Một người Trung Quốc bày tỏ lòng biết ơn đối với xã hội tự do ở Úc vào Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới
Một người Trung Quốc sống ở Úc từng trải qua một trong những cuộc diệt chủng lớn nhất trong thế giới hiện đại, đã chia sẻ lòng biết ơn của cô đối với xã hội tự do của đất nước này.
Hôm 09/05, hàng trăm học viên Pháp Luân Công ở Sydney tổ chức một buổi diễn hành để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới sẽ diễn ra vào hôm 13/05 sắp tới.
Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Phật gia gồm các bài công pháp nhẹ nhàng và một bộ bài giảng dựa trên các nguyên lý “chân, thiện, và nhẫn.”
Theo thông tin từ trang Faluninfo.net, ước tính có khoảng 100 triệu người đã thực hành môn này ở trên 90 quốc gia.
‘Cảm thấy tự do và thoải mái’ ở Úc
Cô Mary Li, người đã thoát khỏi cuộc bức hại Pháp Luân Công đang diễn ra ở Trung Quốc, cho biết sau khi đến Úc vào năm 2014, cô đã tham dự không sót một cuộc diễn hành nào của Pháp Luân Công, kể cả một lần dưới trời mưa tầm tã.
Cô nói với The Epoch Times: “Mỗi lần tôi tham dự diễn hành, tôi đều choáng ngợp trước số lượng người đứng xem và chụp ảnh.”
“Tôi đã từng sống trong sợ hãi mỗi ngày trong suốt 20 năm ở Trung Quốc … Nhưng ở đây hoàn toàn không giống như vậy. Tôi không còn phải bận tâm lo lắng điều gì. Ở nơi này tôi cảm thấy rất tự do và thoải mái.”
Kể từ ngày 20/07/1999 — ngày cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân chỉ thị một lệnh cấm đối với Pháp Luân Đại Pháp — hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù và trại tạm giam trên khắp đất nước, nơi họ phải chịu cảnh tra tấn và trở thành nạn nhân của hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức mà nhà cầm quyền này tiến hành.
Năm 2019, một tòa án độc lập mang tên Tòa án Luận tội Trung Quốc đã kết luận rằng “vượt lên mọi nghi ngờ hợp lý”, hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức kiếm lời do nhà nước hậu thuẫn đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm và “trên một quy mô đáng kể”, với các học viên Pháp Luân Công là mục tiêu chính.
“Đất nước này có một hệ thống tốt. Hoàn toàn không giống như Trung Quốc,” cô Li tiếp tục. “Chính phủ ở đây lúc nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất cho người dân.”
Cô Li cho biết cô tham gia diễn hành để nói với xã hội Úc rằng “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.”
Cô Charlotte Wat, đến từ Hồng Kông, cũng bày tỏ sự cảm kích đối với Úc giống như cô Li và chia sẻ rằng cô cũng lo lắng cho sự an toàn ở quê nhà, nơi hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cô Wat mới bước vào tu luyện Pháp Luân Công được vài năm nay. Sau khi tình cờ ăn phải một chiếc bánh quy có tẩm cần sa, loại ma túy này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cô cả về thể chất lẫn tinh thần. Cô đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thoát khỏi tình trạng này cho đến khi cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Cô cho biết những bài giảng và các bài công pháp của môn tu luyện này đã giúp cô hồi phục.
“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cuộc diễn hành nào [của Pháp Luân Công] đi qua ở Hồng Kông,” cô nói. “Ngày trước thì có, nhưng hiện tại thì tôi không chắc.”
Cô cũng chia sẻ rằng cô không có ý định hồi hương và thậm chí cô sẽ không tới thăm Trung Quốc, dù chồng cô xuất thân ở đó.
“Không phải là tôi không muốn quay lại [Hồng Kông], mà là tôi vẫn còn nhiều bất an.”
Cô rất trân trọng quyền tự do tín ngưỡng và tự do biểu đạt ở Úc.
“Ở đây tôi không lo lắng gì hết. Tất cả những thông tin tôi muốn truyền tải đều đã được truyền tải,” cô nói. “Tôi vẫn sẽ bước ra và lên tiếng nếu cần thiết.”
Chủ đề của cuộc diễn hành năm nay là kỷ niệm 31 năm ngày Pháp Luân Đại Pháp được hồng truyền khắp thế giới, ông Tăng Lâm (Zeng Lin), người điều phối chính của sự kiện này cho biết.
Đội hình diễn hành được chia thành ba nhóm lớn — “Pháp Luân Đại Pháp hảo,” “Giải thể Trung Cộng (ĐCSTQ) — Chấm dứt Bức hại,” và “Ủng hộ hơn 410 triệu người Trung Quốc đã thoái ĐCSTQ.”
“Pháp Luân Đại Pháp là hy vọng cứu rỗi cho nhân loại,” ông Tăng nói. “Thông qua hoạt động diễn hành này, chúng tôi hy vọng có thể lan tỏa được vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp đến với thế nhân.”
Người Úc thể hiện sự ủng hộ
One Farrer Place, điểm bắt đầu của cuộc diễn hành, là nơi tọa lạc của một số tòa tháp văn phòng danh giá nhất của Úc, bao gồm các tòa nhà cao ốc Phillip Tower và Macquarie Tower mang tính biểu tượng.
Ông Thomas George, làm việc trong một công ty luật doanh nghiệp, đã nhìn thấy các tấm biểu ngữ “Chân, Thiện, Nhẫn” trong đoàn diễn hành và nói rằng các giá trị phổ quát mà Pháp Luân Công truyền tải là rất quan trọng đối với xã hội ngày nay.
“Trong thế giới hiện đại ngày nay, mọi người cần phải [tuân thủ những giá trị này],” ông nói. “Thật tốt khi mọi người được nhắc nhở như vậy.”
Ông George, người đang cầm tờ rơi và hoa sen mà ông vừa nhận được, cho biết cuộc diễn hành trông thật tuyệt vời và đem lại cho ông một cảm giác thư thái. Ông cũng rất vui khi thấy các học viên Pháp Luân Công lên tiếng vì quyền tự do tín ngưỡng.
“Tôi rất vui vì các bạn đang chiến đấu vì điều này. Ghi nhận người khác vì những gì họ mong muốn thực hiện là một việc tốt,” anh nói.
Khi đi qua Martin Place, đoàn diễn hành cũng đã thu hút sự chú ý của cô Jennifer Ryne, người đã biết về Pháp Luân Công trước đó.
“Cuộc diễn hành này khiến tôi cảm thấy buồn khi biết được những gì mọi người đã trải qua,” cô nói. “Nhưng đó là một lễ kỷ niệm, vì vậy tôi rất vui vì họ được hưởng sự tự do.”
Cô Ryne cảm thấy kinh ngạc trước các tấm biểu ngữ thể hiện sự ủng hộ đối với hơn 400 triệu người Trung Quốc đã thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Thật tuyệt vời,” cô nói. “Càng nhiều người tỉnh ngộ càng tốt.”
Đoàn diễn hành đi qua những con phố sầm uất của Khu Thương mại Trung tâm Sydney và đến Công viên Belmore sau gần một giờ.
Bản tin có sự đóng góp của Văn Thanh Dương
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times