Lễ kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới tại Berlin, Đức
Ngày 13/05 hàng năm là “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới.” Đây là một dịp đặc biệt đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp, vì đây là ngày sinh nhật của Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập pháp môn, và cũng là ngày mà Đại sư lần đầu tiên truyền rộng môn tu luyện này ra công chúng.
Năm nay (2023), giữa lòng thủ đô Berlin của Đức, hàng trăm học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tổ chức sự kiện để gửi lời tri ân tới Đại sư Lý, đồng thời nâng cao nhận thức cho công chúng về cuộc bức hại đã bắt đầu từ năm 1999 và hiện vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc.
Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới năm nay là một ngày nắng đẹp. Các học viên đã tề tựu tại Cổng Brandenburg (Brandenburger Tor) mang tính biểu tượng của Berlin từ 9 giờ sáng để chuẩn bị.
‘Ngày mai là Ngày Hiền Mẫu, và tôi chưa được gặp cha mẹ mình đã gần 11 năm rồi’
Anh Đinh Nhạc Bân (Lebin Ding) là con trai của một gia đình học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Diêm Gia Trang, huyện Ngũ Liên, thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông. Tại nơi diễn ra sự kiện trên, anh đã lên sân khấu để nói về vẻ đẹp của Đại Pháp và kể về cuộc bắt giữ phi pháp xảy ra với cha mẹ anh chỉ một ngày trước đó vì đức tin của họ.
Anh Đinh hiện đang sống ở Berlin và thường xuyên liên lạc với cha mẹ anh qua điện thoại. Ông Đinh Nguyên Đức (Yuande Ding) và bà Mã Thụy Mai (Ruimei Ma) đã bị bắt giữ phi pháp tại nhà riêng ngay trong lúc đang nói chuyện với con trai. Mẹ anh chỉ kịp nói: “Những người xấu đã vào nhà. Họ còng tay mẹ, tay mẹ tê cứng rồi,” trước khi điện thoại đột nhiên gác máy. Cuộc gọi chỉ kéo dài đúng 33 giây, và từ đó trở đi anh Đinh đã mất liên lạc với cha mẹ mình.
Anh Đinh cho biết, “Thời khắc chúng ta đang chia sẻ và truyền rộng vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp ngay bây giờ, cũng chính là thời khắc mà cha mẹ tôi rất có thể đang phải chịu đựng việc thẩm vấn bất hợp pháp, sự lạm dụng về thể chất, hành vi xúc phạm. … Ngày mai là Ngày Hiền Mẫu, và tôi chưa được gặp cha mẹ mình đã gần 11 năm rồi.”
Trước đó 10 năm trước, vào năm 2013, mẹ anh từng bị nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc cầm tù vì nói lên sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp cho người dân. Nhờ chiến dịch giải cứu của các chính trị gia từ Nghị viện Âu Châu, Nghị viện Đức (Bundestag), và Nghị viện tiểu bang North Rhine-Westphalia, chính quyền Trung Quốc đã buộc phải trả tự do cho bà.
“Kể từ đó, cha mẹ tôi đã bị theo dõi một cách bí mật. Đây là lý do tại sao việc giam giữ bất hợp pháp được tổ chức và lên kế hoạch kỹ lưỡng như vậy. Bởi vì cuộc bức hại này vẫn tiếp diễn,” anh Đinh nói, đồng thời gửi lời cảm ơn và kêu gọi sự giúp đỡ từ phía cộng đồng. (Quý vị có thể lan tỏa thông tin giúp đỡ anh Đinh giải cứu cha mẹ mình tại đây: Free My Parents – Free2Meditate).
Lãnh đạo Đảng AfD tại Berlin: ‘Đó là trách nhiệm của mỗi người dân Berlin để lên tiếng’
Góp mặt tại sự kiện, Nghị viên Ronald Gläser, lãnh đạo Đảng Sự lựa chọn khác cho Đức (AfD) tại Berlin đã có bài diễn văn. Nói về chính quyền Trung Quốc, ông Gläser cho biết, “Việc đàn áp đối với cuộc nổi dậy hoặc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh đã ảnh hưởng rất lớn đến bản thân tôi, và những sự kiện này thật sự rất đáng tiếc.”
Về Pháp Luân Công, ông khẳng định “đây cũng là một trong những nhóm bị áp bức lớn nhất ở Trung Quốc. Quý vị nghe về các vụ bắt bớ, quý vị vừa mới nghe kể lại câu chuyện vừa rồi, quý vị nghe về lao động cưỡng bức hay mổ cướp nội tạng. Đây là những điều không thể chấp nhận được.”
“Nhiệm vụ của các nghị viên Đức là tiếp tục chỉ ra điều này khi tiếp xúc với Trung Quốc. … Và đó không chỉ là công việc dành cho các chính trị gia, bản thân tôi chỉ là một thành viên của nghị viện tiểu bang và tôi khá quen thuộc với những điều này. Đó là trách nhiệm của mỗi người dân Berlin để lên tiếng và nói rằng những gì đang xảy ra ở đó là sai trái.”
Ngoài ông Gläser, các nghị viên khác cũng đã gửi thư chúc mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới. Trong một bức thư chung gửi tới các học viên, các Nghị viên Karin Müller, Martina Feldmayer, Miriam Dahlke thuộc Đảng Xanh ở tiểu bang Hessen cho biết: “Chúng tôi vô cùng đau buồn trước cuộc bức hại và bạo lực đối với các học viên Pháp Luân Công ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đảng Cộng sản Trung Quốc không có quyền bức hại, bắt giữ và tra tấn các học viên, những người yêu chuộng hòa bình.”
Họ tiếp tục khẳng định, “Chúng tôi ủng hộ việc chung sống hòa bình và tin rằng những nỗ lực vì nhân quyền, tự do ngôn luận, và dân chủ cuối cùng sẽ chiến thắng áp bức và phân biệt đối xử. Chúng tôi yêu cầu chính quyền Trung Quốc duy trì nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công theo tiêu chuẩn quốc tế và luật pháp quốc gia.”
Nghị viên Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc Giáo (CDU) Heiko Kasseckert cũng cho biết trong một tuyên bố riêng biệt: “Những giá trị mà Đại sư Lý Hồng Chí truyền đạt trong môn thiền định Pháp Luân Công của ông là những giá trị dường như đặc biệt quan trọng đối với chúng ta ngày nay.”
“Cuộc bức hại này đã tước đi sinh mạng của hàng ngàn người và vẫn chưa có hồi kết. Đó là một sự vi phạm lớn về nhân quyền và là một tội ác phản nhân loại tàn ác.”
“Tôi chúc tất cả các bạn can đảm và mạnh mẽ để tiếp tục đi theo con đường hòa bình này và chúc các bạn sống theo các nguyên tắc đức tin và lương tâm của mình trong tự do và không bị đàn áp. Các bạn sẽ luôn có được sự ủng hộ từ phía tôi.”
Diễn hành bằng xe hơi
Các học viên cũng tổ chức một đoàn xe hơi diễn hành đi qua trung tâm thành phố Berlin. Dưới sự dẫn đường của xe cảnh sát, khoảng 20 chiếc xe hơi mang các thông điệp như “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, “Chân Thiện Nhẫn hảo”, “Thế giới cần Chân-Thiện-Nhẫn”, “Kết thúc Trung Cộng” đã đi qua nhiều khu phố mua sắm. Các học viên tham gia đoàn diễn hành này với mong muốn có nhiều người hơn biết đến Đại Pháp cũng như cuộc bức hại ở Trung Quốc. Cuộc diễn hành kéo dài gần ba giờ đồng hồ.
Các học viên Việt Nam hát ca khúc ‘Tạ Ân Sư’: ‘Đây là dịp tốt nhất để cảm tạ Sư phụ’
Sau phần đọc lời chúc mừng của các nghị viên, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã luyện công theo nhạc Đại Pháp thêm một lần nữa và cùng nhau hát bài “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để bày tỏ lòng cảm ân gửi đến Đại sư Lý Hồng Chí.
Sự kiện ở Berlin năm nay có một điều mới mẻ đặc biệt. Đó là sự xuất hiện của những tà áo dài Việt Nam thướt tha bay trong gió trước ánh mắt ngưỡng mộ của nhiều người. Dàn đồng ca nhạc Đại Pháp Berlin đã dâng lên Đại sư Lý bài hát “Tạ Ân Sư” trong âu phục lịch lãm và tà áo dài truyền thống.
Chia sẻ về sự ra đời của dàn đồng ca đặc biệt này, cô Đinh Hương, trưởng nhóm, cho biết: “Chỉ một thời gian rất ngắn trước khi diễn ra sự kiện, tôi và người điều phối có nói chuyện với nhau về chương trình năm nay. Tôi đã đề nghị thành lập dàn đồng ca nhạc Đại Pháp. Dưới sự giúp đỡ của các điều phối viên cũng như sự hào hứng và lòng mong muốn thiết tha của gần 30 học viên (từ còn rất trẻ đến gần 80 tuổi), dàn đồng ca đã ra đời.”
Cô Đinh Hương nói: “Lúc đầu, phần lớn các thành viên trong nhóm đều rất vui mừng vì có thể sẽ được bày tỏ lòng cảm ân đối với Sư phụ (Đại sư Lý Hồng Chí) qua lời hát, nhưng lại rất ngại ngùng vì chưa bao giờ hát hoặc giọng hát rất yếu. Nhưng tôi đã khích lệ và đồng hành với mọi người. Ngoài vài buổi tập trực tiếp thì tôi tập trực tuyến và tôi tin rằng, với sự cố gắng nỗ lực của cả nhóm, dàn đồng ca sẽ chuyển tải được tâm tình, lòng biết ơn vô hạn của từng người tới Sư phụ tôn kính.”
Chia sẻ cảm nghĩ về bài “Tạ Ân Sư”, cô Phương Lan, một thành viên trong nhóm hát, cho biết cô đã nhiều lần không kìm được nước mắt khi nghe và luyện tập ca khúc này. “Tôi là người hay xúc động, nhưng thực ra là đây là dịp tốt nhất để cảm tạ Sư phụ, không còn dịp nào khác … nên tôi rất hào hứng tham gia ngay từ đầu. Tôi tham gia nhiều hoạt động là vì tâm tôi muốn cảm tạ Sư phụ, chứ không phải theo phong trào.”
Theo chú Duy Tuấn, một thành viên của nhóm nam ca, “Lời bài hát này hơi khó với người trên 60 tuổi, vì hơi trừu tượng một chút.” Để có thể thuộc được và biểu diễn trong thời gian rất ngắn, chú đã nhiều lần chép lời để nhẩm đọc và thức đêm luyện tập. “Chỉ có cách mấy ngày thôi, là phải cùng nhau hát đồng ca tại Brandenburger Tor rồi. Bỗng chốc cần thuộc một bài hát. … thuộc được rồi thì mừng lắm.”
Chị Thùy, một thành viên trẻ trong độ tuổi đôi mươi, cho biết: “Để tham gia và cất lời lên được là cả một quá trình nhẫn nại, hòa mình vào chỉnh thể. Mỗi người một giọng, mỗi người một cách biểu đạt. Khi hát thì chỉ tập trung vào nội tâm bên trong mình thôi.”
Trong quá trình luyện tập cũng như khi biểu diễn đã có những sự cố kỹ thuật nhưng nhờ cố gắng mà dàn đồng ca đã vượt qua và để lại hình ảnh đẹp trong lòng công chúng.
Người dân Đức đón nhận thông tin về Pháp Luân Đại Pháp và phản đối cuộc bức hại
Trong lúc diễn ra các hoạt động, các học viên ở quầy thông tin và đi cùng đoàn diễn hành đã tiến hành giảng rõ sự thật, tặng hoa sen cho người dân, đồng thời thu thập chữ ký thỉnh nguyện cho bản kiến nghị chấm dứt thu hoạch nội tạng cưỡng bức và Kết thúc Trung Cộng (EndCCP.com).
Diễn hành mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới
Sau phần trình diễn của dàn đồng ca và nghỉ trưa giữa giờ, các học viên bắt đầu sắp thành hàng để diễn hành qua các đường phố chính của Berlin.
Đoàn diễn hành đi qua nhiều địa điểm nổi tiếng của Berlin, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân.
Bản tin có sự đóng góp của Epoch Times Tiếng Đức, Epoch Times và NTD Hoa ngữ
Do Qingyao Zhang, Âu Định, Mộc Miên, và Việt Phương thực hiện