Các nhà phân tích: Các đảng đối lập nói rằng Nam Phi đang giúp hình thành trục các quốc gia bất hảo Trung Quốc, Nga, Iran
JOHANNESBURG, Nam Phi — Hôm 01/04, các chiến hạm Iran đã cập cảng Cape Town, Nam Phi, trái với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Một tuần trước đó (20-26/03), bến cảng này đã đón một khu trục hạm chở đầy đạn dược của Nga. Hồi tháng Hai, Trung Quốc, Nga, và Nam Phi đã tiến hành tập trận ở Ấn Độ Dương.
Và giờ đây, một phái đoàn gồm các quan chức cao cấp của Đảng Đại hội Dân tộc Phi Châu (ANC) đang ở Moscow trong một “chuyến thăm làm việc” theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin, không lâu sau khi chính phủ của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cáo buộc Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong việc ban hành lệnh truy nã tội phạm chiến tranh để bắt giữ tổng thống Nga.
Đây là những hành động mới nhất của một chính phủ Nam Phi đang ngày càng xích lại gần các quốc gia bị các quốc gia phương Tây và đồng minh của họ xem là “các quốc gia bị ruồng bỏ” (“pariah states”).
Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ Quốc tế Nam Phi, bà Naledi Pandor, nói trong một cuộc họp báo ở Pretoria rằng những lựa chọn này “cho thấy Nam Phi có một chính sách ngoại giao độc lập. Chúng tôi quyết định có mối bang giao hữu nghị với ai; không có thế lực bên ngoài nào có thể ra lệnh cho chúng tôi.”
Thế nhưng Giáo sư Steven Friedman, nhà phân tích chính trị cao cấp tại Đại học Wits ở Johannesburg, Nam Phi, nói với The Epoch Times: “Chính phủ này dường như không hiểu rằng chúng tôi không thể kết giao với tất cả các nước … Hoặc có thể họ hiểu, và họ đang chọn kẻ thù cho mình. Đây là những thời điểm nguy hiểm và chúng tôi đang thấy mình chọn bên sai trong những thời điểm đó.”
Hôm thứ Hai (03/04), cơ quan quản lý các cảng do nhà nước điều hành xác nhận rằng IRIS Dena và IRIS Markan đã cập bến. IRIS là từ viết tắt cho cụm từ Tàu Cộng hòa Hồi giáo Iran.
“Về căn bản, đó là hải quân Iran,” chuyên gia hàng hải của Viện Nghiên cứu An ninh (ISS) Timothy Walker nói với The Epoch Times.
Fars News Agency của Iran, nằm dưới sự quản lý của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo, một cánh vũ trang trung thành với Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, cho biết chiến hạm Dena “được trang bị các hỏa tiễn hành trình chống hạm, ngư lôi và pháo hải quân.”
Hãng thông tấn này đã mô tả chiến hạm Makran là một “tàu căn cứ tiền phương nặng 121,000 tấn,” mang theo năm trực thăng và “được khai triển để cung cấp trợ giúp hậu cần cho các chiến hạm tham chiến.”
Cơ quan quản lý cảng của Nam Phi cho biết hai chiến hạm nói trên đã cập cảng để “tiếp nhiên liệu và bổ sung quân nhu.”
Trong một tuyên bố truyền thông, cơ quan này nói thêm: “Thông báo về việc cập cảng nhận được từ nhân viên tàu này có kèm theo một bản sao công hàm ngoại giao chấp thuận cho việc thông quan của Bộ Hợp tác và Quan hệ Quốc tế.”
Đại sứ quán Iran đã không phúc đáp các câu hỏi của Epoch Times để làm rõ về nhiệm vụ của các chiến hạm Tehran.
Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Nam Phi nói với Epoch Times: “Các tàu Iran này thuộc về một hạm đội tuyên bố sẽ đi vòng quanh thế giới. Rõ ràng là hai con tàu này đang trên đường đến kênh đào Panama. Đừng yêu cầu tôi giải thích tại sao.”
Fars dẫn lời Đại sứ Iran tại Pretoria, ông Mehdi Aqa Jafari, cho biết “chuyến đi của hạm đội này là nhằm truyền tải thông điệp hòa bình và hữu nghị của đất nước Iran tới người dân Nam Phi và tất cả các quốc gia Phi Châu.”
Hãng thông tấn này cho biết ông Jafari đã “ca ngợi sự hiện diện mạnh mẽ của Hạm đội Hải quân chiến lược của Cộng hòa Hồi giáo ở Đại Tây Dương và việc Nam Phi cho phép cập cảng, đồng thời cho biết sứ mệnh của hạm đội chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh trên toàn cầu của các tuyến đường kết nối hàng hải.”
Đại sứ này đã lưu ý rằng việc các chiến hạm của Tehran cập bến “cho thấy mối bang giao ở mức cao giữa hai nước và sẽ giúp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hải quân hai bên.”
Hồi cuối tháng Một, Fars dẫn lời Phó Tư lệnh Hải quân Iran, Chuẩn đô đốc Hamzeh Ali Kaviyani, cho biết các chiến hạm thuộc hải đội thứ 86 của nước này — trong đó có Dena và Makran — “đã giương quốc kỳ Iran ở vùng biển phía tây Mỹ Latinh” và các đội chiến hạm của hải quân Iran “ngày nay cũng có một sự hiện diện mạnh mẽ ở mũi phía Bắc của Ấn Độ Dương.”
Hồi tháng Hai, nhân ngày tròn một năm cuộc xâm lược Ukraine của Điện Kremlin, hải quân của ba nước Trung Quốc, Nga, và Nam Phi đã tham gia một “cuộc tập trận huấn luyện chung” gần hai cảng Durban và Richards Bay.
Tòa Bạch Ốc đã chỉ trích cuộc tập trận này, với một phát ngôn viên nói rằng: “Hoa Kỳ lo ngại về bất kỳ quốc gia nào … tập trận với Nga trong khi Nga tiến hành một cuộc chiến tàn khốc chống lại Ukraine.”
Việc cập cảng các tàu chiến của Iran tại Cape Town ngay lập tức đã thu hút một phản ứng từ phía Đại sứ quán Hoa Kỳ, dưới hình thức một công hàm ngoại giao gửi tới Ủy ban Quan hệ Quốc tế tại Quốc hội. Công hàm này cảnh báo Nam Phi rằng “…các tổ chức và cá nhân cung cấp trợ giúp, bao gồm các dịch vụ hàng hải cho các tổ chức bị chỉ định, có thể sẽ chịu rủi ro bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt.”
Pretoria đã từ chối bình luận về công hàm này.
Africa Ports and Ships, cổng thông tin hàng hải lớn nhất lục địa với những người đóng góp bao gồm các cựu quan chức hải quân và quân sự từ khắp nơi trên thế giới, đã nói ra điều mà các nhà ngoại giao Mỹ không thể nói ra khi ghi chú trên trang web của mình:
“Tất cả những diễn biến này đặt ra câu hỏi là chính phủ ANC có thể thu được gì từ việc gửi một lời mời cho một quốc gia bị ruồng bỏ khác đến thăm Nam Phi. Thương mại, vâng, nhưng với cái giá phải trả trên trường quốc tế là gì?”
“Có lý do rất chính đáng khiến Iran là một quốc gia bị ruồng bỏ: Các nỗ lực tiếp tục gây bất ổn ở Iraq, Syria, Yemen và Saudi Arabia, sử dụng chủ nghĩa ly giáo Sunni-Shia làm vũ khí của họ. Nỗ lực sản xuất một vũ khí hạt nhân, sự áp bức người dân của họ, đặc biệt là phụ nữ, các chiến thuật khủng bố mà họ thực hiện đối với hàng hải quốc tế ở Eo biển Hormuz và việc bắt giữ các công dân ngoại quốc, cùng với những cáo buộc bịa đặt, đều vì đòn bẩy chính trị.”
Như các nhà kinh tế đã chỉ ra, mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nam Phi, nhưng Pretoria thực hiện giao dịch thương mại với châu Âu và Hoa Kỳ nhiều hơn so với tất cả các khu vực khác cộng lại.
Hiện có hơn 600 công ty Mỹ có mặt tại quốc gia công nghiệp hóa và lớn thứ hai châu Phi này, bao gồm cả những đại công ty như General Motors và General Electric.
Ông Darren Bergman, một nghị viên kiêm phát ngôn viên quan hệ quốc tế của đảng đối lập chính, Đảng Liên Minh Dân Chủ, cho biết: “Tất cả những điều này hiện đang gặp rủi ro vì sứ mệnh chú định và lâu dài của ANC là liên kết Nam Phi với một trục ma quỷ.”
“ANC sẽ làm gì tiếp theo? Mời Bắc Hàn phóng một hỏa tiễn từ mảnh đất Nam Phi chăng?”
Ông Bergman cho biết Nam Phi hiện đang ở “rất gần” với việc bị phương Tây trừng phạt.
“ANC cho biết chính sách ngoại giao của họ dựa trên những gì tốt nhất cho người dân Nam Phi. Nhưng làm sao mà việc liên minh với các quốc gia bị ruồng bỏ, những kẻ hiếu chiến và những kẻ vi phạm nhân quyền, có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho công dân của chúng ta? Chúng ta có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới, và chúng ta đang ở đây, đẩy các nhà đầu tư rời đi. Thật đáng xấu hổ, và tất cả đều dựa trên sự ích kỷ của ANC và một số loại nghị trình ‘chống chủ nghĩa đế quốc’… Như thể bản thân Nga và Trung Quốc không phải là các ví dụ điển hình của chủ nghĩa đế quốc vậy.”
Phát ngôn viên của ANC Pule Mabe nói với The Epoch Times rằng: “Lập trường của đảng là cởi mở và thân thiện với tất cả mọi người… Chỉ bởi vì chúng tôi thân thiện với một số quốc gia không có nghĩa là chúng tôi đối địch với những quốc gia khác.”
Bà Laura Rubidge, nhà nghiên cứu chính sách ngoại giao tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi (SAIIA), cho biết nếu quả thực đây là quan điểm thực sự của ANC, thì đó là một quan điểm “ngây thơ.”
“Tôi không nghĩ nhiều người có đầu óc tỉnh táo sẽ phủ nhận rằng Nam Phi, dưới quyền lãnh đạo của ANC, đang rời xa phương Tây,” bà nói với The Epoch Times.
Lần đầu tiên chính phủ Nam Phi gây phẫn nộ là khi nước này từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, với lý do “trung lập” và “không liên kết.”
“Quý vị không thể không liên kết trong những vấn đề như thế này,” ông Friedman cho biết. “Ít nhất thì quý vị không thể cho phép những con tàu từ một chế độ tàn bạo cập cảng của quý vị và mong đợi không bị phán xét gay gắt.”
Tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế, chính phủ của ông Ramaphosa đã mời ông Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh của khối các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) do Nam Phi đăng cai tổ chức vào tháng Tám.
Lời mời này đã được đưa ra bất chấp một lệnh của ICC buộc Nam Phi, với tư cách là một bên ký kết hiến chương ICC, bắt giữ ông Putin về tội ác chiến tranh nếu ông đến thăm đất nước này.
Là một bên tham gia Quy chế Rome, vốn đã thành lập ICC ở Ý vào năm 1998, việc không thi hành lệnh bắt giữ sẽ là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế cũng như luật trong nước.
Năm 2016, chính phủ ANC đã cho phép cựu Tổng thống Sudan, ông Omar al-Bashir, rời Nam Phi bất chấp một lệnh bắt giữ ICC đang có hiệu lực đối với ông Omar al-Bashir vì tội ác chiến tranh ở vùng Darfur của đất nước ông.
Trong những năm gần đây, ANC đã kêu gọi ICC điều tra Israel về tội ác chiến tranh chống lại người Palestine. Trước đó, họ cũng kêu gọi truy tố cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush vì các tội ác chiến tranh được cho là đã phạm phải trong thời gian Hoa Kỳ chiếm đóng Iraq từ năm 2003 đến năm 2011.
Hoa Kỳ không phải là một bên ký kết điều lệ ICC.
Tuần trước (27/03-02/04), bà Pandor nói với các phóng viên: “Tôi đã đề cập đến vấn đề tiêu chuẩn kép trong các vấn đề toàn cầu. Có nhiều quốc gia khác đã tham gia vào các cuộc chiến tranh, xâm chiếm lãnh thổ, và sát nhân, bắt giữ các nhà hoạt động, và không ai trong số họ đã bị ICC nêu danh.”
“Nếu quý vị có quyền lực và được hưởng một địa vị cụ thể trong cộng đồng toàn cầu, thì quý vị sẽ thoát được và điều này khiến chúng tôi lo lắng vì nó làm giảm tính khách quan của ICC với tư cách là một trọng tài công bằng đối với tất cả những ai vi phạm nhân quyền và mọi hành vi vi phạm luật nhân đạo. ”
Tiến sĩ David Ikpo, nhân viên vận động chính sách của Trung tâm Nhân quyền Nam Phi, nói với The Epoch Times rằng những bình luận của bà Pandor “nghe có vẻ đúng,” nhưng “đến từ phương hướng sai lầm.”
“Thật không hợp lý khi nói, ‘Chúng tôi sẽ bỏ qua các tội ác chiến tranh và vi phạm nhân quyền do X gây ra vì ICC đã không truy tố Y.’ Hoặc quý vị là một nền dân chủ hợp hiến thúc đẩy nhân quyền, hoặc quý vị không phải.”
Ông Ikpo cho biết chính phủ Nam Phi đã hành xử theo kiểu “đạo đức giả giống y hệt” những gì mà họ thường cáo buộc phương Tây.
“Họ nói rằng nước này đã tạo ra một xã hội được xây dựng trên một nền tảng nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người, được đặt ra trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, những bằng hữu tốt nhất của chính phủ này lại là những kẻ vi phạm nhân quyền hàng loạt vốn đàn áp người dân của họ.”
Ông Ikpo cho biết, chẳng hạn, sự “khấu phục” của ANC đối với Trung Quốc bắt đầu từ năm 1996, khi chính phủ của Tổng thống đương thời Nelson Mandela “ngừng công nhận” Đài Loan.
Chính phủ ANC cũng nhiều lần từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, người đang đấu tranh giành độc lập cho lãnh thổ này khỏi Trung Quốc.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Pretoria cũng xích lại gần hơn với Moscow, vốn đang vun đắp mối bang giao thân thiết với Bắc Kinh.
Cả Trung Quốc và Liên Xô cũ đều ủng hộ ANC trong cuộc chiến tranh du kích nhằm lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc, vào thời điểm mà một số chính phủ phương Tây, bao gồm cả chính phủ của Tổng thống Ronald Reagan, đang mô tả ANC là “những kẻ khủng bố.”
ANC đã nói đi nói lại rằng chính phủ này sẽ không từ bỏ “những đồng minh và bằng hữu lâu đời” và sẽ không quên những người đã “lựa chọn không ủng hộ” “cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa đế quốc thực dân” của họ.
Các quan chức ANC tuần này đã đến thăm Moscow theo lời mời của Đảng Nước Nga Thống Nhất (URP) của Tổng thống Putin. Cuộc gặp giữa các bên chỉ là cuộc gặp mới nhất trong một loạt các cuộc tiếp xúc giữa chính phủ ANC và Nga kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.
Hồi tháng Tám, Bộ trưởng Quốc phòng Thandi Modise là một diễn giả dự Hội nghị An ninh Moscow. Tại đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã mô tả cuộc xâm lược Ukraine là dấu chấm hết cho “trật tự thế giới đơn cực.”
Vài tháng sau, Nam Phi, Nga, và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung. Sau đó, hồi tháng Ba, phát ngôn viên nghị viện của ANC Nosiviwe Mapisa-Nqakula và các nhân vật cao cấp khác của đảng này đã tham dự một hội nghị ở Moscow do Duma Nga (Hạ viện Nga) tổ chức, với chủ đề là “Nga-Châu Phi trong một thế giới đa cực.”
Bà Mapisa-Nqakula nói với nghị viện Nga: “Chúng tôi sẽ tiếp tục dựa vào quý vị, và quý vị có thể yên tâm rằng, với tư cách là một quốc gia và một dân tộc Nam Phi, chúng tôi sẽ tiếp tục trợ giúp người dân Nga.”
Giáo sư Dirk Kotze, nhà phân tích chính trị tại Đại học Johannesburg, cho biết ANC dường như “phớt lờ thực tế rằng đây không phải là cùng một nước Nga, cùng một bằng hữu vốn đã ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của họ.
“Tôi cũng không thể thấy điểm chung nào giữa URP và ANC, ngoài sự thù địch đối với Hoa Kỳ và Tây Âu. URP thuộc phái bảo tồn truyền thống, và đã thiết lập mối quan hệ với các đảng chính trị cánh hữu trên khắp châu Âu.”
Ông Kotze cho biết ANC dường như không còn dựa vào bất kỳ hệ tư tưởng hay nguyên tắc cụ thể nào, mô tả chính phủ này như một “mớ hỗn độn hình thành từ các phe đối lập.”
“Tôi ngạc nhiên rằng cuộc chiến ở Ukraine đã khiến ANC xích lại gần Nga hơn rất nhiều,” ông nói thêm. “Người ta phải đặt ra câu hỏi họ được lợi gì khi ủng hộ ông Putin một cách công khai như vậy. Có thể có điều gì đó mà chúng ta không biết.”
Chuyên gia về Nga tại Đại học KwaZulu-Natal, Giáo sư Irina Filatova, cho biết ANC và URP thực sự có một mục tiêu chung, đó là “mong muốn điều chỉnh lại trật tự toàn cầu.”
“Mục tiêu đó là rõ ràng từ ngôn ngữ mà bộ trưởng quan hệ quốc tế của Nam Phi thường xuyên sử dụng, khi bà ấy đề cập đến ‘những kẻ bắt nạt’ và những thứ tương tự, mà bà ấy không nói về Trung Quốc hay Nga,” bà Filatova nói với Epoch Times. “Cũng rõ ràng là bà ấy đang đề cập đến ai khi nói về việc mệt mỏi với việc ‘một số cường quốc xưa cũ’ mãi thống trị các vấn đề thế giới.”
Bà Filatova cho biết “sự thân thiện” của chính phủ ông Putin với chính phủ Nam Phi là “một chiếc lông vũ lớn trên mũ của Điện Kremlin.”
“Nam Phi là quốc gia phát triển nhất trên lục địa này, và có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Nếu thực sự có một trật tự thế giới mới hình thành, thì nước này sẽ là một phần quan trọng trong đó.”
Theo ông Kotze, vấn đề bây giờ là trật tự đó sẽ trông như thế nào trong tương lai.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times