BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Số vụ lạm dụng tình dục trẻ em đang gia tăng ở Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng những nỗ lực gần đây chỉ là băng tấm gạc lên một vết thương đã mưng mủ do chủ nghĩa cộng sản gây ra
Thống kê gần đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và dữ liệu từ Quỹ Bảo vệ Trẻ em gái, một tổ chức bất vụ lợi của Trung Quốc cho thấy số lượng các vụ tấn công tình dục trẻ em đang gia tăng đáng kể ở Trung Quốc.
Chính sách một con của Trung Quốc và hệ thống ghi danh hộ khẩu của nước này, khiến nhiều bậc cha mẹ ở nông thôn phải rời xa gia đình để lên thành phố tìm việc, là một trong những yếu tố rõ ràng dẫn đến sự gia tăng của con số này. Tham nhũng tràn lan trong giới quan chức ĐCSTQ là một yếu tố khác; hệ thống giáo dục của Trung Quốc khiến hàng triệu trẻ em sống xa gia đình trong các trường nội trú công lập [cũng là một trong những nguyên nhân]. Liên quan với những yếu tố trên là hồ sơ buôn bán người khổng lồ và phần lớn không được giải quyết của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tất cả những yếu tố trên đều bộc lộ sự suy đồi đạo đức luôn đi đôi như hình với bóng với chế độ cộng sản Trung Quốc. Họ nói rằng những nỗ lực gần đây để chống lại nạn lạm dụng tình dục trẻ em là đáng ngưỡng mộ, nhưng chỉ là một biện pháp chữa trị bề mặt cho một vấn đề sâu xa hơn nhiều.
Những con số gia tăng
Hôm 17/05, một thông báo ngắn gọn đã xuất hiện trên tờ China News. “Lời xin lỗi gửi Li Xiaoran [bút danh].”
Xuất hiện ở trang 13 của tờ báo, lời xin lỗi ngắn gọn này là trường hợp đầu tiên ở Trung Quốc. Một thẩm phán tòa án dân sự đã ra lệnh cho một người đàn ông bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái trẻ hơn 20 năm trước phải xin lỗi công khai và bồi thường về mặt tài chính.
Mặc dù lời xin lỗi không thực sự chứa đầy sự hối hận, và khoản bồi thường tài chính 300,000 nhân dân tệ (khoảng 44,000 USD) không thể xóa sạch những năm tháng đau đớn và khổ sở [của cô gái], nhưng phán quyết này được ca ngợi là một dấu hiệu cho thấy hệ thống tư pháp của Trung Quốc đang mang lại công lý nhiều hơn cho các nạn nhân là trẻ em bị lạm dụng tình dục.
Bất chấp tiến bộ nhỏ bé này, các vụ lạm dụng tình dục trẻ em đang gia tăng đáng kể ở Trung Quốc.
Theo bạch thư do Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cơ quan công tố cao nhất của Trung Quốc công bố hôm 01/06, trong ba năm kể từ năm 2020 đến năm 2022, gần 177,000 người đã bị truy tố vì tội tấn công tình dục trẻ vị thành niên. Vào năm 2022, số vụ bắt giữ vì hành vi lạm dụng tình dục trẻ em đã tăng 20% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Một báo cáo gần đây hơn, do Quỹ Bảo vệ Trẻ em gái công bố hôm 21/06, đã xem xét mọi bài báo trên các hãng truyền thông về các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em ở Trung Quốc từ năm 2013 đến năm 2021. Báo cáo cho thấy có tổng cộng 2,952 trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em đã được đưa tin trên các hãng thông tấn Trung Quốc trong khoảng thời gian này. Trong số hơn 5,500 trẻ em thuộc những trường hợp này, cứ 10 em thì có 9 em là bé gái.
Đáng kinh ngạc là báo cáo cho thấy thủ phạm là giáo viên chiếm một số lượng lớn — hơn 35%. Khoảng 12% là bạn bè gia đình của nạn nhân; khoảng 11% là hàng xóm, và khoảng 10% là thành viên gia đình, trong khi đó “những người khác” chiếm gần 20%.
Cả hai báo cáo đều ghi nhận rằng nhiều nạn nhân còn rất ít tuổi.
Giáo viên
Trong những năm gần đây, các kênh truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về một số trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em gây bàng hoàng có liên quan đến các giáo viên. Trong một trường hợp được đưa tin gần đây, một hiệu trưởng trường học bị cáo buộc đã cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục nhiều học sinh khuyết tật trong khoảng thời gian 4 năm. Với lý do “thiếu bằng chứng cưỡng hiếp,” ông hiệu trưởng này chỉ phải ngồi tù ba năm rưỡi.
Trong một trường hợp khác, một giáo viên tiểu học đã lạm dụng tình dục 15 bé gái, trong đó em nhỏ nhất chưa đầy 6 tuổi. Hồi tháng Hai vừa qua, người giáo viên này bị kết án 13 năm tù.
Tháng 11/2021, hãng tin Sina của Trung Quốc đưa tin một nam giáo viên tiểu học đã cưỡng hiếp ba bé gái 20 lần và lạm dụng tình dục hàng chục học sinh khác. Tổng cộng lại, người giáo viên này phải chịu trách nhiệm cho hơn 230 vụ lạm dụng. Giáo viên này thú nhận rằng hành vi của mình là không thể tha thứ, và xin được nhận án tử hình. Bản án dành cho người giáo viên này là: án tử hình, hoãn thi hành án hai năm.
Một hệ thống pháp luật thất thường
Báo cáo của Quỹ Bảo vệ Trẻ em gái lưu ý rằng nhiều nạn nhân của lạm dụng tình dục trẻ em biết kẻ lạm dụng họ. Báo cáo cũng quan sát thấy rằng tỷ lệ người quen đã tăng lên trong mười năm qua. Thủ phạm có thể là một người bạn của gia đình, thành viên gia đình hoặc người sống trong cộng đồng.
Một ví dụ gần đây được đưa tin trên truyền thông Trung Quốc là trường hợp của một người đàn ông 38 tuổi, bị kết án 12 năm tù hồi tháng Năm vì tội tấn công tình dục một bé gái 6 tuổi là con của người hàng xóm, sau đó đe dọa sẽ sát hại cả gia đình cô bé này nếu cô bé dám kể chuyện đó với bất kỳ ai. Vụ lạm dụng đã bị bác sĩ của cháu bé phát hiện và báo cáo. Vụ việc đã được thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, trong đó cư dân mạng ca ngợi vị bác sĩ vì đã giải cứu cô bé.
Trong một vụ lạm dụng khác, một bé gái 7 tuổi bị bạn trai của mẹ nhiều lần xâm hại tình dục, gây tổn thương về thể xác. Vụ việc đã gây ra sự phẫn nộ lan rộng trong cư dân mạng khi cảnh sát rút lại các cáo buộc vào tháng Ba năm nay do “không có đủ bằng chứng.”
Các trường hợp trên đã nêu bật bản chất thất thường của hệ thống pháp luật Trung Quốc trong các vụ việc liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em. Xâm hại tình dục trẻ em không được định nghĩa rõ ràng, và trên thực tế, “xâm hại khiếm nhã” đối với các bé trai từ 14 đến 18 tuổi không bị coi là tội phạm mãi cho đến năm 2015.
Do đó, ngành tư pháp Trung Quốc thường đưa ra các giải pháp nhẹ nhàng trong các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em, bác bỏ chúng với lý do không đủ bằng chứng hoặc điều chỉnh lại các cáo buộc để loại trừ lạm dụng tình dục.
‘Những người khác’: Giới quan chức của ĐCSTQ
Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ Trẻ em gái, khoảng 20% những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em không phải là giáo viên, cũng không phải họ hàng, người quen, hay hàng xóm.
Về danh tính của những người này, ký giả độc lập Gia Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang) nói với The Epoch Times rằng ông rất nghi ngờ báo cáo đã sử dụng danh mục “những người khác” một cách mơ hồ để bảo vệ hình ảnh của ĐCSTQ.
Hôm 01/07, ông Gia Cát cho biết: “Về phương diện phạm tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, thì trong giới quan chức hủ bại của ĐCSTQ đã tràn ngập ‘khuynh hướng’ lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp các cô gái trẻ nhờ vào việc lợi dụng quyền lực và thẩm quyền của mình.”
Theo ông Gia Cát, mặc dù đã có một số tin bài đáng chú ý trên truyền thông đưa tin về sự lạm dụng của các quan chức ĐCSTQ, nhưng hầu hết các tội ác này đều không được báo cáo và không bị trừng phạt.
Một trường hợp được dư luận chú ý là của ông Khang Vĩnh (Kang Yong), cựu phó bí thư Đảng ủy Cục Công an thành phố Thiên An, tỉnh Hà Bắc phía bắc Trung Quốc. Năm 2019, ông Khang bị kết án 16 năm 6 tháng tù vì tội lạm dụng tình dục 6 bé gái dưới 14 tuổi. Cuộc điều tra xung quanh vụ án dính líu đến hàng chục đồng phạm, bao gồm các quan chức, đại biểu Quốc hội, và doanh nhân.
Năm 2013, ông Quách Ngọc Thỉ (Guo Yuchi), một quan chức chính quyền huyện Đại Quan, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, đã bắt cóc và cưỡng hiếp một bé gái 4 tuổi. Ông Quách ban đầu được hưởng một bản án nhẹ nhàng, nhưng sau khi tin tức này gây náo động trên mạng xã hội, ông ta đã bị xét xử lại và bị kết án tám năm tù. Sau đó ông ta được ra tù sớm, điều này đã làm dấy lên nhiều phẫn nộ hơn.
Một trường hợp khác năm 2013 liên quan đến một quan chức ĐCSTQ lại có một kết cục khác. Sau khi gây ra làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội, ông Lý Tân Công (Li Xingong), phó giám đốc văn phòng đảng ủy thành phố Vĩnh Thành, tỉnh Hà Nam, đã bị xử tử vì tội cưỡng hiếp 11 bé gái vị thành niên sau các cuộc thẩm vấn của công an.
Tình trạng thất thường này có thể thấy rõ nhất qua trường hợp năm 2021 của ngôi sao quần vợt Bành Soái (Peng Shuai). Cô Bành đã đưa ra những cáo buộc mạnh mẽ đối với một quan chức ĐCSTQ đã về hưu, từng là một trong những người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc. Cô Bành cáo buộc ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) đã tấn công tình dục cô với sự trợ giúp và tiếp tay của vợ ông này. Vụ việc trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu khi Trung Quốc vội vàng kiểm duyệt các bài đăng trên mạng xã hội của cô Bành. Sau đó, người phụ nữ 35 tuổi này biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng một cách bí ẩn và được cho là bị ép buộc khi cuối cùng lại phủ nhận đã đưa ra lời cáo buộc.
Trẻ em ‘bị bỏ lại’ ở Trung Quốc đang gặp nguy hiểm
Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ Trẻ em gái, phần lớn các vụ lạm dụng tình dục trẻ em xảy ra ở khu vực thành thị: chẳng hạn như vào năm 2020, chỉ 9.8% các vụ tấn công xảy ra ở khu vực nông thôn được báo cáo trên các kênh truyền thông Trung Quốc (tính theo các vụ có ghi chú địa điểm).
Người đồng sáng lập Quỹ Bảo vệ Trẻ em gái, bà Tôn Tuyết Mai (Sun Xuemei), đã nói với tờ Sixth Tone của nhà nước Trung Quốc là bà tin rằng có nhiều vụ tấn công xảy ra ở nông thôn, nhưng vì nhiều lý do mà những vụ này không được báo cáo.
“Thực tế là số lượng các vụ lạm dụng tình dục trẻ em được báo cáo ở khu vực nông thôn thấp hơn nhiều so với ở thành phố có liên quan trực tiếp đến việc thiếu sự giám sát chặt chẽ ở những khu vực khó có thể giám sát cả về tư pháp lẫn truyền thông,” bà Tôn nói với Sixth Tone. “Điều đó không có nghĩa là thực sự có ít vụ hơn xảy ra ở đó.”
Trong nhiều năm, những người bênh vực quyền lợi trẻ em đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về “những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau” ở Trung Quốc. Các em là nạn nhân của làn sóng di cư nội địa ồ ạt và hệ thống ghi danh hộ khẩu cứng nhắc của Trung Quốc vốn làm hạn chế khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe và trường học của các em trừ phi các em ở lại quê hương của mình.
Theo số liệu từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, ước tính có khoảng 69 triệu “đứa trẻ bị bỏ lại” được ông bà già chăm sóc hoặc đơn giản là bị bỏ mặc để tự lo cho bản thân. Thường xuyên không được giám sát, những đứa trẻ này là mục tiêu dễ dàng của những kẻ tấn công tình dục. Theo các cuộc khảo sát gần đây của On the Road to School, một tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh, cứ ba em thì có một em cho biết là đã bị lạm dụng tình dục.
Trường nội trú ở Trung Quốc
Theo một bài báo năm 2017 của The Economist, ước tính có khoảng 10 triệu trẻ em nông thôn theo học các trường nội trú. Có khoảng 100,000 trường nội trú ở nông thôn Trung Quốc.
Không giống như các trường học dồi dào tài chính ở phương Tây, các trường nội trú ở nông thôn của Trung Quốc được mô tả là “rất nghèo nàn và thiếu thốn.” Trẻ em ở những trường này thường dễ bị lạm dụng tình dục và các hình thức lạm dụng khác. Một số vụ lạm dụng như vậy đã được báo cáo tại các trường nội trú ở nông thôn trong vài năm qua, nhưng người ta cho rằng hầu hết đều đã không được báo cáo.
Trong khi phần lớn học sinh trường nội trú của Trung Quốc đến từ các vùng nông thôn, nhiều trẻ em thành thị cũng theo học tại các trường nội trú—ước tính khoảng 3.5 triệu em theo số liệu từ năm 2017. Các trường nội trú ở thành thị, không giống như các trường ở nông thôn, thường là nơi các bậc cha mẹ giàu có gửi con cái của họ đến học như là một cách thể hiện danh tiếng. Tuy nhiên, những đứa trẻ này bị tách khỏi cha mẹ từ lúc học mẫu giáo, nên cũng có nguy cơ bị xâm hại cao hơn.
Hậu quả tệ hại từ chính sách Một con của Trung Quốc
Chính sách Một con của Trung Quốc, kéo dài từ năm 1980 đến năm 2016, đã giới hạn các gia đình chỉ được sinh một con. Ảnh hưởng lâu dài của chính sách này, cộng với tâm lý ưa thích con trai của các bậc cha mẹ Trung Quốc, đã dẫn đến sự mất cân bằng giới rõ rệt trong dân số Trung Quốc. Nghiên cứu ước tính rằng có tới 40 triệu phụ nữ “bị mất tích” khỏi xã hội, theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm 2019.
Do chênh lệch về tỷ lệ giới tính, nạn buôn bán cô dâu đã bùng nổ ở Trung Quốc. Đất nước này hiện đứng thứ hai trên thế giới về số lượng nạn nhân của nạn buôn người. Nhiều nạn nhân trong số đó là trẻ em hoặc các cô gái chưa đủ tuổi vị thành niên. Một số lượng lớn các cô gái bị bắt cóc từ các quốc gia khác như Campuchia hoặc Việt Nam; và những cô gái khác thì đến từ các nhóm dân tộc thiểu số hoặc nông thôn dễ bị tổn thương của Trung Quốc.
Vấn đề này đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới hồi năm 2022, khi đoạn video quay cảnh “người phụ nữ bị xiềng xích” ở một ngôi làng nông thôn được lan truyền rộng rãi. Người phụ nữ hiện đã ngoài 40 tuổi, bị bắt cóc khỏi làng khi còn là một thiếu nữ. Cô bị bắt làm nô lệ và bị bán nhiều lần trước khi bị ép kết hôn với một người đàn ông và sinh 8 đứa con. Hồi tháng Tư năm nay, một tòa án Trung Quốc đã kết án sáu người, gồm có “chồng” của cô và những người đã bán và giam giữ cô, từ 8 đến 13 năm tù.
Một vấn đề sâu xa hơn
Ông Gia Cát cho biết, mặc dù vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em ở Trung Quốc ngày càng được chú ý, nhưng “hành vi sai trái về tình dục và loạn luân đã trở thành chuẩn mực trong giới quan chức của ĐCSTQ và là một hiện tượng phổ biến trong xã hội Trung Quốc.”
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times