Trung Quốc: Bản án 9 năm tù dành cho người đàn ông trong vụ án ‘người phụ nữ bị xiềng xích’
Một người đàn ông Trung Quốc đã bị kết án 9 năm tù vì lạm dụng một nữ nạn nhân của nạn buôn người. Đầu năm 2022, bà mẹ tám con này đã được tìm thấy đang bị xích trong một túp lều ở miền đông Trung Quốc. Vụ bê bối “người phụ nữ bị xiềng xích” đã gây chấn động cả Trung Quốc và cộng đồng quốc tế.
Hôm 07/04, ông Đổng Chí Dân (Dong Zhimin), một người dân làng 56 tuổi đến từ tỉnh Giang Tô, đã bị tòa án thành phố Từ Châu, Giang Tô kết tội lạm dụng và giam giữ trái pháp luật. Năm người khác liên quan đến việc bắt cóc, buôn bán người, và bán “người phụ nữ bị xiềng xích” này bị kết án từ tám năm đến mười ba năm tù.
Đoạn video về “người phụ nữ bị xiềng xích” đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc vào đêm trước Tết Nguyên Đán hồi tháng 01/2022. Video đó cho thấy một người phụ nữ ở huyện Phong, thành phố Từ Châu, bị xiềng xích trong một túp lều lạnh lẽo, không cửa, với một sợi dây xích quanh cổ, và lầm bầm, “Thế giới này không cần tôi nữa.” Sau đó, người ta tiết lộ rằng “người phụ nữ bị xiềng xích” là nạn nhân của nạn buôn người: Bà đã bị gia đình họ Đổng mua và giam giữ trong 20 năm, đồng thời sinh được tổng cộng 8 người con. Bà còn mắc các vấn đề về tâm thần do bị ngược đãi trong nhiều năm. Các quan chức địa phương đã cấp một giấy chứng nhận kết hôn giữa “người phụ nữ bị xiềng xích” này và một trong những người đàn ông trong gia đình họ Đổng — ông Đổng Chí Dân.
Vụ việc này đã gây ra sự phẫn nộ của công chúng và thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Vụ việc cũng thu hút sự chú ý đặc biệt đến vấn đề buôn bán phụ nữ và trẻ em gái có hệ thống ở Trung Quốc cộng sản. Trước sức ép của dư luận, giới chức tỉnh Giang Tô tuyên bố sẽ tiến hành điều tra.
Kể từ khi video này xuất hiện, chính quyền tỉnh Giang Tô đã đưa ra 5 tuyên bố trái ngược nhau về vụ việc này. Danh tính chính xác của “người phụ nữ bị xiềng xích” này và các chi tiết xung quanh vụ án này vẫn chưa rõ ràng.
Phán quyết của tòa án đã xác định “người phụ nữ bị xiềng xích” này là bà Tiểu Hoa Mai (Xiao Huamei), trùng tên với tên mà các quan chức Giang Tô ghi lại. Theo phán quyết của tòa án này, hồi đầu năm 1998, bà Tiểu Hoa Mai đã bị bắt cóc ở tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, và được bán với giá 5,000 nhân dân tệ (728 USD) cho một người dân làng ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, để làm “vợ” của người này. Sau đó, bà bị những kẻ buôn người bán lại cho dân làng ở các khu vực khác nhau. Hồi tháng 06/1999, bà được bán với giá 5,000 nhân dân tệ cho ông Đổng Chí Minh và cha của ông ấy, người đã qua đời sau đó.
Gia đình họ Đổng giữ bà trong ngôi nhà của họ ở làng Đông Cực để họ có thể “sống chung.” Từ năm 1999 đến 2020, bà sinh được 8 người con. Bản án nêu trên mô tả cách thức ông Đổng Chí Dân ngược đãi người phụ nữ này và giam giữ bà bằng xiềng xích, trói bà bằng dây thừng và xích cổ bà như thế nào trong khoảng thời gian từ tháng 07/2017 đến khi tội ác này bị phanh phui. “Người phụ nữ bị xiềng xích” này được cho là đã mắc chứng tâm thần phân liệt.
Bản án tuyên bố rằng ông Đổng Chí Minh, người được gọi là “chồng” của bà Tiểu Hoa Mai, đã phạm hai tội: ngược đãi một “thành viên trong gia đình” và giam giữ trái phép.
Bản án này quá nhẹ
Sau phán quyết này, nhiều bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy rằng bản án dành cho tội ác ghê tởm như vậy là quá nhẹ. Một số người đặt câu hỏi trong bài viết của mình, như “Một người phụ nữ bị mua bán có thể được xem là một thành viên trong gia đình không?”, và “Liệu ‘cuộc hôn nhân’ giữa hai người có tan vỡ hay không?”
Một bài đăng viết rằng: “Điều khủng khiếp nhất về phán quyết vụ án ‘bà mẹ tám con’ này là phần mô tả vụ án đã nêu chi tiết cách thức mà ‘người phụ nữ bị xiềng xích’ này bị bắt cóc và bị bán, đổi chủ từ người mua này sang người mua khác, và cuối cùng bị bán cho hai cha con Đổng Chí Dân. Tuy nhiên, tại phiên tuyên án cuối cùng, ông Đổng Chí Dân bị kết tội ngược đãi nghiêm trọng một ‘thành viên trong gia đình.’ Tôi nghĩ đây là một sự ô nhục đối với hệ thống pháp luật của Trung Quốc và là một sự xấu hổ đối với tất cả những người làm việc hợp pháp ở đất nước này.”
Bà Trì Túc Sinh (Chi Susheng), một luật sư nổi tiếng của Trung Quốc và là một đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 3, đặt một nghi vấn về bị cáo này: “Tại sao ông ấy không bị kết tội cưỡng gian?” Ông Lý Trang (Li Zhuang), một luật sư nổi tiếng khác của Trung Quốc, cũng cho rằng “bản án dành cho tội ngược đãi nhẹ hơn nhiều so với tội cưỡng gian. Bản án này quá nhẹ.”
Những nghi ngờ kéo dài về vụ việc này
Cho đến nay, các bản tin chính thức mới chỉ tiết lộ các biện pháp kỷ luật hành chính đối với 17 cán bộ cấp xã và cấp huyện có liên quan đến vụ việc trên.
Tuy nhiên, những chi tiết của vụ việc vẫn chưa rõ ràng, kể cả danh tính chính xác của “người phụ nữ bị xiềng xích” đó. Người dân cho biết ngoại hình của “người phụ nữ bị xiềng xích” này hoàn toàn khác với bà Tiểu Hoa Mai, nạn nhân được nêu tên chính thức. Trong khi đó, gia đình của các thiếu nữ bị mất tích khác và các nạn nhân buôn người tuyên bố đã xác định được “người phụ nữ bị xiềng xích” là người thân của họ — với một số người cho rằng người phụ nữ này thực sự là Lý Oánh (Li Ying), một nữ sinh đến từ tỉnh Tứ Xuyên bị bắt cóc hồi năm 1996.
Tuy nhiên, một số người ở Hoa lục đã bị công an bắt giữ vì tiết lộ hiểu biết về vụ án khác với phiên bản chính thức, cũng như vì đã tiến hành điều tra.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Tần Bằng (Qin Peng) đã nên ra trong chương trình trò chuyện dành cho NTD rằng vấn đề chính của bản án không phải là việc tuyên án, mà thực tế là bản án đó về căn bản là bất hợp pháp. “Điều mọi người nên hỏi nhất là ‘người phụ nữ bị xiềng xích’ này là ai? Hiện bà ấy đang ở đâu? Tội ác của những quan chức ĐCSTQ đã bức hại bà ấy, bao gồm cả quan chức các cấp – từ địa phương đến chính quyền trung ương – đằng sau năm thông báo chính thức này là gì?
Ông nói, “Rõ ràng, các nhà chức trách đã cố tình né tránh những câu hỏi quan trọng nhất này. Do đó, đây là một phán quyết chính trị với mục tiêu duy nhất là duy trì sự ổn định của chế độ Trung Quốc. Phán quyết này không có bất kỳ tính hợp pháp nào.”
Bản tin có sự đóng góp của Tiêu Luật Sinh
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times