PHÂN TÍCH: 4 lo ngại hàng đầu của các nhà đầu tư ngoại quốc về kinh tế Trung Quốc
Nhiều nhà đầu tư ngoại quốc lo ngại và đặt câu hỏi về việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, khủng hoảng địa ốc, và các vấn đề kinh tế khác có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và lợi ích của họ như thế nào.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu, đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế to lớn, làm dấy lên lo ngại về sự ổn định và tương lai của nước này. Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố rằng nền kinh tế đã trở lại mức xu hướng trước đại dịch, nhưng cuộc khủng hoảng địa ốc ngày càng sâu sắc, những khó khăn từ bên ngoài như căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ, gánh nặng nợ to lớn, và áp lực lạm phát toàn cầu đã làm giảm khả năng cạnh tranh xuất cảng của Trung Quốc và đang đe dọa đẩy nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài.
Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch bị ngưng trệ
Tại sao quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc lại bị ngưng trệ? Việc ngưng trệ này có tính chu kỳ hơn là tính cấu trúc không?
Theo một ghi chú chỉ dành riêng cho lưu hành giữa các khách hàng mà The Epoch Times có được từ UBS Securities Asia, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau gần ba năm áp dụng chính sách zero COVID, với tiêu dùng phục hồi do bình thường hóa kinh tế và sử dụng tiền tiết kiệm gia đình.
Sau khi sụt giảm mạnh vào năm ngoái, các chuyên gia tin rằng hoạt động địa ốc sẽ ổn định và mức tăng chi tiêu ngân sách nhỏ của Bắc Kinh sẽ bù đắp được cho sự sụt giảm xuất cảng.
Nhưng UBS lưu ý rằng số lượng nhà mới chào bán và doanh số bán nhà đã giảm đáng kể trong quý 2 và quý 3/2023, chấm dứt đợt phục hồi ngắn hạn của địa ốc. Việc không nới lỏng chính sách đối với người mua nhà và không trợ giúp công ty phát triển địa ốc cũng như tâm lý thị trường xấu đi cũng khiến hoạt động địa ốc sụt giảm thêm.
Nhu cầu toàn cầu thấp hơn đã ảnh hưởng đến xuất cảng trong quý 2, đồng thời doanh số bán đất giảm và doanh thu tài khóa thấp hơn dự kiến đã làm giảm chi tiêu tài khóa chung, khiến chi tiêu tài khóa giảm 1% GDP trong quý đầu tiên (quý 1) của năm nay.
Vì các gia đình không chi tiêu tiền nên niềm tin của người tiêu dùng vẫn ở mức thấp.
Do đó, một số nhà kinh tế và nhà phân tích cho rằng các vấn đề kinh tế của Trung Quốc mang tính cấu trúc do dân số giảm, những hạn chế cứng rắn hơn làm tổn hại niềm tin của khu vực tư nhân và áp lực tách rời từ ngoại quốc.
Bà Vương Đào (Wang Tao) tin rằng các vấn đề kinh tế này mang tính chu kỳ.
Nhà kinh tế của UBS này lưu ý: “Tuy nhiên, bất chấp những thách thức về dân số trong dài hạn, thị trường lao động yếu kém hiện nay của Trung Quốc và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao cho thấy các vấn đề mang tính chu kỳ và nền kinh tế đang hoạt động dưới mức tăng trưởng tiềm năng.”
Bà nói thêm rằng, việc thắt chặt chính sách, đại dịch, và các đợt đóng cửa đã gây ra mức giảm tài sản lớn nhất trong lịch sử, phản ánh những thay đổi căn bản trong dài hạn, bao gồm cả dân số.
Niềm tin kinh doanh thấp do thắt chặt quy định, lo ngại kéo dài về tương lai của khu vực tư nhân, áp lực chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, đơn đặt hàng và thu nhập giảm do nhu cầu trong nước và toàn cầu yếu, một phần là do nhu cầu bão hòa đối với các sản phẩm công nghệ Trung Quốc.
Bà viết: “Chúng tôi tin rằng các yếu tố mang tính chu kỳ đều chịu trách nhiệm như nhau đối với sự suy thoái kinh tế.”
Thiếu kích thích
Tại sao cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn?
Các nhà đầu tư ngoại quốc đang thắc mắc tại sao các biện pháp chính sách lại kém mạnh mẽ hơn sau cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng Bảy và liệu Bắc Kinh có còn quan tâm đến phát triển kinh tế hay không.
Theo UBS, tăng trưởng vẫn là một mục tiêu của chính phủ, nhưng không phải là mục tiêu duy nhất hay chủ yếu.
Bà Vương viết: “Một lý do dẫn đến hành động chính sách chậm chạp có thể là do nhận thức chưa rõ về điểm yếu trong quá trình phục hồi của Trung Quốc: Sự phục hồi đã diễn ra không đồng đều, với những phần mạnh mẽ [bao gồm du lịch nội địa và, trong quý 1, địa ốc] cùng tồn tại với những lĩnh vực còn yếu kém.”
Bà cũng lưu ý rằng các vấn đề kinh tế hiện nay rất phức tạp, và dư địa ngân sách còn hạn chế, nên không có biện pháp kích thích đơn giản nào để thúc đẩy nền kinh tế.
Bà viết: “Lĩnh vực địa ốc chắc chắn cần được trợ giúp và các nhà phát triển dự án rất cần tín dụng bổ sung, nhưng chính phủ không rõ liệu họ có nên và có thể phục hồi thị trường địa ốc trong bối cảnh dân số giảm, đô thị hóa chậm lại, tỷ lệ sở hữu nhà cao, và đòn bẩy (mức vay nợ) cao hay không.”
Tuy nhiên, theo ông Adam Upton, nhà quản lý danh mục đầu tư của bộ phận Cổ phiếu Á Châu thuộc công ty AOP Capital có trụ sở tại Hồng Kông, một biện pháp kích thích quy mô lớn tập trung vào lĩnh vực địa ốc có thể có hiệu quả trong việc phục hồi hoạt động ngắn hạn, nhưng lại “không có tác dụng gì trong việc tái cân bằng tăng trưởng kinh tế khỏi việc đầu tư tài sản cố định và sẽ gây ra những vấn đề lớn hơn” trong tương lai.
Ông Upton nói với The Epoch Times: “Mặc dù có nhiều hình thức kích thích có thể mang lại sự tăng trưởng ngay lập tức, nhưng cho đến nay, chính quyền Trung Quốc đã chứng tỏ rằng họ sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn để tái cân bằng nền kinh tế.”
“Những điều chỉnh về cấu trúc như Hộ khẩu và cải tổ thuế, tuy kém hấp dẫn hơn đối với thị trường trong ngắn hạn, nhưng lại quan trọng hơn đối với sự bền vững lâu dài,” ông nói thêm, “Hộ khẩu” dùng để chỉ hệ thống ghi danh gia đình của Trung Quốc.
Khủng hoảng địa ốc
Con đường nào có khả năng xảy ra nhất đối với sự suy thoái của ngành địa ốc? Vai trò của Bắc Kinh là gì?
Ông Upton cho biết: “Hai trường hợp so sánh thường được dẫn chiếu nhiều nhất khi xem xét các vấn đề của lĩnh vực địa ốc Trung Quốc là Nhật Bản vào năm 1990 hoặc Hồng Kông vào năm 1997.”
Theo ông, trong khi mọi tình huống đều khác nhau về thu nhập, khả năng chi trả, và mức tồn kho, từ đỉnh cao đến đáy, thì thị trường địa ốc Nhật Bản mất khoảng 14 năm, trong khi ở Hồng Kông là khoảng 6 năm.
“Dùng những kinh nghiệm đó làm gợi ý, [cuộc suy thoái địa ốc] có thể phải mất ít nhất 4 đến 5 năm nữa trước khi thị trường tìm thấy đáy của nó,” ông Upton cho biết. “Hơn nữa, khi tác động lắng xuống trong lĩnh vực này, các nhà phân tích thường kỳ vọng mức độ hoạt động trong lĩnh vực này sẽ thấp hơn mức hoạt động cao điểm từ 20 đến 30%.”
Ông nói thêm, diễn biến này có tác động đến tăng trưởng GDP “bởi vì cần phải có những yếu tố khác [chẳng hạn như xuất cảng ròng, tiêu dùng hoặc chi tiêu chính phủ] để lấp đầy khoảng trống [do địa ốc gây ra].”
Tuy nhiên, theo UBS, Bắc Kinh có thể trợ giúp cả phía cung và cầu của thị trường địa ốc để giúp ổn định lĩnh vực này. Về phía cung, chính quyền trung ương có thể tăng cường trợ giúp tín dụng cho các nhà phát triển dự án, bao gồm việc ngân hàng cho vay chính sách nhiều hơn đối với các dự án địa ốc đang bị đình trệ để bảo đảm giao hàng và cấp vốn bắc cầu để tránh vỡ nợ quy mô lớn.
Về phía cầu, Bắc Kinh có thể dỡ bỏ các hạn chế mua nhà còn lại và giảm yêu cầu thanh toán trước cho khoản thế chấp thứ hai xuống 30% (từ 40 xuống 50%) ở các thành phố lớn.
Hôm 31/08, các cơ quan chính quyền Trung Quốc, bao gồm Bộ Nhà ở và Kiến thiết Thành thị, Nông thôn cùng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã đề nghị các biện pháp cải tổ, chẳng hạn như dỡ bỏ các hạn chế mua nhà ở các quận không thuộc khu trung tâm của các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, và Thâm Quyến. Những hạn chế này — giới hạn việc mua địa ốc của những người được gọi là người không cư trú không đủ tiêu chuẩn và số lượng địa ốc mà người dân có thể mua — đã có hiệu lực ở nhiều thành phố kể từ năm 2010. Nhiều thị trấn nhỏ đã nới lỏng các hạn chế mua nhà trong những năm gần đây để thúc đẩy nhu cầu, nhưng những các thành phố, nơi có truyền thống là mục tiêu mua đầu cơ, vẫn thận trọng.
Theo bà Vương, việc tăng cường đầu tư vào cái gọi là “cải tạo làng đô thị” và xây dựng nhà ở công cộng cũng có thể giúp ích.
Khủng hoảng nợ
Cuộc khủng hoảng nợ ở các đô thị Trung Quốc nghiêm trọng đến mức nào? Sẽ có một vụ vỡ nợ lớn? Vấn đề nợ địa phương có thể được giải quyết như thế nào?
Ghi chú của UBS nêu rõ khoản nợ công khai của chính quyền địa phương Trung Quốc, bao gồm trái phiếu chính quyền địa phương thông thường và đặc biệt, đã là 35 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 4.79 ngàn tỷ USD), tương đương 29% GDP, tính đến cuối năm 2022.
Mặt khác, khoản nợ của các phương thức tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV) được ước tính là khoảng 59 ngàn tỷ nhân dân tệ tính đến năm 2022. Tuy nhiên, mặc dù không phải tất cả các khoản nợ LGFV đều được tính là nợ ngầm của chính quyền địa phương, như một số LGFV được cho là được vận hành về mặt thương mại, các định nghĩa khác nhau vẫn sẽ khiến tổng nợ rõ ràng và ngầm định của chính quyền địa phương ở mức 96 ngàn tỷ nhân dân tệ tính đến năm 2022 hoặc 79% GDP.
Bà Vương viết: “Bất chấp thách thức nghiêm trọng trong việc thanh toán nợ, Trung Quốc khó có thể chứng kiến các vụ vỡ nợ quy mô lớn của LGFV trong tương lai.”
Các chính quyền địa phương sẽ bị ép phải bán hoặc sử dụng tài sản của mình một cách tối ưu để phục vụ và giảm thiểu nợ tiềm ẩn.
Bà Vương viết: “Các chính quyền địa phương sở hữu rất nhiều tài sản, kể cả các doanh nghiệp nhà nước trị giá 206 ngàn tỷ nhân dân tệ vào năm 2021 và về mặt lý thuyết, chính quyền địa phương có thể chuyển một số tài sản cho LGFV, bán hoặc thế chấp những tài sản này để có thanh khoản.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times