Trung Quốc cấm truyện tranh sau khi phim được đề cử tranh giải Oscar
Bộ phim tài liệu hoạt hình Canada “Trường Xuân” (Eternal Spring), do nghệ sĩ hoạt hình Đại Hùng chịu trách nhiệm vẽ và thiết kế, mới được Canada chọn tranh giải Oscar ở hạng mục Phim Quốc tế Xuất sắc nhất, nhưng chính quyền ĐCSTQ đã cấm toàn bộ sách truyện do họa sĩ này sáng tác.
“Trường Xuân”, một bộ phim tài liệu hoạt hình, khắc họa câu chuyện về những học viên Pháp Luân Công Trung Quốc đã dũng cảm chèn sóng truyền hình nhà nước vào năm 2002 trong một nỗ lực nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của họ dưới sự cai trị của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Sau đó, các cuộc đột kích của cảnh sát đã càn quét khắp thành phố Trường Xuân, địa danh được lấy làm nhan đề của bộ phim, và ông Đại Hùng, một họa sĩ truyện tranh từng đạt giải thưởng và là một học viên Pháp Luân Công, đã bị buộc phải đào thoát sang Bắc Mỹ vào năm 2008.
Họa sĩ Đại Hùng đã xuất bản hơn 100 cuốn sách trước khi ông rời Trung Quốc, một số trong đó mô tả những người Trung Quốc thoái đảng cộng sản này hoặc minh họa các sự kiện năm 2002 mà ông đã tận mắt chứng kiến. Ông đã nhiều lần bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ và sách nhiễu.
“Trường Xuân”, bộ phim tài liệu dựa trên những trải nghiệm của họa sĩ Đại Hùng, đã được Canada chọn tranh giải hạng mục Phim Quốc tế Xuất sắc nhất đại diện cho nước này tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 95.
Nhưng đề cử này đã thúc đẩy sở giáo dục Trung Quốc ban hành lệnh cấm toàn bộ các tác phẩm truyện tranh của họa sĩ Đại Hùng.
Lệnh cấm sách
Hôm 25/08, sở giáo dục thành phố Vũ Hán đã ban hành một danh sách các sách truyện bị cấm đối với các trường mẫu giáo, tiểu học, và trung học cơ sở.
Sách của họa sĩ Đại Hùng cũng nằm trong danh sách này.
Lý do được đưa ra là những cuốn sách này là “tác phẩm” của một học viên Pháp Luân Công “cốt cán” đã “đào thoát sang Hoa Kỳ”, giới quan chức Trung Quốc tuyên bố.
Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) bắt nguồn từ nền văn hóa Trung Hoa cổ xưa, và các học viên của môn tập này đều hành xử chiểu theo các nguyên lý phổ quát là chân, thiện, và nhẫn. Pháp môn này là mục tiêu bức hại của chính quyền Trung Quốc kể từ năm 1999.
Hôm 29/08, cả hai kênh truyền thông của Trung Quốc là NetEase và Đài Á Châu Tự do đều đưa tin rằng nhiều trường học đã nhận được thông báo về danh sách các sách cấm này trước khi bắt đầu năm học mới.
Bên cạnh những cuốn sách của họa sĩ Đại Hùng trong danh sách trên, còn có những cuốn sách của nhà sử học Dịch Trung Thiên (Yi Zhongtian) như cuốn “Tuyển tập Truyện Kinh điển Trung Quốc” và tác giả nổi tiếng người Đài Loan Long Ưng Di (Lung Ying-tai).
Bản thông báo cho biết những cuốn sách đó “không còn phù hợp để cho học sinh đọc”, theo “thông báo từ các cơ quan cấp cao hơn”.
Bà Long Ưng Di đã phản hồi trên tài khoản Facebook của mình, “Tôi rất lấy làm vinh hạnh khi bị các vị (ĐCSTQ) cấm.”
Mục tiêu thực sự
“Lệnh cấm này không ảnh hưởng đến tôi, mà ảnh hưởng đến các nhà xuất bản,” ông Đại Hùng nói với The Epoch Times, ấn bản Hoa ngữ.
Trước khi rời Trung Quốc, ông Đại Hùng đã xuất bản hơn 100 cuốn truyện tranh về văn hóa truyền thống Trung Quốc và những nhà hiền triết thời Bách gia chư tử như Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, và Mạnh Tử. Ngoài ra, các trường đại học lớn ở Trung Quốc đã sử dụng sách của ông để dạy kỹ thuật vẽ cho sinh viên.
“Điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] cấm không phải là những cuốn sách đó, mà là cấm cá nhân tôi,” ông nói.
“Pháp Luân Công là chủ đề nhạy cảm nhất đối với ĐCSTQ. ĐCSTQ không bao giờ dám công khai thừa nhận cuộc bức hại Pháp Luân Công của họ,” ngay cả những người chống đối ĐCSTQ cũng không dám bàn luận về Pháp Luân Công ở nơi công cộng, ông Đại Hùng phân trần.
Đối với việc được gán nhãn là một thành viên “cốt cán” của Pháp Luân Công, ông Đại Hùng nói: “Tôi là một người vô danh tiểu tốt. Tôi chỉ là một người có ý chí tự do, và tôi tu luyện Pháp Luân Công.”
Dũng khí lựa chọn
Đạo diễn phim Jason Loftus trước đây đã nói với The Epoch Times rằng “Trường Xuân” là “một minh chứng cho dũng khí dám lên tiếng của những người có liên quan khi đối mặt với sự bất công, vô luận cái giá phải trả là gì đi nữa.”
Bộ phim tài liệu do Canada sản xuất, kết hợp cảnh quay trực tiếp và hoạt hình 3D lấy cảm hứng từ sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Đại Hùng, đã đạt được nhiều giải thưởng trên khắp thế giới.
Hiện tại, ông Loftus và bộ phim này đã đạt được những giải thưởng danh giá sau đây:
- Giải thưởng Khán giả Fischer (ở hạng mục Phim Quốc tế Xuất sắc nhất) và Giải Giá trị Con người tại Liên hoan Phim tài liệu Thessaloniki ở Hy Lạp,
- Phim tài liệu Xuất sắc nhất của Canada tại Liên hoan phim Hotdocs,
- Giải thưởng của ban giám khảo và khán giả dành cho phim tài liệu hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Lighthouse trên Đảo Long Beach,
- Giải thưởng Cao nhất tại Liên hoan Phim Tài liệu Melbourne.
Ông Loftus thừa nhận rằng việc đưa ra ánh sáng những hành vi sai trái ở Trung Quốc có thể gây rủi ro cho một nhà làm phim. Tờ Canada Press đưa tin, nhà cầm quyền Trung Quốc là một thế lực thô bạo, và ông Loftus cho biết có một số liên hoan phim đã không dám chiếu phim “Trường Xuân” cũng vì điều đó.
Họa sĩ Đại Hùng nói rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã buộc nhiều người Trung Quốc tài năng phải từ bỏ sự nghiệp của họ, và sống trong cảnh trôi dạt khắp nơi. Còn ông, chặng đường đến Bắc Mỹ không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, ông nói, là một người tu luyện, “điều quan trọng là phải làm những gì nên làm, và chọn những điều đúng đắn.”
“Những giải thưởng này không chỉ đại diện cho sự đánh giá của ngành điện ảnh về bộ phim, hay về cá nhân tôi nói riêng,” ông Đại Hùng nói, “mà là một bài kiểm tra đối với ban giám khảo.”
Bản tin có sự đóng góp của Mu Qing
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times