Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ở Nigeria dưới sự cai trị của tân chính phủ
Theo một chính trị gia của Nigeria, nhờ sự hợp tác của tân chính phủ Tổng thống Bola Tinubu mới nhậm chức, Trung Quốc đang đạt được những bước tiến đáng kể trong việc củng cố sự hiện diện của mình ở quốc gia Phi Châu này.
Các cuộc đàm phán đầu tiên giữa các quan chức của Trung Quốc và ông Tinubu, người mới nhậm chức hôm 29/05, cho thấy rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tìm cách mở rộng chỗ đứng của mình trong nền dân chủ lớn nhất châu Phi dưới sự cai trị của tân chính phủ, một thành viên của thượng viện Nigeria Simon Mwadkwon nói với The Epoch Times.
Ông Mwadkwon, dân biểu của Plateau North, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Việc Trung Quốc chạy đến gặp tân Tổng thống để ngỏ lời đề nghị vào thời điểm mà chính phủ của ông [Tinubu] vừa mới lên ngôi, thì tôi e là có điềm gì đó chẳng lành ở đây.”
Ông Mwadkwon nói: “Họ có một nghị trình thống trị thế giới và Nigeria là một mục tiêu chiến lược để đạt được những mục đích đó vì dân số và ảnh hưởng của nước này ở châu Phi.
Ông Mwadkwon nói: “Chính phủ trước đây của Tổng thống Muhammadu Buhari đã nhận các khoản vay từ Trung Quốc mà không có một mục tiêu rõ ràng, khiến khoản nợ của Nigeria đối với Trung Quốc tăng quá mức hợp lý và chính quyền Trung Quốc đang tìm cách gia tăng khoản vay đó.”
Hôm 31/05, Đặc phái viên Trung Quốc tại Nigeria, ông Bành Thanh Hoa (Peng Qinghua) — kiêm chức phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Trung Quốc — đã tổ chức một cuộc gặp quan trọng với ông Tinubu tại Tòa nhà Quốc hội ở Abuja.
Mặc dù nội dung chi tiết của các cuộc thương thuyết vẫn chưa được tiết lộ, nhưng truyền thông địa phương đưa tin rằng ông Thanh Hoa đã thông báo với ông Tinubu trước cuộc họp kín này rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác kinh tế với Nigeria, xét đến vai trò quan trọng của nước này ở châu Phi nói riêng và trên trường thế giới nói chung.
Đây là cuộc gặp thứ hai giữa ông Tinubu và các quan chức Trung Quốc kể từ khi ông đắc cử vào ngày 25/02.
Trong một cuộc hội thảo tại Đại học Abuja hôm 05/04, đại sứ Trung Quốc tại Nigeria, ông Thôi Kiến Xuân (Cui Jianchun), tiết lộ rằng ông đã tham gia nhiều cuộc thảo luận với ông Tinubu và Phó Tổng thống đắc cử Kashim Shettima.
Ông Kiến Xuân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng hiệu suất ở Nigeria và trình bày các nỗ lực nhằm thu hút sự đầu tư của Trung Quốc và tạo thuận tiện xuất cảng các sản phẩm của Nigeria sang thị trường Trung Quốc.
Vị đại sứ này ám chỉ đến các kế hoạch gia tăng khoản vay mà Trung Quốc cấp cho Nigeria, công nhận nền tảng vững chắc do Tổng thống Muhammadu Buhari thiết lập cho chính phủ ông Tinubu sắp nhậm chức.
‘Thuộc địa của Trung Quốc’
Hồi tháng Một, Trung Quốc đã khai trương một cảng biển nước sâu có khả năng “thay đổi cuộc chơi” ở Lagos, thành phố lớn nhất của Nigeria.
Cảng biển trị giá 1.5 tỷ USD này có 75% vốn cổ phần thuộc về Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc và Tập đoàn Tolaram, còn các cổ phần nhỏ hơn do chính quyền tiểu bang Lagos và Cơ quan Quản lý Cảng Nigeria nắm giữ.
The Epoch Times đã đưa tin về những mối lo ngại liên quan đến khả năng cảng này sẽ bị trưng dụng cho các cuộc tấn công quân sự nhắm vào Hoa Kỳ.
Theo ông Mwadkwon, cảng này là một trong một số dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc sở hữu ở Nigeria, với ít nhất 11 dự án trong số đó được tài trợ thông qua các khoản vay của Bắc Kinh cho chính phủ Nigeria.
Theo Văn phòng Quản lý Nợ, với khoản nợ song phương trị giá hơn 3.9 tỷ USD, Nigeria là quốc gia nhận khoản vay lớn thứ sáu của Trung Quốc ở châu Phi.
Một báo cáo năm 2022 của Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới cho thấy Trung Quốc chiếm 66% các khoản chi trả nợ của Nigeria.
Ông Mwadkwon nói, “Tôi lo ngại cho Nigeria nếu chúng tôi không đưa ra những biện pháp khẩn cấp để thẩm định toàn bộ các khoản vay mà Nigeria đã vay từ Trung Quốc — qua đó xem xét các điều khoản và tình trạng trả nợ hiện tại của mình, sau đó ngay lập tức bù đắp vào những khoản vay đó bằng bất kỳ cách nào, và đưa chúng tôi ra khỏi âm mưu của Trung Quốc nhằm biến chúng tôi thành một trong những thuộc địa của họ giống như họ đã cố gắng làm ở Uganda và Sri Lanka.”
Mới đây, ông Mwadkwon đã được bầu vào Thượng viện sau khi phục vụ hai nhiệm kỳ tại Hạ viện Nigeria.
Chiến lược bẫy nợ
Hồi tháng 08/2020, ông Mwadkwon là một trong số những dân biểu đề nghị xem xét lại các điều kiện mà theo đó Trung Quốc viện trợ cho Nigeria để tránh mắc bẫy nợ.
Hành động này được đưa ra sau khi người ta phát hiện ra một điều khoản đáng ngờ trong hợp đồng vay thương mại trị giá 500 triệu USD được ký vào ngày 05/09/2018 giữa Bộ Tài chính Liên bang và Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc để tài trợ cho Dự án Cơ sở Hạ tầng Cốt lõi Giai đoạn II của Nigeria cho Ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông Quốc gia (ICT).
Các nhà lập pháp lập luận rằng chính phủ tiền nhiệm của ông Buhari đã trao chủ quyền của Nigeria cho Trung Quốc bằng cách ký các thỏa thuận này.
Điều khoản trong thỏa thuận nêu rõ: “Theo văn bản này, bên vay [tức nhà nước Nigeria] phải từ bỏ không thể hủy ngang bất kỳ quyền miễn trừ nào với lý do chủ quyền hoặc bất kỳ lý do nào khác cho bản thân và tài sản của mình liên quan đến bất kỳ thủ tục tố tụng trọng tài nào theo Điều 8(5), với việc thực thi của bất kỳ phán quyết trọng tài nào theo đó, ngoại trừ tài sản quân sự và tài sản ngoại giao.”
Cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nigeria, ông Rotimi Amaechi, thừa nhận rằng việc từ bỏ quyền miễn trừ là để cho phép Trung Quốc tiếp quản các tài sản quốc gia trong trường hợp không trả được nợ.
Ông cho hay, “Theo ý nghĩa về mặt thương mại, việc từ bỏ quyền miễn trừ này đơn giản là tôi sẽ không trao cho quý vị khoản vay này miễn phí đâu,” ông Amaechi nói. “Giống như việc quý vị đi vay ngân hàng, khi quý vị không trả, họ sẽ đến đòi tài sản mà quý vị thế chấp.”
Theo The Diplomat, các điều khoản như thế này dường như là tiêu chuẩn trong các hợp đồng cho vay của Trung Quốc.
Chiến lược được cho là bẫy nợ này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn cầu.
Lấy ví dụ, năm 2018, Sri Lanka được cho là đã trao quyền kiểm soát một cảng chiến lược ở bờ biển phía nam của mình cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm sau khi không trả được khoản vay 1.1 tỷ USD của Trung Quốc.
Những lo ngại tương tự nảy sinh ở Uganda khi Trung Quốc được cho là đã tiếp quản Phi trường Quốc tế Entebbe và các tài sản khác do không trả được nợ.
Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc kể trên.
Theo tin tức của AP, dù vậy quốc gia cộng sản này vẫn không có ý muốn xóa nợ và tiết lộ tổng số tiền họ đã cho vay để những nước cho vay lớn khác có thể trợ giúp.
Ngay cả khi nước này tuyên bố hồi tháng 08/2022 rằng họ sẽ xóa 23 khoản vay cho 17 quốc gia Phi Châu, Trung Quốc đã không nêu rõ đó là những quốc gia nào hoặc tổng số tiền được xóa nợ.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin rằng cái gọi là xóa nợ này là lần xóa nợ sau chót mà Trung Quốc dành cho các quốc gia châu Phi kể từ năm 2000, chỉ ảnh hưởng đến các khoản vay sắp hết hạn nhưng có số dư nhỏ.
Kêu gọi các thỏa thuận đối trọng
Các nhà phân tích nói với The Epoch Times rằng, với khoản tiết kiệm lớn được dự đoán từ hệ thống trợ giá dầu trị giá hàng triệu dollar bị hủy bỏ, cùng với nền kinh tế dịch vụ đang phát triển mạnh mẽ của họ, Nigeria có khả năng tự thoát khỏi bẫy nợ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, họ khẳng định rằng để làm được điều đó thì Nigeria cần có sự can thiệp của các cường quốc phương Tây.
Cô Teniola Tayo, một nhà nghiên cứu về chính sách thương mại tại Viện Nghiên cứu Chính sách Phi Châu nói với The Epoch Times, “Các khoản vay của Trung Quốc đã đóng một vai trò trong việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng [ở Nigeria] và có thể tiếp tục giữ vai trò đó.”
Với điều này, “Trung Quốc có lợi thế trong việc xây dựng và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng [dưới sự cai trị của chính phủ mới],” cô Tayo viết trong một tin nhắn văn bản.
Cô viết, “[Nhưng] tôi tin rằng chính phủ mới sẽ khám phá thêm nhiều cơ hội khác để tài trợ cho cơ sở hạ tầng, miễn là các đối tác khác mang đề nghị tới gặp họ.”
Lựa chọn tốt nhất cho Nigeria là tiếp cận các đồng minh phương Tây của họ với bất cứ điều gì Trung Quốc đưa ra và đàm phán một thỏa thuận đối trọng, nhà phân tích người Mỹ kiêm cựu ứng cử viên quốc hội của Illinois, ông Sargis Sangari nói với The Epoch Times.
Ông Sangari, người cũng là một trung tá trong Lục quân Hoa Kỳ đã về hưu, nói rằng điều này đặc biệt vì mục tiêu chính của Trung Quốc là sử dụng Nigeria để có được dấu ấn chiến lược ở châu Phi đồng thời đánh bại Hoa Kỳ và các nước đồng minh khác ở lục địa này.
Ông Sangari cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Chọn đứng cùng với phương Tây về phía nền dân chủ hay chọn sát cánh cùng một chính quyền tàn sát người dân của chính họ, đều tùy thuộc vào quyết định của Nigeria.”
Ông Sangari nói: “Nigeria phải nhận thức được rằng khi họ nhận tiền của Trung Quốc, họ sẽ trở thành nô lệ cho Trung Quốc.”
Ông nói: “Trong tương lai, Trung Quốc sẽ bắt đầu xác định và đầu tư vào người Nigeria để vươn lên vị trí lãnh đạo và kiểm soát quân đội cũng như tiếp tục lý tưởng của nhà cầm quyền cộng sản này ở Nigeria.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times