PHÂN TÍCH: Thời kỳ lên ngôi của thành viên thứ 5 trong Ban Thường vụ ĐCSTQ – Thái Kỳ
Hồi tháng Ba năm nay, cựu Bí thư Đảng ủy Bắc Kinh Thái Kỳ (Cai Qi) đã được bổ nhiệm thêm một chức vụ — Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, chức vụ này đã gia cường quyền lực của ông trong việc kỷ luật toàn bộ các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chế độ, và quân đội ngoại trừ những người trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Vai trò mới của ông Thái gợi nhớ đến ông Khang Sinh (1898-1975), một quan chức lạnh lùng hà khắc dưới thời ông Mao Trạch Đông. Khi nói đến ông Khang, hầu hết người Trung Quốc sinh sau năm 1970 không biết nhiều về ông, vì các hãng thông tấn của chế độ này hiếm khi nhắc đến tên ông. Ông Khang là một viên chức an ninh nội bộ lừng danh trong ĐCSTQ, một nhân vật mà không ai có thể thay thế được trong việc trợ giúp cho các chiến dịch chính trị của ông Mao Trạch Đông, đặc biệt là khởi xướng và thực hiện cuộc Đại Cách mạng Văn hóa (diễn ra từ năm 1966 đến năm 1976).
Hình như lịch sử thường lặp lại, sự tương đồng giữa ông Thái và ông Khang có thể giúp chúng ta dự đoán và giải thích các vở kịch chính trị sắp diễn ra ở Trung Quốc cộng sản.
Ông Thái sinh năm 1955 ở huyện Vĩnh An, tỉnh Phúc Kiến. Năm 17 tuổi, ông trở thành một trong những “thanh niên trí thức thành thị” bị “gửi về nông thôn để cải tạo” trong Cách mạng Văn hóa.
Vào cuối những năm 1970, ông được đề nghị theo học Khoa Giáo dục Chính trị tại Đại học Sư phạm Phúc Kiến. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1978, ông ở lại trường đại học này để làm quan chức đảng. Năm 1983, ông được chuyển đến văn phòng Ủy ban tỉnh Phúc Kiến và chính thức bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình.
Ông đã có 20 năm quen biết ông Tập Cận Bình với tư cách là cấp dưới ở quê nhà tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Chiết Giang lân cận. Sự nghiệp của ông đặc biệt suôn sẻ kể từ khi ông Tập lên nắm quyền hồi năm 2012.
Trong nhiệm kỳ của mình ở Chiết Giang, hồi tháng 07/2012, ông Thái đã đến thăm Đài Loan trên danh nghĩa thăm người chú của mình. Trong chuyến đi kéo dài bảy ngày này, ông đã thảo luận về việc thúc đẩy hội nhập và thống nhất hai bờ eo biển với các quan chức hàng đầu của Quốc Dân Đảng là ông Liên Chiến (Lien Chan), và bà Hồng Tú Trụ (Hung Hsiu-chu).
Hồi tháng 11/2013, ông Thái trở thành phó tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang. Bốn tháng sau, ông được chuyển đến Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương (CNSC) mới thành lập của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và giữ chức phó giám đốc của văn phòng trung ương này. Cơ quan mới được thành lập này đứng trên tất cả các cơ quan quyền lực của ĐCSTQ, bao gồm hệ thống công an và hệ thống đặc vụ.
Vào thời điểm đó, một phe phái liên kết với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân vẫn còn rất mạnh, và ông Tập đang ở trong một tình thế bấp bênh. Việc thành lập CNSC đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp ông Tập ổn định quyền lực của mình, và kết quả là ông Thái được ông Tập tin tưởng hơn. Kể từ đó, ông dần tham gia vào các vấn đề an ninh quốc gia của ĐCSTQ.
Năm 2017, ở tuổi 61, ông Thái giữ chức thị trưởng Bắc Kinh cho đến ngày 27/05/2017, khi đó ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh. Vì ông Thái là một đảng viên bình thường, nên ông là ủy viên không thuộc ủy ban trung ương đầu tiên trở thành bí thư đảng ủy Bắc Kinh trong lịch sử ĐCSTQ.
Sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 được tổ chức hồi năm 2017, ông Thái được đề bạt làm Ủy viên Bộ Chính trị, đây là một sự thăng tiến khác thường trong hệ thống của ĐCSTQ. Đến lúc đó, ông đã leo lên hàng ngũ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.
Là một quan chức Đảng với thành tích hạng thường và không tạo được nhiều tiếng vang trong công chúng, ông Thái đã liên tục được thăng chức và thường vượt quá cấp bậc và trình độ ban đầu của mình. Con đường chính trị của ông là một [trường hợp] hy hữu kể từ khi thành lập chế độ ĐCSTQ.
Một trong những “thành tích” chính trị khét tiếng nhất của ông Thái từng gây chấn động dư luận là xua đuổi “nhóm dân cư thấp kém” (những người lao động có thu nhập thấp, trình độ học vấn thấp) ở Bắc Kinh. Hồi tháng 11/2017, ông Thái đã ra lệnh cho các quan chức ngành công an phải trục xuất hàng chục ngàn công nhân nhập cư sống ở vùng ngoại ô Bắc Kinh, buộc họ phải rời khỏi nhà trong thời tiết giá lạnh.
Trong một bài diễn văn nội bộ, ông Thái nói rằng các quan chức đảng nên ở tuyến đầu để “giám sát trận chiến này” và việc trục xuất nhóm dân số thấp kém của Bắc Kinh nói trên cần phải “đánh nhanh, diệt gọn,” điều đó có nghĩa là mệnh lệnh của ông phải được thực hiện đầy đủ, bất kể các nạn nhân có thể bất tuân như thế nào.
Mặc dù ông Thái đã giành được sự tín nhiệm của ông Tập, nhưng ông không ngừng ủng hộ ông Tập và hệ tư tưởng của ông Tập một cách công khai. Hồi tháng 06/2022, với tư cách là bí thư đảng của Bắc Kinh, ông Thái Kỳ đã nói trước Đại hội Đảng của ĐCSTQ rằng, “Chúng tôi vô cùng cảm phục trước tài năng và tầm nhìn phi thường, cũng như phong thái lãnh đạo của tổng bí thư.”
Lịch sử lặp lại
Ông Thái Kỳ và ông Khang Sinh có phần giống nhau; cả hai người này đều tàn nhẫn, và cả hai người này đều dựa vào các thủ đoạn chính trị để chiếm được lòng tin và sự ưu ái của những người nắm quyền, cho phép họ trèo lên những cấp bậc đó, bất chấp thành tích chính trị kém cỏi của họ.
Trong một số chiến dịch chính trị của ông Mao Trạch Đông, ông Khang Sinh đã kiểm soát các cơ quan mật vụ có chức năng chính là phản gián và thanh trừng nội bộ. Theo tuyên bố chính thức của ĐCSTQ, vai trò mới của ông Thái Kỳ với tư cách là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương của ĐCSTQ rất giống nhau, vì chức năng chính của tổ chức này là theo dõi xu hướng chính trị của các quan chức hàng đầu.
Tháng 10/1939, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã thành lập Ban Xã hội Trung ương ở Diên An, phía bắc Thiểm Tây, chịu trách nhiệm về công việc tình báo và phản gián, trong đó ông Khang Sinh là trưởng ban đầu tiên. Ba năm sau, vào năm 1942, ông Mao bắt đầu một cuộc thanh trừng lớn trong đảng này, được gọi là cuộc Chỉnh phong Diên An. Lúc đó ông Khang đã sử dụng Ban Xã hội Trung ương của mình để trợ giúp ông Mao tiến hành chiến dịch “chỉnh đốn tác phong” của mình.
Như đã đề cập trong loạt bài xã luận “Chính Bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc” của The Epoch Times, Chiến dịch Chỉnh phong Diên An đã tạo ra một mô hình “thanh trừng hàng loạt” khủng khiếp.
“Cuộc vận động chỉnh phong Diên An là trò biểu diễn quyền lực khủng bố nhất, đen tối nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại. Lấy danh nghĩa dọn sạch những độc hại của giai cấp tiểu tư sản, ĐCSTQ đã đạp bỏ hết tất cả những giá trị của con người như văn minh, độc lập, tự do, dung nhẫn, tôn nghiêm,” bài bình luận viết.
Một người sống sót sau cuộc chỉnh phong Diên An nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi bị lôi [vào phòng thẩm vấn] và buộc phải nhận tội. Dưới áp lực cực độ, nhiều người đã phải bán đứng lương tâm của mình và bịa đặt những lời dối trá để vu khống người khác.”
Theo các nghiên cứu học thuật, chiến dịch Chỉnh phong Diên An đã khiến hơn 10,000 người thiệt mạng.
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa do ông Mao Trạch Đông khởi xướng, ông Khang lại sử dụng cơ quan mật vụ của mình — lần này là Cục Điều tra Trung ương của ĐCSTQ — để hợp tác với các cuộc tranh đấu quyền lực của ông Mao.
Hồi tháng 05/1966, ông Khang Sinh trở thành cố vấn của Nhóm Cách mạng Văn hóa Trung ương khi Cách mạng Văn hóa lần đầu tiên nổ ra và hồi tháng Tám năm đó, ông trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, bước vào trung tâm quyền lực. Vào thời điểm đó, ông đứng thứ bảy trong đảng này.
Đại Cách mạng Văn hóa đã cướp đi sinh mạng của khoảng 20 triệu người dân Trung Quốc. Các nạn nhân bao gồm thường dân, Hồng vệ binh, và binh lính của cộng sản Trung Quốc.
Ông Đặng Tiểu Bình đã từng nói với một ký giả ngoại quốc, “Số người tử vong thực sự trong Cách mạng Văn hóa phải là một con số thiên văn không bao giờ có thể đếm xuể được.”
Không phải do may mắn hay ngẫu nhiên mà ông Khang Sinh được bổ nhiệm làm giám đốc cơ quan mật vụ trong hai phong trào chính trị lớn này, hoạt động như một đội tiên phong và một sát thủ, mà bởi vì ông ấy là người được lãnh đạo ĐCSTQ chọn.
Sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông Thái Kỳ đã thay thế ông Vương Hỗ Ninh đảm trách vấn đề hệ tư tưởng của ĐCSTQ. Có cơ sở để suy đoán rằng ông ấy có thể sẽ trở thành trưởng ban đầu tiên của Ban Công tác Xã hội Trung ương và sẽ tiếp tục hội nhập và lãnh đạo cơ quan mật vụ đặc nhiệm chuyên về các vấn đề nội bộ của đảng này. Trong trường hợp đó, vai trò của ông sẽ tương tự như của ông Khang Sinh.
Hiện tại, ông Thái Kỳ đứng thứ năm trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, sau ông Tập Cận Bình, ông Lý Cường, ông Triệu Lạc Tế, và ông Vương Hỗ Ninh. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, quyền lực của ông đã được ông Tập đẩy lên cao đến mức ông có thể ngăn cản toàn bộ các quan chức chủ chốt bên ngoài Ban Thường vụ Bộ Chính trị, bao gồm các quan chức đảng, chế độ, và quân đội, và kể cả phe phái của ông Tăng Khánh Hồng, vốn đã khá thù địch với ông Tập.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times