Chuyên gia: Những lời hứa của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không ngăn chặn được sự suy yếu lâu dài của đồng nhân dân tệ
Trong nỗ lực mới nhất nhằm vực dậy đồng nhân dân tệ đang suy yếu, ngân hàng trung ương Trung Quốc hứa sẽ duy trì tỷ giá hối đoái ổn định.
Trong nỗ lực mới nhất nhằm vực dậy đồng nhân dân tệ đang suy yếu, hôm 11/09, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã họp để thảo luận về cách ngăn chặn sự trượt giá nhanh chóng của đồng nhân dân tệ và ngăn chặn tình trạng đầu cơ, đồng thời hứa sẽ duy trì tỷ giá hối đoái ổn định.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, bất kể những hứa hẹn này, đồng nhân dân tệ vẫn sẽ suy yếu hơn nữa trong ba tháng tới, và các biện pháp của PBOC khó có thể mang lại sự thay đổi lâu dài.
PBOC, cơ quan quản lý ngoại hối cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp: “Chúng tôi sẽ không ngần ngại thực hiện các hành động khi cần thiết để điều chỉnh một cách chắc chắn các chuyển biến thị trường một chiều và theo chu kỳ, kiên quyết giải quyết các hành động làm xáo trộn trật tự thị trường, và kiên quyết tránh rủi ro tỷ giá hối đoái tăng quá cao.”
Tuyên bố cho biết thêm, các cơ quan quản lý tài chính có khả năng, sự tự tin, và điều kiện để giữ tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ ổn định.
Hôm thứ Hai (11/09), PBOC cũng đã ấn định đồng nhân dân tệ ở mức 7.2148 mỗi USD, đây là một sự cải thiện so với mức ấn định 7.3437 của tuần trước. Đồng nhân dân tệ hiện được phép tăng hoặc giảm trong biên độ khoảng 2% so với đồng USD.
Tuy nhiên, theo một ghi chú riêng của Capital Economics (CE) được The Epoch Times truy cập, trong khi PBOC hứa sẽ can thiệp trực tiếp vào tỷ giá hối đoái, “riêng biện pháp này khó có thể chứng minh sự khởi đầu của một sự thay đổi lâu dài.”
Một đồng nhân dân tệ yếu
Thật vậy, đồng nhân dân tệ đã chịu áp lực không ngừng so với đồng USD, chạm mức thấp nhất trong 16 năm là 7.351 ngay trước cuộc họp PBOC hôm thứ Hai (11/09). Thông báo của PBOC đã đẩy đồng nhân dân tệ lên 7.2934 ngay hôm đó. Tuy nhiên, theo CE, mặc dù đồng nhân dân tệ vẫn duy trì kể từ đó — mở cửa ở mức 7.28 hôm 13/09 — nhưng vẫn rất gần với mức thấp nhất.
Ông Gary Dugan — giám đốc đầu tư tại Dalma Capital và là nhà đầu tư ngoại quốc tại Trung Quốc — nói với The Epoch Times: “Rủi ro là đồng nhân dân tệ tiếp tục yếu đi.” Ông nói thêm, một trong những lý do dẫn tới điều này là “dường như có sự ngần ngại từ phía lãnh đạo Trung Quốc về việc cung cấp đủ sự kích thích cho nền kinh tế nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tin rằng tăng trưởng đang đi đúng hướng để quay trở lại mục tiêu 5% của chính phủ.”
Thứ hai là lập trường ôn hòa của PBOC. Cơ quan quản lý này là một trong những trường hợp khác thường của khu vực (cùng với Nhật Bản) trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ-hạ lãi suất trong một chu kỳ thắt chặt trên toàn thế giới. Ví dụ, hôm 16/08, PBOC bất ngờ cắt giảm lãi suất chính sách lần thứ hai trong ba tháng, một dấu hiệu cho thấy chính quyền đang tăng cường các biện pháp nới lỏng tiền tệ để kích thích sự phục hồi kinh tế đang suy yếu.
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc vốn đang chậm lại cho thấy PBOC có thể sẽ hạ lãi suất hơn nữa — làm tăng thêm sự suy yếu của đồng nhân dân tệ — thì một mối lo ngại khác là khả năng lãi suất của Hoa Kỳ tăng.
Ông Dugan cho biết, “Vẫn còn lo ngại rằng Hệ thống Dự trữ Liên bang sẽ cần tăng lãi suất hơn nữa để làm chậm nền kinh tế Hoa Kỳ và kiểm soát lạm phát tốt hơn. Một ngân hàng trung ương (Fed) đang chống lạm phát bằng lãi suất cao, và chính quyền Trung Quốc quan tâm hơn tới việc áp dụng chính sách tiền tệ rất nới lỏng sẽ tiếp tục gây áp lực giảm giá lên đồng nhân dân tệ.”
Lập trường cứng rắn của Hệ thống Dự trữ Liên bang (Fed) đã đẩy khoảng cách giữa lãi suất công khố phiếu ngắn hạn của Hoa Kỳ và của Trung Quốc lên mức cao nhất là 170 điểm kể từ giữa năm 2007, gây áp lực lên toàn bộ các loại tiền tệ của thị trường mới nổi, kể cả đồng nhân dân tệ.
Ông Nirgunan Tiruchelvam, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Cổ phiếu tại Alētheia Capital có trụ sở tại Hồng Kông, nói với The Epoch Times: “Thông thường, việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển của các loại tiền tệ của thị trường mới nổi sang đồng USD (dẫn đến sự suy yếu của những đồng tiền đó).”
Lưu ý của CE cho biết, do đó, cho đến khi Fed kết thúc chu kỳ thắt chặt (lãi suất) và chuyển sang cắt giảm lãi suất vào năm tới, thì bất kỳ sự can thiệp nào vào thị trường ngoại hối của PBOC khó có thể mang lại nhiều hơn sự cứu trợ ngắn hạn cho đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, PBOC cũng đã nâng cao triển vọng kinh tế của Trung Quốc hôm thứ Hai (11/09) để củng cố nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này và ổn định kỳ vọng của thị trường.
“Chỉ số giá tiêu dùng tăng trở lại mức tích cực so với cùng thời kỳ năm ngoái, thương mại tốt hơn mong đợi, chính sách về địa ốc đang dần có hiệu lực, tiêu dùng phục hồi đáng kể, và đất nước đang chứng kiến những bước đột phá trong khoa học công nghệ và đổi mới,” tuyên bố của Ngân hàng trung ương cho biết. “Sự cải thiện kinh tế đang đạt được động lực, tạo nền tảng vững chắc cho đồng nhân dân tệ về cơ bản ổn định được ở mức cân bằng hợp lý.”
Theo ông Tiruchelvam, một đồng nhân dân tệ yếu hơn không phải là điều xấu đối với nền kinh tế Trung Quốc vì điều đó có thể giúp tăng trưởng bằng cách thúc đẩy xuất cảng cạnh tranh hơn.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times