Trung Quốc: Dịch bệnh lan rộng, vùng nông thôn đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lực y tế
Hồi tháng 12/2022, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đột ngột dỡ bỏ các chính sách zero COVID của mình. Người dân cho biết những thay đổi đột ngột không được báo trước hoặc không được chuẩn bị đầy đủ trước đã tạo thành một gánh nặng cho hệ thống y tế Trung Quốc cũng như gây ra những khó nạn cho người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Các thành phố lớn, trong đó có thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, đã chứng kiến một đợt bùng phát dịch ngay sau khi mở cửa, và các bệnh nhân đổ xô đi viện khiến hệ thống y tế bị quá tải. Người dân phàn nàn về tình trạng thiếu thuốc tại các hiệu thuốc địa phương. Số người tử vong đang ngày càng tăng ở các thành phố, còn các lò hỏa táng được cho là hoạt động suốt ngày đêm.
Có rất ít tin tức về tình hình dịch bệnh ở các vùng nông thôn của Trung Quốc, nơi nguồn lực y tế khan hiếm và đất rộng người thưa.
Ông Vương (bí danh), một nông dân đến từ Vũ Hán, người đã nói chuyện với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 03/01 cho biết, nhiều nông dân sống ở vùng ngoại ô Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, đang bị nhiễm COVID.
“Hầu hết nhà nào cũng có bệnh nhân COVID,” ông Vương nói, đồng thời cho biết thêm rằng người cao tuổi là những người dễ bị ảnh hưởng nhất.
Ông Vương cho hay, “Họ đều có sức khỏe kém, có nhiều bệnh lý nền. Một khi họ bị nhiễm bệnh [COVID], thì chắc chắn họ sẽ không qua khỏi.”
Ông Vương nói với The Epoch Times rằng lò hỏa táng của huyện này đang rất tất bật với việc hỏa táng thi hài.
Ông chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc vì đã đột ngột nới lỏng các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa COVID.
“[Việc mở cửa này] là sai thời điểm!” ông Vương nói, “Đã quá muộn rồi.”
Theo ông Vương, những thay đổi đối với chính sách zero COVID được đưa ra hồi đầu tháng 12/2022, đúng vào đông chí. Thời tiết lạnh giá cộng với sự bùng phát của dịch bệnh khiến nhiều người tử vong hơn.
Ông đổ lỗi cho chính quyền vì họ đã không chuẩn bị gì trước khi mở cửa trở lại.
“Không có thuốc men, không có gì cả. Thậm chí bộ kit xét nghiệm [COVID-19] chúng tôi muốn mua cũng không có để mua,” ông Vương nói trong giận dữ. Ông nói thêm rằng khi lâm bệnh, nhiều nông dân thường chọn cách ở nhà chờ hồi phục, họ không đến bệnh viện vì thu nhập của họ thấp nên không đủ khả năng trả tiền viện phí.
Chính quyền cộng sản sử dụng hệ thống ghi danh hộ khẩu để hạn chế sự di chuyển của cư dân nông thôn và giảm thiểu khả năng tiếp cận của họ với phúc lợi nhà nước, bao gồm việc chăm sóc theo diện có bảo hiểm y tế, hưu bổng, và giáo dục. Về hệ thống bảo hiểm y tế, cư dân nông thôn phải tham gia chương trình được gọi là Chương trình Y tế Hợp tác Nông thôn Mới (NCMS), mà trong đó chính quyền địa phương có các tiêu chuẩn bồi hoàn khác nhau.
Bác sĩ: Thiếu thuốc men
Gần một nửa cư dân của thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, sống ở vùng nông thôn. Hôm 04/01, The Epoch Times đã liên lạc với các bác sĩ tại hai phòng khám cấp một trong thành phố này, họ đã nói về những khó khăn và thách thức mà họ đang phải đối mặt.
Vì sự an toàn của các bác sĩ cũng như tên phòng khám trong bài viết này, nên The Epoch Times không nêu danh tính của họ.
Một bác sĩ tại bệnh viện thị trấn ở phía bắc Cáp Nhĩ Tân nói với The Epoch Times rằng họ hiện đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn: thuốc men hữu hạn và bảo hiểm y tế bị giới hạn.
Ông cho biết hiện tại họ không có bệnh nhân nào vì bệnh viện không có thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID.
“Bệnh viện huyện không còn giường vì có quá nhiều bệnh nhân ở đó,” vị bác sĩ này nói với The Epoch Times.
Vị bác sĩ này cho rằng các bệnh viện thị trấn hoặc trung tâm y tế ở vùng nông thôn, vốn phải chuyển bệnh nhân của mình lên bệnh viện cấp hai, cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Chính quyền Trung Quốc phân loại các bệnh viện thành ba cấp: cấp một, cấp hai, và cấp ba, mỗi cấp lại được phân thành ba hạng nhỏ hơn. Các bệnh viện hoặc phòng khám cấp một được thành lập ở các đơn vị hành chính nhỏ hơn như xã/phường/thị trấn, và những cơ sở này chỉ nhận được các nguồn lực tối thiểu, bao gồm nguồn nhân lực, hỗ trợ tài chính, và nguồn lực y tế. Các bệnh viện cấp ba thường nằm ở trên các thành phố và được chính quyền phân bổ nguồn lực rất lớn, vì vậy họ cũng đưa ra chính sách thu phí cao hơn.
Bác sĩ này nói rằng họ muốn giúp giảm bớt áp lực cho bệnh viện tuyến huyện. Anh nói, “Nhưng chúng tôi chỉ có thuốc uống để trị bệnh cảm lạnh, không phải để chữa bệnh viêm phổi hay COVID. Không có thuốc thích hợp, chúng tôi không thể làm gì được.”
Một bác sĩ từ huyện Tân ở Cáp Nhĩ Tân nói với The Epoch Times rằng họ chỉ có thể điều trị cho bệnh nhân bị cảm lạnh và ho, họ phải chuyển bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân có triệu chứng nặng đến các bệnh viện cấp hai trên huyện để điều trị.
“Khi tình trạng các bệnh nhân ổn định, thì bệnh viện huyện lại chuyển họ về chỗ chúng tôi chờ hồi phục hoàn toàn. Chúng tôi đã điều trị cho 13 bệnh nhân trong 4 ngày qua, hầu hết đều trên 60 tuổi và dương tính với COVID,” vị bác sĩ từ huyện Tân này cho biết thêm. Các nhân viên y tế trong bệnh viện mà ông làm việc đã xét nghiệm dương tính với COVID và phải tiếp tục làm việc vì không có nhân lực dự phòng để làm thay họ.
Chuyên gia Trung Quốc: Ở nông thôn, tình hình dịch nghiêm trọng hơn
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 03/01, ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), một chuyên gia chính trị từ Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc cho biết, nếu so sánh với các bệnh viện khác trong các thành phố, thì các chuyên gia y tế ở vùng nông thôn Trung Quốc phải đối mặt với ba điểm khác biệt lớn trong đợt bùng phát dịch bệnh sắp tới.
Theo ông Lại, cơ sở hạ tầng y tế căn bản ở vùng nông thôn Trung Quốc rất nghèo nàn. Dù là nhân viên y tế, thiết bị y tế, cơ sở vật chất của khu chăm sóc tích cực (ICU), hay là các loại thuốc thông thường, nhìn chung đều bị thiếu hụt. Hơn nữa, với tình hình dịch bệnh bùng phát trên diện rộng ở các thành phố, nhà cầm quyền cộng sản sẽ ưu tiên bảo đảm nguồn cung cấp và nguồn lực y tế cho các bệnh viện ở các thành phố này. Vì vậy, nguồn lực y tế nông thôn vốn đã khan hiếm nay lại càng khan hiếm hơn.
Thứ hai, người dân thành thị có hệ thống bảo hiểm y tế tương đối hoàn thiện hơn, trong khi tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người dân nông thôn, và hạn mức chi trả bảo hiểm cho họ còn hạn chế. Ông Lại cho biết, điều này khiến nhiều người không đủ khả năng trang trải tiền viện phí và sẽ phải dựa vào khả năng miễn dịch của chính họ nếu họ bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, theo ông Lại, một lợi thế cho những người dân sống ở vùng nông thôn đó là mật độ dân số nông thôn tương đối thấp, và mức độ phân tán cũng cao hơn. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên diện rộng và làm chậm tốc độ lây truyền.
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Sầm Tâm, Dịch Như, và Trương Đan Hà
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times