Các học viên Pháp Luân Công tôn vinh đức tin vào Chân, Thiện, Nhẫn
Từ khi còn nhỏ bà Jennie Sheeks đã quan tâm đến nỗi đau khổ của người khác.
“Điều ấy đã giày vò tôi. Tôi chưa hề cảm thấy yên tâm để truy cầu đời sống hạnh phúc cho bản thân khi biết rằng những người khác đang đau khổ,” bà Sheeks, hiện là một giám đốc truyền thông 45 tuổi của một tổ chức bất vụ lợi, nói với The Epoch Times.
Khi học trung học ở Philadelphia, bà thường mua thêm một chiếc bánh sandwich cho một người vô gia cư ở địa phương tên là John. Bà nói rằng bà không thể đi ngang qua như thể ông không ở đó để chỉ mua một chiếc bánh sandwich cho riêng mình. Tuy nhiên, bà biết rằng một việc làm nhỏ nhoi như thế không thực sự cải thiện được gì nhiều. Bà muốn tạo nên một sự khác biệt có ý nghĩa cho cuộc sống của người khác.
Bà kể về một ký ức sống động vào một ngày lúc bà 17 tuổi. “Tôi đang bước đi trên một vỉa hè yên tĩnh trong khu phố của mình ở Philadelphia, rồi tôi dừng lại ở góc đường, ngước nhìn lên trời để cầu xin Chúa dẫn lối cho tôi; tôi có thể giúp người theo cách nào? Tôi đã nguyện rằng nếu Ngài chỉ dẫn cho tôi, thì tôi sẽ cống hiến cả cuộc đời cho con đường ấy.”
Bà cho biết bà lớn lên trong một gia đình Quaker (Giáo Hữu Hội) nên tâm linh và mối liên hệ với Thần luôn chiếm vị trí trung tâm trong cuộc sống của bà.
Bà tìm kiếm các phương thức để giúp đỡ người khác và nghiên cứu sự giao thoa giữa tâm linh và các phong trào xã hội. Bằng đại học của bà là về thay đổi xã hội, và bà ngày càng dấn thân nhiều hơn vào các phong trào xã hội và tham gia vào các cuộc biểu tình bất bạo động. Tuy nhiên, bà nhận thấy mình vẫn chưa tìm ra giải pháp. Bà cho rằng thay đổi đơn thuần về các cấu trúc hoặc luật pháp không phải là giải pháp, nhưng bà vẫn tiếp tục tìm kiếm đáp án trên chính con đường đó.
Cuối cùng, bà còn nghiên cứu cả “Tiểu hồng thư” (little red book) của nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông và một cựu thành viên của Đảng Báo Đen (Black Panther Party), một tổ chức chính trị theo chủ nghĩa Marx-Lenin và ủng hộ quyền lực của người Mỹ gốc Phi Châu. Bà đã đi theo quan điểm về một cuộc cách mạng bạo lực.
Cũng trong khoảng thời gian đó, bà gặp chồng mình và kết hôn hồi năm 2006. Mặc dù là người Mỹ gốc Phi Châu nhưng ông không đồng tình với loại quan điểm bạo lực như vậy đồng thời tin rằng các phong trào xã hội và biểu tình là vô nghĩa.
Trong những năm mới kết hôn, họ đã thảo luận rất nhiều điều. Bà Sheeks dần hiểu rõ rằng các phong trào xã hội và biểu tình không thể nào dẫn đến điều thực sự cần diễn ra, đó là khiến nhân tâm hướng thiện.
Đến lúc đó, bà đã nhận ra điều mình hằng tìm kiếm là gì nhưng lại không biết làm thế nào tìm ra. Hơn nữa, sau khi kết hôn ba năm, bà đã sinh được ba người con nên bà suốt ngày tất bật với việc nuôi dạy con cái và một công việc toàn thời gian.
Bà nói rằng bà đã cố gắng buông xuôi mơ ước cả đời của mình là khiến cho thế giới tốt đẹp hơn. “Tôi đã cố tin rằng cuộc sống chỉ là theo đuổi hạnh phúc riêng tư và chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, điều đó để lại khoảng trống trong tâm hồn tôi, và tôi cảm thấy mình rời xa Chúa hơn bao giờ hết,” bà cho biết thêm.
Tìm ra đáp án cho câu hỏi của mình
Bà trở nên bị áp lực về tinh thần. Chồng bà cũng thấy rõ ràng rằng bà đang khổ sở. Trạng thái này trở nên trầm trọng nhất vào mùa thu năm 2011. Vì vậy, ông đã đưa cho bà đọc một số sách tâm linh. Bà nói rằng những cuốn sách đó hữu ích, nhưng bà cũng cần một thứ thiết thực để giúp bà đối phó những căng thẳng thể chất. Bà đã nghĩ đến khí công, các bài rèn luyện thân thể được phát triển ở Trung Quốc cổ đại như một phần của Trung y truyền thống; cách đây nhiều năm một người bạn đã chia sẻ một băng video về các bài tập khí công.
Do đó, bà đã tìm kiếm nhóm từ “khí công ở Philadelphia” trên Internet. Bà tìm thấy một vài lớp học có thu phí tại các trường võ thuật khác nhau, nhưng có một lớp — Pháp Luân Đại Pháp hoặc Pháp Luân Công — với một điểm luyện công miễn phí tại một công viên gần Chuông Tự Do (Liberty Bell) vào mỗi sáng cuối tuần.
Bà chia sẻ cảm nhận rằng nếu lớp học đó miễn phí, thì những người đó tập luyện thật sự chứ không chỉ cố gắng kiếm tiền, cho nên bà đã đến Chuông Tự Do vào một buổi sáng lạnh giá tháng 01/2012.
Các tình nguyện viên ở đó đã dạy bà các bài công pháp và chỉ cho bà biết cách tìm đọc các quyển sách Pháp Luân Đại Pháp trên mạng. Bà cũng biết rằng một bác sĩ tại Đại học Thomas Jefferson đang dạy một lớp Pháp Luân Đại Pháp miễn phí, vì vậy bà đã đến đó mỗi tuần một lần vào giờ nghỉ trưa.
Ở nhà, bà bắt đầu đọc “Chuyển Pháp Luân,” cuốn sách chính gồm các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp. Bà nhớ lại: “Tôi nhận ra đây chính là điều mà tôi đang tìm — một phương pháp rèn luyện cả tâm và thân, và những bài giảng tâm linh giúp tôi định hướng các lựa chọn trong cuộc sống kết hợp với việc luyện công giúp cơ thể tôi hài hòa.”
Bà chia sẻ rằng, qua việc học tập các bài giảng, đáp án cho câu hỏi của bà — tôi nên làm gì để biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn — trở nên thật đơn giản. “Tôi phải bắt đầu [cải biến] chính mình. Tôi phải hướng nội và trở thành một người ngày càng chân, thiện, và nhẫn hơn,” bà nói thêm, đề cập đến ba nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp. “Tôi bắt đầu hiểu rằng chuyên tâm cải thiện bản thân thì sẽ dẫn đến một hiệu ứng lan tỏa. Không những chính tôi đang tu dưỡng chân, thiện, và nhẫn trong cuộc sống của mình, mà qua biểu hiện của tôi và cách tôi đối đãi với người khác, tôi cũng khiến chân, thiện, và nhẫn hiện hữu nhiều hơn trong xã hội.”
“Và hơn hết, tôi lấy lại niềm tin rằng Thần an bài cuộc đời cho chúng ta. Điều này mang lại một sự vững tâm khó có thể diễn tả thành lời. Thậm chí khi chuyện tồi tệ xảy ra, tôi cũng ít bận tâm lo lắng hơn vì tôi biết tất cả đều nằm trong sự an bài và đó hẳn là một điều tốt đẹp hoặc vì một nguyên nhân chính đáng,” bà chia sẻ. “Có thể chấp nhận mọi thứ trên đường đời là cách hữu hiệu nhất để giải tỏa những căng thẳng và quá tải mà tôi từng trải qua do những thử thách không ngừng trong cuộc sống.”
Bà chia sẻ rằng bà đã từng lo nghĩ rất nhiều về việc nuôi dạy con cái — sự khỏe mạnh của các con và liệu mình có lựa chọn đúng đắn cho các con hay không — nhưng giờ thì bà không còn lo lắng nhiều nữa. Bà đã giới thiệu các bài giảng với cả nhà. Mặc dù không tu luyện theo Pháp Luân Đại Pháp, nhưng họ đã nghe theo một số bài giảng để định hướng cuộc sống hàng ngày của họ.
Hai con trai của bà ở tuổi 13 và 16, còn cô con gái thì 15 tuổi. Bà thấy hãnh diện vì con gái bà đã xóa TikTok, một nền tảng video ngắn phổ biến, sau khi bà kể cho cô bé nghe về mối liên hệ của nền tảng này với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cô bé cũng nói với bạn bè và thầy cô giáo về sự nguy hiểm của TikTok liên quan đến việc ĐCSTQ không tôn trọng quyền riêng tư và nhân phẩm của con người.
Bà cũng nói với gia đình rằng cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp bắt đầu từ tháng 07/1999 và vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay. Trong vòng tám năm kể từ khi Pháp Luân Đại Pháp được giới thiệu ra công chúng ở Trung Quốc, pháp môn này đã thu hút 100 triệu học viên. ĐCSTQ đã phát động cuộc bức hại trên toàn quốc, bao gồm tra tấn, lạm dụng tâm thần, và sát hại các học viên để lấy nội tạng của họ, chỉ vì Pháp Luân Đại Pháp đã trở nên phổ biến và có niềm tin khác biệt với chủ nghĩa cộng sản.
“Việc con bé khác biệt so với bạn bè của nó có lúc cũng thật khó xử cho cháu, và người ta cho rằng tại sao cứ phải quan tâm đến những việc làm của ĐCSTQ. Thế nhưng con bé vẫn kiên trì vì nó cảm thấy không cảnh báo mọi người và ít ra không cho họ biết những thông tin này thì có thể không tốt đâu,” người mẹ đầy tự hào này chia sẻ. “Tôi còn nói với con gái rằng con không việc gì phải lo nghĩ về những điều người ta làm, nhưng lòng trắc ẩn của cô bé dành cho người khác là không thể ngừng lại. Tôi nghĩ điều đó cỗ vũ tôi nhiều, và tôi cố gắng lấy can đảm để chia sẻ những sự thật mà tôi biết, ngay cả đôi lúc việc chia sẻ có thể không được ưa thích.”
Treo quốc kỳ
Bà Sheeks cũng nói với mọi người về cuộc bức hại ở Trung Quốc. Đối với bà, điều đó đang giúp ích cho những người đang bị đày đọa ở Trung Quốc cũng như góp phần mang chân, thiện, và nhẫn đến thế giới. Hồi năm 2020, dân biểu của bà, Dân biểu Brian Fitzpatrick (Cộng Hòa-Pennsylvania), đã đề nghị treo một lá cờ Hoa Kỳ cho Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới — 13/05 — và một lá cờ cho nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, ngài Lý Hồng Chí.
Trên một giấy chứng nhận cho những lá cờ này, vị nghị sĩ đã công nhận ngài Lý vì đã truyền dạy các nguyên lý cốt lõi gồm chân, thiện, và nhẫn. Ông nói thêm: “Di sản của ngài sẽ tiếp tục tác động và truyền niềm tin cho thế hệ các nhà lãnh đạo tương lai của chúng ta trên khắp thế giới.”
Trước đó, bà không biết rằng việc treo một lá cờ trên Điện Capitol Hoa Kỳ là một quyền lựa chọn. Bà đã cho rằng đó chỉ là một hành động mang tính biểu tượng rất tốt đẹp cho đến khi bà gặp một người phụ nữ đã thoát khỏi cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc và đến Philadelphia xin tị nạn. Bà đã ngạc nhiên khi người phụ nữ này hay biết về việc kéo cờ qua thân nhân của cô ở bên ngoài Trung Quốc. Bà Sheeks nói: “Từ biểu cảm của cô ấy, tôi có thể nói rằng việc kéo cờ có ý nghĩa rất lớn đối với cô sau những đau khổ mà cô đã chịu đựng trong các nhà tù Trung Quốc.”
Và hồi tháng 07/2020, vị nghị sĩ này đã tham dự bữa tiệc nướng mừng sinh nhật của con trai bà và mang theo một lá cờ Hoa Kỳ khác cho cậu bé.
Đối với bà, quốc kỳ Mỹ là một “biểu tượng cho các giá trị và truyền thống của Mỹ quốc, cơ bản là về nền tự do hoặc quyền tự do — nền tự do khỏi chế độ chuyên chế là một trong những ý nghĩa của quyền tự do.” Bà nói bà “thực sự cảm động” trước cử chỉ tử tế của vị nghị sĩ này nhằm tôn vinh di sản của Pennsylvania như một nơi trú ẩn an toàn cho những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau bị đàn áp ở châu Âu vào thời điểm thành lập tiểu bang.
Vì vậy, năm nay, đáp lại câu hỏi của bà, vị nghị sĩ này nói rằng ông sẽ lại bảo trợ cho việc treo cờ trên Điện Capitol Hoa Kỳ.
Một sự phục hưng về tinh thần
Năm nay, The Epoch Times đã đăng các bài viết của ngài Lý Hồng Chí, những bài giảng từng được dành riêng cho các nền tảng trong cộng đồng các học viên Pháp Luân Đại Pháp.
Các bài viết của ngài Lý đã thu hút phản ứng của nhiều độc giả Epoch Times. Nhiều người đã nhận thấy các bài giảng Pháp Luân Đại Pháp có một số điểm tương đồng với đức tin của chính họ. Một trong những chủ đề phổ biến là mọi người thích sự tự chủ về tinh thần — với sự hướng dẫn về “lý do tại sao” — để họ có thể hiểu các động lực căn bản, tự đưa ra quyết định, và chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Độc giả cho biết nhà sáng lập Pháp Luân Công chỉ giảng giải chứ không gượng ép người khác phải cải biến.
Là một người tự nhận mình là người theo đức tin khác cả về tâm linh lẫn tôn giáo, ông Frank Cellucci nằm trong số những người đã đọc bài viết “Vì sao có nhân loại” của ngài Lý trước đó trong năm nay.
“Sau nhiều năm, tôi bắt đầu công nhận tầm quan trọng về mặt tinh thần và tôn giáo của Pháp Luân Đại Pháp,” ông nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng lúc ban đâu ông xem đây là một môn rèn luyện thể chất. Ông biết đến Pháp Luân Đại Pháp từ một người bạn cách đây khoảng 10 năm. Khi đó cả hai đang học khiêu vũ.”
“Khi tôi đọc các bài viết trên Internet và xem các nội dung trên YouTube, tôi chợt nhận ra Pháp Luân Đại Pháp đã tồn tại trong một thời gian vô cùng xa xưa,” ông Cellucci, người đã dành hơn 30 năm theo đuổi các hành trình tự phát triển tâm linh, cho biết. “Khí công là một phần mở rộng của Pháp Luân Đại Pháp. Đó là một phiên bản thế tục hơn, mang ít tính tâm linh hơn, nếu có. Và khi những người cộng sản tiếp quản Trung Quốc, họ đã cố gắng tiêu diệt và xóa sổ tất cả các loại tôn giáo, bao gồm cả Pháp Luân Đại Pháp.”
Ông biết rằng Pháp Luân Đại Pháp đã được giới thiệu ra công chúng hồi năm 1992. Tuy nhiên, “tôi có ấn tượng rằng Pháp Luân Đại Pháp đã tồn tại trước đó. Có thể pháp môn này đã không được gọi là Pháp Luân Đại Pháp mà tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau,” ông nói.
“Một số điều đặc biệt, một số điều thiêng liêng đối với văn hóa Trung Hoa đã hợp nhất với nhau, và Pháp Luân Đại Pháp đã phát triển từ đó.” Ông nói thêm rằng môn tu luyện tâm linh này đang dẫn đến một sự thay đổi văn hóa căn bản và một sự phục hưng tinh thần nào đó “xuất phát trong cộng đồng người Trung Quốc.”
“Họ mong muốn trở lại với văn hóa chính thống của Trung Hoa. Họ đang đi đến sự tan rã cùng với chủ nghĩa cộng sản nói chung. Họ cho rằng chẳng chế độ này chẳng mang lại gì tốt đẹp cho người dân.”
Vì kinh doanh trong mảng địa ốc và xây dựng nói chung, nên ông thường xuyên đi lại giữa Pennsylvania và California. Khi nào ở Golden State (biệt danh của California) thì đôi khi ông cũng tham gia nhóm luyện công Pháp Luân Đại Pháp ở thành phố Carmel.
Ông nói Pháp Luân Đại Pháp có thể nâng đỡ người dân Mỹ về mặt tinh thần. Ông tiên đoán rằng môn này sẽ trở thành một tôn giáo ở Hoa Kỳ.
Theo ông Trương Nhi Bình (Zhang Erping), phát ngôn viên của môn tu luyện tâm linh này, khi Pháp Luân Đại Pháp bước vào thập niên thứ tư hồng truyền đến công chúng, thì triển vọng tương lai là xán lạn bất chấp sự đàn áp.
Ông Trương nói với The Epoch Times, “Năm nay kỷ niệm 31 năm từ khi Pháp Luân Đại Pháp được hồng truyền ra công chúng hồi năm 1992, và cũng là sinh nhật lần thứ 72 của Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, Sư phụ Lý Hồng Chí. Bất chấp cuộc đàn áp tàn bạo ở Hoa lục, Pháp Luân Đại Pháp đã được truyền ra hơn 120 quốc gia với hàng trăm triệu học viên trên khắp thế giới.”
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times