Trung Cộng tự hại mình bằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công
Hôm 25/04, các học viên Pháp Luân Công kỷ niệm 24 năm cuộc kháng nghị ôn hòa phản đối cuộc đàn áp ở Trung Quốc.
Năm 1999, vào ngày hôm đó, khoảng 10,000 học viên của môn tu luyện tâm linh này đã thỉnh nguyện đến chính quyền trung ương ở Bắc Kinh đính chính những bình luận vu khống trên các ấn phẩm và truyền hình do nhà nước kiểm soát, và yêu cầu trả tự do cho khoảng 45 thành viên trong nhóm của họ trước đó đã bị bắt giữ ở Thiên Tân gần Bắc Kinh.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một phần của tín ngưỡng truyền thống Phật gia và “bao gồm các bài tập có động tác chậm rãi khoan thai (tương tự như yoga hoặc thái cực quyền) cùng với một triết lý đạo đức dựa trên các nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn.”
Theo một bài viết hôm 10/04 của tác giả Trịnh Nham trên Minghui.org, nhiều người ở Trung Quốc và ngoại quốc không hiểu rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã diễn ra năm năm trước các sự kiện của năm 1999.
Bài viết đó nên được đọc với một tinh thần thoáng đãng bởi vì Giáo sư David Ownby, trong một cuốn sách năm 2008 nói về Pháp Luân Công do Nhà xuất bản Đại học Oxford (Oxford University Press) phát hành, đã gọi các báo cáo về cuộc đàn áp trên trang web phiên bản Anh ngữ của Minghui là “có độ tin cậy cao ngay cả khi chúng ta không có cách nào xác thực được chi tiết tất cả các báo cáo đó.” Tuy nhiên, ông Ownby đã có thể xác thực được một số báo cáo, bằng cách liên lạc với các nhân chứng.
Bất kể chiến dịch tuyên truyền trên toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chống lại Pháp Luân Công, ngày càng nhiều người thừa nhận có tồn tại cuộc đàn áp này.
Hôm 22/04, một bài báo nổi bật trên tạp chí Spectator của Úc cho thấy rằng “cuộc đàn áp đã được khảo chứng bởi Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tra tấn, Tổ chức Ân xá Quốc tế, và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, và các ký giả điều tra chẳng hạn như ông Ian Johnson, người sở hữu bản tin đã giúp ông đạt được giải Pulitzer.”
Trong khi hầu hết mọi người ở trong và bên ngoài Trung Quốc được cho là đều tin rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công được khởi xướng để phản ứng lại sự kiện ngày 25/04 này ở Bắc Kinh, tác giả Trịnh lập luận rằng “từ năm 1996 đến năm 1999, nhiều năm trước khi xảy ra sự kiện ở Thiên Tân, người đứng đầu ĐCSTQ lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân, được hai ông La Cán và Tăng Khánh Hồng trợ giúp, đã dàn dựng một vài chiến dịch bí mật và các cuộc tấn công nhằm phỉ báng và làm mất uy tín của Pháp Luân Công.”
Tác giả Trịnh nói rằng vào ngày 25/04, công an ở Bắc Kinh đã hướng dẫn các học viên Pháp Luân Công “xếp hàng xung quanh khu phức hợp chính quyền trung ương,” điều mà dường như thực sự đã xảy ra xét từ video về sự kiện này. Ông Trịnh lập luận rằng chính quyền này sau đó đã sử dụng lời buộc tội các học viên là “‘đã bao vây chính quyền’ … như một cái cớ để bắt đầu cuộc đàn áp vào tháng 07/1999.”
Ông Trịnh viết rằng cuộc thỉnh nguyện ở Bắc Kinh không phải là nguyên nhân của cuộc đàn áp mà là “một sự kiện bị chính quyền thao túng để biện minh cho cuộc đàn áp này.”
Với các báo cáo có tới 70 triệu đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công, nhiều hơn số đảng viên của ĐCSTQ vào thời điểm đó, nên chính quyền này có thể đã xem Pháp Luân Công là một lực lượng cạnh tranh và ngày càng đe dọa đến sự cai trị của họ.
Theo tác giả Trịnh, ngay từ năm 1994, chính quyền đã bắt đầu điều tra nhóm này, cài cắm các đặc vụ chìm. Công an không tìm thấy gì tiêu cực nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm. Một dấu hiệu ban đầu về sự đàn áp của chính quyền xuất hiện với một bài báo trên tờ Quang Minh Nhật Báo, một cơ quan ngôn luận của chế độ, vào ngày 17/06/1996.
Khoảng năm tuần sau, ĐCSTQ cấm xuất bản và phân phối các kinh sách Pháp Luân Công.
“Bộ Công an đã điều tra Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng Một và tháng Bảy năm 1997 và cố gắng chỉ định đây là một tà giáo,” tác giả Trịnh Nham viết. “Họ không những không thu thập được bất kỳ bằng chứng nào để củng cố cho lời tuyên bố đó, mà bản thân nhiều công an tham gia vào cuộc điều tra đã bước vào tu luyện Pháp Luân Công.”
Không có bằng chứng, cuối cùng, vào tháng 07/1998, ĐCSTQ đã tuyên bố Pháp Luân Công là một tà giáo. Công an ở bốn tỉnh và khu vực được cho là đã nhận được lệnh bắt đầu cuộc đàn áp. Công an đã lục soát nhà của các học viên và tịch thu đồ đạc của họ.
Sau cuộc thỉnh nguyện về sự kiện Thiên Tân ở Bắc Kinh và một nỗ lực thấy rõ vào buổi sáng hôm đó của ông Chu Dung Cơ nhằm tiết chế phản ứng của ĐCSTQ, 45 học viên đã được thả vào buổi tối, và cuộc tụ họp ở Bắc Kinh đã giải tán.
Nhưng sức mạnh của Pháp Luân Công trong việc huy động hàng loạt học viên của họ đến Bắc Kinh đã được ông Giang lưu ý. Năm sau đó, ông Giang tuyên bố cấm Pháp Luân Công.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, “từ tháng 07/1999 đến tháng 03/2001, 188 người [học viên] đã bị tra tấn đến tử vong ở Trung Quốc, vài trăm người đã bị kết án tới 18 năm tù, và hơn 50,000 người đã bị giam giữ trong các trung tâm giam giữ, trại lao động, và bệnh viện tâm thần.”
Pháp Luân Công đã phản kháng lại ĐCSTQ trong gần một phần tư thế kỷ, đáp lại, cuộc đàn áp ngày càng gia tăng, cho đến và bao gồm bỏ tù hàng loạt, tra tấn, và cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên bị giam giữ mà theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc là hành vi diệt chủng.
Khi phạm vi toàn cầu của ĐCSTQ tăng lên thông qua sự gia tăng chưa từng thấy trong thương mại quốc tế, thì khả năng đàn áp Pháp Luân Công ở ngoại quốc của họ cũng tăng theo.
Năm ngoái (2022), Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thừa nhận rằng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) đang nhắm mục tiêu vào các học viên Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ.
Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ phụ trách Quận phía Đông của New York đã công bố một trường hợp cụ thể và hai vụ bắt giữ vào tuần trước liên quan đến cuộc đàn áp xuyên quốc gia của Bộ Công an Trung Quốc (MPS), bao gồm cả thông qua các đặc vụ điều hành một “đồn công an” Trung Quốc không được công khai ở thành phố New York. Hai đặc vụ này là những công dân Hoa Kỳ.
Đồn công an này nhắm vào nhiều người Trung Quốc bất đồng chính kiến, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công. Theo các bài báo của The New York Post và The Epoch Times, các quan chức ĐCSTQ đã chỉ thị ông Lư Kiến Vương (Lu Jianwang), một trong những người bị bắt giữ, nhắm vào Pháp Luân Công bằng các cuộc biểu tình đối lập ngay từ năm 2015. Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York bị cáo buộc “đã chỉ thị ông Lư xuất bản các tài liệu trên các tờ báo nhắm vào Pháp Luân Công,” mặc dù ông này nói mình không làm như vậy.
Đồn công an này và những mối liên hệ của họ với cuộc đàn áp Pháp Luân Công là dấu hiệu mới nhất cho thấy ĐCSTQ tiếp tục đàn áp môn tu luyện tâm linh này và các nhóm thiểu số tôn giáo khác, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới. Đáng buồn là, ĐCSTQ hành động đến điểm diệt chủng trong các trường hợp của người Duy Ngô Nhĩ, Pháp Luân Công, và Phật tử Tây Tạng.
ĐCSTQ rõ ràng không nhận ra rằng họ càng ít chấp nhận sự đa dạng về quan điểm và thông lệ ở Trung Quốc và ngoại quốc, thì họ trông càng có vẻ tồi tệ hơn.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times