Hoa Kỳ di tản nhân viên đại sứ quán ở Niger trong bối cảnh đảo chính quân sự
Hoa Kỳ đã ra lệnh di tản một số nhân viên và gia đình khỏi đại sứ quán nước này ở thủ đô Niamey của Niger, trong bối cảnh một cuộc đảo chính quân sự đã lật đổ ông Mohamed Bazoum, vị tổng thống được bầu cử dân chủ của quốc gia Tây Phi này.
“Hôm nay, chúng tôi đã ra lệnh tạm thời cho các nhân viên không khẩn cấp và các thành viên gia đình đủ điều kiện rời khỏi Niger,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố hôm 02/08.
“Hoa Kỳ cam kết duy trì mối bang giao của chúng tôi với người dân Niger. Đại sứ quán vẫn mở, và các lãnh đạo của chúng tôi đang can dự ngoại giao ở cấp cao nhất.”
Thông cáo báo chí vào ngày 02/08 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Đại sứ quán tại Niamey “đã tạm thời cắt giảm nhân sự, đình chỉ các dịch vụ thông thường, và chỉ có thể cung cấp viện trợ khẩn cấp cho công dân Hoa Kỳ tại Niger.”
Bộ đã nâng khuyến nghị đi lại lên “Cấp độ 4: Không Nên Đi Du Lịch” và cảnh báo người Mỹ không đến Niger, lưu ý rằng công dân Hoa Kỳ trước đây đã được khuyên “cân nhắc lại việc đi đến Niger do tội phạm, khủng bố, và bắt cóc.”
Hành động này diễn ra trong bối cảnh tổng thống Niger bị quản thúc tại gia vào ngày 26/07, đánh dấu cuộc đảo chính quân sự thứ bảy trong vòng chưa đầy ba năm ở khu vực Tây và Trung Phi.
Hôm 28/07, một vị quan chức quân đội — Tướng Abdourahmane Tchiani, người đứng đầu đơn vị cảnh vệ của tổng thống — đã tuyên bố mình là người cai trị mới của Niger.
Niger là một đồng minh chủ chốt của phương Tây trong cuộc chiến chống quân nổi dậy Hồi Giáo trong khu vực. Các cường quốc bên ngoài đã lên án cuộc đảo chính, lo ngại diễn biến này có thể tạo thuận lợi cho những kẻ cực đoan tiến bước.
Pháp, Hoa Kỳ, Đức, và Ý có quân đội đóng ở Niger trong các nhiệm vụ huấn luyện và chống nổi dậy, giúp quân đội chống lại các nhóm có liên hệ với các nhóm khủng bố như al-Qaeda và ISIS ở khu vực Sahel của châu Phi.
Hoa Kỳ hoạt động từ hai căn cứ ở Niger với khoảng 1,100 binh lính.
Pháp, Ý, và Tây Ban Nha đã tuyên bố di tản công dân của họ và các công dân Âu Châu khác ở Niamey, trong bối cảnh lo ngại họ có thể bị mắc kẹt. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết gần 1,000 người đã rời đi trên bốn chuyến bay và đợt di tản thứ năm đang được tiến hành.
Cuối ngày 02/08, lãnh đạo quân sự mới của Niger, ông Tchiani đã cảnh báo chống lại sự can thiệp của ngoại quốc và can thiệp quân sự nhắm vào cuộc đảo chính.
Ông Tchiani nói: “Do đó, chúng tôi kêu gọi toàn thể người dân Niger cũng như sự đoàn kết của họ để đánh bại tất cả những kẻ muốn gây ra những đau khổ khôn tả cho những người dân làm việc chăm chỉ của chúng ta và gây bất ổn cho đất nước của chúng ta.”
Ông Tchiani cũng hứa sẽ tạo hoàn cảnh thuận lợi để chuyển tiếp sang bầu cử một cách hòa bình sau khi ông truất phế ông Bazoum.
Khối khu vực của vùng Tây Phi, Cộng đồng Kinh tế của các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), đã đe dọa sẽ sử dụng vũ lực nếu ông Bazoum không được trả tự do khỏi quản thúc tại gia và được phục chức trước ngày 06/08. Khối này đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và đi lại nghiêm ngặt.
Ông Tchiani đã mô tả các biện pháp trừng phạt mà ECOWAS áp đặt là bất hợp pháp, không công bằng, vô nhân đạo, và chưa từng có. Ông nói rằng Niger đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn phía trước, đồng thời thái độ “thù địch và cực đoan” của những người phản đối sự thống trị của ông không mang lại thêm chút giá trị nào.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Blinken đã nói chuyện với ông Bazoum trong một cuộc điện đàm hôm 01/08 và truyền đạt “sự ủng hộ không lay chuyển” của Hoa Kỳ đối với ông Bazoum và nền dân chủ của Niger.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và The Associated Press
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times