Trung Quốc: Cả gia đình ba người lần lượt qua đời vì bị bức hại
Ông Trương Cửu Hải (Zhang Jiuhai), một cư dân Bắc Kinh, đã qua đời hồi đầu năm 2023, khoảng một năm rưỡi sau khi mãn hạn tù 4 năm vì tu luyện Pháp Luân Công.
Theo một báo cáo của trang Minghui.org, một nền tảng trực tuyến có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi lại cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ ở Trung Quốc, vì ông Trương đã phải chịu đựng sự tra tấn lâu dài trong khi bị giam giữ, nên sau khi ông ra tù vào tháng 05/2021, ông đã phải tự mình chống chọi với tình trạng sức khỏe ngày một suy yếu. Ông qua đời ở tuổi 56.
Năm 2000 là năm đầu tiên ông bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, khi đó ông mới chỉ 33 tuổi.
Sau khi cha mẹ của ông Trương qua đời, giờ lại tới lượt ông. Theo báo cáo nói trên, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ba người họ đã bị bắt giữ nhiều lần.
Cuộc bức hại tàn bạo
Pháp Luân Công là một môn tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên các nguyên lý phổ quát là chân, thiện, và nhẫn. Kể từ khi được hồng truyền vào năm 1992, môn tu luyện này đã mang lại lợi ích cho hơn một trăm triệu học viên trên toàn thế giới.
Thế nhưng, các học viên Pháp Luân Công lại trở thành mục tiêu trong cuộc bức hại khốc liệt của nhà cầm quyền.
Khi thấy số lượng người Trung Quốc thực hành Pháp Luân Công ngày một nhiều hơn, thậm chí số học viên còn vượt xa cả số đảng viên của ĐCSTQ, còn được người dân trên khắp Trung Quốc nhiệt tình ủng hộ, nên vào ngày 20/07/1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã chính thức phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Sau hơn hai mươi năm đối diện với cuộc đàn áp tàn bạo, số học viên bị bức hại đến tử vong là không thể kể xiết.
Bắt giữ và tra tấn
Theo báo cáo trên, trước khi bị kết án bốn năm tù, ông Trương đã bị giam giữ trong các trại lao động bốn lần trong tổng cộng bảy năm.
Trong hơn 20 năm, ông Trương và cha mẹ của ông đã phải sống trong sự bức hại tàn bạo. Nhà của họ bị lục soát, còn đồ đạc cá nhân của họ thì bị lấy đi. Họ cũng phải chịu đựng sự đánh đập.
Năm 2002, ông Trương bị kết án hai năm lao động cưỡng bức. Có thời điểm ông bị trói trong khoảng 40 ngày. Sau khi ông tuyệt thực 32 ngày, lính canh mới đồng ý cởi trói cho ông, theo báo cáo.
Những người lính canh này sẽ được thưởng nếu họ có thể thuyết phục được một học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của mình. Đôi khi những người này còn đưa ra một đề nghị với các tù nhân, đó là nếu họ nếu họ giám sát hoặc đánh đập các học viên Pháp Luân Công thì họ sẽ được giảm án.
Theo báo cáo, năm 2003, ông Trương được đưa vào một khu đặc biệt dành cho các học viên Pháp Luân Công không chịu từ bỏ đức tin của mình. Ở đó, ông đã bị tra tấn dữ dội. Mục đích là để buộc ông từ bỏ Pháp Luân Công và đi theo chủ nghĩa cộng sản.
Trong khu đặc biệt này, ông không được ngủ và không được uống nước. Theo Minghui, mỗi bữa ăn, ông được phát cho nửa cái bánh cao lương hấp và hai nhánh dưa muối.
Ông Trương bị phạt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ. Chỉ cần hơi nhúc nhích là ông sẽ bị đánh. Ông bị gãy bốn xương sườn, và xương gò má phải sau khi chịu đựng phương thức tra tấn này. Khi ông vẫn kiên định không từ bỏ Pháp Luân Công, họ đã tăng thời gian cho ông ngồi ghế đẩu lên đến 20 giờ một ngày, báo cáo cho biết.
Năm 2008, ông Trương lại bị bắt và đưa vào một trại lao động khác trong hai năm.
Ngày 29/03/2012, công an lại bắt giữ ông khi ông đang phát đĩa CD có thông tin về Pháp Luân Công và cuộc bức hại của ĐCSTQ trên xe buýt. Ông bị kết án hai năm lao động cưỡng bức tại Trại Lao động Cưỡng bức Tân An, nơi ông bị ép phải uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, theo báo cáo.
Theo báo cáo, ông Trương bị bắt lại vào ngày 08/05/2017. Công an đã chặn ông lại khi ông đi ra ngoài. Họ lục soát nhà ông và tịch thu máy điện toán xách tay, máy in, và các cuốn kinh sách Pháp Luân Công của ông.
Theo báo cáo của Minghui, mẹ của ông Trương đã qua đời vào ngày 06/11/2014.
Sau lần cuối cùng ông Trương bị bắt vào tháng 05/2017, cha ông đã bị ngã và gãy xương hông. Vì không thể di chuyển được, nên ông đã không thể tự chăm sóc bản thân. Khi hay tin, ông Trương đã viết đơn xin tại ngoại để được về chăm sóc cho cha, nhưng đã bị từ chối.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times