Ông Tập có chuyến thăm chưa từng có tiền lệ đến ngân hàng trung ương Trung Quốc
Theo các nhà quan sát Trung Quốc, hôm 24/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm ngân hàng trung ương đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2012. Chuyến thăm chưa từng có này diễn ra trong bối cảnh quan trọng khi các nhà phát triển địa ốc Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn tài chính và quốc gia đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế cận kề.
Sau khi Chủ tịch Tập đoàn Hằng Đại (Evergrande Group), ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) bị bắt hồi cuối tháng Chín, một số nhà phát triển địa ốc lớn khác tại Trung Quốc như Bích Quế Viên (Country Garden) cũng đã rơi vào tình trạng vỡ nợ, và vấn đề này có thể nhanh chóng lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác.
Nhiều nguồn tin thông báo với The Epoch Times rằng trước khi ông Hứa bị bắt, ông đã yêu cầu ông Tập can thiệp để cứu Tập đoàn Hằng Đại, viện dẫn nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Theo những nguồn tin này, có khoảng một trăm công ty ở Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề nợ tương tự. Nếu những công ty này đều sụp đổ toàn bộ, thì điều đó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc, gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Tập cố gắng hiểu được tình trạng thực sự của nền kinh tế
Chiều hôm 24/10, cùng với Phó Thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng) và các quan chức khác, ông Tập đã đến ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), và Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia. Ông Hà đã kiểm tra các quỹ đầu tư quốc gia của Trung Quốc.
Hiện chưa rõ các chi tiết của chuyến thăm, nhưng các nhà đầu tư đang quan sát chặt chẽ những hành động của ông Tập để bắt kịp những tín hiệu chính sách tiềm năng.
Những thông tin công khai cho thấy các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, những người tiền nhiệm của ông Tập, chưa từng thực hiện một chuyến thanh tra ngân hàng trung ương nào như vậy kể từ khi Đảng thành lập. Thông thường, những cuộc thanh tra như vậy do thủ tướng hoặc phó thủ tướng đặc trách về các vấn đề kinh tế thực hiện.
Ông Lục Viễn Hành (Lu Yuanxing), một nhà phân tích kinh tế chính trị hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, người từng là cựu giám đốc marketing của một công ty Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 25/10 rằng ông Tập đã đến thăm cả hai cơ quan trên vì hai lý do.
Thứ nhất, ông Tập đã mất niềm tin vào Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang), người được giao nhiệm vụ giám sát các vấn đề kinh tế, khiến ông Tập phải củng cố quyền lực và đích thân giám sát các cơ quan này.
Thứ hai, hiện trạng nền kinh tế Trung Quốc rất đáng lo ngại, với việc đầu tư ngoại quốc nhanh chóng rút đi và chính quyền trung ương đang phải đối mặt với những hạn chế tài khóa. Do đó, ông Tập muốn tận dụng cơ hội này để hiểu được thực trạng của nền kinh tế.
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một học giả tại Viện Nghiên cứu Thông tin và Chiến lược tại Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times hôm 26/10 rằng tình hình tài chính của Trung Quốc hiện đang rất tệ hại, với bong bóng bùng nổ ở nhiều lĩnh vực. Ông Lý cho biết, trong tình huống này, ông Tập buộc phải hiểu rõ các vấn đề trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc, vì sự ổn định của lĩnh vực này ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định chung của quốc gia.
Hơn nữa, ông Tập muốn truyền đi một thông điệp rõ ràng rằng ĐCSTQ đang giải quyết vấn đề này rất nghiêm túc và ông sẽ tăng cường trợ giúp cho ông Hà, để ông Hà có thể giải quyết các vấn đề kinh tế mà không có quá nhiều sự can thiệp từ cấp trên. Ông Lý nhấn mạnh, điều này được xem là một mục tiêu quan trọng khác trong cuộc thanh tra của lãnh đạo ĐCSTQ.
Chính quyền trung ương phát hành lượng lớn trái phiếu kho bạc
Trong cùng ngày ông Tập thanh tra ngân hàng trung ương, chính quyền trung ương đã quyết định phát hành thêm một ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 136,75 tỷ USD) trái phiếu kho bạc trong quý 4 và phân bổ toàn bộ số tiền đó cho chính quyền địa phương, với 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 68.38 tỷ USD) sẽ được sử dụng trong năm nay và 500 tỷ nhân dân tệ sẽ được sử dụng vào năm 2024.
Các quan chức Trung Quốc cũng nói rằng tất cả số tiền thu được thông qua việc phát hành trái phiếu kho bạc sẽ được dành riêng cho chính quyền địa phương, giúp giảm bớt áp lực lên tài chính địa phương, vốn hiện đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về nợ.
Ông Lục cho rằng nỗ lực cứu chính quyền địa phương của ĐCSTQ khó có thể mang lại kết quả như mong đợi vì nhiều lĩnh vực phải đối diện với những thách thức lớn. Hơn nữa, các vấn đề này lại liên quan đến nhau, khiến việc đồng thời quản lý những rắc rối này cùng một lúc ngày càng khó.
Ông cho rằng việc ĐCSTQ tăng cường phát hành nợ quốc gia là yếu tố chính khiến các nhà đầu tư ngoại quốc tiếp tục rời bỏ khỏi Trung Quốc.
Ông Lục nói: “Ai mà lại muốn đầu tư vào một thị trường mà nợ nần chồng chất chứ? Cách đối xử tương tự cũng xảy ra với chính quyền ĐCSTQ, vốn đã nợ nần chồng chất và gặp khó khăn trong việc hoàn trả.”
Ông giải thích thêm rằng việc ĐCSTQ in và phát hành tiền, cũng như phát hành thêm trái phiếu quốc gia, cho thấy rằng họ đang thiếu tiền đến mức phải tiếp tục vay để trả các khoản nợ.
Ông Lục nói: “Nếu không làm vậy thì các công cụ tài chính của chính quyền địa phương và thậm chí cả bản thân chính quyền địa phương sẽ gặp khó khăn tài chính, điều sẽ ảnh hưởng lớn tới tín nhiệm tín dụng của chính quyền và, từ đó ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội.”
Ông nói thêm “Vậy liệu vốn ngoại quốc có tiếp tục đầu tư? Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ rút lui vì thị trường này không còn hấp dẫn đối với họ.”
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin rằng với việc phát hành thêm trái phiếu kho bạc, ngân sách năm 2023 của chính quyền sẽ cần phải điều chỉnh, dẫn đến thâm hụt ngân sách cũng sẽ tăng thêm tương ứng.
Ông Lý nhấn mạnh rằng ngay cả sau khi phát hành thêm trái phiếu kho bạc, thâm hụt ngân sách của ĐCSTQ vẫn tiếp tục gia tăng, phản ánh thực trạng tài khóa đầy thách thức mà ĐCSTQ phải đối mặt.
Ông nói, “Nợ hiện hữu đơn giản là không đủ để trả hết nợ cũ, mà chỉ có thể trả được phần lãi. Thâm hụt được coi là nợ, và cả nợ chính quyền và thâm hụt đều tiếp tục gia tăng, giống như hiệu ứng quả cầu tuyết. Không giải quyết được vấn đề gốc rễ cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ, gây hậu quả lớn cho nền kinh tế Trung Quốc.
“Ngoài ra, ĐCSTQ đã cam kết đầu tư 100 tỷ USD vào các quỹ phát triển cho Sáng kiến Vành đai và Con đường. Những hành động này là sai lầm và gây ra những rủi ro cũng như những cuộc khủng hoảng trong kinh tế Trung Quốc hiện tại. Trên thực tế, chúng thực sự đang đẩy nhanh sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc cho đến khi giờ G đến,” ông nói.
Chỉ số Thượng Hải rớt xuống dưới 3,000 điểm
Hôm 23/10, một ngày trước chuyến thăm của ông Tập đến PBOC, cổ phiếu hạng A của Trung Quốc trải qua một đợt sụt giảm lớn, với Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải (SHCOMP) có thời điểm chạm tới mức thấp mới 2,923. Ngoài SHCOMP, hầu hết các chỉ số khác đều chạm mức thấp nhất trong ba năm, bao gồm Chỉ số CSI 300, Chỉ số Thành phần Thâm Quyến, Chỉ số ChiNext Index, và Chỉ số STAR 50 Index.
Tính đến thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 23/10, hơn 4,500 cổ phiếu riêng lẻ trên thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm điểm, báo hiệu sự suy yếu rõ rệt trong niềm tin thị trường.
Trong lịch sử, mốc “3,000 điểm” luôn là thước đo quan trọng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trong những năm gần đây, bất cứ khi nào thị trường tiếp cận mốc 3,000 điểm, các cơ quan khác nhau của chính quyền sẽ đưa ra một loạt các biện pháp kích thích, và do đó, “3,000 điểm” thường được gọi là mức “sàn chính sách” và luôn được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ.
Từ hôm 16 đến hôm 20/10, thị trường đã có xu hướng giảm biến động, với tất cả các chỉ số chính đều giảm điểm, đáng chú ý là Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải rơi xuống dưới mốc 3,000 điểm quan trọng. Trong tuần, vốn ngoại ròng ghi nhận giảm 24.05 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 3.29 tỷ USD). Đáng lưu ý, chỉ riêng hôm 19/10, dòng vốn ròng đã giảm đáng kể là 11.7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.6 tỷ USD), đánh dấu lần thứ ba trong năm nay ghi nhận dòng vốn ra vượt ngưỡng 10 tỷ nhân dân tệ.
Ông Lý cho rằng đợt suy giảm này của thị trường chứng khoán là kết quả của việc bán tháo hàng loạt của các nhà đầu tư ngoại quốc.
Ông nói: “Vì không có đủ vốn để chống lại điều này, nên thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục suy giảm.”
Ông giải thích rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc dòng vốn chảy ra: Thứ nhất, các nhà đầu tư ngoại quốc không lạc quan về triển vọng kinh tế Trung Quốc. Thứ hai, trong khi Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế, các quốc gia khác lại tăng lãi suất lên cao để chống lại lạm phát. Sự chênh lệch lãi suất này càng khuyến khích dòng vốn dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Thiên Cầm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times