Trung Quốc: Các ngân hàng quốc doanh sử dụng lãi suất thấp để kích thích tiêu dùng đang yếu
Các ngân hàng nhà nước Trung Quốc được cho là đã cắt giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay ngắn hạn trong bối cảnh khó khăn kinh tế diễn ra. Các nhà phân tích tài chính cho rằng hành động này chủ yếu nhằm mục đích kích thích tiêu dùng, và các tổ chức tài chính của Trung Quốc sẽ tiến hành một cách tiếp cận lãi suất thấp hơn trong tương lai.
Nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính Trung Quốc Wind đã nghiên cứu lãi suất của các ngân hàng nhà nước và kết luận rằng, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn nhìn chung đã hạ xuống mức 0.2%, lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm đã hạ xuống dưới 2%, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ hai đến năm năm đã hạ xuống còn 2.05–2.8%, theo bản tin của hãng truyền thông tài chính Trung Quốc Phượng Hoàng (Ifeng.com) hôm 25/08.
Ở một số khu vực giàu có và đại đô thị, lãi suất của các khoản tiền gửi lớn đã có mức giảm ít hơn một chút. Tại một chi nhánh của Ngân hàng Thương mại Trung Quốc ở một quận ở Bắc Kinh, lãi suất đối với chứng chỉ tiền gửi với số dư lớn có kỳ hạn 3 năm và 5 năm đã giảm xuống còn 2.9% mỗi năm.
Tương tự như vậy, một nhà quản lý tài sản của một chi nhánh ở thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, nói với Stcn.com hôm 23/08 rằng, lãi suất cho tiền gửi có kỳ hạn hai năm với số dư từ 10,000 nhân dân tệ (khoảng 1,372 USD) trở lên hiện là 2.6%, và lãi suất cho tiền gửi có kỳ hạn ba năm với số dư từ 50,000 nhân dân tệ (6,860 USD) trở lên là 3.15% — toàn bộ đều thấp hơn khoảng 5 điểm cơ bản so với tháng trước.
Rõ ràng là trong mọi trường hợp, nghiệp vụ lãi suất thấp là con đường phía trước cho các ngân hàng nhà nước, với bản tin của Phượng Hoàng thậm chí còn tuyên bố rằng “Trung Quốc sắp bước vào kỷ nguyên lãi suất thực âm.”
Theo ông Mike Sun, một chuyên gia đồng thời là nhà tư vấn chiến lược đầu tư Trung Quốc cao cấp, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 25/08, rằng hành động của các ngân hàng quốc doanh dường như là một “quân bài mặc cả” đối với người dân Trung Quốc, nghĩa là họ nên giữ tiền trong ngân hàng hơn năm năm vì lãi suất tiền gửi ngắn hạn rất thấp.
Tuy nhiên, trong vài năm sau đó, chính quyền địa phương đặt hy vọng vào khả năng chi tiêu của người dân, ông Sun cho biết thêm, “Đây là cách kích thích tiêu dùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).”
Cấu trúc tiêu dùng do nhà nước thiết kế
Theo quan điểm của ông Sun, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối diện với nguy cơ sức chi tiêu yếu, và các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh phải thay đổi cấu trúc tiêu dùng của quốc gia này.
Ông Sun đã nói rõ hơn rằng trong nhiều thập niên qua, người Trung Quốc đã tiết kiệm để mua nhà hoặc xe hơi; ngày nay, có ít những người tiêu dùng như vậy hơn do sự suy thoái của thị trường bất động sản và xe hơi.
Tâm lý kỳ vọng của mọi người là “mua khi thị trường tăng chứ không phải khi thị trường giảm,” vì vậy họ sẽ đợi cho đến khi giá nhà hoặc xe hơi chạm đáy trong trường hợp triển vọng thị trường yếu.
Tuy nhiên, nếu người dân không sẵn lòng chi tiêu, thì nền kinh tế quốc gia sẽ trở nên tệ hại hơn; đây không phải là điều mà nhà cầm quyền cộng sản có thể chịu được.
Do đó, chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực “chuyển phương hướng cũng như nhịp độ tiêu dùng” sang lĩnh vực du lịch và ăn uống nội địa, ông Sun cho biết, đồng thời trích dẫn một ví dụ về mô hình kinh tế thịt nướng Truy Bác, một trong những nỗ lực của ĐCSTQ được khen ngợi hết lời trên hầu hết các kênh truyền thông nhà nước vào mùa hè này.
Ông Sun nói: “Điều này có nghĩa là ĐCSTQ đang quản lý và thúc đẩy người dân tiêu dùng trong nước, chẳng hạn như tiêu tiền vào việc ăn uống và du lịch khắp nơi trong nước.”
Ông Sun nói thêm: “Đối với những người khác không có ý định tiêu tiền, [họ sẽ phải đối mặt với tổn thất vì] lãi suất [tiền gửi] bị [ngân hàng] kéo xuống.”
Hai loại lãi suất cho vay
Trung tâm Tài trợ Liên ngân hàng Quốc gia (NIFC) trực thuộc ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC), đã công bố lãi suất cho vay cơ bản mới (LPR) hôm 21/08, với LPR kỳ hạn một năm ở mức 3.45%, thấp hơn 10 điểm cơ bản so với lãi suất giai đoạn trước, và LPR kỳ hạn 5 năm trở lên ở mức 4.2%, không thay đổi.
LPR là lãi suất cho vay kiểu Trung Quốc đối với cho vay kinh doanh và cho vay gia đình. Theo quy định hồi tháng 04/2022 của PBC, LPR kỳ hạn một năm, cùng với lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, được neo theo mức lãi suất tiền gửi.
Ông Lục Viễn Hành (Lu Yuanxing), nhà phân tích kinh tế và chính trị có trụ sở tại Hoa Kỳ, từng làm giám đốc tiếp thị cho một công ty Trung Quốc, cho biết PBC đã hạ LPR ngắn hạn, “đây là một nỗ lực nhằm kích thích thị trường tiêu dùng và thúc đẩy sự phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp.”
Trong khi đó, ông Lục chia sẻ với The Epoch Times hôm 25/08 rằng, hành động ổn định LPR dài hạn của ngân hàng trung ương có chủ ý nhằm bảo đảm biên lợi nhuận và giảm nguy cơ thua lỗ của các ngân hàng, vì LPR dài hạn có liên quan mật thiết đến các khoản cho vay mua nhà.
Bất chấp sự can thiệp của chính quyền, ông Lục chỉ ra rằng “các vụ vỡ nợ hàng loạt của các công ty bất động sản đã làm tổn hại đến lợi nhuận của các ngân hàng và làm tăng rủi ro tài chính của họ, đồng thời các khoản nợ xấu sẽ không ngừng gia tăng.”
Chính quyền sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất
Ông Sun tin rằng các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vì hai lý do.
Thứ nhất, Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) có thể sẽ không tăng lãi suất vì lãi suất đã ở mức trần, do đó áp lực tiền tệ đối với các quốc gia khác sẽ tương đối ít hơn, ông Sun nói. “Với ít áp lực hơn, ĐCSTQ sẽ có nhiều cơ hội hơn để điều khiển [lãi suất như mong muốn].”
Thứ hai, việc cắt giảm lãi suất có nghĩa là trái phiếu trong nước, gồm trái phiếu nhà nước, trái phiếu doanh nghiệp, hoặc trái phiếu địa phương, đang trả lãi suất thấp hơn. Theo ông Sun, “Nếu trái phiếu doanh nghiệp được phát hành với một mức lãi suất thấp, thì sẽ mang lại lợi nhuận cho [các ngân hàng nhà nước].” Nói cách khác, nếu áp dụng giảm lãi suất cho các khoản nợ cũ, thì số tiền lãi phải trả sẽ ít hơn, tương đương với việc giảm nợ xấu và tổn thất tài chính cho các ngân hàng.
Ông Lục cũng tin rằng, lãi suất tiền gửi sẽ giảm dần, nhưng không phải trong một lần.
Ông Sun nói: “Trong trường hợp này, tôi nghĩ vẫn còn chỗ để [Bắc Kinh cắt giảm] lãi suất, và thậm chí còn có nhiều động lực hơn để ĐCSTQ giảm lãi suất [trong tương lai].”
Theo quan điểm của ông, rõ ràng, biện pháp kích thích bằng lãi suất thấp hiện nay vẫn không thể thúc đẩy mức tiêu dùng trì trệ, đồng thời cho biết thêm rằng nguyên nhân cốt lõi khiến mức tiêu dùng yếu ở Trung Quốc không phải là do lãi suất. Ông nói: “Mục đích chính của người Trung Quốc khi gửi tiền vào ngân hàng không phải là sử dụng tiền lãi như một khoản lãi đầu tư.
Theo ông Lục, thu nhập tổng thể giảm khiến người dân e ngaị tiêu dùng và dẫn đến khó phục hồi tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times