Thị trưởng Ontario nói về sự ủng hộ lâu dài của ông đối với Pháp Luân Công: ‘Tôi vẫn đang lên tiếng’
Khi ông Michael Prue lần đầu tiên biết về chiến dịch đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc ngay sau khi chiến dịch này được phát động cách đây 24 năm, ông cảm thấy mình nên giúp đỡ bằng mọi cách có thể.
Ông Prue, hiện là thị trưởng của thành phố Amherstburg ở Ontario, đã trở thành một người ủng hộ mạnh mẽ Pháp Luân Công kể từ thời điểm đó.
“[Việc phát động cuộc đàn áp] chỉ vừa mới xuất hiện trên mặt báo, thì họ đã có mặt ở văn phòng của tôi,” ông Prue kể với The Epoch Times, đề cập đến các học viên Pháp Luân Công địa phương đã ghé thăm văn phòng của ông ở Tòa thị chính Toronto khi ông còn là một ủy viên hội đồng thành phố.
“Chúa phù hộ họ. Họ sẽ không để sự việc này trôi qua, và tôi ở đó để lắng nghe họ. Và những gì tôi đã nói, tôi vẫn giữ đúng như vậy.”
Sau khi chính quyền Trung Quốc phát động chiến dịch đàn áp sâu rộng đối với các học viên Pháp Luân Công vào tháng 07/1999, các học viên ở thế giới phương Tây đã bắt đầu nỗ lực nâng cao nhận thức về tình hình này, bao gồm cả việc tiếp cận các quan chức và yêu cầu họ giúp đỡ.
Đó là cách ông Prue biết thêm về cuộc đàn áp, trong đó có việc giam giữ tùy tiện, tra tấn, tẩy não, và lạm dụng tình dục các học viên Pháp Luân Công. Năm 2006, có thông tin cho biết các học viên bị cầm tù đang bị sát hại để lấy nội tạng cung cấp cho ngành công nghiệp cấy ghép béo bở của Trung Quốc.
“Lúc đầu khi họ nói chuyện với tôi, tôi gần như không thể tin được. Tôi thực sự tin họ, nhưng hầu như không thể nào một chuyện như thế lại có thể xảy ra,” ông Prue nói về chuyến ghé thăm của các học viên Pháp Luân Công đến văn phòng của ông hồi tháng 08/1999.
“Gần như không thể có chuyện một chính phủ quốc gia lợi dụng một nhóm như vậy và sợ hãi họ đến thế, và vì vậy tôi đã hứa sẽ giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Và ở nơi đây 25 năm sau, tôi vẫn đang lên tiếng phản đối vì chuyện đó là sai trái. Đó là điều sai trái.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bắt nguồn từ truyền thống Phật gia bao gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, nhẫn. Sau khi được giới thiệu ở Trung Quốc vào ngày 13/05/1992, môn tu luyện này đã phát triển nhanh chóng phần lớn là nhờ những lợi ích về sức khỏe mà môn này mang lại, và đến năm 1999, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học.
Lo sợ sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Công, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khởi xướng một chiến dịch đàn áp. Chiến dịch này vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Trong khi đó, môn tu luyện này cũng lan rộng ra nhiều quốc gia hải ngoại. Năm 1995, môn tu luyện này được những người Canada gốc Hoa giới thiệu lần đầu tiên ở Khu vực Đại đô thị Toronto.
Ông Prue cho biết ông thường nhìn thấy các học viên Pháp Luân Công trên đường phố Toronto, tại tòa thị chính ở trung tâm thành phố, và tại Công viên Queen, địa điểm của tòa nhà lập pháp Ontario nơi ông phục vụ với vai trò là nghị sĩ trong 14 năm. Những cuộc tập hợp ngoài trời để luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công và thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt những năm qua.
Ông nói: “Họ là một phần kết cấu của chúng tôi, kết cấu của đời sống Canada.”
“Quý vị không thể đi đến một cuộc diễn hành ở Toronto, hoặc Windsor, hoặc bất cứ nơi nào – những người diễn hành Pháp Luân Công sẽ tham gia cuộc diễn hành đó, giương cao biểu ngữ, nói về chân, thiện, và nhẫn, và để mọi người biết họ là ai.”
Vào tháng Năm hằng năm, để đánh dấu kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới vào ngày 13/05, nhiều thành phố trên khắp Bắc Mỹ ban hành hình thức tuyên bố nào đó để ghi nhận sự đóng góp của Pháp Luân Công cho cộng đồng địa phương. Ở Canada, nhiều đô thị và thành phố, kể cả Amherstburg cũng tổ chức các sự kiện thượng cờ.
“Tôi rất tự hào được tiếp tục truyền thống này tại đây ở Amherstburg,” ông Prue nói, đề cập đến lễ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp hằng năm tại thành phố của ông, nơi có dân số khoảng 23,000 người.
Trong sự kiện hôm 05/05, ông Prue, Phó Thị trưởng Chris Gibb, và một vài ủy viên hội đồng đã học cách luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp.
‘Họ thực hiện được đức tin của mình’
Bà Carolyn Jin, cư dân Toronto, một chuyên gia tài chính, là người đầu tiên mà qua đó ông Prue tiếp xúc với Pháp Luân Công.
Hồi tưởng lại năm 1996, bà Jin làm việc tại văn phòng Bắc Kinh của một công ty kế toán toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ. Đó là thời điểm vàng cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, và kiếm tiền là mục tiêu chính trong cuộc sống đối với nhóm đồng nghiệp của bà.
Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công ở Bắc Kinh vào năm 1996, bà cho biết bà bắt đầu nhận ra mục tiêu của cuộc đời mình: tìm lại chính mình và sự bình yên trong nội tâm. Bà đã cân bằng lại quan điểm sống của mình.
“Tôi nhận ra rằng quan hệ con người không nên dựa trên tiền bạc. Khi mọi người chạy theo tiền bạc và quyền lực, thì Pháp Luân Công thật khác biệt,” bà chia sẻ với The Epoch Times. “Pháp Luân Công dạy tôi tin vào điều thiện; chúng ta không nên sợ mất đi những lợi ích cá nhân khi làm một người tốt.”
Nhờ những lời dạy đó, mà tại nơi làm việc bà đã đảm nhận những nhiệm vụ mà những người khác từ chối hoặc né tránh. Và bằng cách rèn luyện, nâng cao tâm tính của mình cùng với việc tập luyện các bài công pháp khoan thai, chậm rãi của Pháp Luân Công, bao gồm cả thiền định, chứng mất ngủ đã đeo bám bà trong nhiều năm do môi trường tại nơi làm việc và tại đại học có tính cạnh tranh cao đã biến mất.
Sau hai năm, bà là một trong những nhân viên Trung Quốc đầu tiên được cử đến Hoa Kỳ. Người quản lý của bà nói với bà rằng ông muốn đào tạo những người kế nhiệm lãnh đạo dự án toàn cầu và đã chọn bà vì ông cảm thấy bà rất khác biệt so với nhiều nhân viên khác.
Bà Jin cảm thấy được khuyến khích khá nhiều; bà coi đây là một thí dụ cho cách mà các bài giảng của Pháp Luân Công đã thay đổi cuộc đời mình. Bà làm việc ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào năm 1998 và 1999 cho đến khi kết hôn với một người Canada và chuyển đến khu vực Toronto.
Là một người hướng nội, bà Jin thường tránh nói trước đám đông, nhưng sau khi cuộc đàn áp các đồng tu của bà ở Trung Quốc bắt đầu, bà đã vượt qua trở ngại đó và tham gia vào việc tiếp cận các chính trị gia. Bà tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện trong nhiều năm, bao gồm cả lễ thượng cờ ở Amherstburg.
Bà đã công nhận môn tu luyện trong bài diễn thuyết của mình: “Tôi đã tìm thấy một con đường tâm linh vô cùng bổ ích. Môn tu luyện này giúp nâng cao trí tuệ của tôi cũng như khai mở tiềm năng của tôi. Tôi thấy bản thân mình có thể đạt được rất nhiều mục tiêu. Tôi trở nên hạnh phúc hơn, thông minh hơn, và tràn đầy tự tin.”
Bà Jin và ông Prue đã biết nhau 25 năm.
“Bà Carolyn là một người dịu dàng, tuyệt vời. Bà ấy đôi khi cảnh báo tôi khi tôi tức giận với những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, về sự thù hận và coi thường, cũng như việc bỏ tù và thu hoạch nội tạng và tất cả sự việc đó,” ông Prue nói.
“‘Pháp Luân Công còn hơn thế nữa,’ bà ấy đưa tôi trở lại. ‘Đó là một thông điệp tâm linh mà 100 triệu người trên toàn thế giới đón nhận, và chúng ta cũng cần tập trung vào điều đó.’ Vì vậy, bà ấy đưa tôi trở lại vấn đề đó. Tôi đã không thể hiện lòng từ bi và nhẫn nại giống như bà ấy. Điều đó thật tuyệt vời—tôi thấy điều đó ngay thông qua bà ấy và mỗi từng người của phong trào đó.”