Moscow kêu gọi giải pháp ngoại giao ở Niger trước nguy cơ can thiệp vũ trang
Nga đã nhắc lại lời kêu gọi về một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Niger, nơi nhà lãnh đạo thân phương Tây được bầu cử dân chủ của quốc gia Tây Phi này đã bị lật đổ hồi tháng trước (07/2023) trong một cuộc đảo chính quân sự.
Ông Alexey Zaitsev, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, cho biết hôm 09/08, “Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực hòa giải của cộng đồng Phi Châu nhằm giúp người dân Niger tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.”
“Chúng tôi tin rằng việc khôi phục nhanh chóng trật tự pháp lý và đối thoại quốc gia toàn diện là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề này.”
Nhận xét của ông Zaitsev được đưa ra một ngày trước hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), một khối kinh tế và chính trị của 15 quốc gia Tây Phi, trong đó có Niger.
Những người tham gia hội nghị thượng đỉnh này sẽ tề tựu tại Abuja, Nigeria và dự kiến sẽ thảo luận về khả năng can thiệp vũ trang vào Niger nhằm lật ngược cuộc đảo chính cướp quyền của Tổng thống Mohamed Bazoum.
ECOWAS, tổ chức đã từng can thiệp bằng vũ lực vào các quốc gia thành viên trong quá khứ, cho biết trong một tuyên bố, “Mọi phương án đều được đưa ra thảo luận.”
Hội nghị thượng đỉnh có thể sẽ thông qua “các quyết định sâu rộng.”
Ông Zaitsev cho biết can thiệp vũ trang “có thể không giúp đạt được hòa bình lâu dài ở Niger hoặc làm ổn định tình hình trong khu vực nói chung.”
Hôm 26/07, một nhóm quân nhân trong quân đội đã lật đổ ông Bazoum, những người đã đình chỉ Hiến Pháp, và áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Hai ngày sau, những người lãnh đạo cuộc đảo chính đã tuyên bố ông Abdourahmane Tiani, một vị tướng quân đội, là nguyên thủ quốc gia mới của nước này.
Kể từ đó, ông Bazoum đã bị giam lỏng tại dinh thự của mình ở Niamey, thủ đô của Niger, nhưng được cho là có thể nói chuyện với các quan chức ngoại quốc qua điện thoại.
Ngay từ đầu, các cường quốc phương Tây, cùng với Liên Hiệp Quốc và ECOWAS, đã lên án việc phế truất ông Bazoum và yêu cầu ông phải được phục chức ngay lập tức.
Hôm 30/07, các nhà lãnh đạo ECOWAS đặt ra thời hạn một tuần để khôi phục “trật tự hiến định” ở Niger. Thời hạn đó, ngày 07/08, đã qua mà không yêu cầu nào được đáp ứng.
Đáng chú ý, Mali và Burkina Faso — đều là hai nước thành viên của cộng đồng này — đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đảo chính. Cả hai quốc gia này đều tuyên bố rằng họ sẽ xem bất kỳ sự can thiệp vũ trang nào vào Niger là một cuộc tấn công vào chính họ.
“Chúng tôi sẽ không đồng ý can thiệp quân sự vào Niger,” một phát ngôn viên của chính phủ quân sự Mali cho biết trong những nhận xét gần đây. “Sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào điều đó.”
Trước đây, Mali và Burkina Faso đều cáo buộc ECOWAS phục vụ một nghị trình của phương Tây.
Tuần trước (31/07–06/08), ECOWAS đã cử một phái đoàn đến Niger để trực tiếp gặp mặt ông Tiani. Tuy nhiên, ông Tiani đã từ chối gặp các phái viên.
Ngược lại, hôm 07/08, ông Tiani đã chào đón một phái đoàn chung từ Mali và Burkina Faso.
Cùng ngày, bà Victoria Nuland, Thứ trưởng Ngoại giao Lâm thời của Hoa Kỳ, đã đến thăm Niamey. Tại đây, bà có các cuộc đàm thoại với các quan chức trong ban lãnh đạo quân sự mới của đất nước.
Nói với các phóng viên sau đó, bà Nuland mô tả các cuộc đàm phán là “khó khăn.”
Bà nói: “Những cuộc trò chuyện này vô cùng thẳng thắn và đôi khi khá khó khăn bởi vì chúng tôi đang thúc đẩy một giải pháp thương lượng.”
“Tại đó không dễ để có được sự chấp thuận.”
Trong chuyến thăm của mình, bà Nuland đã yêu cầu gặp cả ông Tiani và vị tổng thống đã bị phế truất. Cả hai đề nghị trên đều bị từ chối.
Hôm 08/08, Niger đã từ chối tiếp đón một phái đoàn chung của Liên Hiệp Quốc và Liên minh Phi Châu sau khi các nhà lãnh đạo mới của nước này cho biết không thể bảo đảm an toàn cho phái đoàn.
Trong một tuyên bố, họ cũng lên án điều mà họ mô tả là “bầu không khí đe dọa xâm lược Niger.”
Dưới thời ông Bazoum, đất nước Niger không giáp biển từng là một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực và là quốc gia nhận viện trợ tài chính và quân sự của Hoa Kỳ.
Là một đối tác trong cuộc chiến lâu dài của Hoa Thịnh Đốn chống lại “quân nổi dậy Hồi Giáo,” Niger tiếp tục đón tiếp quân đội các nước Hoa Kỳ, Pháp, Đức, và Ý.
Nhưng các quan chức Tây phương hiện bày tỏ lo ngại rằng sự thay đổi quyền lực đột ngột này có thể dẫn đến việc Nga có tầm ảnh hưởng lớn hơn — ở cả Niger lẫn khu vực Tây Phi nói chung.
Họ chỉ ra một cuộc đảo chính quân sự năm 2021 ở Mali, ngay sau đó quân đội Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã bị trục xuất khỏi đất nước.
Cuối cùng, Tập đoàn Wagner của Nga, một công ty quân sự tư nhân có liên hệ mật thiết với Điện Kremlin, đã lấp đầy vào khoảng trống được tạo ra đó.
Nói với BBC hôm 08/08, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Nga có thể lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Niger để củng cố vị thế của mình trong khu vực.
Ông nói: “Những gì đã xảy ra … ở Niger không phải do Nga hay Wagner xúi giục, mà là … họ đã cố lợi dụng điều đó.”
Ông Blinken tiếp tục nêu lên khả năng về “những gì xảy ra ở các quốc gia khác sẽ lặp lại.”
Về vấn đề này, các nhà quan sát đã chú ý đến sự hiện diện của quốc kỳ Liên bang Nga tại các cuộc biểu tình ủng hộ đảo chính gần đây ở Niger.
Hôm 18/07, ông Cameron Hudson, từng là một nhà phân tích tình báo Hoa Kỳ, đã cảnh báo các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng Moscow đang tiến hành một cuộc tấn công ‘gây thiện cảm’ (charm offensive) thành công ở Châu Phi.
“Nga đang thành công trong nỗ lực kết thân mới, giành được ảnh hưởng lớn hơn và làm suy yếu lợi ích của phương Tây ở châu Phi,” ông Hudson, người hiện đang làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, nói với Ủy ban Ngoại vụ thuộc Hạ viện Hoa Kỳ.
Hôm 09/08, ông Zaitsev đã bác bỏ những tuyên bố xuất phát từ Ukraine rằng Nga có liên quan đến cuộc đảo chính ở Niger theo cách nào đó.
“Đây chỉ là lời nói ba hoa,” ông nói. “Ngay cả các đối tác Tây phương thường xuyên chỉ trích Nga một cách vô lý cũng chưa nói bất cứ điều gì như thế này.”
Đáng chú ý, Niger là một nước sản xuất uranium hàng đầu, do đó nâng cao hơn nữa tầm quan trọng chiến lược của nước này đối với Hoa Kỳ, châu Âu, Nga, và Trung Quốc.
Tối hôm 09/08, chính phủ mới do quân đội hậu thuẫn của Niger đã cáo buộc các phi cơ Pháp vi phạm không phận của họ nhằm gây bất ổn cho đất nước.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times