Trung Quốc: Tuyên truyền về đại dịch của ĐCSTQ thất bại khi số ca nhiễm và tử vong lên đến đỉnh điểm
Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc với số ca mắc bệnh và tử vong tăng vọt, thì Hoa Kỳ và Đức đã đề nghị cung cấp vaccine cho Trung Quốc để giúp nước này chống lại thảm họa; tuy nhiên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từ chối sự giúp đỡ đó, tuyên bố rằng Trung Quốc đang giải quyết tốt đại dịch này. Các nhà phê bình đã chỉ ra rằng việc chấp nhận viện trợ của phương Tây sẽ phơi bày những lời giả dối trong tuyên truyền của ĐCSTQ về tính ưu việt của cái gọi là hệ thống “toàn quốc” và mô hình “quản trị độc đảng” của họ.
Hôm 20/12/2022, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Ned Price, nêu rõ trong một cuộc họp báo rằng Hoa Kỳ sẵn sàng trợ giúp các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, thông qua vaccine và các trợ giúp liên quan khác. Ngay hôm sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã trả lời rằng những nỗ lực chích mũi vaccine tăng cường của Trung Quốc hiện đang được tiến hành một cách có trật tự, và những thuốc men cũng như thuốc thử xét nghiệm nói chung là đủ để đáp ứng nhu cầu.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ đề nghị trợ giúp. Hôm 14/12, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby đã khẳng định tại một cuộc họp báo rằng Hoa Kỳ sẵn sàng giúp đỡ Trung Quốc vượt qua đợt bùng phát dịch COVID-19 này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân đã đáp lại rằng “hệ thống trên toàn quốc” của ĐCSTQ là một mô hình quản trị ưu việt và sẽ có thể vượt qua đỉnh điểm của đại dịch này một cách suôn sẻ.
Đại dịch ở Trung Quốc lên đến đỉnh điểm khi chính quyền từ chối nhận viện trợ của phương Tây
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp nội bộ vào chiều hôm 21/12/2022. Biên bản của cuộc họp này cho biết số ca nhiễm mới ở nước này vào ngày 20/12/2022 là 36,996,400, chiếm 2.62% tổng dân số, và tổng số ca nhiễm bệnh từ ngày 01/12/2022 đến ngày 20/12/2022 lên tới 248 triệu người, chiếm 17.56% tổng dân số. Biên bản này cũng chỉ ra rằng trong số 31 khu vực hành chính cấp tỉnh, Bắc Kinh và Tứ Xuyên được xếp loại là hai điểm nóng hàng đầu, với tổng tỷ lệ lây nhiễm vượt quá 50%. Ở các tỉnh Thiên Tân, Hồ Bắc, Hà Nam, Hồ Nam, An Huy, Cam Túc, và Hà Bắc, tỷ lệ lây nhiễm đã được phát hiện là từ 20-50%.
Tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc (China Youth Daily), một hãng truyền thông nhà nước do ĐCSTQ kiểm soát, đã đưa tin hôm 07/12 rằng ông Phùng Tử Kiện (Feng Zijian), cựu phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, đã dự đoán rằng khi tác động của đợt đại dịch quy mô lớn đầu tiên đạt đến đỉnh điểm, tỷ lệ lây nhiễm trong dân số sẽ đạt khoảng 60% (tức là 840 triệu người ở Trung Quốc), và sẽ suy giảm dần dần đến một thời kỳ ổn định. Cuối cùng, có thể 80-90% dân số sẽ mắc bệnh.
Vào một thời điểm then chốt khi đại dịch đang lan rộng nhanh chóng ở Trung Quốc như vậy, các loại vaccine của Trung Quốc mang đến rất ít tác dụng bảo vệ chống lại COVID, và thuốc men thì khan hiếm. Vậy tại sao ĐCSTQ lại từ chối đề nghị giúp đỡ chống dịch của Hoa Kỳ?
Hôm 20/12/2022, nhà bình luận Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ biết rõ các loại vaccine phương Tây hiệu quả hơn các loại vaccine Trung Quốc, nhưng họ vẫn từ chối cho phép người dân Trung Quốc chích vaccine ngoại quốc.
Ông Lý nhận định: “Đây là vấn đề tranh chấp về thể chế. Giới chức trách nước này đã bào chữa rằng hệ thống của Trung Quốc ưu việt hơn hệ thống của phương Tây, vì vậy một khi họ chấp nhận các loại vaccine của phương Tây và các lý tưởng của phương Tây về việc chống lại đại dịch, thì rõ ràng là hệ thống Trung Quốc kém cỏi hơn các hệ thống khác. Đây là một cuộc tấn công vào tính hợp pháp của chính quyền Trung Quốc. Do đó, giới chức trách thà để người dân sử dụng các loại vaccine kém phẩm chất hơn — ngay cả khi điều đó dẫn đến nhiều ca tử vong hơn — còn hơn là để người dân Trung Quốc chất vấn về tính hợp pháp của chế độ độc tài toàn trị của ĐCSTQ.”
Người dân mất cảnh giác trước việc ĐCSTQ bất ngờ đảo ngược các lệnh phong tỏa cực đoan
Trong hai năm qua, các phương tiện truyền thông nhà nước của ĐCSTQ đã cật lực chỉ trích và chế giễu Hoa Kỳ vì đã chiến đấu chống đại dịch COVID-19 một cách “kém cỏi.” Hồi tháng 10/2022, Tân Hoa Xã, hãng truyền thông nhà nước lớn của ĐCSTQ, đã đăng một bài báo với nhan đề “Sự thiếu năng lực của Hoa Kỳ trong phòng chống đại dịch để lại vô số rủi ro và nguy hiểm.”
Giờ thì, ĐCSTQ đã không chỉ đột nhiên chọn con đường sống chung với loại virus này — điều mà trước đây họ đã lên án và hết sức cố gắng phỉ báng — mà còn không thực hiện bất kỳ sự sắp xếp hay chuẩn bị nào trước khi thực hiện chính sách quay ngoắt 180 độ, khiến người dân mất cảnh giác. Hồi tháng 12/2022, các tỉnh Quảng Đông, An Huy, Quý Châu, Sơn Đông, và Phúc Kiến đã điều động nhân viên y tế đã về hưu và thực tập sinh y tế trở lại tiền tuyến để chống dịch. Nhiều bệnh viện ở Bắc Kinh, Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh, và Cát Lâm đã yêu cầu nhân viên y tế tiếp tục làm việc và nếu họ bị bệnh, thì họ vẫn phải trở lại làm việc ngay khi hết các triệu chứng, thậm chí khi có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Toàn bộ đất nước và hệ thống y tế của Trung Quốc hoàn toàn không được chuẩn bị cho đợt bùng phát mới đây sau gần ba năm ĐCSTQ tuyên truyền rằng Trung Quốc phòng chống đại dịch ưu việt như thế nào. Một số bệnh viện tuyên bố rằng đỉnh điểm thật sự của đợt dịch này vẫn chưa đến.
Khi không có thông tin minh bạch, người dân Trung Quốc đang chìm trong cơn hoảng loạn, tranh nhau mua bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên và thuốc hạ sốt, chẳng hạn như ibuprofen. Đồng thời, chanh tươi và đào đóng hộp, được đồn đại ở Trung Quốc là có tác dụng làm dịu các triệu chứng của COVID-19, cũng được người dân ráo riết tìm mua. Chỉ vì cảm thấy sợ hãi và muốn được an tâm nên người dân chỉ đơn giản đã nắm lấy bất kỳ ‘phương tiện cứu sinh’ nào mà họ có thể tìm thấy.
Hôm 16/12/2022, Thông tấn xã Trung ương Đài Loan đưa tin cho biết việc đổ xô đi mua thuốc ở Trung Quốc đại lục đã lan ra bên ngoài nước này. Giới truyền thông ở nhiều quốc gia đã đưa tin về làn sóng kiều dân Trung Quốc mua thuốc ồ ạt, đồng thời Nhật Bản và Đài Loan đã bắt đầu áp đặt các giới hạn mua đối với một số loại thuốc thiết yếu. Tại Hồng Kông, Ma Cao, và Úc, thuốc giảm đau và hạ sốt được mua với số lượng lớn, và xảy ra tình trạng thiếu hụt, buộc các tiệm thuốc phải áp dụng các hạn chế mua hàng.
Hôm 22/12/2022, ông Hoành Hà (Heng He), một chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng việc ĐCSTQ đột ngột đảo ngược các lệnh phong tỏa cực đoan của họ minh chứng rằng chính sách zero-COVID trong ba năm qua đã thất bại. ĐCSTQ đã gây ra một làn sóng các thảm họa khi phong tỏa đất nước này, giờ đây việc mở cửa trở lại một lần nữa gây ra cho người dân một làn sóng cơ cực khác. Ông Hoành nêu rõ: “Cả hai cách tiếp cận đó đều không dựa trên khoa học, mà dựa trên sự cấp thiết về chính trị.” Người dân Trung Quốc đã mất cảnh giác trước các chính sách khó lường của ĐCSTQ.
ĐCSTQ mâu thuẫn với bản thân trong chiến dịch tuyên truyền của chính họ
Có một nghịch lý là ĐCSTQ đã quảng bá tính ưu việt của một “hệ thống toàn quốc,” nghĩa là dưới sự cai trị độc tài của đảng này, đất nước luôn thống nhất trong bất kỳ kế hoạch làm việc cụ thể nào, mà trong trường hợp này là kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, với các đợt bùng phát dịch và việc chính sách zero COVID thất bại, thì sự ưu việt như vậy dường như chỉ là hoàn toàn hoang tưởng. Trong lúc các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh đã lựa chọn chung sống với virus này và dần dần cởi mở để người dân trở lại cuộc sống bình thường, thì ĐCSTQ lại một mực phản đối việc chung sống với virus này, thực hiện một chính sách zero COVID hà khắc, hơn nữa còn nâng chính sách này lên thành cuộc chiến về hệ tư tưởng và hệ thống chính trị.
Chia sẻ với The Epoch Times hôm 17/12/2022, ông Quý Đạt (Ji Da), một chuyên gia về Trung Quốc sinh sống tại Hoa Kỳ, nói rằng ĐCSTQ đang cố gắng chứng minh hệ thống xã hội chủ nghĩa của họ là ưu việt hơn so với hệ thống tư bản phương Tây, thông qua việc đạt được mục tiêu không còn COVID bằng mọi giá. Tuy nhiên, vì lo sợ Phong trào Giấy Trắng và những cuộc biểu tình, nên nhà cầm quyền này đã bất ngờ dỡ bỏ những lệnh phong tỏa này mà không có bất kỳ sự sắp xếp hay chuẩn bị trước nào, khiến cả phe ủng hộ chính sách zero COVID và phe ủng hộ “sống chung với virus” đều mất cảnh giác. Do thiếu hụt các nguồn cung cấp y tế, nên người dân khắp nơi đã hoảng loạn đi mua và tích trữ thuốc để phòng thân.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã luôn tuyên bố rằng hệ thống độc đảng của họ là phù hợp nhất để chống lại đại dịch, nhưng phần còn lại của thế giới đã có quan điểm ngược lại. Ông Craig Singleton, phó giám đốc chương trình Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ Dân chủ, cho rằng việc chấp nhận viện trợ của phương Tây không chỉ khiến chính quyền Trung Quốc bối rối mà còn làm suy yếu hoạt động tuyên truyền của họ về tính ưu việt được cho là của mô hình quản trị của ĐCSTQ.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times