công ty Nam Hàn để cung cấp vi mạch nhớ, nhưng ông cho rằng các công ty Nam Hàn khó có thể lấp đầy các thị phần còn trống của Micron do áp lực của Hoa Kỳ.
“Vì các nhà cung cấp bộ nhớ nội địa của Trung Quốc không cạnh tranh được [về] công nghệ và năng lực, nên Trung Quốc sẽ cần phải nhờ đến Samsung, SK Hynix, Kioxia, Western Digital, hoặc các nhà cung cấp ngoại quốc khác để thay thế cho Micron,” ông Li cho biết. “Tuy nhiên, tất cả những công ty này đều đến từ các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ, và đều dựa vào thiết bị xuất cảng từ các nhà cung cấp Hoa Kỳ. Chúng tôi nghĩ rằng khả năng [các nhà sản xuất vi mạch nhớ ngoại quốc này] phớt lờ áp lực của Hoa Kỳ và tận dụng lợi thế lớn từ lệnh cấm đối với Micron để giành được thị phần tại Trung Quốc là rất thấp.”
Ông Phương Kỳ (Fang Qi), một nhà phân tích tài chính cao cấp tại Vương quốc Anh, nói với The Epoch Times hôm 22/05 rằng, thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn về vi mạch bán dẫn, một phần lớn trong số đó được cung cấp cho thị trường toàn cầu, tức là được sử dụng để lắp ráp sản phẩm và sau đó xuất cảng.
Ông nói, “Tình hình hiện nay là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan đã thành lập một liên minh để thay thế khả năng cung cấp cho thị trường quốc tế của Trung Quốc đại lục, vì vậy từ quan điểm công nghệ, thị trường, và an ninh, Nam Hàn phải đi theo Hoa Kỳ và Nhật Bản.”
Ông Phương tin rằng do các biện pháp kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ đã cắt đứt khả năng tiếp cận của Trung Quốc với thiết bị bán dẫn tân tiến, nên các công ty Nam Hàn khó có thể nâng cấp công nghệ của họ ở Trung Quốc. Đồng thời, họ sẽ phải đối mặt với hoạt động ăn cắp công nghệ và sự cạnh tranh từ các đối thủ nội địa Trung Quốc.