Chuyên gia: Trung Quốc cố tình cho người dân nhiễm COVID để đạt miễn dịch cộng đồng
Một chuyên gia cho biết, sau khi các cuộc biểu tình nổ ra trên diện rộng nhằm phản đối lệnh phong tỏa hồi tháng 11/2022, chính quyền Trung Quốc đột ngột đảo ngược chính sách zero COVID nghiêm ngặt vào đầu tháng Mười Hai. Đây là một nỗ lực nguy hiểm của Trung Quốc nhằm mục đích đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng với tốc độ nhanh nhất có thể.
Kể từ khi đảo ngược chính sách này, COVID-19 đã tấn công người dân Trung Quốc, những người không hề được chuẩn bị trước cho sự thay đổi đột ngột sau ba năm áp dụng các hạn chế về COVID.
Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Xiaoxu Sean Lin), cựu nhà virus học của Quân đội Hoa Kỳ, cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố tình đảo ngược chính sách của mình để nước này có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng với tốc độ nhanh nhất có thể.
Tiến sĩ Lâm, cũng là một phó giáo sư tại Khoa Khoa học Y sinh thuộc Đại học Phi Thiên đã nói với NTD hôm 03/01: “Vì vậy, về căn bản, ĐCSTQ đang áp dụng một chiến lược hoàn toàn khác so với chính sách Zero-COVID, họ thực sự để cho người dân lây nhiễm tự do để đạt được cái gọi là miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt.”
“Thực ra, thời điểm này quý vị thấy ở Trung Quốc, họ cho phép nhiều nơi tổ chức các sự kiện lớn, để chúc mừng năm mới. Quý vị có thể thấy hàng chục ngàn người tụ tập cùng nhau để đón Năm Mới,” ông nói thêm.
Theo một bản tin từ tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, hôm 31/12, hàng ngàn người đã tập trung tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc để tham dự sự kiện đếm ngược. Bến Thượng Hải, lối đi bộ ven sông nổi tiếng của Thượng Hải, đông nghịt người. Trong khi đó, rất đông người dân xem pháo hoa trên một con phố đi bộ ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, một cảnh tượng chưa từng xảy ra trong ba năm qua.
Ông nói: “Về căn bản, họ đang khiến nhiều người bị nhiễm bệnh nặng và nhiều người rốt cuộc phải vào ICU hoặc thiệt mạng và điều đó xảy ra vào thời điểm Trung Quốc đang trong tình trạng cạn kiệt thuốc men, thậm chí cả thuốc Paxlovid [điều trị COVID]”.
Loại thuốc ngoại quốc duy nhất để điều trị COVID-19 đã nhận được sự chấp thuận trên toàn quốc từ cơ quan quản lý của Trung Quốc là Paxlovid. Tuy nhiên, để có được thuốc này là khá khó khăn. CNN đưa tin hôm 26/12 rằng loại thuốc kháng virus này đã được cung cấp thông qua một cổng thông tin chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc hồi đầu tháng này và nhanh chóng hết hàng.
Ông mô tả tình hình này là một “thảm họa rất lớn” vì “rất nhiều người sẽ thiệt mạng vì họ không được điều trị y tế”.
Cố tình rò rỉ số ca nhiễm
Với tư cách là một Thành viên của Ủy ban về Mối nguy Hiện tại: Trung Quốc, ông Lâm tin rằng việc làm rò rỉ tỷ lệ lây nhiễm của Trung Quốc là một hành động có chủ ý liên quan đến hệ thống quản lý hiện tại do thủ tướng Trung Quốc sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường lãnh đạo.
Ông Lâm mô tả ông Lý là một người “thực tế hơn”.
“Vì vậy, đôi khi quý vị thấy một số dữ liệu rò rỉ ra khỏi hệ thống,” ông nói, trích dẫn tuyên bố gần đây của ông Tăng Quang (Zeng Guang), cựu trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc.
“Chúng tôi không lường trước được rằng đợt bùng phát đầu tiên sẽ dữ dội như vậy,” ông Tăng Quang nói với một hội thảo trực tuyến hôm 29/12, theo truyền thông nhà nước.
Dựa trên ước tính của ông Tăng, hơn 80% cư dân Bắc Kinh, tương đương 17.6 triệu người, có thể đã bị nhiễm COVID-19.
Ngoài ra, những hình ảnh bị rò rỉ của các bài báo từ một hội nghị của ĐCSTQ cho thấy các nhà chức trách tin rằng có tới 248 triệu người đã bị nhiễm bệnh trong vòng 20 ngày đầu tiên của tháng Mười Hai. Bên cạnh đó, theo những tài liệu trên, virus này đã lây nhiễm cho hơn một nửa số cư dân ở Bắc Kinh và tỉnh Tứ Xuyên ở phía tây nam Trung Quốc.
Trong khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị mới được bầu Lý Cường (Li Qiang), người mà ông Lâm cho biết, thực sự đang đi đầu trong việc kiểm soát tình hình đại dịch ở Trung Quốc, lại muốn “che đậy thông tin thực sự về tình trạng lây nhiễm, nhập viện và những người trong ICU cũng như số ca tử vong.”
Ông Lâm cho biết số liệu được cho là ca tử vong của chính quyền Trung Quốc kể từ khi bắt đầu đại dịch — hiện là 5,253 ca — là một chuyện “nực cười”.
Ông nói: “Đây hoàn toàn là những con số mà không ai có thể tin được vào lúc này.”
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng thực tế còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì thế giới đã chứng kiến qua dữ liệu chính thức của Trung Quốc,” ông nói.
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu và Dorothy Li
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times