Diễn hành ở thủ đô Cộng hòa Czech: Người dân cất tiếng nói lương tri
PRAGUE, Cộng hòa Czech — Hôm 22/07, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tổ chức một cuộc diễn hành tưởng niệm sự kiện ngày 20/07/1999, ngày Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chính thức bắt đầu bức hại môn khí công Phật gia này. Nhiều khách du lịch và người dân bản xứ qua dịp này đã hiểu thêm về những gì đã và đang xảy ra tại Trung Quốc, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân, cũng như sự khâm phục của họ trước sự kiên định ôn hòa mà những người tu luyện đã thể hiện ra từ năm 1999 đến nay.
Pháp Luân Đại Pháp hay còn gọi là Pháp Luân Công, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa được Đại sư Lý Hồng Chí truyền rộng ra công chúng tại Trung Quốc vào năm 1992, gồm các bài công pháp tĩnh tại và một bộ bài giảng đạo đức xoay quanh các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Chỉ sau bảy năm ngắn ngủi, vào năm 1999, ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người theo học pháp môn này. Đố kỵ với sự phổ biến của Pháp Luân Công cũng như số lượng người theo tập, cố chủ tịch ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ban hành lệnh cấm Pháp Luân Công trên toàn quốc và phát động một chiến dịch đàn áp đối với tất cả các học viên Pháp Luân Đại Pháp.
Du khách: ‘Cuộc bức hại này phải chấm dứt’
Chia sẻ với Epoch Times Tiếng Việt, cô Shirley, một du khách đến từ Peru, cho biết cô chưa biết về Pháp Luân Công và chưa từng được xem biểu diễn như thế này ở quê nhà.
“Màn trình diễn này rất thú vị, nó rất khác biệt … và dễ xem.” Cô nói thêm, “Bầu không khí ở đây giống như một lễ hội.”
Vào ngày 25/04/1999, để yêu cầu chính quyền Trung Quốc thả các học viên bị bắt giữ phi pháp ở Thiên Tân, khoảng 10,000 học viên đã đến quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh) để thỉnh nguyện ôn hòa, dù biết có nguy cơ bị đàn áp mạnh mẽ. Thêm vào đó, từ ngày 20/07/1999 đến nay, các học viên vẫn luôn kiên định kháng nghị trước những tội ác của nhà cầm quyền. Những thông tin này đã khiến cô Shirley cảm thấy rất ấn tượng. “Số lượng người tập rất lớn. Những người đó thật thiện lương. Cuộc bức hại này phải chấm dứt.”
Chưa từng nghe về cuộc bức hại, cô Camilla và anh Julian – một đôi bạn trẻ đến từ Colombia, hiện đang sống ở Đức, và đến Czech để du lịch – đã cảm thấy ngạc nhiên khi biết các học viên bị bức hại chỉ vì tin vào chân, thiện, nhẫn.
“Vậy là các bạn … không thể thiền định ở Trung Quốc ư?” cô Camilla hỏi. Khi được cho biết rằng, ngay cả khi quý vị là người phương Tây hay người đến từ một quốc gia khác, quý vị vẫn có nguy cơ bị bắt giữ phi pháp và không thể công khai tập luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công ở Trung Quốc, anh Julian đã ngạc nhiên thốt lên một từ ngắn gọn: “Wow.”
Khi được hỏi họ có biết về thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc không, cả cô Camilla và anh Julian đều khẳng định là có. “Điều này có nghĩa là Trung Quốc cần nhiều tình thương và lòng trắc ẩn hơn,” cô nói. “Bởi vì … chúng ta là những con người tự do, và chúng ta nên được sống một cuộc đời như chúng ta mong muốn.”
Anh Julian cảm thấy “đau đớn” thay cho các học viên. “Làm thế nào để chúng tôi giúp các bạn? Chúng tôi có thể làm gì?” cô Camilla băn khoăn. Khi được biết các học viên đang thu thập chữ ký thỉnh nguyện gửi lên chính phủ các quốc gia, cô đã nhanh chóng đồng ý.
Anh Joshua Ferne, một ký giả người Anh, cũng tham gia sự kiện này. Anh cho biết dù công việc của mình có liên quan đến lĩnh vực chính trị, nhưng anh không biết nhiều về cuộc bức hại này cho đến hôm nay. Anh đã đưa tin nhiều về các hành động của ĐCSTQ và không đồng tình với những gì đang diễn ra ở Hoa lục khi nhà cầm quyền này đàn áp văn hóa truyền thống và đức tin của người dân, trong đó có môn tu luyện Pháp Luân Công. “Tôi nghĩ rằng mọi người nên được tự quyết định ý tưởng nào là đúng đối với họ, điều đó không nên là do chính quyền quyết định. Người dân chắc chắn không nên bị bỏ tù và bức hại vì đức tin và thực hành tu luyện của họ bởi vì bản thân việc đó chính là định nghĩa của chế độ độc tài theo quan điểm của tôi.”
Với anh Ferne, nền văn minh Trung Hoa là đáng ngưỡng mộ với các giá trị quý báu, như những giá trị trong Đạo gia và “Tam quốc diễn nghĩa.” Anh cảm thấy đáng tiếc vì chính quyền Trung Quốc muốn rời xa các giá trị này. Vì vậy, “quý vị cần phải gắng sức giữ vững đức tin của mình và điều đó có thể khó khăn trong hệ thống chính trị hiện tại, nhưng quý vị không nên nản lòng với những gì mình đang làm. Bởi vì việc bảo tồn văn hóa, di sản, và lối sống của quý vị là rất quan trọng. Khi chính quyền đàn áp một điều gì đó, thì đó là vì họ nhận ra rằng điều đó có giá trị nào đấy đối với người dân. Nếu điều đó hoàn toàn không liên quan đến người dân, nếu điều đó chẳng đáng quan tâm, thì họ sẽ chẳng đàn áp.”
Diễn hành ôn hòa đối lập với bức hại tàn khốc tại Trung Quốc
Từ 9 giờ sáng, bên cạnh dinh của Tổng thống Tomáš G. Masaryk, vị tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech, đồng thời ở trước cổng Lâu đài Prague tọa lạc tại phố Hradčany, các học viên đã tổ chức luyện công và giảng chân tướng cho du khách.
Vào 12 giờ 30 phút, từ cổng Lâu đài Prague, đoàn diễn hành đã khởi hành xuống các bậc thang của khu phức hợp. Không giống như những cuộc diễn hành với loa phóng thanh bật cỡ lớn, cuộc diễn hành của các học viên Pháp Luân Đại Pháp diễn ra một cách ôn hòa, với đoàn quân nhạc trong trang phục áo xanh quần sáng màu, đội trống lưng trong trang phục thời Đường, các học viên mặc áo vàng biểu diễn các bài công pháp, những người phụ nữ mặc đồ trắng cầm di ảnh tưởng niệm, …
Các học viên đã đi qua Quảng trường Phố Nhỏ (Malostranské náměstí) nơi có Hạ viện cùng Thượng viện Czech và nhiều đại sứ quán các nước, rồi băng qua cầu Karl (vị vua đầu tiên trở thành Hoàng đế La Mã Thần thánh của Prague).
Cuối cùng, đoàn diễn hành dừng chân tại Quảng trường Phố Cổ, nơi một quầy thông tin đã được dựng sẵn. Các học viên có các bài trình bày cho người dân biết về cuộc bức hại cũng như biểu diễn các bài công pháp thể hiện vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp.
Học viên phương Tây thỉnh nguyện tại Thiên An Môn: ‘Hãy chấm dứt cuộc bức hại’
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu diễn ra tại Trung Quốc vào ngày 20/07/1999, vào ngày 14/02/2002, ông Hubert Körper, một học viên người Đức đã bay sang Trung Quốc và đến Thiên An Môn thỉnh nguyện. Tại thời điểm đó, có khoảng 150 học viên phương Tây dự định tham gia, tuy nhiên 100 người đã bị bắt tại khách sạn sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc và chỉ còn 50 người thoát được.
Trả lời phỏng vấn với Epoch Times Tiếng Việt, ông Hubert kể lại các chi tiết xảy ra khi ông giương cao biểu ngữ kêu gọi chấm dứt bức hại: “Hai cảnh sát lao đến chỗ tôi, tôi bị ấn xuống và sau đó bị đưa vào một chiếc xe và đưa đến trạm gác tại Quảng trường Thiên An Môn. Tại đây các vật dụng cá nhân bị thu giữ, còn người tôi thì bị lục soát, họ đã không thả chúng tôi. Và cuối cùng họ đưa chúng tôi đến nơi gọi là khách sạn phi trường, nhưng đó không phải là một khách sạn mà là một khu an ninh. Họ muốn biết ai đã giao việc cho chúng tôi, tôi đã học Pháp Luân Công từ người nào và những câu hỏi khác nữa.”
Vượt qua hàng ngàn cây số từ các quốc gia phương Tây, cùng chung một tâm niệm, tất cả những học viên Pháp Luân Đại Pháp đều muốn gửi một thông điệp xuất phát từ lương tri đến chính quyền Trung Quốc: “Pháp Luân Công là một phần trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Pháp Luân Công là tốt. Hãy chấm dứt cuộc bức hại,” ông nói.
Trải qua 24 năm kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu cho đến nay, mặc dù ngày càng nhiều người dân trên thế giới đã biết sự thật nhưng đáng tiếc là cuộc bức hại vẫn chưa kết thúc, và theo ông Hubert: “Trong 24 năm qua, mức độ bức hại tại Trung Quốc chưa từng thuyên giảm. Và thêm vào đó lại còn có hoạt động thu hoạch cưỡng bức nội tạng mà vào năm 2002 chúng tôi chưa từng biết đến. Vào khoảng những năm 2005-2006 thì tình hình đã trở nên rõ ràng: các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc là nạn nhân của thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
Theo số liệu thống kê trên trang Minh Huệ, đàn áp bạo lực đã dẫn đến sự thiệt mạng của hàng ngàn học viên.
Nhân chứng bức hại: Hình thức tra tấn mà người thường khó có thể tưởng tượng được
Cô Triệu Mỹ Linh (Zhao Meiling), một thành viên của Thiên Quốc Nhạc Đoàn Âu Châu, đã chuyển sang sống tại Cộng hòa Liên bang Đức từ năm 2015. Trước đó, cô bị ĐCSTQ bức hại trong 16 năm với tổng cộng 10 lần cầm tù phi pháp chỉ vì cô tu luyện Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn với Epoch Times Tiếng Việt, cô giải thích nguyên nhân tại sao ĐCSTQ lại bức hại Pháp Luân Công: “Trải qua 16 năm, tôi nhận ra ĐCSTQ là tà ác và đảng này duy trì quyền lực thông qua độc tài, chuyên quyền, dối trá, tàn bạo, và áp bức. Nói cách khác, ĐCSTQ làm cho người dân sợ nó.” Cô tiếp tục: “Pháp Luân Công dạy người ta sống theo chân, thiện, nhẫn, và trở thành người tốt với tiêu chuẩn đạo đức cao. Đây giống như kính chiếu yêu khiến cho ĐCSTQ khó có thể che đậy sự tà ác của nó, vậy thì làm sao đảng này khoan dung với những người tốt với thể chất và tinh thần khỏe mạnh cùng tiêu chuẩn đạo đức cao được? Do đó nó không tiếc công sức trấn áp họ.”
Không những bản thân cô bị bức hại mà những người thân trong gia đình cô cũng chịu liên đới theo. Cô nói: “Tôi không thể chăm sóc mẹ già 90 tuổi, tôi chưa từng gặp cháu trai 7 tuổi của mình, và chồng tôi cũng bị cầm tù phi pháp, bị phạt tiền, giáng chức, tất cả chỉ vì anh đã trợ giúp tôi.”
Trong 16 năm ấy, với đức tin kiên định vào Pháp Luân Công, cô đã trải qua tất cả những hình thức tra tấn tàn bạo mà người thường khó có thể tưởng tượng ra được. Cô kể lại một vài hình thức bức hại mà mình đã từng trải qua: “Tôi bị bức thực một cách tàn bạo, bị trói chặt bằng dây đai, bị bắt đứng và không được ngủ, bị lục soát nhà và giam trong nhà, ngồi trên ghế tử thần, và bị giam trong hơn ba năm.”
Để quý vị hình dung cụ thể hình thức bức hại, cô giải thích về cách bức thực: “Để bức thực tôi, năm đến sáu công an trói hai tay tôi ra sau lưng, túm tóc tôi và ấn cổ tôi xuống. Không để ý đến sự phản kháng của tôi, họ nhét một ống nhựa vào mũi của tôi. Ống nhựa này nhét vào tận phổi của tôi khiến tôi nôn ra máu và ho liên tục trong hơn một tháng. Tôi bị sốt cao 40 độ. Nếu tôi thiệt mạng thì họ sẽ phải chịu hậu quả, vì vậy để trốn tránh trách nhiệm, họ đành cho tôi về nhà để điều trị.”
Việt Phương, Phượng Hoàng thực hiện