PHÂN TÍCH: Nhân sự công nghệ Nam Hàn tại Trung Quốc khó khăn với làn sóng sa thải
Ngành công nghiệp màn hình của Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng xoắn ốc sau cáo buộc trộm cắp công nghệ và săn trộm nhân sự Nam Hàn
Nam Hàn từng là nhà vô địch thống trị trong ngành sản xuất màn hình toàn cầu. Tuy nhiên, nước này được cho là đã mất đi vị trí hàng đầu vì một cuộc tấn công trộm cắp công nghệ do nhà cầm quyền cộng sản của Trung Quốc dẫn đầu. Gần đây, một làn sóng sa thải đột ngột, thường là không có khoản trợ cấp thôi việc bắt buộc, đã tấn công các chuyên gia Nam Hàn đang làm việc tại Trung Quốc.
Vụ việc này làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng, với một số chuyên gia cảnh báo rằng Nam Hàn không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh mà còn phải đối mặt với một địch thủ dưới chiêu bài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các lĩnh vực công nghệ phát triển cao của Nam Hàn, đặc biệt là chất bán dẫn và các bảng hiển thị, được cho là đã trở thành mục tiêu chính trong chiến lược thâu tóm công nghệ hung hãn của ĐCSTQ. Các chiến thuật được cho là do Bắc Kinh khai triển bao gồm việc lôi kéo các nhân viên chủ chốt bằng những lời đề nghị béo bở cho đến việc hối lộ bất hợp pháp. Kết quả là, 17 năm thống trị của Nam Hàn với tư cách là nhà sản xuất màn hình hàng đầu thế giới — một vị trí thống trị trên thị trường LCD và OLED — đã bị Trung Quốc soán ngôi vào năm 2021.
Số liệu thống kê mới nhất từ Hiệp hội Công nghiệp Màn hình Nam Hàn nhấn mạnh sự thay đổi này. Vào năm 2021, Trung Quốc đã thống trị thị trường màn hình toàn cầu với 42.5% thị phần, vượt qua mức 36.9% của Nam Hàn.
Để đối phó với sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường LCD, Nam Hàn đã thừa nhận các dự án LCD ít sinh lời hơn của mình, chuyển hướng tập trung sang các màn hình phát quang hữu cơ (OLED). Năm ngoái, Nam Hàn chiếm 81.3% thị phần lớn trên thị trường OLED toàn cầu so với 17.9% của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự tiến triển của Trung Quốc trên thị trường OLED đang nhanh chóng đạt được đà tăng tốc. Trong bốn năm, từ 2017 đến 2021, thị phần của Trung Quốc trên thị trường OLED vừa và nhỏ đã tăng vọt từ 1.5% lên 20%.
‘Lệnh trục xuất’
Các bản tin gần đây trên các hãng truyền thông Nam Hàn, đặc biệt là tờ JoongAng Ilbo, tiết lộ cáo buộc rằng các nhà sản xuất màn hình lớn của Trung Quốc — bao gồm BOE, China Star Optoelectronics Technology Co. (CSOT), và HKC Corp. — đã sa thải nhân viên Nam Hàn kể từ năm 2022. Số lượng nhân viên bị sa thải chủ yếu liên quan đến thiết kế và sản xuất màng nền LCD tại Samsung Display và LG Display, được cho là lên tới hàng trăm người.
Các báo cáo này cũng cho rằng các công ty Trung Quốc đã ban hành “lệnh trục xuất” đối với các nhân viên Nam Hàn mà không có các gói trợ cấp thôi việc đã hứa với họ. Có rất nhiều trường hợp những nhân viên Nam Hàn bị sa thải trong vòng một năm, mặc dù đã có cam kết hợp đồng ba năm.
Điều đáng chú ý là trong quá khứ, các doanh nghiệp Trung Quốc đã bị cáo buộc lôi kéo các tài năng công nghệ Nam Hàn bằng cách đưa ra các ưu đãi hấp dẫn, kể cả việc trả lương gấp ba lần những gì họ nhận được ở quê nhà, hợp đồng ba năm, và các đặc quyền bổ sung như xe cộ, nhà ở, và học phí cho con cái, nhưng sau đó lại đột ngột sa thải những nhân sự này.
Sau làn sóng sa thải giữa các kỹ thuật viên LCD của Nam Hàn, dường như ĐCSTQ đã chuyển trọng tâm sang các chuyên gia OLED của Nam Hàn. Bất chấp sự thống trị hiện tại của Nam Hàn trên thị trường OLED toàn cầu, những lo ngại đang nổi lên trong ngành OLED về khả năng xâm nhập của ĐCSTQ, phản chiếu [giống như] việc tiếp quản màn hình LCD của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trộm cắp công nghệ
Những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thu hút nhân tài Nam Hàn có vẻ cấp bách hơn khi Hoa Thịnh Đốn thắt chặt các quy định trong lĩnh vực màn hình và chất bán dẫn. Hankook Ilbo đã đưa tin về sự gia tăng những trường hợp mà các công ty Trung Quốc thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Nam Hàn. Các trung tâm này bị cáo buộc tạo điều kiện cho hành vi trộm cắp công nghệ bằng cách thuê các nhà nghiên cứu địa phương hoặc mua cổ phần trong các công ty Nam Hàn để thao túng hoạt động của họ. Phương pháp này loại bỏ được các cuộc điều tra tiềm năng của Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn (NIS) vì nó khác với việc trực tiếp lôi kéo các nhà nghiên cứu Nam Hàn gia nhập các công ty Trung Quốc.
Theo NIS, từ năm 2017 đến năm 2022, hơn 93 trường hợp rò rỉ bằng sáng chế công nghiệp ở ngoại quốc đã xảy ra trong các doanh nghiệp Nam Hàn. Mức độ rò rỉ công nghệ trong lĩnh vực màn hình chỉ đứng sau lĩnh vực chất bán dẫn, với hơn 60% các vụ rò rỉ này liên quan đến Trung Quốc. Tổng thiệt hại từ những vụ rò rỉ này ước tính lên tới hơn 25 ngàn tỷ won (khoảng 19.6 tỷ USD).
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 15/07 với The Epoch Times, ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một chuyên gia về Trung Quốc và là cựu giáo sư phụ tá về giáo dục lịch sử tại Đại học Sư phạm Thủ đô của Trung Quốc, đã bày tỏ lo ngại về mối quan hệ của Seoul với Bắc Kinh
Ông Lý tuyên bố rằng Nam Hàn có thể không hiểu hết bản chất của ĐCSTQ, đồng thời nhấn mạnh rằng đây không phải là một đối thủ cạnh tranh công nghệ lành tính, mà là một nhà cầm quyền tàn bạo sẽ tận dụng mọi cơ hội để đánh cắp tài sản trí tuệ. Ông nói, một khi ĐCSTQ có được công nghệ mong muốn, thì các kỹ thuật viên sẽ nhanh chóng bị sa thải, và đây là một bài học mà Nam Hàn cần học.
Ông Lý kêu gọi Nam Hàn thực thi luật nghiêm khắc hơn để trừng phạt những người làm tổn hại đến các lợi ích cốt lõi của Nam Hàn đối với các quốc gia ngoại quốc, đặc biệt là Trung Quốc cộng sản.
Ông nói thêm rằng việc Bắc Kinh sử dụng Bắc Triều Tiên như một tài sản chiến lược trong các giao dịch với phương Tây đặt ra một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của Nam Hàn. Ông Lý tin rằng Nam Hàn nên nhận ra bản chất thực sự của ĐCSTQ và thực hiện các biện pháp phòng thủ mạnh mẽ từ góc độ an ninh quốc gia.
SAMSUNG
Hồi giữa tháng Sáu, Văn phòng Công tố quận Suwon của Nam Hàn đã đệ đơn kiện cựu giám đốc điều hành của Samsung Electronics, họ Choi, với cáo buộc đánh cắp dữ liệu thiết kế từ một nhà máy bán dẫn của Samsung Electronics và cố gắng xây dựng một nhà máy sao chép ở Trung Quốc.
Ông Choi, 65 tuổi, một người giàu kinh nghiệm trong ngành công nghệ Nam Hàn, được cho là đã nhận khoảng 360 triệu USD từ chính quyền thành phố Thành Đô của Trung Quốc để thành lập một công ty bán dẫn ở đó, tuyển dụng hơn 200 nhân sự chủ chốt từ Samsung Electronics và SK Hynix.
Ông Choi đã từng được ca ngợi với các danh hiệu vì sự đổi mới, cách tiếp cận thực tế, và sự cống hiến liên tục. Các công tố viên đã mô tả bị đơn trong một tuyên bố là một “chuyên gia hàng đầu độc tôn trong nước về sản xuất chất bán dẫn ở Nam Hàn.” Tuy nhiên, lần này, chính phủ từng tôn vinh ông là một người hùng công nghệ quốc gia đã buộc tội ông về tội gián điệp công nghiệp.
Các công tố viên cho biết, “Dữ liệu mà Samsung Electronics thu được sau hơn 30 năm nghiên cứu và phát triển, trị giá từ 300 tỷ đến hàng ngàn tỷ won (ít nhất là 200 triệu đến hàng tỷ USD). Đó không chỉ là bí mật thương mại của một công ty mà còn là công nghệ cốt lõi của quốc gia.”
Hơn nữa, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nam Hàn và Trung Quốc, Samsung đã thu hút sự chú ý bằng cách rút khỏi Đại hội Thế giới Di động Thượng Hải lần đầu tiên sau sáu năm và khởi xướng vụ kiện bằng sáng chế đầu tiên đối với công ty Trung Quốc BOE, công ty màn hình hàng đầu của Trung Quốc.
Samsung Display đã thực hiện một bước quyết định hôm 26/06, khởi xướng vụ kiện vi phạm bằng sáng chế đối với BOE Technology Group Co., Ltd. Vụ kiện được đệ trình lên Tòa án quận phía Đông Texas, khẳng định rằng BOE đã chiếm đoạt bất hợp pháp bốn công nghệ màn hình OLED được cấp bằng sáng chế của Samsung mà được sử dụng trong iPhone 12.
Bản tin có sự đóng góp của Kane Zhang
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times