Ông Biden nói đúng không? Có phải Trung Quốc là một ‘quả bom hẹn giờ’?
Khi nhà phát triển địa ốc Trung Quốc Bích Quế Viên (Country Garden) vỡ nợ, ông Biden ngụ ý rằng nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà sụp đổ
Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi sự chú ý sâu sắc đến những khó khăn kinh tế của Trung Quốc. Tại một buổi gây quỹ chính trị hồi tháng Tám, ông lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc đang “gặp rắc rối,” khi mô tả nền kinh tế này như một “quả bom hẹn giờ.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, tổng thống lại thể hiện điểm yếu cường điệu hóa của mình, nhưng dù sao thì những gì ông nói cũng có phần đúng, đủ là sự thật để gây ra phản ứng nhanh chóng và gay gắt từ Bắc Kinh. Nếu, đúng như Tổng thống Biden nói, rằng Trung Quốc phải đối diện với những thách thức đáng kể, thì rõ ràng là việc phóng đại hoặc nói theo cách khác bằng những thuật ngữ như vậy sẽ không có lợi ích gì — cho cả bang giao lẫn tiến trình kinh tế.
Theo bản ghi lại bài nói của Tổng thống Biden, ông tin rằng những thách thức kinh tế của Trung Quốc là “không hay vì khi kẻ xấu gặp khó khăn, họ sẽ làm điều xấu.” Ông đã thông báo với khán giả rằng Trung Quốc cần duy trì tốc độ tăng trưởng thực tế hàng năm ở mức 8%, nhưng hiện tại nền kinh tế này đang tăng trưởng với tốc độ gần 2% mỗi năm.
Tổng thống có được những con số này từ đâu là một điều bí hiểm. Để chắc chắn, công chúng biết đến rộng rãi rằng ĐCSTQ có một thỏa thuận ngầm với người dân Trung Quốc, trong đó ĐCSTQ sẽ tiếp tục nắm quyền miễn là mang lại được sự thịnh vượng. Nhưng không thấy có chỗ nào có đề cập đến mức tăng trưởng 8%. Tỷ lệ tăng trưởng liên tục 2% cũng không phải là đặc biệt chính xác.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc loan báo nền kinh tế đã tăng trưởng 6.3% trong năm tính đến quý 2/2023 và 4.5% so với cùng thời kỳ tính đến quý 1. Những con số này cao, nhưng không hẳn là do sự tăng trưởng mạnh mẽ gần đây, mà là do mọi thứ đã bị suy thoái một năm trước vì chính sách zero COVID của Bắc Kinh. Nếu tính theo quý thì mức tăng trưởng trong quý thứ hai chỉ là 0.8%. Nhưng không hề đạt được 2%.
Bắc Kinh đã phản ứng nhanh chóng và gay gắt trước nhận xét của Tổng thống Biden. Mặc dù các phát ngôn viên Trung Quốc chưa bao giờ thách thức những con số đáng nghi vấn của Tổng thống Biden, nhưng ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) của đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Thịnh Đốn đã phản đối bài diễn văn “bôi nhọ Trung Quốc” và “hạ thấp triển vọng của Trung Quốc” ấy. Ông đã cảnh báo Hoa Thịnh Đốn về việc “lấy Trung Quốc làm dê thế tội” và gieo rắc “sự chia rẽ và đối đầu.” Ông Tín Cường (Xin Qiang), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Phúc Đán, nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng Hoa Thịnh Đốn đang dùng Trung Quốc để “đánh lạc hướng cử tri khỏi các vấn đề nội bộ đã thâm căn cố đế ở Hoa Kỳ như phá thai, súng ống, và ma túy.”
Mặc dù Tổng thống Biden sử dụng ngôn ngữ cường điệu và chứng tỏ bằng những số liệu thống kê đáng nghi vấn, nhưng trên thực tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế đáng ngại. Do suy thoái kinh tế ở châu Âu và tốc độ tăng trưởng chậm ở Hoa Kỳ, xuất cảng của Trung Quốc — vẫn là trụ cột của nền kinh tế — đang suy giảm. Số liệu tháng Bảy cho thấy tổng xuất cảng giảm khoảng 14.5% so với mức của tháng Bảy năm ngoái (2022), trong đó xuất cảng sang Hoa Kỳ giảm 23%. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục gặp khó khăn với sự sụp đổ của lĩnh vực địa ốc nhà ở.
Tin xấu mới nhất trong lĩnh vực này là sự vỡ nợ của nhà phát triển địa ốc lớn mới nhất, Bích Quế Viên. Gần đây, công ty này thông báo rằng họ sẽ không trả được khoảng 22.5 triệu USD tiền lãi cho khoản nợ bằng USD của mình. Đây chỉ là thất bại mới nhất trong chuỗi thất bại bắt đầu từ năm 2021 với sự sụp đổ của đại công ty phát triển địa ốc Evergrande. Giữa hai sự kiện này, hàng chục công ty địa ốc — lớn và nhỏ — đã vỡ nợ. Trong một thông báo kèm theo tin tức về việc vỡ nợ, Bích Quế Viên tuyên bố rằng doanh thu của họ trong tháng Bảy đã thấp hơn 60% so với một năm trước và rằng thâm hụt hoạt động của công ty trong nửa đầu năm nay sẽ lên tới tương đương 7.6 tỷ USD.
Không có gì bất ngờ khi chính quyền đổ lỗi cho các nhà phát triển dự án. Nhưng nếu ban quản lý các công ty này đã hành xử thiếu thận trọng, thì vấn đề chủ yếu lại phản ánh việc Bắc Kinh quản lý yếu kém. Sai lầm đầu tiên là thổi phồng việc phát triển địa ốc nhà ở như một cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã khuyến khích lĩnh vực này bằng những nhượng bộ về quy định và nguồn tài chính dễ dàng thông qua các ngân hàng quốc doanh. Các nhà phát triển dự án đã tích cực đáp lại nên việc phát triển địa ốc gần đây chiếm tới 30% của nền kinh tế. Khi việc xây dựng quá mức trở đã nên rõ ràng vào năm 2019, thì Bắc Kinh đột ngột đảo ngược sự ủng hộ trước đây, bề ngoài là để hạn chế đầu cơ. Lẽ ra sẽ tốt hơn nếu Bắc Kinh quản lý theo một quá trình chuyển đổi dần dần, vì việc đột ngột cắt giảm sự trợ giúp sẽ khiến các công ty vốn đã có mức đòn bẩy (vay nợ) tài chính cao rơi vào tình thế bất khả thi. Vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi.
Bắc Kinh đã làm phức tạp thêm vấn đề kinh tế bằng cách từ chối giúp đỡ thị trường tài chính đối phó với những khoản tổn thất lớn. Sự sụp đổ đột ngột của những chủ đầu tư này đã khiến những người đã trả trước tiền mua căn chung cư không thể sở hữu được. Việc họ từ chối thanh toán các khoản vay nợ mua nhà sau đó đã khiến các ngân hàng — cả tư nhân và nhà nước — rơi vào tình thế khó khăn, khiến việc cho vay nhìn chung bị hạn chế. Chi tiêu tiêu dùng và đầu tư chậm lại, hệt như niềm tin mà toàn bộ tăng trưởng kinh tế dựa vào. Các khoản lỗ đã lan rộng khắp hệ thống tài chính, nên gần đây, các khoản lỗ này đã bắt đầu cản trở việc sử dụng cái gọi là phương thức tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV), mà chính quyền tỉnh và thành phố sử dụng để tài trợ cho các doanh nghiệp và những dự án phát triển có lợi về mặt chính trị.
Bất chấp sự nhiệt tình của Tổng thống Biden, ở Trung Quốc không có quả bom nào cả – dù là hữu hình hay mang tính ẩn dụ. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với những rắc rối kinh tế lớn. Như câu chuyện dài kỳ về địa ốc cho thấy, vấn đề chủ yếu nằm ở cách tiếp cận quản lý kinh tế độc tài, mang tính tập trung của quốc gia này. Vì Bắc Kinh có rất ít hoặc không có dấu hiệu thay đổi đường hướng của mình nên những rắc rối kinh tế của quốc gia này có thể sẽ còn dai dẳng trong tương lai có thể đoán trước.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ the Epoch Times