Trong nỗ lực hòa giải mới, TT Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan điện đàm với những người đồng cấp Nga và Ukraine
Hôm 05/01, Tổng thống (TT) Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tổ chức các cuộc điện đàm riêng biệt với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Mặc dù là một nước thành viên NATO, nhưng Ankara có các mối bang giao tốt đẹp với cả Moscow và Kiev.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu hơn 11 tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách đóng vai trò trung gian để hòa giải giữa hai bên tham chiến.
Theo Điện Kremlin, cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Erdogan đã giải quyết một số vấn đề, trong đó có hợp tác năng lượng, thương mại song phương, tình hình bất ổn ở Syria, cũng như cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.
Theo một tuyên bố do Điện Kremlin đưa ra về cuộc xung đột ở Ukraine, ông Putin nhấn mạnh đến “vai trò phá hoại của các quốc gia phương Tây, những nước đang cung cấp cho chính quyền Kyiv đầy đủ vũ khí và thiết bị quân sự, đồng thời cung cấp thông tin về hoạt động và mục tiêu.”
Trong cuộc điện đàm này, ông Putin cũng khẳng định Moscow sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình “với điều kiện Kiev đáp ứng các yêu cầu rõ ràng đã được đặt ra nhiều lần và công nhận các thực tế lãnh thổ mới.”
Hồi tháng 09/2022, Moscow chính thức sáp nhập bốn khu vực của Ukraine vào Liên bang Nga sau khi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Tuy nhiên, Kiev và các đồng minh phương Tây kiên quyết bác bỏ tính hợp pháp của hành động này, điều mà họ xem là sự sáp nhập lãnh thổ bất hợp pháp của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ và Syria nối lại tình hữu nghị
Trong cuộc điện đàm nói trên, hai nhà lãnh đạo cũng “đánh giá tích cực” về cuộc gặp gần đây — do Moscow chủ trì — giữa các bộ trưởng quốc phòng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và Syria.
Tuyên bố của Điện Kremlin viết, “Chúng tôi hy vọng rằng việc tiếp tục liên lạc theo hình thức ba bên này sẽ giúp cải thiện một cách căn bản tình hình ở Syria bằng cách khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của nước này, giải quyết vấn đề người tị nạn, và chống lại các tổ chức khủng bố quốc tế.”
Hôm 28/12/2022, các quan chức tình báo và quốc phòng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp những người đồng cấp Syria của họ tại một cuộc họp mang tính bước ngoặt ở Moscow, nơi có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong hơn một thập niên.
Hôm 03/01, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết ông dự kiến gặp người đồng cấp Syria Faisal Mekdad vào cuối tháng Một tại Moscow.
Hai ngày sau, ông Erdogan cho biết cuộc họp ngoại trưởng theo kế hoạch cuối cùng có thể sẽ mở đường cho một hội nghị thượng đỉnh giữa bản thân ông, ông Putin, và Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ông Erdogan nói với các nhà lãnh đạo Đảng Công Lý và Phát Triển cầm quyền của ông hôm 05/01, “Tùy thuộc vào các diễn biến mà các nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và Syria có thể cùng hướng tới mục tiêu là bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực.”
Kể từ khi cuộc xung đột Syria bắt đầu vào năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn cho các nhóm nổi dậy có vũ trang tích cực tìm cách lật đổ ông Assad.
Ngược lại, Nga ủng hộ Damascus và đã duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở Syria kể từ năm 2015 để trợ giúp ông Assad và chính phủ của ông.
Tuy nhiên, những tháng gần đây đã chứng kiến các dấu hiệu nối lại mối bang giao giữa Ankara và Damascus — một diễn biến được Moscow khuyến khích mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để đổi lấy việc hàn gắn lại mối bang giao với Assad, Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi Nga — cũng như Syria — giúp đỡ chống lại các nhóm chiến binh người Kurd đóng quân ở miền bắc Syria.
Theo ban giám đốc truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã nói với ông Putin trong cuộc điện đàm nói trên rằng “các bước cụ thể” phải được thực hiện để quét sạch Đảng Công Nhân người Kurd (PKK) và YPG, chi nhánh của tổ chức này ở Syria, khỏi miền bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu, xem PKK là một nhóm khủng bố.
Kể từ khi thành lập vào những năm 1970, PKK đã mở nhiều cuộc tấn công vào các mục tiêu dân sự và quân sự bên trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hoa Thịnh Đốn dường như không ủng hộ triển vọng hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo hôm 03/01: “Chúng tôi không ủng hộ các quốc gia nâng cấp các mối bang giao của họ hoặc bày tỏ sự ủng hộ để phục hồi nhà độc tài tàn bạo Bashar al-Assad.”
Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi hòa bình lâu dài
Vài giờ sau cuộc đàm thoại với ông Putin, ông Erdogan đã có cuộc điện đàm thứ hai với ông Zelensky, trong đó ông nhắc lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa hai địch thủ này.
Theo ban giám đốc truyền thông, trong cuộc trò chuyện này, ông Erdogan đã bày tỏ sự sẵn sàng của Ankara trong việc “tạo thuận tiện và làm trung gian với quan điểm bảo đảm hòa bình lâu dài giữa Nga và Ukraine.”
Hai nhà lãnh đạo này cũng đã thảo luận về những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc làm trung gian trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine cũng như một thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho phép Ukraine xuất cảng lúa mì qua Hắc Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow ở Ukraine khi nước này bắt đầu hồi đầu năm ngoái. Tuy nhiên, họ cũng đã từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt do phương Tây dẫn đầu đối với Nga — khiến các đồng minh NATO không hài lòng.
Tính trung lập tương đối mà Ankara thể hiện đã cho phép nước này tự định vị bản thân là một trung gian hòa giải lý tưởng.
Hồi năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp đón các ngoại trưởng Nga và Ukraine với hy vọng tìm ra một giải pháp được cả hai bên chấp nhận cho cuộc khủng hoảng. Ngay sau đó, các phái đoàn Nga và Ukraine đã gặp nhau tại Istanbul để đàm phán.
Mặc dù những cuộc đàm phán đó được tất cả các bên ca ngợi là “mang tính xây dựng” nhưng đã không tạo ra bất kỳ bước đột phá rõ ràng nào.
Hôm 03/01, ông Ibrahim Kalin, một phát ngôn viên của ông Erdogan, cho biết Ankara đang nỗ lực thực hiện “công việc ngoại giao căng thẳng” với cả Moscow và Kyiv.
Theo hãng thông tấn Anadolu Agency của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Kalin cho biết, “Các bộ trưởng trong chính phủ, ngoại trưởng, và bộ trưởng quốc phòng có liên quan của chúng tôi, và các đồng sự khác đang liên lạc với những người đồng cấp của họ từ cả hai bên.”
Sau cuộc điện đàm với ông Putin, về phần mình, ông Erdogan cho biết những lời kêu gọi đàm phán hòa bình nên đi kèm với “một lệnh ngừng bắn đơn phương và một tầm nhìn về một giải pháp công bằng.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times