Trung Quốc: Các bác sĩ nông thôn đối mặt với nhiều thách thức khi dịch COVID-19 lan rộng
Đợt bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc đã nhanh chóng lan rộng đến các vùng nông thôn và thị trấn nhỏ, đồng thời ngày càng có nhiều người lo ngại rằng dịp Tết Nguyên Đán của Trung Quốc vốn sẽ rơi vào ngày 22/01/2023, sẽ có rất nhiều người dân về quê ăn Tết.
Không chỉ các bệnh viện ở các thành phố lớn hiện đang trong tình trạng quá tải do số bệnh nhân COVID-19 tăng đột biến trong tháng Mười Hai, mà tình hình bên ngoài các thành phố này thậm chí còn đáng lo ngại hơn, bởi vì dân số ở vùng nông thôn rất đông mà các nguồn lực y tế thì lại rất hạn hẹp.
Hôm 24/12, tờ “Tài Kinh” (Tài chính-Kinh tế), một kênh truyền thông Trung Quốc đại lục do nhà nước kiểm soát, cho biết mới đây hãng thông tấn này đã phỏng vấn người dân địa phương, các hiệu thuốc, cũng như nhân viên bệnh viện tại các thành phố và thị trấn nhỏ ở Sơn Đông, Giang Tây, Hắc Long Giang, Cát Lâm, An Huy, Hồ Bắc, Vân Nam, Hà Bắc, và các tỉnh khác về tình hình dịch bệnh ở địa phương.
Những người này cho biết: “Chúng tôi không sợ kết quả dương tính với COVID, mà chúng tôi sợ rằng chúng tôi không có thuốc để điều trị bệnh này.”
Hôm 28/12, Tuần báo Trung Quốc (China News Weekly) đưa tin rằng hãng thông tấn này mới đây đã nói chuyện với ba bác sĩ nông thôn đến từ các tỉnh Thiểm Tây, Hà Bắc, và An Huy về tình hình dịch bệnh hiện nay ở các vùng nông thôn. Những bác sĩ này cho biết nơi họ làm việc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân tài, vật lực, và các bác sĩ cũng thi nhau nhiễm bệnh.
Trang tin đại lục hôm 28/12 đưa tin rằng ông Dương Xuân (Yang Chun), một bác sĩ nông thôn ở thị trấn Yển Khẩu, huyện Tây Hương, thành phố Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây, cho biết làng của ông có hơn 4,000 người và chỉ có hai bác sĩ. Ông cho hay, vấn đề lớn nhất mà họ đang phải đối mặt là không thể mua được thuốc.
Hai bác sĩ nông thôn này vì thiếu thuốc, đã bắt đầu tự làm thí nghiệm trên cơ thể mình, thử xem liệu châm cứu có thể giúp hạ sốt hay không.
Tờ Tuần báo Trung Quốc cũng đưa tin, ông Trịnh Phủ Nhân (Zheng Furen), một bác sĩ nông thôn ở làng Quang Hoa, huyện Kỳ Môn, thành phố Hoàng Sơn, tỉnh An Huy, cho biết hai ngày trước đó, ông đã bị nhiễm bệnh và các thành viên trong gia đình ông cũng bị nhiễm bệnh. Bởi vì không có thuốc, ông nói với những người có triệu chứng nhẹ, hãy để bệnh khỏi tự nhiên. Còn nếu các triệu chứng thực sự chuyển nặng, thì những những người này cần phải nhanh chóng đến bệnh viện tuyến huyện. Nhưng nhiều nhân viên y tế ở bệnh viện huyện cũng bị nhiễm bệnh.
Tràn ngập bệnh nhân sốt
Một bác sĩ nông thôn đã kể lại tình hình ở An Dương, tỉnh Hà Nam, trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên tạp chí Nhà từ thiện Trung Quốc (Chinese Philanthropist) hôm 29/12. Bà Hà Vân Thu (hóa danh) là bác sĩ duy nhất ở một ngôi làng nông thôn ở tỉnh Hà Nam trong 14 năm.
Bà cho biết rằng bà chưa từng tất bật như vậy. Chưa đến cao điểm mọi người về quê ăn Tết nhưng nhiều người trong làng đã phát sốt. Trong tuần từ ngày 17/12 đến ngày 24/12, số bệnh nhân bị cảm và sốt là nhiều hơn số lượt khám hàng năm của những năm trước.
Bà cho biết từ giữa tháng Mười Hai, ngày nào cũng có hàng chục bệnh nhân cảm và sốt kéo đến phòng khám của bà. Bà đã rất hoang mang khi ở phòng khám không có bất kỳ bộ dụng cụ phát hiện kháng nguyên COVID nào và thuốc men cũng khan hiếm.
Bác sĩ Hà ày không phải là người duy nhất đối mặt với tình trạng thiếu thuốc. Bà cho biết thêm, các bác sĩ nông thôn ở 44 làng trong thị trấn cũng gặp phải tình trạng này.
Hầu hết các bác sĩ nông thôn đều bị nhiễm bệnh
Hôm 24/12, trang web Giới Y Học (Medical World) ở đại lục đưa tin rằng ông Vương Quốc Hoa (Wang Guohua), giám đốc một trung tâm y tế thị trấn địa phương ở Nhữ Châu, tỉnh Hà Nam, cho biết trong ba năm qua, các bác sĩ nông thôn phải dành phần lớn thời gian của mình cho các hoạt động phi y tế, chẳng hạn như được lệnh giúp các thành phố tiến hành xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa, đồng thời họ không thể dự trữ vật tư y tế.
Bây giờ, tình trạng thiếu hụt thuốc men là một vấn đề rất nan giải.
Trước khi chế độ cộng sản Trung Quốc thực hiện chính sách “zero COVID” gây tranh cãi, các bác sĩ nông thôn đã có các kênh mua sắm chính thức và phi chính phủ cho các loại thuốc thiết yếu. Cả hai kênh này bổ sung cho nhau và các bác sĩ thường có thể tìm được nguồn thuốc cần thiết.
“Từ khi thực hiện chính sách ‘zero COVID,’ các trạm y tế làng bị cấm bán ‘bốn loại thuốc.’ Thuốc hoặc bị niêm phong hoặc phải giao nộp cho chính quyền nên hầu hết y bác sĩ trong thôn không có thuốc dự trữ.” Ông Lý Tùng Ba (Li Songbo), một bác sĩ nông thôn ở Nhữ Châu, tỉnh Hà Nam, nói với trang Giới Y Học.
Bốn loại thuốc này là thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho, thuốc chống nhiễm trùng, cũng như thuốc điều trị khô cổ họng và viêm họng.
Trong ba năm qua, theo chính sách “zero COVID,” chính quyền Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ và cấm bán các loại thuốc thiết yếu này để ngăn người nhiễm bệnh mua uống để che giấu các triệu chứng, tránh bị phát hiện, và tránh bị cưỡng chế đưa đến cơ sở cách ly tập trung.
Điều này đã dẫn đến sự thiếu hụt các loại thuốc như vậy.
Một giám đốc một trung tâm y tế thị trấn cho biết: “Hiện tại, số thuốc còn lại đã được cung cấp cho các thành phố lớn.” Theo trang Giới Y Học,nhà cầm quyền kiểm soát việc phân phối thuốc và ưu tiên cho một số khu vực nhất định. Các khu vực khác của đất nước phải chờ cho đến khi sản xuất có thể đáp ứng nhu cầu.
Đối mặt với tình trạng thiếu thuốc nghiêm trọng, nhiều dân làng sử dụng phương pháp tiêm truyền tĩnh mạch nhỏ giọt để điều trị COVID-19.
Một video trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy dân làng đang được truyền dịch tĩnh mạch nhỏ giọt ở bên ngoài một trạm xá.
Một video khác trên mạng xã hội cho thấy tình hình dịch COVID-19 ở vùng nông thôn Trung Quốc.
Anh Tôn Minh (Sun Ming), bác sĩ duy nhất tại một ngôi làng có 600 dân ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, nói với trang Giới Y Học rằng vào khoảng ngày 17/12, có những người xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong làng của anh, nhưng phòng khám đã hết thuốc hạ sốt. Anh đã đến trung tâm y tế thị trấn, nhưng tại đây cũng không còn thuốc.
Anh cho biết anh đã chứng kiến hơn 10 nhân viên y tế trong tổng số 20 người đã nhiễm bệnh. Ngày hôm sau, anh cũng phát sốt.
Đỉnh điểm của đợt bùng phát vẫn chưa đến
Hôm 17/12, tại Hội nghị thường niên Tài chính-Kinh tế, ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), trưởng nhóm chuyên gia dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “một đỉnh và ba đợt” nhiễm COVID-19 trong ba tháng tới, trong đó đợt bùng phát thứ hai sẽ xảy ra vào dịp Tết Nguyên Đán khi nhiều người về quê thăm gia đình.
Ông Hoàng Nghiêm Trung (Huang Yanzhong), nhà nghiên cứu cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Ngoại giao của Hoa Kỳ, nói với trang Giới Y Học rằng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan từ thành thị đến nông thôn, thì hoạt động đi lại vào dịp Tết Nguyên Đán của người dân Trung Quốc sẽ dẫn đến một tình trạng, đó là các biến thể virus khác nhau cũng có thể lây lan trên khắp đất nước, và sẽ đặt ra một thách thức lớn đối với hệ thống y tế vùng nông thôn.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times