Trung Quốc bổ nhiệm lãnh đạo ngân hàng trung ương mới giữa khủng hoảng kinh tế
Các chuyên gia cho rằng đó là hành động khẩn cấp của ông Tập Cận Bình
Hôm 01/07, các lãnh đạo Trung Quốc đã bổ nhiệm một người đứng đầu mới của Đảng Cộng sản tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), một hành động bất ngờ mà một số chuyên gia cho rằng đó là một nỗ lực tuyệt vọng nhằm vực dậy nền kinh tế đang đi xuống của Trung Quốc.
Ông Phan Công Thắng (Pan Gongsheng), 59 tuổi, phó thống đốc PBOC, cuối cùng sẽ thay thế ông Dịch Cương (Yi Gang), thống đốc hiện tại của ngân hàng trung ương, người đã giữ chức vụ này trong 5 năm qua.
Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng các dòng vốn ngoại quốc chảy ra ngoài trong khi đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm so với đồng dollar. Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng cuộc bổ nhiệm mới này sẽ không giải quyết được khủng hoảng kinh tế.
Một hành động bất ngờ
Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng ông Phan có lẽ là người cuối cùng được cân nhắc cho đội ngũ lãnh đạo kinh tế của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 vào tháng 10/2022, ông Phan, một thành viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19, đã bị loại khỏi danh sách này.
Đầu năm nay, có tin tức cho rằng ông Tập đã có hai cộng sự thân cận — ông Chu Hạc Tân (Zhu Hexin), chủ tịch tập đoàn tài chính Trung Quốc Citic Group, và ông Hà Lập Phong (He Lifeng), một đồng minh lâu năm và là phó thủ tướng — là những ứng cử viên hàng đầu cho các vị trí hàng đầu tại ngân hàng trung ương này.
Tuy nhiên, trình độ học vấn, đào tạo ở hải ngoại, và kinh nghiệm của ông Phan đã khiến ông phù hợp với vị trí chính trị đó. Ông có một bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông đã làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Cambridge và là một nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Harvard.
Nhà bình luận các vấn đề liên quan đến Trung Quốc Vương Hách (Wang He) nói với The Epoch Times rằng việc bổ nhiệm bất ngờ này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn cộng đồng quốc tế nghĩ.
Ông Vương cho biết, các chỉ định chính trị của ông Tập được đưa ra trong đại hội toàn quốc của ĐCSTQ hồi năm ngoái đã phản ánh sự tự tin thái quá của ông về nền kinh tế.
“Giới lãnh đạo đã mắc một sai lầm nghiêm trọng, và hiện đang thực hiện những điều chỉnh lớn,” ông nói, ám chỉ sự thiếu năng lực trong số các cộng sự hiện tại của ông Tập.
Nhà kinh tế Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) nói với The Epoch Times rằng quyết định bổ nhiệm ông Phan của giới lãnh đạo Trung Quốc là một hành động bất ngờ vì Bắc Kinh không thể tin tưởng những người đã được đào tạo từ các học viện ngoại quốc mặc dù họ có các kỹ năng phù hợp để thực hiện công việc này.
Sau Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20, giới lãnh đạo cao nhất đã được sắp xếp lại và thành phần là các cán bộ được đào tạo ở Trung Quốc. Ví dụ, ông Hà Lập Phong, người được bổ nhiệm làm phó thủ tướng, có một bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Hạ Môn; ông Lý Vân Trạch (Li Yunze), người vừa được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia mới thành lập, có một bằng tiến sĩ kinh tế tại Trường Cao học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) và Đại học Bắc Kinh.
Một nhiệm vụ khó khăn
Truyền thông Trung Quốc đã đưa tin rằng với việc bổ nhiệm mới này, ông Phan được kỳ vọng sẽ đối phó với “tình hình quốc tế ngày càng phức tạp” và “chinh phục những thách thức về tăng trưởng kinh tế trong nước.”
Các kênh truyền thông đã ca ngợi chuyên môn và thành tích của ông Phan trong lĩnh vực tài chính và việc cải tổ tỷ giá hối đoái quốc gia.
Tuy nhiên, ông Vương không cảm thấy lạc quan rằng việc bổ nhiệm mới này sẽ giải quyết được tình trạng khủng hoảng kinh tế. Ông nói, cuộc suy thoái kinh tế của Trung Quốc là hậu quả của sự kết hợp giữa việc phát triển kinh tế bất thường trong dài hạn và sự phản đối ngày càng tăng đối với chế độ cộng sản.
Ông tin rằng nền tảng kỹ trị của ông Phan, vốn không có mối liên hệ cụ thể nào với một phe phái chính trị, là lý do tại sao ông Tập chấp nhận ông.
Theo ông Vương, ông Phan có thể sẽ đóng vai trò là một cố vấn, nhưng vẫn còn phải xem liệu giới lãnh đạo có nghe theo lời khuyên của ông hay không.
Ông Lý không tin rằng một nhà lãnh đạo mới của ngân hàng trung ương có thể thúc đẩy nền kinh tế đang sa sút.
Ông nói: “Chế độ này không thể ngăn dòng vốn ngoại quốc chảy ra ngoài.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times